Phần Thưởng của Lòng Dâng Hiến Rộng Rãi

2Côrinhtô 9:1–15

Sứ đồ Phaolô nói rằng “Về việc phục vụ các thánh đồ, tôi không cần viết thêm gì nữa” (1), để khen ý muốn tương trợ các thánh đồ ở Giêrusalem, do tín hữu ở Côrinhtô đã gợi lên từ năm trước về việc ấy. Ý ông muốn nói là ông không cần phải lý luận hoặc nêu thêm lý do nào về việc thiện nầy. Bởi vì ông “biết anh em có lòng sốt sắng” về mọi việc thiện và “đã sẵn sàng từ năm ngoái,” rồi, “nhiệt tâm của anh em đã khích lệ nhiều người” (2). Vì lý do đó ông đã “từng khoe với người Maxêđoan” về nhiệt tâm của anh em ở Côrinhtô, khiến họ được khích lệ mà dâng hiến món tiền tương trợ quá sức của họ. Hàm ý của những lời khen nầy là ông tin rằng vì người Côrinhtô đã bắt đầu một việc tốt, thì họ cũng sẽ hoàn thành xuất sắc. Đồng thời, khi đưa ra lời khen ngợi như thế, Phaolô đặt trên họ nghĩa vụ phải kiên trì tiến hành và kết thúc công việc cho hoàn hảo.

Có vẻ như là Phaolô xin lỗi anh em tại Côrinhtô về việc sai ba người tới trong khi chính ông chưa đến. Ông nói lý do của việc nầy là “để họ thấy chúng tôi khen anh em về việc nầy không phải là khen hão, và để anh em chuẩn bị sẵn sàng như tôi đã nói” (3). Nghĩa là để họ không ngạc nhiên khi ông tới với một nhu cầu cấp bách. Hễ khi nào chúng ta muốn nhờ người khác làm một việc thiện, chúng ta phải cho họ có đủ thời gian để làm. Lý do thứ nhì là để cho người Côrinhtô cũng như chính ông không bị hổ thẹn, khi những anh em ở Maxêđoan sẽ tháp tùng Phaolô ghé qua Hội Thánh Côrinhtô trên đường đi Giêrusalem, nếu thấy rằng người Côrinhtô chưa sẵn sàng chuẩn bị số tiền cứu trợ do chính họ đề xướng cả năm trước, không như lời Phaolô đã khoe về họ (4). Vì thế, việc Phaolô sai ba người đi trước là đúng, để tín hữu ở Côrinhtô sẽ sẵn sàng món quà cứu trợ khi ông đến, họ sẽ không bị mất mặt; và tín hữu từ Maxêđoan thấy rõ đây là “một cuộc quyên góp tự nguyện chứ không bị ép buộc” (5) vì sự có mặt của Phaolô.

Nguyên tắc gieo và gặt luôn luôn đúng cả ở cõi vật chất lẫn tinh thần “Anh em nhớ điều nầy: gieo ít gặt ít, gieo nhiều gặt nhiều” (6). Người nào không chịu gieo của vật chất cho những người đang thiếu thốn theo như đức bác ái của Chúa dạy, thì làm sao có thể trông mong sẽ được phước và sung túc? Hoặc chỉ bố thí hoặc dâng hiến một cách bỏn xẻn, thì có lẽ chẳng nhận được phước gì hết; “vì Đức Chúa Trời yêu thương người vui lòng dâng hiến” (7). Đó là lý do mà Phaolô nhắc nhở tín hữu ở Côrinhtô là: “Mỗi người tuỳ lòng mình, không miễn cưỡng, gượng ép” (7). Ai dâng hiến theo cách miễn cưỡng, chắc sẽ chẳng nhận được phước gì từ Chúa ban xuống; vì Ngài xem xét động lực nào đã thúc đẩy chúng ta dâng hiến hay bố thí; nếu động lực ấy là lòng vui vẻ thành thật và bác ái, thì phần thưởng chắc chắn sẽ đến. Nhưng nếu do miễn cưỡng, gượng ép, thì chẳng những sẽ không có phần thưởng nào hết mà lòng thiếu thành thật còn bị sửa phạt nữa.

Chúng ta sẽ vui vẻ dâng hiến cho Chúa hoặc bố thí cho người nghèo khổ khi có lòng tin rằng “Đức Chúa Trời có thừa khả năng ban ân điển dồi dào, để anh em luôn luôn đầy đủ mọi nhu cầu lại còn dư dật để làm các việc lành” (8). Đức tin vào thiện ý của Chúa và lòng thành tín của Ngài là chỗ nương dựa vững chắc để tín hữu quyết tâm nộp vào kho phần thuộc về Chúa của thu nhập mình theo bổn phận, hay dâng hiến cho công việc Chúa hoặc cho công tác bác ái của Hội Thánh hay của cá nhân. Sự dâng nộp tài chánh vào kho của Hội Thánh để chi phí cho công việc chung của nhà Chúa là bổn phận phải làm của mọi tín hữu. Ai không thực hiện hoặc nộp không đủ theo quy định của Chúa thì tự rước lấy sự khô hạn cho mình. Cũng cần phải hiểu rằng việc nộp 1/10 thu nhập không thuộc về công tác bác ái; vì điều đó không phải là làm ơn gì cho Chúa hay cho ai khác. Nhưng hành động bố thí do lòng bác ái thì đem lại ơn phước lớn “như lời Kinh Thánh chép ‘Người phân phát rộng rãi cho kẻ nghèo khó, đức công chính người tồn tại đời đời’” (9).

Những người làm nông nghiệp hiểu rõ hơn ai hết về nguyên tắc gieo và gặt. Không nhà nông nào gieo hột giống kiểu hà tiện mà mong gặt được bội phần hơn những người gieo giống đầy hào phóng. Người nào muốn gặt được nhiều, người ấy phải gieo nhiều hột giống, để khi thu hoạch số lượng gặt hái được sẽ nhiều như người ấy mong muốn. Trong lãnh vực thuộc linh, không phải sẽ chỉ nhận lại được phần mà mình đã dâng, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời sẽ nhân lên gấp nhiều lần. Trong việc nộp 1/10 số thu nhập, không phải Đức Chúa Trời cần của cải vật chất, song quy định ấy là cách thử nghiệm chính xác nhất về lòng trung thành và chân thật của mỗi tín hữu. Malachi 3:8–12 là phần Kinh Thánh nói cách rõ ràng và nghiêm khắc nhất về việc nộp 1/10 thu nhập; cũng là chỗ duy nhất mà Đức Chúa Trời cho phép con dân Ngài thử thách Ngài.

Không ai sẽ bị thua lỗ khi dâng hiến cho công tác bác ái, vì những người dâng hiến cách vui lòng sẽ được Đức Chúa Trời yêu thương đặc biệt (7b). Hơn nữa, “Đức Chúa Trời, Đấng cung cấp hột giống cho người gieo và bánh làm lương thực, sẽ cung cấp hột giống cho anh em gieo, khiến nó sinh hoá ra nhiều, và gia tăng kết quả của việc công chính anh em” (10). Tất cả tiền bạc chúng ta có được đều là do ơn Chúa ban. Dùng một phần tiền ấy làm hột giống để gieo vào việc bác ái, tức là gieo vào đất tốt, thì nó sẽ sinh sôi nẩy nở ra nhiều. Chúng ta tiếp tục được Chúa ban phước cả về phần vật chất lẫn tâm linh nữa. Về việc các mục vụ hay thánh vụ vẫn thường lạc quyên tiền bạc cho công việc của họ thì sao? Tín hữu nên cẩn thận tìm hiểu trước khi dâng hiến cho những tổ chức mà mình chưa biết rõ; hoặc những người dùng danh nghĩa thánh vụ, luôn miệng xin tiền cho cá nhân. Cẩn thận vì luôn có những người chuyên lợi dụng lòng tốt của tín hữu.

Sở dĩ có một số người lúc nào cũng thắt chặt hầu bao, vì họ chưa tin vào sự tốt lành và thành tín của Đức Chúa Trời; sợ rằng cho đi là mất hẳn. Nếu ai đã tuyên xưng rằng vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi không tiếc chính Con Một của Ngài, cũng xưng nhận Ngài là Đấng sáng tạo vũ trụ cùng muôn loài trong đó, thì không có lý do nào để nghi ngờ sự tốt lành và quyền phép toàn năng của Ngài. Chúng ta cần phải hiểu biết và tin Đức Chúa Trời của mình. Mọi sự dư dật giàu có trong đời sống chúng ta đều do Ngài ban cho. “Nếu Đức Giêhôva không cất nhà, thì những thợ xây cất làm uổng công” (Thi Thiên 127:1). “Các ngươi mong nhiều, nhưng chẳng được bao nhiêu, khi các ngươi đem về nhà, Ta thổi bay đi hết. Tại sao vậy? Chúa Vạn Quân phán: Vì nhà của Ta vẫn còn hoang tàn, trong khi đó các ngươi ai nấy lại bận bịu với nhà riêng mình” (A Ghê 1:9). Nếu Chúa không gìn giữ và ban cho, thì sự ky cóp, góp nhặt của cải chỉ là luống công.

Chỉ một hành động dâng hiến cho công việc bác ái có thể làm cho nhiều người cảm tạ Chúa: “Anh em sẽ được giàu có về mọi phương diện để cứu trợ rộng rãi, và vì chúng ta, nhiều người sẽ cảm tạ Đức Chúa Trời. Như vậy, công cuộc tương trợ nầy không những chỉ để cung cấp đầy đủ nhu cầu cho các thánh đồ, mà còn khiến nhiều người hết lòng cảm tạ Đức Chúa Trời” (11–12). Ý muốn vâng lời Chúa và hành động bố thí rộng rãi sẽ đem đến lợi ích nhiều mặt. Trước hết là Đức Chúa Trời được ca ngợi “Họ ca ngợi Đức Chúa Trời vì nghĩa cử nầy của anh em” (13). Kế đến là chứng minh được rằng người dâng hiến “vâng phục và tin nhận Tin Lành của Đấng Christ, và vì anh em rộng lòng giúp đỡ họ và mọi người” (13b); sau nữa “Họ sẽ cầu nguyện cho anh em, tưởng nhớ anh em” (14). Cuối cùng là họ xác nhận rằng chúng ta được Đức Chúa Trời ban ơn dồi dào.

Câu 15 của đoạn 9 nầy thường được sử dụng theo nhiều nghĩa khác nhau. Một số người cho rằng sự ban cho không sao tả xiết (cũng dịch là không xiết kể) của Đức Chúa Trời là nói về món quà ân điển ban xuống trên các Hội Thánh, trong việc làm cho Hội Thánh sẵn lòng và có thể tiếp trợ những nhu cầu của các thánh đồ. Sự tiếp trợ đó trở thành món quà không tả xiết đối với người cung cấp cũng như người nhận. Nhiều người dùng câu nầy để cảm ơn Chúa về những ơn phước vật chất mà họ có được. Một số nhà thần học lại thấy rằng câu nầy không liên kết với câu gần gũi nào trước đó. Suy cho cùng, thì Đức Chúa Giêxu là món quà vĩ đại nhất từ Đức Chúa Trời đã gửi xuống trần gian. Vì Đức Chúa Giêxu là nguyên nhân mà thánh đồ ở mọi thời đại đều cảm tạ Đức Chúa Trời về chương trình cứu chuộc tuyệt vời của Ngài.

2Corinhto09.docx

Rev. Dr. CTB