Sẵn Lòng Cứu Trợ

2Côrinhtô 8:1–24

Trong phần nầy, Phaolô nói về công tác từ thiện cụ thể cứu giúp cho các thánh đồ nghèo khổ ở Giêrusalem và xứ Giuđê đã bị túng thiếu vì chiến tranh, đói kém và bách hại. Ông dùng gương mẫu của các tín hữu ở xứ Maxêđoan tức là Hội Thánh ở các thành phố Philíp, Têsalônica, Bêrê, vv, trong việc đóng góp cứu trợ, để giục giã lòng từ thiện của tín hữu ở Côrinhtô và vùng Achai. Lòng từ thiện rộng rãi của tín hữu ở Maxêđoan dù đang bị hoạn nạn, thử thách, nghèo khổ cùng cực, vẫn đóng góp cách vui mừng hậu hĩ (2). Điều đó là ân điển của Đức Chúa Trời ban cho mới có được (1). Gọi là ân điển của Chúa vì hoặc là số tiền tặng rất lớn, hoặc là được Chúa thúc giục bằng một lòng yêu mến Chúa chân thành. Nguồn gốc của tất cả những điều tốt lành ở trong lòng chúng ta, hoặc do chúng ta làm ra vào bất cứ lúc nào, là ân điển và ân huệ từ Chúa ban cho.

Ông khen lòng rộng rãi của tín hữu ở Maxêđoan là “không những họ chỉ đóng góp theo khả năng, mà còn quá khả năng, với tinh thần tự nguyện, họ năn nỉ chúng tôi cho được dự phần giúp đỡ các thánh đồ” (3–4). Khi Phaolô chấp nhận nhiệm vụ đem món quà tặng về trao lại cho thánh đồ ở xứ Giuđê, ông cũng biết rằng có nguy cơ những kẻ nghịch ông sẽ tìm dịp để bôi nhọ ông về tiền bạc, nếu có sự thất thoát xảy ra. Về các việc có liên quan tới tiền bạc, những người hầu việc Chúa cần phải hết sức thận trọng, không cho kẻ thù có lý do và cơ hội để tấn công. Lòng từ thiện của các thánh đồ ở Maxêđoan đã chứng minh họ được xây dựng trên tình thương chân thật, được thực hiện đúng cách thức cần có: “Trước hết, họ dâng mình phục vụ Chúa, rồi phục vụ chúng tôi, theo ý muốn Đức Chúa Trời” (5). Vì thế, những việc họ làm đã vượt quá điều Phaolô mong ước.

Sự dâng hiến vĩ đại nhất của một người là dâng chính mình cho Đức Chúa Trời. Người nào đã làm được như vậy thì sự dâng hiến tiền bạc không phải là chuyện phải đắn đo cân nhắc. Sở dĩ ngày nay nhiều tín hữu quá tính toán thiệt hơn, vì họ chưa bao giờ nghĩ đến việc dâng hiến chính mình cho Đức Chúa Trời (tức là trao thác trọn đời sống và tương lai mình cho Chúa dắt dẫn, sử dụng theo chương trình tốt lành nhất của Ngài). “Phục vụ chúng tôi” có nghĩa là đóng góp của từ thiện qua lời Phaolô kêu gọi. Theo lẽ thường tình thì sự dâng hiến lúc đầu rất miễn cưỡng; sau đó bị thúc giục thì dâng hiến nhiều hơn chút đỉnh. Người Maxêđoan đã không làm như vậy. Họ theo lời Phaolô kêu gọi sẵn sàng dâng hiến quá sức mình, vì đã dâng trọn đời cho Chúa. Mục sư Cam-pbell Morgan nói rằng: “Của dâng cho công việc Chúa chỉ có giá trị khi nó được dâng bởi người đã đầu phục Đức Chúa Trời.”

Tít là người được tín hữu ở Côrinhtô quý mến và kính trọng, sẽ đến Côrinhtô để tiếp nhận sự dâng hiến từ thiện nầy (6). Phaolô khuyên giục họ hãy nghĩ đến những ơn phước và lợi thế mà họ được vượt xa nhiều nơi khác: “Anh em vốn vượt trội về mọi phương diện: về đức tin, ăn nói, kiến thức, nhiệt tâm, và tình yêu thương anh em dành cho chúng tôi…;” cho nên, họ cần phải trỗi hơn cả trong sự dâng hiến nữa (7). Nếu ngày nay, nhóm tín hữu nào được Chúa đãi ngộ bằng những ơn phước đặc biệt mà nhiều nơi khác vẫn thèm thuồng, mong ước cũng được như vậy, thì nên cư xử thế nào cho xứng đáng với ơn mà Chúa đã trọng đãi mình. Người nào keo kiệt trong việc nhà Chúa là tự làm cạn tắt nguồn phước đang đổ xuống cho mình.

Đây chỉ là cách Phaolô thử lòng yêu thương của họ chân thành đến đâu, chứ không phải ông truyền lệnh cho họ (8); ông chỉ cho lời khuyên (10). Việc làm vì bổn phận khác xa với tự nguyện làm điều thiện. Phaolô cũng cho thấy lý do mà con cái Chúa nên rộng rãi với người nghèo khó là Đức Chúa Giêxu vì tình yêu thương “Ngài vốn giàu, nhưng … trở nên nghèo, để vì sự nghèo khó của Ngài mà anh em được giàu có” (9). Ngài được sinh ra chốn nghèo hèn, lớn lên không tài sản, và khi chết được chôn trong mộ mượn của người khác. Tất cả chỉ để làm cho chúng ta được giàu về tình yêu và ân huệ của Chúa; giàu về các phước lành, hi vọng, và lời hứa của giao ước mới.

Phaolô nhắc lại ý kiến đóng góp từ thiện là từ người Côrinhtô khởi xướng trước hết, và còn mong muốn được làm (10). Bây giờ, họ nên hoàn tất việc ấy tuỳ theo khả năng, không cần chờ tới khi được giàu có mới làm (11). “Nếu ai có lòng sốt sắng dâng hiến thì được Chúa chấp nhận, tuỳ theo điều mình có, không phải điều mình không có” (12). Đức Chúa Trời biết rõ lòng sốt sắng của người muốn dâng hiến. Ngài không buộc chúng ta dâng điều mình không có. Vì vậy, nếu không có, tín hữu không cần phải vay mượn người khác rồi mang nợ. Đồng thời, những thủ thuật khích động con cái Chúa ‘hứa dâng hiến bằng đức tin’ của một số địa phương, thì không đúng với lời Phaolô nói ở đây là không nên dâng điều mình không có. Lý do là “không muốn cho anh em chịu nặng nhọc để người khác được nhẹ, nhưng … có sự đồng đều” (13).

Vào lúc bấy giờ, các thánh đồ tại Giêrusalem bị thiếu thốn, còn thánh đồ ở xứ Achai thì giàu có dư dật. Sự giúp đỡ của vùng Achai cho xứ Giuđê như thế là hợp lý; để về sau nầy, khi Achai bị thiếu thốn thì sự tương trợ sẽ đổi chiều từ xứ Giuđê sang cho Achai (14). Phaolô trích dẫn câu Kinh Thánh trong sách Xuất Aicập 16:18 “Kẻ thu nhiều cũng chẳng thừa, người thu ít cũng chẳng thiếu” (15), nói về nguyên tắc san sẻ công bằng khi người Israel mỗi buổi sáng đi ra lượm mana về ăn. Có người giỏi và nhanh nhẹn lượm được nhiều hơn, người khác thì yếu hoặc chậm chỉ có thể lượm được ít hơn. Nhưng khi về trại thì san sẻ tuỳ theo sức ăn của mỗi người, vì mana không thể để dành cho ngày hôm sau ngoại trừ ngày Thứ Sáu (bởi vì ngày Thứ Bảy sẽ không có mana).

Trong những câu còn lại, Phaolô khen ngợi và giới thiệu ba người được ông giao cho nhiệm vụ đem thư đến Côrinhtô và tiếp nhận quà cứu trợ của họ gửi các thánh đồ ở Giêrusalem. Trước hết ông lại nói về Tít. Chẳng những Tít vâng lệnh Phaolô để đi Côrinhtô, ông còn chứng tỏ lòng nhiệt thành của ông đối với tín hữu ở Côrinhtô (16). Thật ra, Phaolô không cần phải nhờ vả hoặc ra lệnh cho Tít vì “chính anh ấy cũng rất hăng hái, tự nguyện đến thăm anh em” (17).

Phaolô giới thiệu và khen ngợi một người nữa sẽ đi với Tít. Người ta tin rằng người nầy là bác sĩ Luca, là người “được Hội Thánh khắp nơi khen ngợi về việc truyền giảng Tin Lành” (18). Luca được nhiều Hội Thánh thời sơ lập biết đến, vì ông luôn luôn đi theo đoàn truyền giáo của Phaolô và đồng chịu vui buồn sướng khổ của một người truyền giáo không biết rõ ngày mai của mình sẽ như thế nào. Là một bác sĩ y khoa, một văn sĩ, và là một sử gia, ông Luca hầu việc Chúa trong nhiều thánh vụ khác nhau. Công trạng của bác sĩ Luca đối với Hội Thánh chung rất lớn, mà chẳng bao giờ ông xưng tên hoặc nêu công lao mình trong hai sách Tân Ước do ông viết. Ông là người được các Hội Thánh chỉ định để theo giúp đỡ Phaolô lo việc tương trợ (19). Vì thế không ai có thể chỉ trích hay nghi ngờ lòng trong sạch của Phaolô về số tiền quyên góp quá lớn nầy (20). Cách cư xử của người đầy tớ Chúa là “làm việc cách ngay thẳng, chẳng những trước mặt Chúa, nhưng trước mặt người ta nữa” (21).

Phaolô cũng giới thiệu một anh em nữa sẽ cùng đi với hai người kia. Người ta tin rằng đó là Apolo. Dù là người nào đi nữa, thì Phaolô khen đó là một người luôn luôn nhiệt thành, đã được thử thách nhiều lần. Người ấy cũng hết sức tín nhiệm các tín hữu ở Côrinhtô, chứng tỏ rằng ông nầy đã tiếp xúc, quen biết và hầu việc Chúa có lẽ lâu ngày ở Côrinhtô để có thể hiểu biết và tín nhiệm các tín hữu ở đó (22). Tít là bạn đồng sự cộng tác với Phaolô để phục vụ tín hữu Côrinhtô. Còn hai người sẽ đồng hành với Tít là đại biểu của các Hội Thánh cắt cử đi theo giúp đỡ Phaolô. Họ được gọi là vinh quang của Đấng Christ vì là dụng cụ làm cho Ngài được vinh quang qua sự trung thành, được Ngài sử dụng trong công tác phục vụ các Hội Thánh (23).

Phaolô nhắc nhở các môn đồ cũ của ông ở Côrinhtô “hãy chứng tỏ cho mấy anh em đó thấy tình thương của anh em, và cho họ biết tại sao chúng tôi khen ngợi anh em” (24). Nghĩa là chứng tỏ lòng tương trợ rộng rãi vì tình yêu thương các thánh đồ của Chúa đang lâm cảnh túng thiếu, để cho hai đại biểu các Hội Thánh thấy lời khen của Phaolô về họ là không quá lời chút nào.

2Corinhto08.docx

Rev. Dr. CTB