Khải Tượng của Phaolô & Dấu Hiệu Chức Vụ Sứ Đồ
2 Côrinhtô 12:1–21
Các đầy tớ chân thật của Đức Chúa Trời được nhận những sự ban cho đặc biệt, mà nếu họ không tiết lộ, thì chẳng ai biết; vì đó là mối liên hệ đặc biệt giữa họ với Đức Chúa Trời. Phaolô buộc lòng phải “tự hào, dù chẳng ích lợi gì cả” (1), bởi vì loại khải tượng được ban cho ông là rất hiếm hoi từ thời đó cho đến nay. Để những kẻ chống nghịch ông biết rằng muốn làm một sứ đồ như ông, không phải là chuyện dễ dàng. Ông nói về một người được đặc biệt ban cho “khải tượng và khải thị của Chúa” (1). Dù không nói rõ người nhận khải tượng là chính mình: “Tôi biết một người trong Đấng Christ, mười bốn năm trước được cất lên tầng trời thứ ba” (2). Vì những lời mà người ấy nghe là “không thể nói được” và “người ta không được phép nói” (4), mà Phaolô lại biết, thì điều đó chứng tỏ ông chính là người đã “được đem lên Paradis” (4), là thiên đàng.
Khi ông nói rằng ông được đem lên tầng trời thứ ba mà ông không biết “hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể” (3), nghĩa là hoặc cả thân thể được đem lên, hay chỉ là linh hồn được đem đi thì chẳng ai có thể xác định rõ được. Một số người căn cứ vào câu “tầng trời thứ ba” và cho rằng có ba tầng trời, thì cũng chỉ là ý kiến phỏng đoán. Theo vài nhà giải kinh thì tầng trời thứ nhất tức là bầu khí quyển của trái đất, môi trường bay lượn của các loài chim và của các loại máy bay thông thường; kể cả ngoại tầng khí quyển, nơi các vệ tinh và trạm vũ trụ do con người tạo ra vẫn bay theo các vòng quỹ đạo quanh địa cầu. Tầng trời thứ nhì là không gian bao la chứa vô số thiên hà và thiên thể. Còn tầng trời thứ ba, nơi Đức Chúa Trời hiển lộ vinh quang của Ngài ở nơi nào thì chưa ai biết. Vấn đề nầy, thật ra không ai trong nhân loại có thể biết rõ ràng.
Nghĩa chữ paradise theo tiếng Hán Việt là ‘lạc viên,’ vườn hạnh phúc. Vườn Êđen xưa được Chúa dựng nên để Ađam và Êva ở, vẫn được thời nay gọi là ‘vườn địa đàng;’ một nơi hoàn toàn hạnh phúc và vui vẻ. Thế thì Paradis trên trời, nơi Đức Chúa Trời ngự và các thiên sứ sinh hoạt, thì chắc chắn là tuyệt vời không thể tả. Tuy vậy, câu nói người đến đó “nghe những lời không thể nói được, là những lời người ta không có phép nói” (4), thì càng khêu gợi trí tò mò của loài người nhiều hơn nữa. Vinh dự ấy là quá lớn, nên Phaolô đã rất có lý khi nói rằng “Tôi sẽ tự hào về một người như thế;” nhưng khi là một đầy tớ của Chúa thì ông “chỉ tự hào về những điều yếu đuối” của mình (5). Bởi vì, theo ông nói: “Dù muốn tự hào, tôi cũng không điên rồ, vì tôi nói sự thật. Nhưng tôi tự kềm chế, vì không muốn ai nghĩ tôi quá tốt, tốt hơn những điều họ thấy tôi làm và nghe tôi nói” (6).
Đức khiêm tốn mà Phaolô biểu lộ là rất rõ ràng, vì ông đã im lặng không tiết lộ vinh dự của ông trong suốt 14 năm (2). Bây giờ, trong trường hợp nầy ông buộc phải nói ra để các sứ đồ giả sẽ không có gì sánh với ông được. Vì Phaolô không tiết lộ rõ ràng, cho nên tới nay không ai biết “cái giằm đâm vào thịt” ông là cái gì hay việc gì. Chỉ biết rằng nó “như một sứ giả của satan vả vào mặt” để ông “khỏi kiêu căng” và “không kiêu hãnh vì những khải thị siêu việt” (7). Phaolô “đã ba lần nài xin Chúa cho nó lìa xa” (8), nhưng được Chúa đáp “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì khi con yếu đuối, quyền năng Ta hành động mạnh mẽ nhất”(9). Đối với các thánh đồ thì những sự cám dỗ phạm tội là thứ giằm xóc đau buồn nhất; vì chúng là sứ giả của satan đến đánh đấm chúng ta. Các thánh đồ sẽ hết sức buồn rầu khi liên tục bị cám dỗ phạm tội.
Mặc dù Đức Chúa Trời nhậm các lời cầu xin bởi đức tin, nhưng Ngài không luôn luôn đáp lời theo cách chúng ta mong đợi. Vì có rất nhiều lần vì yêu thương chúng ta Ngài từ chối lời cầu xin của chúng ta. Ngài biết rõ những gì sẽ có khả năng xui khiến chúng ta phạm tội. Nên Ngài ban sự chuẩn bị: “Ân điển Ta đầy đủ cho con” rồi! Khi nào Chúa không dẹp bỏ những trục trặc của chúng ta, thì Ngài ban đầy đủ ân điển cho chúng ta. Vì vậy, không có lý do nào chúng ta phải than phiền. Ân điển Ngài soi sáng, làm sống động, làm mạnh mẽ, và an ủi chúng ta.
Đức Chúa Giêxu thấu hiểu hết mọi tình trạng và mọi nhu cầu của chúng ta. Ngài sẽ ban phát những cách giải quyết khi con dân Ngài yếu đuối; quyền năng của Ngài ban cho không những làm chúng ta mạnh mẽ, mà qua chúng ta Ngài còn được vinh danh nữa. Vì thế “khi con yếu đuối, quyền năng Ta hành động mạnh mẽ nhất” (9). Đó là lý do Phaolô nói ông “rất vui mừng, tự hào về sự yếu đuối tôi, để quyền năng của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên, vì Đấng Christ tôi vui lòng chịu yếu đuối, sỉ nhục, túng ngặt, bắt bớ, hoạn nạn; vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (9–10). Khi nào chúng ta nhận biết mình yếu đuối, chúng ta chẳng dám cậy sức riêng, nhưng đi ra bằng sức lực của quyền năng do Đức Chúa Giêxu Christ ban cho bởi ân điển diệu kỳ của Ngài.
Phaolô trách tín hữu ở Côrinhtô đã không dám đứng lên bênh vực ông, khiến cho ông phải tự bênh vực chức vụ sứ đồ của mình (11). Theo Phaolô thì các dấu hiệu của chức vụ sứ đồ phải có những “dấu kỳ, phép lạ, và các việc quyền năng của Chúa, với sự nhẫn nại tột độ” (12). Kế đến là Hội Thánh Côrinhtô do ông thành lập, dạy dỗ từ buổi sơ khai chẳng “thua kém gì các Hội Thánh khác” (13) cũng là một dấu hiệu nữa. Lý do mà Phaolô không muốn phiền luỵ tín hữu ở Côrinhtô về tài chánh, vì ông xem họ như con cái do ông sinh ra trong Chúa, mà “con cái không phải dành dụm cho cha mẹ, nhưng cha mẹ dành dụm cho con cái” (14).
Người chăn thuê chẳng lo lắng gì cho bầy chiên, chỉ muốn lợi dụng bầy chiên để nuôi mình. Phaolô thì “rất vui mừng chịu hao tổn mọi sự, kể cả tâm sức, vì linh hồn” của người Côrinhtô(15). Nghĩa là ông sẵn sàng chịu đau đớn, tốn kém vì lợi ích của họ. Ông sẵn sàng dành thời gian, sức lực, của cải, hi sinh điều ưa thích, tận tuỵ phục vụ, giống như cây nến tự tiêu hao mình để toả ánh sáng cho môi trường chung quanh. Ông đã không ngớt yêu thương họ mặc dù nhiều người đối xử rất bội bạc và vô ơn đối với ông: “Nhưng vì sao tình tôi càng đậm đà, anh em càng phai nhạt?”
Ông đã rất thận trọng để chẳng phải chỉ một mình ông không trở thành gánh nặng cho người Côrinhtô, mà cả những người cộng sự với ông cũng chẳng bao giờ là gánh nặng tài chánh cho họ (16–17). Những người đang tìm cách lôi kéo tín hữu ở Côrinhtô đứng về phía họ, chống lại Phaolô thì không có bằng cớ nào để chứng minh cho lời vu khống của họ “trong những người tôi sai đến thăm anh em, có ai khai thác anh em làm lợi cho tôi không? Tôi đã cử Tít và một anh em cùng đi, Tít có lợi dụng anh em không?” (17b–18). Những người được Đức Thánh Linh hướng dẫn thì đều hành xử giống nhau. Và những người có ý chống nghịch Phaolô cần phải hiểu là “mọi điều chúng tôi nói đó cốt để xây dựng” chứ không phải “tự bào chữa” (19).
Phaolô không muốn vì sợ làm mất lòng người Côrinhtô mà giảm thiểu trách nhiệm của ông; cho nên, ông đã không ngại nêu lên những thứ tội mà các giáo sư tôn giáo thường mắc phải: “Cãi cọ, ganh tị, giận dữ, tranh cạnh, vu khống, nói hành, kiêu căng, hỗn loạn” mặc dù ông hi vọng sẽ không thấy họ bị như thế (20). Dù cho những người có các thứ tội nêu trên thường không chịu nổi các lời quở trách, nhưng các đầy tớ trung thành của Chúa không nên vì sợ làm mếch lòng họ mà không dám trách phạt công khai hoặc riêng tư.
Sự nhục nhã và buồn rầu mà Phaolô sợ rằng ông phải chịu khi ông đến thăm Hội Thánh Cô-rinhtô lần tới, không phải vì những người chống nghịch ông sẽ có các bằng chứng về lỗi lầm của ông, (vì ông chẳng có lỗi lầm gì đối với họ); nhưng ông sẽ buồn phiền và cảm thấy nhục nhã vì những người do ông đắt dẫn đến với Chúa, dạy dỗ họ nhiều năm, nay quay trở lại thì thấy họ vẫn là “những người trước đây đã phạm tội mà vẫn chưa chịu ăn năn về những việc ô uế, gian dâm, phóng đãng của họ” (21). Người đầy tớ của Chúa thường phải than khóc cho những người phạm tội mà vẫn chưa chịu ăn năn. Sự than khóc xảy ra không phải vì Phaolô buồn rầu cho chính ông, mà ông buồn phiền than khóc cho số phận của những người phạm tội mà không ăn năn sẽ phải chịu khi bị Đức Chúa Trời phán xét; còn ma quỷ thì khoái trá vì đã lôi kéo được vài giáo đồ.
2Corinhto12.docx
Rev. Dr. CTB