Nhà Trên Trời & Chức Vụ Giải Hoà

2Côrinhtô 5:1–21

Mười câu đầu là các phân tích tiếp theo phần trước về nền tảng của sự can đảm, kiên nhẫn mà tín hữu cần có khi gặp khổ nạn (4:16–18). Nền tảng đó là dù thể xác sẽ bị huỷ hoại, chúng ta sẽ có nhà vĩnh viễn trên trời (1); chẳng phải chỉ là hi vọng, nó còn là sự bảo đảm vững chắc của một hạnh phúc vĩnh cửu bên kia cái chết. Nếu thể xác là ‘nhà tạm’ dưới đất, thì ‘nhà trên trời’ là hình thức một thân thể mới bất tử, bất hoại, được biến hoá bởi quyền phép của Chúa, vào ngày mọi tín hữu đã chết được sống lại (1Côr.15:52-53).

Vì thế, Phaolô nói rằng: “Chúng ta than thở trong nhà tạm, ước mong được ‘mặc’ nhà trên trời vào” (2). Nỗi mong đợi của tín hữu là một hạnh phúc huy hoàng trong tương lai; đang lúc đợi chờ như thế thì than thở vì “nhà tạm…quá nặng nhọc” (4). Người ta thường than thở khi thân thể bị ở dưới một gánh nặng. Tội lỗi từ thân thể xác thịt, những hoạn nạn khốn khó và hủ bại diễn ra quanh đời sống cũng là các gánh nặng khác. Hoặc than thở vì mong được giải thoát khỏi thân thể trần gian, bước vào hạnh phúc của một thế giới khác (2). Không phải do muốn được ‘mặc nhà trên trời’ mà chúng ta muốn ‘cởi bỏ nhà tạm dưới đất’(4), nhưng là “mặc nhà trên trời vào, để cái chết bị cái sống nuốt đi” nhờ đó “không bị trần trụi” (3).

“Đức Chúa Trời đã tạo nên chúng ta với mục đích ấy” (5) là một bảo đảm chắc chắn ích lợi của hạnh phúc tương lai. Tất cả những ai được định cho thiên đàng sau nầy, thì hiện nay đã được chuẩn bị sẵn bởi quyền phép thần thượng để có thể dự phần vào bản thể thần thánh trong cõi trời. Chỉ Đức Chúa Trời mới làm được điều đó bằng cách “ban Đức Thánh Linh cho chúng ta làm bảo chứng” (5). Đức Thánh Linh làm bảo chứng bằng cách hành động trong lòng chúng ta để sửa đổi, uốn nắn, chuẩn bị cho phù hợp với thân thể được biến hoá trong nước thiên đàng.

Tình trạng hiện tại của chúng ta giống như những khách lữ hành, kẻ xa lạ trong thế gian nầy, trong nhà tạm, là thể xác của chúng ta. Mặc dù có Đức Thánh Linh ở với chúng ta, chúng ta vẫn chưa thấy mình được ở với Đức Chúa Trời, không giống như điều ta vẫn hi vọng, vì “biết rằng ngày nào còn mang thân xác nầy, chúng ta còn ở xa Chúa” (6). Chúng ta không thể thấy được mặt Ngài khi còn ở trong thể xác trần gian. Sở dĩ chúng ta tin, “vì chúng ta sống bởi đức tin chứ không phải bởi điều ta thấy” (7). Đức tin là dành cho cuộc sống ở thế gian nầy; ‘thấy’ là để dành cho thế giới bên kia. Tín hữu nào hiểu biết khía cạnh nầy của đời sống Cơ-đốc-nhân, sẽ thấy rất thoải mái, can đảm đối diện mọi trở lực của đời sống, và cả lúc đối diện với sự chết nữa.

Vì vậy, Phaolô nói cách tự tin rằng: “Chúng tôi đầy tin tưởng, muốn lìa xa thân xác nầy, về nhà trên trời với Chúa là tốt hơn” (8). Nếu mọi Cơ-đốc-nhân chân thật bởi đức tin biết chắc rằng ở thế giới bên kia, họ có một hi vọng đầy phước hạnh sau khi chết, sẽ thấy lòng rất bình yên khi đối diện với mọi khó khăn trong đời. Và khi phải đối diện với kẻ thù cuối cùng, là sự chết, thì họ cũng sẽ sẵn lòng chết hơn là sống, nếu đó là ý Chúa muốn họ “cởi bỏ nhà tạm nầy.” Như người ta vẫn thường ước ao trở về nơi mình được sinh ra, ai được sinh ra từ trên cao cũng đều ước ao sớm trở về nơi đó, lìa khỏi thân xác là được về ở với Chúa. Nhắm mắt lìa trần gian, mở mắt ra là nhìn thấy cõi vinh quang. Đức tin sẽ trở thành mắt thấy.

Phải “nhắm mục đích được Chúa đẹp lòng” (9), vì “tất cả chúng ta đều phải ra trước toà án Đấng Christ và mỗi người sẽ được thưởng phạt tuỳ theo những việc tốt hay xấu đã làm lúc còn trong thân xác” (10). Viễn cảnh được thưởng là động lực thúc đẩy các con dân thật của Chúa nôn nao chờ đón ngày được gặp mặt Ngài; cũng là động lực khiến nhiều người ăn năn và sống một đời thánh thiện. Vì khi Đức Chúa Giêxu xuất hiện với hình ảnh oai nghi đáng kinh khiếp đối với mọi kẻ thù của Ngài, thì môn đồ Ngài lại vui vẻ, sung sướng, thoải mái. Sở dĩ Phaolô cần thuyết phục mọi người, vì lòng ông biết kính sợ Chúa. Ông tin chắc Đức Chúa Trời biết rõ lòng ông, nên ông mong tín hữu ở Côrinhtô cũng phải biết rõ như vậy (11). Không phải Phaolô lại tiến cử đoàn truyền giáo của ông, nhưng ông muốn cung cấp cho anh em tín hữu chân chính ở Côrinhtô các lý do xác đáng để phản bác những lời miệt thị của phía đối nghịch, là những người chỉ có bề ngoài mà thiếu thực chất của Tin Lành trong lòng (12).

Họ đã chỉ trích Phaolô là cuồng tín. Nhưng Phaolô trả lời rằng vì vinh quang của Đức Chúa Trời và ích lợi của Hội Thánh mà ông cuồng nhiệt như thế (13). Tình yêu của Đấng Christ là nguyên nhân thôi thúc ông, vì nếu Đấng Christ không chịu chết, thì mọi người đều hư vong. Nhưng vì Đấng Christ “đã chết vì mọi người, thì mọi người đều chết; và Ngài đã chết vì moị người, để những người được sống không còn sống vì mình nữa, nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại cho mình” (14–15). Đấng Christ là trung tâm của đời sống chúng ta. Sự chết của Ngài đã chữa lành bệnh tự yêu mình của chúng ta, nên hãy sống và hành động do tình yêu Ngài tác động.

Phaolô nói đến hai điều cần thiết là hậu quả của việc Chúa chịu chết vì chúng ta: a) Được tái sanh, có hai kết quả 1. Dứt bỏ thế gian: “Cho nên từ nay chúng tôi không nhận xét ai theo quan điểm người đời nữa” (16). Bởi đã nhận ân điển thiên thượng, chúng ta phải vượt lên trên thế gian trong cách sống. Không có nghĩa là tín hữu phải xa rời cuộc sống trần thế, nhưng là vui hưởng những tiện nghi của đời sống và những mối liên hệ của mình với trần gian bằng một sự lãnh đạm thánh khiết, không bị những việc ấy trói buộc: “Dù trước kia chúng tôi đã nhận biết Đấng Christ theo quan điểm người đời, nhưng nay không còn biết Ngài theo cách ấy nữa” (16b).

2. Một sự thay đổi hoàn toàn trong lòng: “Vậy, ai ở trong Đấng Christ,” nếu là con cái chân thật của Ngài, người đó phải trở nên “con người mới” (17). Việc nầy phải trở thành điều quan tâm chính. Không phải vì có danh xưng mới, nhưng vì có tâm linh và bản thể mới. Chúng ta còn phải nhường cho ân điển Chúa hành động để thực hiện sự thay đổi bản tính cũ của mình thành bản tính mới “những điều cũ đã qua, kìa, những điều mới đến” (17b). Những điều cũ gồm có: cách suy nghĩ cũ, nguyên tắc cũ, thói quen, tập quán cũ, tánh xấu cũ, phải bị từ bỏ, quên hẳn đi, thì những điều mới có chỗ thay thế vào. Sự tái sanh tạo trong tâm linh ta một thế giới mới; mọi việc đều mới, hành động theo nguyên tắc, luật lệ mới, mục đích mới, và trong một nhóm người mới.

b) Nhiệm vụ hoà giải, trong hai ý niệm, 1. Đặc quyền rõ ràng: Đấng oai nghi ở thiên đàng, bị người xúc phạm, sẵn sàng hoà giải với nhân loại. “Nhờ Đấng Christ, Ngài làm hoà với chúng ta” (18). Mọi việc liên quan đến sự hoà giải của chúng ta bởi Đức Chúa Giêxu Christ đều từ Đức Chúa Trời đến. Ngài lập một kế hoạch hoà giải với những người xúc phạm Ngài mà không tổn hại gì tới đức công chính và sự thánh khiết của Ngài. Ngài lại chỉ định một chức vụ hoà giải (18). Vì bởi sự cảm ứng của Chúa, Kinh Thánh đã được viết ra, trong đó chứa đựng các lời lẽ giải hoà. Trình bày cho chúng ta thấy hoà bình được lập bởi huyết Đấng Christ trên thập tự giá (19).

2. Hoà giải là bổn phận không thể miễn trừ. Vì Đức Chúa Trời sẵn lòng giải hoà với chúng ta, chúng ta phải hoà giải với Ngài (20). Hoà giải là mục đích vĩ đại và là kế hoạch của Tin Mừng. Chữ hoà giải ngụ ý rằng cần chinh phục tội nhân để họ từ bỏ sự thù nghịch với Đức Chúa Trời. Người hầu việc Chúa trung tín là sứ giả của Ngài được sai đi để đối xử với tội nhân bằng sự hoà bình và hoà giải. Họ phải thuyết phục tội nhân rằng thù nghịch với Đức Chúa Trời thì chẳng ích lợi gì, vì không ai có thể thắng được Chúa, mà hãy chấp nhận thiện chí hoà giải của Ngài, chấp nhận những điều kiện của Ngài đưa ra, để được hoà giải với Ngài, với mọi thuộc tính của Ngài, mọi luật pháp Ngài, và ơn cung ứng của Ngài. Thiện chí của Ngài là sai một Đấng vô tội, phải mang tội thay cho chúng ta (21); trở thành một sinh tế chuộc tội cho mọi người, để bất cứ ai tin, thì “trong Đấng Christ, chúng ta trở nên người công chính của Đức Chúa Trời.” Hoà giải là một kế hoạch tuyệt vời, vì qua đó tội nhân nào tiếp nhận ơn cứu độ, đều được xưng công nghĩa miễn phí bởi ân điển của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giêxu Christ.

2Corinhto05.docx

Rev. Dr. CTB