Thứ Tự Khi Nhóm Lại
1Côrinhtô 14:26–40
Về vấn đề vận dụng các ân tứ của Đức Thánh Linh, Phaolô quở trách tín hữu Côrinhtô về sự lộn xộn trong lúc họ nhóm lại; đưa ra những chỉ dẫn để chấn chỉnh cách áp dụng ân tứ trong các buổi nhóm tương lai. Có vẻ như tín hữu tại Côrinhtô đã phô trương tất cả các ân tứ mà họ được ban cho. Và có lẽ rằng sự lộn xộn xảy ra khi mạnh ai nấy phô diễn ân tứ của mình (26) mà không chờ đến phiên. Có vẻ như Phaolô mô tả rằng trong lúc đang nhóm lại, người được cảm ứng một bài ca hoặc bài thơ, người khác thì nói mình được cảm thúc nói lên một giáo lý hay khải thị nào đó, và cả hai đều giành nhau phát biểu. Phaolô nói rằng, mọi điều đó phải được làm cách nào để Hội Thánh được gây dựng. Có người giải nghĩa theo nguyên văn thì Phaolô khuyến khích tất cả hãy đóng góp các ân tứ mình được ban để xây dựng Hội Thánh. Tuy nhiên, bối cảnh những lời của Phaolô nói ở nửa đầu đoạn 14 cho thấy rằng ông đang phê phán về sự lộn xộn thì đúng hơn.
Phaolô đưa ra vài luật lệ về nói tiếng lạ và nói tiên tri, hai vấn đề nổi lên rõ ràng để tín hữu ở Côrinhtô sẽ làm theo trong tương lai. Trước hết, về việc nói tiếng lạ thì ông giới hạn chỉ được hai hoặc nhiều nhất là ba người nói mà thôi (27); họ không được cùng nói một lượt, mà phải nói theo thứ tự. Điều quan trọng là nếu người nói tiếng lạ đó không thông giải được điều mình nói, cũng không có ai thông giải, thì người ấy phải giữ im lặng, không được nói ra, chỉ nói giữa người đó với Đức Chúa Trời (28). Nhưng, tiếng lạ không nói ra miệng thì chẳng còn là tiếng lạ nữa. Nếu người nói không thông giải được điều mình nói và nếu muốn nói với Đức Chúa Trời để gây dựng riêng mình, thì chỉ có thể nói ở nhà trong giờ người đó ở riêng với Chúa. Không thấy Kinh thánh giải thích gì về sự tự gây dựng khi nói tiếng lạ. Như vậy chỉ có những người đã nhận được ích lợi ấy mới có thể kinh nghiệm sự tự gây dựng qua tiếng lạ là như thế nào.
Người tương giao với Chúa trong chỗ riêng tư luôn luôn được lợi ích từ sự kết nối với nguồn sự sống, dù không hiểu nghĩa của tiếng lạ mình nói ra là gì. Hơn nữa, kinh nghiệm cho thấy rằng cầu nguyện trong tiếng lạ hầu như không mệt mỏi. Có lẽ đó là lý do Phaolô khuyên “cầu nguyện luôn trong Đức Thánh Linh … hãy tỉnh thức và hết sức kiên trì” (Êphêsô 6:18). Một vấn đề nữa để chứng minh Phaolô muốn người nói tiếng lạ mà không được thông giải phải nói ở nhà, vì sự đắm mình vào mối tương giao riêng tư với Chúa của vài cá nhân thì không thích hợp cả về thì giờ lẫn nơi chốn, khi Hội Thánh nhóm lại thờ phượng chung.
Về việc nói tiên tri thì Phaolô truyền rằng chỉ nên có hai hoặc ba người nói trong một buổi nhóm mà thôi. Việc nói tiên tri cũng phải làm theo thứ tự, không phải hai hay ba người đó cùng nói một lúc (29). “…còn những người khác ngồi suy xét;” nghĩa là phân biệt và xác định xem lời nói tiên tri ấy có phải được cảm thúc bởi Đức Thánh Linh hay không. Có vẻ là luật lệ nầy nhắm mục đích ấy. Bởi vì đã có tiên tri giả hoặc có người giả mạo được thần cảm mà nói tiên tri. Vậy những người có ơn tiên tri thật sẽ xem xét, biện biệt, để xem đó có phải là được thần cảm nói lời tiên tri hoặc giải nghĩa Kinh Thánh hay không.
Về ý nghĩa của câu 30 thì có vài sự giải nghĩa khác nhau. Nghĩa đen cho rằng nếu một người đang nói tiên tri mà có người khác được thần cảm, thì người đang nói phải dừng không được nói nữa. Ý giải nghĩa thứ nhì thì cho rằng nếu hiểu như vậy là rất trái ngược, và không thích hợp với bối cảnh văn mạch. Vì tại sao người được thần cảm đang nói lại phải ngừng nói khi người khác cũng được thần cảm bởi đồng một Đức Thánh Linh, nói để chứng minh mình được thần cảm? Có lẽ nào Đức Thánh Linh đang cảm thúc một người nói, rồi trước khi người ấy nói xong, thúc giục một người khác để cắt ngang người đang nói trước, bắt anh ta im lặng? Ý đó rất không hợp lý và cũng không phù hợp với câu tiếp theo là để “anh em đều có thể lần lượt nói tiên tri để ai nấy học hỏi và được khích lệ” (31). Không thể nào lần lượt nói tiên tri khi người nói trước bị ngắt ngang khi chưa nói xong phần của mình. Điều hợp lý hơn là người sau chờ cho người trước nói xong, mới trình bày sự khải thị mới cho mình. Để xác nhận ý nầy, vị sứ đồ thêm rằng “Tâm linh của tiên tri phải thuận phục tiên tri” (32). Nghĩa là các ân tứ thuộc linh mà họ có vẫn giúp họ phân biệt và sử dụng sự nhận định của mình trong việc thực hiện các ân tứ ấy. Sự thần cảm từ Chúa không giống như các thứ tế sư ngoại đạo bị các thế lực tối tăm làm chủ, là loại thường tỏ ra hung bạo và không trị phục được, hành động hỗn loạn không nhường nhau. Nhưng người được thần cảm bởi Đức Thánh Linh dù vẫn hành động trong con người, nhưng có thể tuân theo trật tự bình thường và trình bày sự khải thị cho mình cách đàng hoàng. Ân tứ thuộc linh của anh ta vẫn chịu được điều hành bởi sự cẩn trọng của người ấy.
Lý do mà Phaolô đặt ra các luật lệ là “vì Đức Chúa Trời là Chúa của sự bình an, không phải sự hỗn loạn” (33) và “để ai nấy học hỏi và được khích lệ” (31). Ông nói thêm “Như trong hội của các thánh khắp nơi” đã giữ các luật lệ trật tự nầy trong việc thực hành các ân tứ thuộc linh. Tiếp theo đó thì ông nói về việc “phụ nữ phải yên lặng trong các buổi họp, không được lên tiếng, phải thuận phục như luật pháp dạy bảo” (34). Theo sự giải nghĩa thì buổi nhóm của Hội Thánh thời ấy nam nữ không ngồi lẫn lộn. Các bà vợ thường chồm qua hỏi chồng về những điều không hiểu và gây mất trật tự. Họ chỉ có thể hỏi chồng ở nhà (35). Cách giải nghĩa nầy lấy 1Timôthê 2:11–12“Phụ nữ phải yên lặng học hỏi và hoàn toàn vâng phục. Ta không cho phép phụ nữ dạy dỗ hay cầm quyền trên đàn ông, nhưng phải giữ yên lặng;” có nghĩa là họ hoàn toàn không được phát biểu. Nhưng giải nghĩa đó không ổn khi đem so sánh với (11:5). Ở đó, Phaolô nói về phụ nữ phải trùm đầu khi cầu nguyện và nói tiên tri, nghĩa là họ vẫn có thể lên tiếng cầu nguyện hay nói tiên tri khi được thần cảm. Họ chỉ không được phép dạy dỗ hay cầm quyền trên đàn ông.
Luật pháp Môise và phong tục tập quán của người vùng Trung Đông thời ấy vẫn rất khắt khe đối với nữ giới; nhất là khi có sự tự do tranh luận thì những người đàn bà hay cãi vã to tiếng vì ít được đi học như phái nam. Do đó, họ cũng không có khả năng điều hành việc tổ chức hành chính của vị trí cầm quyền. Theo ý của câu 36 tiếp theo thì đã có hiện tượng những người đàn bà trong Hội Thánh Côrinhtô đã phát biểu, chất vấn hỏi han chồng họ trong buổi nhóm làm mất trật tự, và tín hữu hay những người lãnh đạo thì kiêu hãnh về các ân tứ thuộc linh. Có vẻ như là họ có thái độ cho mình hơn người. Đến nỗi Phaolô phải hỏi: “Có phải đạo Đức Chúa Trời ra từ Côrinhtô?” Nếu không phải thì ‘có phải chỉ ở Côrinhtô mới có đạo Chúa?’ hay là ‘Côrinhtô là nơi duy nhất được ban cho các ân tứ khải thị?’
Phaolô cho tín hữu ở Côrinhtô biết rằng phải xem lời ông viết như là mệnh lệnh của Chúa đã dùng ông để truyền lại cho họ (37). Vì nếu trong số họ có người xưng là tiên tri hoặc là người có sự hiểu biết thuộc linh, nghĩa là những người có sự hiện diện của Đức Thánh Linh, thì họ phải có sự nhạy bén tâm linh để biết đây là những lời Đức Thánh Linh phán cho họ; nếu không nhận ra nổi thì chắc là chưa được Đức Thánh Linh ban sự thần cảm. Đức Thánh Linh không bao giờ mâu thuẫn với chính Ngài. Nếu họ đã nghe Ngài phán như Phaolô đã nghe, thì các giáo huấn đó phải giống nhau. Nhưng hai sự giáo huấn ấy trái ngược nhau, thì chắc không đến từ một Thánh Linh. Hoặc là Phaolô, hoặc là các tiên tri ở Côrinhtô là tiên tri giả mạo. Cho nên, “Ai không nhìn nhận như thế, người ấy không được nhìn nhận” (38).
Phaolô kết luận phần giáo huấn về các ân tứ bằng cách nhắc lại tính cách cao quý và lợi ích của ơn nói tiên tri “…, hãy tha thiết ước ao được nói tiên tri.” Ông cũng sợ rằng họ sẽ loại trừ ơn nói tiếng lạ vì sợ lộn xộn, nên ông dặn “và đừng ngăn cấm việc nói tiếng lạ” (39). Tuy nhiên, các ân tứ phải được thể hiện cách “thích hợp và trong vòng trật tự”(40). Nghĩa là họ phải tránh bất cứ việc gì gây ra mất trật tự và tính đứng đắn của Cơ đốc giáo. Tránh không được đem vào cuộc thờ phượng Chúa điều gì mà ý tưởng hư vô cho rằng sẽ làm đẹp cho cuộc thờ phượng, nhưng lại gây ra sự lộn xộn, mất kỉnh kiền. Hãy tránh xa ý tưởng ấy!
1Corinhto23.docx
Rev. Dr. CTB