Sự Sống Lại (2)
1Côrinhtô 15:35–58
Lý lẽ của người không tin có sự sống lại là: “Người chết sống lại cách nào? Lấy thể xác nào mà trở lại?”(35). Hầu hết dân ngoại giáo đều có thắc mắc tương tự, nghĩa là xác người chết đã hư nát rồi thì lấy thể xác nào mà sống lại? Phaolô trả lời rằng bởi quyền năng mà người ta vẫn thấy được thể hiện qua các hột giống gieo xuống đất: “Hạt giống anh em đem gieo, nếu không chết đi sẽ không bao giờ sống lại” (36). Kẻ dại dột không tin Đấng đã làm cho hạt giống chết đi sống lại có thể khiến người chết lại sống. Bị mắng là dại vì nghi ngờ quyền năng thiên thượng không thể làm người chết sống lại. Hình thể người sống lại tương tự như giống khi được gieo chỉ là cái hạt, không phải là hình thể về sau khi nó mọc lên (37), “sự sống lại của người chết cũng thế, một thân thể hư nát được gieo ra, nhưng sống lại là một thân thể bất diệt” (42).
Đức Chúa Trời tạo nên hình thể mỗi vật khác nhau (38). Các sinh vật có xác thịt: “loài người, loài thú, loài chim, loài cá, đều khác nhau” (39). Cấu tạo của những vật trên trời khác với trái đất chúng ta đang ở, và “vinh quang hình thể trên trời khác vinh quang hình thể dưới đất” (40), nghĩa là vinh quang của mỗi vật thì thích hợp với vị trí mà Chúa đã đặt nó. Những vật ở trên trời không thích hợp với địa cầu, còn các loài ở địa cầu không thích hợp với các thiên thể ngoài trái đất. Nói về hào quang của những thiên thể cũng khác nhau rất xa (41). Dựa trên sự quan sát thông thường giữa đất và trời như thế, thì sự sống lại của người chết để lên cư ngụ ở cõi trời cũng như vậy (42). Tuy vinh quang của từng người sống lại thì khác nhau, nhưng đều có cùng đặc tính: “Gieo trong tủi nhục, nhưng sống lại trong vinh quang. ‘Gieo’ là yếu, nhưng sống lại là mạnh. Gieo một thân thể xương thịt, sống lại là một thân thể thần linh” (43–44).
Phaolô so sánh Ađam với Đấng Christ để làm sáng tỏ điều ông muốn giải thích: “Nếu đã có thân thể xương thịt, tất nhiên cũng có thân thể thần linh” (44b). Chúng ta có thân thể thiên nhiên như của loài thú từ Ađam thứ nhất, chúng ta mong mỏi thân thể thần linh từ Ađam thứ nhì. Tính chất khác nhau của hai vị được trình bày là: “Người thứ nhất là Ađam được nên người sống. Còn Ađam sau cùng (thứ nhì) là Thần linh ban sự sống” (45). Đấng có sự sống mới có thể ban sự sống (Giăng 6:63; 11:25). Như Ađam là người thứ nhất từ đất mà ra, là bụi đất, chúng ta phải có thân thể xác thịt bằng bụi đất như Ađam trước khi được mang thân thể thần linh của Ađam thứ nhì (46,49). Như chúng ta phải có thân thể yếu đuối hay chết của dòng dõi Ađam thứ nhất trước khi có thể có thân thể sống động, thần linh bất tử do quyền phép của Ađam thứ nhì, chúng ta phải chết trước khi có thể sống để không còn chết nữa (47–48).
Phaolô tóm tắt lý luận của ông là: “Tôi xin xác nhận, thân thể bằng thịt bằng máu không thể thừa hưởng nước Đức Chúa Trời, những gì hư nát cũng không thể hưởng sự sống bất diệt” (50). Cõi thiên đàng vĩnh cửu không thể chứa các thân thể xác thịt với đủ thứ chất lỏng dễ hư thối của loài người chúng ta. Vì chúng ta sẽ hưởng cõi trường sinh bất tử, bất hoại, thì làm thế nào thể xác hư hoại của chúng ta có thể thích hợp với cõi ấy? Như thế, những chất liệu của thân thể hay chết và hư hoại nầy phải được biến đổi thành chất khác tồn tại vĩnh viễn, trước khi nó có khả năng sở hữu sản nghiệp thiên đàng; có nghĩa là, thân thể của các thánh đồ khi được sống lại sẽ được biến đổi, hoàn toàn khác hẳn với chất liệu hiện tại để trở nên thân thể hoàn hảo, không bị hư hoại nữa.
Để xác nhận về sự biến đổi phải xảy ra, Phaolô tiết lộ một huyền nhiệm đã được giữ kín cho tới khi viết thư nầy là, không phải tất cả các thánh đồ sẽ chết hết, nhưng tất cả sẽ được biến hoá (51). Những người nào còn sống tới ngày Đức Chúa Giêxu trở lại sẽ được rước lên không trung, không phải trải qua sự chết: “……chúng ta là những người đang sống, những người còn ở lại, sẽ được cất lên trong đám mây cùng với họ để nghênh đón Chúa trên không trung” (1Têsalônica 4:17). Tuy nhiên, được cất lên không có nghĩa là không cần phải được biến đổi từ thân thể hay chết qua thân thể bất hoại, bất tử của các thần linh. Tất cả đều phải được biến hoá trong nháy mắt: “Tất cả chúng ta sẽ được biến hoá, trong khoảnh khắc, trong chớp mắt, khi tiếng kèn cuối cùng trổi lên. Vì kèn sẽ thổi, người chết sẽ sống lại, thân thể không còn hư nát, và chúng ta sẽ được biến hoá. Thân thể hư nát nầy sẽ mặc lấy sự bất diệt, thân thể chết chóc nầy sẽ mặc lấy sự bất tử” (51b–53).
Phaolô cho biết tiếp về những gì sẽ xảy ra sau khi những người sống và chết trong Christ sẽ được biến hoá “Khi thân thể hư nát trở nên bất diệt, thân thể chết chóc trở nên bất tử, lúc đó lời Kinh Thánh nầy sẽ được ứng nghiệm: ‘Trong cuộc chiến thắng, sự chết đã bị nuốt mất. Nầy sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu? Nầy sự chết, nọc độc ngươi để nơi nào?’” (54–55; Ôsê 13:14). Lúc ấy “sự chết đã bị sự sống nuốt mất” (2Côrinhtô 5:4). Sự chết bị khuất phục hoàn toàn, thánh đồ được giải thoát khỏi quyền lực của nó. Ở nơi mà Chúa chúng ta nuôi nấng các thánh đồ của Ngài thì sự chết sẽ vĩnh viễn biến mất. Việc sự chết bị huỷ diệt làm cho các thánh đồ lên tiếng reo mừng đắc thắng: “Nầy sự chết, nọc độc của ngươi đâu rồi? Hỡi mồ mả, chiến thắng của ngươi ở đâu?” Chỉ một khoảnh khắc, trong một chớp mắt, chiến thắng và nọc độc của sự chết đột ngột biến mất không còn thấy tăm dạng đâu nữa.
Nền tảng của chiến thắng nầy được giải thích: “Nọc độc của sự chết là tội lỗi, sức mạnh của tội lỗi là luật pháp” (56). Tội lỗi giống như chất độc tẩm vào các mũi tên của sự chết, nó là quyền lực của sự chết để gây thương tích và giết chết. Tội lỗi chẳng bao giờ tha thứ ai, và có thể cầm giữ bất cứ ai dưới quyền lực của nó. Luật pháp thì dùng sự đe doạ thiên thượng đòi trừng phạt những ai vi phạm các nguyên tắc luật pháp đã đưa ra, tức là sự rủa sả trên người vi phạm, điều đó ban quyền lực cho tội lỗi; đến nỗi chỉ vì tội của một người mà tội lỗi đã xâm nhập thế gian gây ra sự chết: “Vậy, chỉ bởi một người tội lỗi đã vào thế gian, và bởi tội lỗi mà có sự chết” (Rôma 5:12). Nhưng bởi sự chết chuộc tội của mình, Đấng Christ đã cất đi nọc độc nầy, ban sự tha tội cho các thánh đồ. Tội lỗi vẫn có thể phun hơi đe doạ, nhưng nó không thể làm hại được nữa. Sức mạnh của tội lỗi là sự rủa sả của luật pháp thì cũng đã bị cất mất, vì Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã mang lấy sự rủa sả đó thay cho chúng ta rồi (Galati 3:13).
Tội lỗi đã bị suy giảm sức mạnh và nọc độc của nó. Hiện nay sự chết vẫn có thể bắt lấy các tín hữu, nhưng không thể tiêm nọc độc vào họ, cũng không thể mãi cầm giữ họ dưới quyền lực của nó. Một ngày sẽ đến, khi mồ mả mở ra, dây trói của sự chết bị tuột ra, các thánh đồ đã chết sẽ sống lại, và trở nên bất hoại, bất tử. Rồi, sẽ trình bày rõ ràng ra rằng sự chết đã mất quyền lực và nọc độc của nó. Mọi điều đó xảy ra nhờ sự trung bảo của Đấng Christ khi Ngài chết thay cho mọi thánh đồ. Khi chịu chết, Ngài đánh bại tử thần, phá tan mồ mả. Bởi đức tin vào Ngài, tín hữu được dự phần vào chiến thắng của Ngài: “Họ được xưng công chính do ân điển Ngài cho không, nhờ công trình cứu chuộc đã hoàn tất trong Đức Chúa Giêxu Christ” (Rôma 3:24). Luật pháp trao vũ khí vào tay sự chết để huỷ diệt tội nhân; nhưng sự tha tội từ Chúa đã tước mất quyền nầy của luật pháp, sự chết bị tiêu giảm sức mạnh và nọc độc của nó. Sự chiến thắng của các thánh đồ đối với sự chết khiến họ lên tiếng cảm tạ Chúa: “Cảm tạ Đức Chúa Trời, Ngài cho chúng ta sự chiến thắng, nhờ Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta” (57).
Căn cứ trên sự hiểu biết đó, chúng ta nhận được lời khích lệ, thúc giục: “.. Thưa anh em thân yêu, hãy vững lòng, bền chí. Hãy luôn luôn tăng tiến trên đường phục vụ Chúa; anh em nên biết: trong Chúa, công lao của anh em không bao giờ vô ích” (58). Vững lòng là giữ chắc đức tin vào phúc âm đã được nghe, vào sự sống lại vinh quang chắc chắn của mọi thánh đồ: “Vì Ta sống, thì các ngươi cũng sẽ sống” (Giăng 14:19). Bền chí trong sự mong đợi đặc quyền vĩ đại mình sẽ sống lại bất hoại và bất tử, đừng bao giờ mất niềm hi vọng nầy. Tăng tiến phục vụ Chúa là siêng năng, nhẫn nại tiến tới mức toàn hảo, sẵn sàng làm mọi việc lành như thế vì biết chắc chắn được phần thưởng rất lớn ở đời sau; và động lực giúp chúng ta không nản lòng là vì mọi công lao của chúng ta không bao giờ là vô ích đối với Đức Chúa Trời yêu quý của chúng ta.
1Corinhto25.docx
Rev. Dr. CTB