Kiện Tụng và Tội Lỗi

1Côrinhtô 6:1–11

Một số tín hữu ở Côrinhtô lại bị quở trách thêm về vấn đề họ kiện tụng nhau trước toà án thế tục do người ngoại đạo xét xử những việc tranh chấp nhỏ nhặt của họ.  Ở đoạn trước, Phaolô bảo họ phải đưa người phạm tội loạn luân ra xét xử và trừng phạt trước Hội Thánh. Bây giờ ông dùng câu chất vấn để chỉ dẫn họ nên giải quyết những vấn đề tranh chấp nhau bằng một uỷ ban khuyên giải và phân xử trong Hội Thánh mà thôi: “Giữa anh em khi có việc tranh chấp, sao dám đến với người không công chính xin họ xét xử, mà không đến trước các thánh đồ?” (1) Lý do anh chị em trong Chúa nên tìm cách giải quyết những bất đồng bằng sự phân xử nội bộ, là vì làm như thế thì tránh được sự mất lòng, là điều chắc chắn sẽ xảy ra ở toà án ngoài đời, khi có bên được bên thua. Vua Salômôn từng nói rằng: “Một anh em bị mếch lòng lấy làm khó được lòng lại hơn là chiếm thủ cái thành kiên cố” (Châm ngôn 18:19).

Phaolô dùng chữ “dám đến với người không công chính” ngụ ý rằng cư xử như thế đạo Chúa sẽ bị nhạo báng là tín đồ của đạo nầy không thể hoà thuận với nhau, trong khi tự hào là nhận lãnh sự khôn ngoan, là tín đồ của Đức Chúa Giêxu, Vua Hoà Bình, Chiên Con nhu mì, hiền lành, vv…  Con cái Chúa không nên cả gan làm điều chi đem đến sự chê cười cho danh nghĩa và sự tự hào là Cơ-đốc-nhân của mình.  Một lý do nữa mà chúng ta nên cẩn trọng trong việc tranh tụng nơi pháp đình của người đời với anh chị em thật trong đức tin, là vì “… không biết các thánh đồ sẽ xét xử thế gian sao?  Nếu anh em được quyền xét xử thế gian [trong những việc lớn lao], lẽ nào không xét xử [nhau] trong những vụ nhỏ nhặt được?” (2).  Chẳng những thế, “chúng ta [có bổn phận] xét xử các thiên sứ [trong đời sau]… huống hồ việc đời nầy!” (3)

Việc xét xử thế gian và các thiên sứ sẽ diễn ra như thế nào thì hiện nay chúng ta chưa biết rõ.  Nhưng trước hết chúng ta biết mình được tha tội và ngồi chung với Đấng Christ là vị thẩm phán tối cao để xem Ngài xét xử và chấp nhận các phán quyết của Ngài.  Giuđe 14, 15 chép: “Hênóc, thuộc thế hệ thứ bảy kể từ tổ Ađam, đã nói tiên tri..‘Kìa Chúa ngự đến với muôn vàn thánh đồ để xét xử mọi người, kết tội những kẻ vô đạo về những việc bất kính họ làm, và những lời hỗn xược của những kẻ tội lỗi nghịch đạo đã nói phạm đến Ngài.’”  Nếu tín hữu được vinh dự ngồi chung với Vị Thẩm Phán toàn trị trong khi Ngài phán xét những người tội lỗi và các thiên sứ ác, chẳng lẽ họ không xứng đáng để phân xử những tranh chấp đưa ra trước toà án thế tục hay sao?  Dùng những người bị Hội Thánh coi thường –vì họ thường thiên vị và ăn hối lộ– để xét xử các việc bất bình lẫn nhau giữa vòng anh chị em tín hữu là điều rất xấu hổ (4).

Tín hữu ở Côrinhtô vẫn tự hào về các ân tứ và sự ban cho siêu nhiên “lại không có được một người khôn ngoan có thể phân xử giữa anh em mình” (5).  Tình cảnh có thể hoặc là sự tranh chấp quá gay gắt không ai can được, hoặc là những người khôn ngoan đã tỏ thái độ lãnh đạm vì không muốn dính líu vào chuyện của phe khác. Phaolô trách họ “Thế mà, anh em đã kiện cáo nhau, còn đưa nhau ra trước người không tin nữa” (6).  Ngày nay, chúng ta không nên đem nhau trước toà án người đời về những tranh chấp nhỏ nhặt, cho đến chừng nào mọi phương cách giải hoà hoặc giải quyết đều trở nên vô hiệu vì có một phía quyết chí không nhận lỗi.  Lúc ấy, có đem ra toà án cũng chưa muộn.  Trong những trường hợp không quan trọng đó, “…thà chịu phần quấy, thà bị lừa gạt có hơn không?” bởi vì “đi kiện nhau, anh em đã thất bại rồi” (7).

Thất bại nghĩa là có lỗi vì có tánh hay tranh chấp; ngoại trừ trường hợp việc ấy mơ hồ, đáng nghi ngờ.  Là con cái Chúa, chúng ta thà chịu nhịn, thà chịu một chút thiệt hại, hơn là tức mình, giận người phạm lỗi, rồi đưa vấn đề ra tranh chấp.  Sự bình an trong lòng khi mình nhịn nhục và sự yên ổn của người anh chị em trong Chúa thì có giá trị cao hơn nhiều so với việc thắng một vụ kiện nhỏ nhặt.  Thế nhưng, không phải vị sứ đồ bắt người bị thiệt hai chịu đựng sự bất công, bởi vì người đi kiện anh em trong Hội Thánh chính là người “làm điều quấy, lừa gạt anh em mình” (8).  Bất kể lý lẽ như thế nào, ai làm điều quấy, lừa gạt người khác, là hoàn toàn có lỗi.  Nhất là lừa gạt anh em trong đức tin thì tội càng nặng thêm nhiều.  Sợi dây yêu thương ràng buộc nhau giữa các tín hữu phải bền chặt hơn các mối liên hệ với người ngoài: “Tình yêu thương không làm hại người lân cận” (Rôma 13:10).  Ai yêu thương anh chị em tín hữu theo nguyên tắc nầy, chẳng bao giờ làm thương tổn người khác.

Làm điều quấy, lừa gạt anh em trong Chúa là việc làm bất chính.  Nhân chuyện nầy, Phaolô đưa ra những thứ hành vi không bao giờ được thiên đàng chấp nhận để cảnh cáo họ: “gian dâm, thờ thần tượng, ngoại tình, tính dục đồng giới, trộm cắp, tham lam, say sưa, chửi rủa, lừa đảo” (9–10).  Chúng ta cần biết sự thật rất rõ ràng là ai phạm một trong các tội nói trên thì không được hưởng Nước Đức Chúa Trời, tức là không được Chúa kể thuộc về Hội Thánh Ngài trên đất, cũng sẽ không được vào thiên đàng (9).  Mọi điều bất chính đều là tội lỗi.  Những tội lỗi do cố ý phạm mà không chịu ăn năn, là tự mình đóng cửa trời.

Tội lỗi của loài người thật ra nhiều vô số, nhưng bảng liệt kê ở trên là nói về một số loại tội lỗi tiêu biểu phạm vào mười điều răn của Chúa.  Tội thờ thần tượng vi phạm điều răn thứ nhất và thứ nhì (Xuất 20:3–5); gian dâm, ngoại tình, tính dục đồng giới vi phạm điều răn thứ 7 nghiêm cấm các sự tà dâm (nguyên văn của tội tính dục đồng giới là ‘kẻ làm dáng yểu điệu,’ ý nói về thứ đàn ông thích có cử chỉ ẻo lả như phái nữ); trộm cắp, lừa đảo vi phạm điều răn thứ tám nghiêm cấm trộm cướp; chửi rủa phạm điều răn thứ 9 cấm nói chứng dối nghịch người khác, bởi vì hễ ai chửi rủa người khác thì dùng những lời có tính cách vu khống, miệt thị để nói cho hả giận; còn tham lam, say sưa phạm điều răn thứ 10 nghiêm cấm không được tham của người khác (Xuất 20:14–17).

Bất cứ ai có một chút hiểu biết về tôn giáo, dù cho quan niệm của họ về cõi vĩnh phúc ra sao đi nữa, họ cũng biết rằng cõi đó không thể chấp nhận những thứ tội lỗi trên.  Điều rất nực cười là người ta tin những lời truyền khẩu không có chút bằng chứng nào cả.  Những người nầy phạm đủ thứ tội trọng không bao giờ chán, đến khi thấy ngày chết đến gần thì ăn chay sám hối, và tin là sẽ giải quyết được hết những tội mình đã phạm trước đó.  Nhưng, việc ăn chay, sám hối ấy kéo dài vô định mà người phạm tội vẫn thấy gánh nặng tội lỗi ấy đeo đuổi không bao giờ dứt; người làm công việc của ma quỷ không thể hưởng giải thưởng sự sống vĩnh viễn từ Đức Chúa Trời, “vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rôma 6:23).  Phaolô nhắc “Đừng bị mắc lừa” (9) những thứ tư tưởng cho rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta thì chắc Ngài cũng giống như chúng ta.  Đó chỉ là ảo tưởng!  Người sống như con cái ma quỷ không bao giờ được vào thiên đàng với con dân Đức Chúa Trời.  Kẻ gieo trong xác thịt tà ác không thể gặt sự sống vĩnh cửu của cõi trời thiện hảo.

Chỉ những người trước kia từng là các tội nhân đầy tội lỗi xấu xa, nay được quyền năng biến đổi đời sống của Tin Mừng giải thoát họ khỏi lối sống cũ, mới thấy được ơn cứu chuộc của Chúa vinh quang như thế nào.  Ân sủng ấy đã biến những con người độc dữ thành thánh đồ và con cái Đức Chúa Trời.  Chúng ta trước kia cũng “có người sống như thế, nhưng [nay chúng ta đã] được rửa sạch, được thánh hoá, được kể là công chính nhờ danh Đức Chúa Giêxu và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta” (11).  Tạ ơn Chúa vì chúng ta không còn là người xấu như trước.

Đối với huyết của Đức Chúa Giêxu, không một sự gian ác nào của loài người ngăn trở được quyền phép rửa sạch, tái tạo và phục hoà của huyết ấy.  Quyền phép đó đã tẩy sạch mọi vi phạm bẩn thỉu nhất của chúng ta.  Khi một người nhận ra mình có tội, quyết định tiếp nhận ân điển cứu chuộc của Đức Chúa Trời, thì người đó được tẩy sạch tội lỗi và xưng công nghĩa qua sự chết và sống lại của Đức Chúa Giêxu Christ, nhờ đó được phục hoà với Đức Chúa Trời, rồi được thánh hoá bởi công tác của Đức Thánh Linh hành động trong lòng.  Chương trình ân điển của Cha trên trời diệu kỳ biết bao!

1Cotinhto08.docx

Rev. Dr. CTB