Vinh Quang của Giao Ước Mới

2Côrinhtô 3:1–18

Khởi đầu đoạn nầy, Phaolô giải thích rằng không phải ông tự đề cao mình khi ông hãnh diện nói rằng ông “chân thành truyền giảng Đấng Christ trước mặt Đức Chúa Trời…không như nhiều người khác đi bán đạo Đức Chúa Trời để kiếm lợi” (2:17). Ông phải nói ông không tự đề cao, vì có một số người ở Côrinhtô hăng hái tìm cách triệt hạ uy tín của ông. Phaolô quyết không tìm kiếm danh vọng hão huyền như những sứ đồ giả, tiên tri giả xin thư giới thiệu gửi gắm của nhiều Hội Thánh địa phương (1). Thánh vụ thành công không thể chối cãi của ông tại Côrinhtô chính là bức thư gửi gắm có giá trị nhất: “Chính anh em là bức thư gửi gắm của chúng tôi, viết trong lòng chúng tôi, mọi người đều biết, đều đọc” (2). Hội Thánh Côrinhtô vừa là thư gửi gắm, vừa là thư tông đồ mà Phaolô vui thích nhất, thân yêu nhất của ông, vì nó được viết trong lòng ông. Không có gì làm cho một người hầu việc Chúa trung tín vui sướng hơn, khi thấy thánh vụ của mình đem ích lợi đến cho tâm linh nhiều người, có bằng chứng rõ ràng trong đời sống những người mà họ đã lao khổ phục vụ.

Vị sứ đồ đã cẩn thận không nhận công lao về phần mình, nhưng ca ngợi Đức Chúa Trời, bởi vì tín hữu ở Côrinhtô “là bức thư của Đấng Christ viết” (3). Nhiệm vụ “gửi” có nghĩa ông là một dụng cụ được tác giả, là Đấng Christ, sử dụng để Chúa có thể viết luật pháp của Đấng Christ vào lòng họ, và tình yêu của Ngài đầy dẫy trong tâm linh họ; “bức thư không viết bằng mực nhưng bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống” (3); cũng “không viết trên bảng đá” là bản luật pháp Đức Chúa Trời ban cho Môise, “nhưng trên lòng dạ bằng thịt của con người.” Nghĩa là sự cứng cỏi của lòng người đã được làm cho mềm mại và được đổi mới bằng ân điển thiên thượng; theo lời hứa: “Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt” (Êxêchiên 36:26). Đây là hi vọng của Phaolô rằng lòng của tín hữu ở Côrinhtô sẽ giống như rương giao ước, chứa đựng các bảng luật pháp và phúc âm, được viết bởi ngón tay của Thánh Linh Đức Chúa Trời hằng sống (4).

Phaolô từ khước ý nghĩ cho rằng chính khả năng của ông đã tạo nên thành quả tại Côrinhtô. Bởi sự yếu đuối và bất năng của chúng ta, đừng ai nghĩ rằng mình sẽ tạo ra được thậm chí một tư tưởng hay, nói gì tới sẽ tạo được ảnh hưởng tốt vào tư tưởng và tình cảm của người khác;vì “khả năng chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời” (5). Điều nầy đúng đối với mọi mục sư và cả tín hữu nữa. Người nào giỏi nhất hay vượt trội nhất cũng chỉ là do ân điển Chúa làm thành. Tự chúng ta là bất năng, nhưng trong Chúa, chúng ta sẽ có đủ khả năng, vì ân điển của Ngài sẽ ban năng lực cho ta.

Đến đây, Phaolô so sánh Cựu Ước với Tân Ước, nghĩa là so sánh luật pháp Môise với Phúc Âm của Đức Chúa Giêxu Christ; nói rằng ông và những bạn cộng sự được Chúa cho “khả năng phục vụ giao ước mới” (6). Phaolô dùng vấn đề nầy để tố cáo những giáo sư giả, là những người hết sức đề cao luật pháp Môise. Ông phân biệt giữa giao ước viết bằng văn tự với giao ước viết bằng Thánh Linh (6); mặc dù là đối với Tân Ước. Không phải ông chỉ phục vụ bằng cách đọc lời của văn tự đã viết ra, hoặc chỉ giảng những văn bản của phúc âm, nhưng ông cũng là sứ giả được Đức Thánh Linh đồng hành và sử dụng. “Chữ làm cho chết” vì văn bản của luật pháp là định tội những ai vi phạm luật pháp ấy, theo đúng nhiệm vụ của chữ trong luật pháp. Nhưng Thánh Linh của phúc âm thì ban sự sống tâm linh và sự sống vĩnh cửu cho bất cứ ai tiếp nhận phúc âm ấy.

Điểm khác nhau nữa giữa Cựu Ước với Tân Ước là sự xuất sắc vượt trội của phúc âm khi so với luật pháp. Vì “luật pháp, một công cụ có hiệu lực làm cho chết” (7), nghĩa là nó chỉ có nhiệm vụ kết án, vì nó làm bộc lộ tội lỗi, sự thịnh nộ và nguyền rủa của Đức Chúa Trời đối với kẻ phạm tội. Luật pháp cho người ta thấy một Đức Chúa Trời tối cao đang nghịch lại chúng ta. Trong khi đó phúc âm giúp người ta khám phá ra ân điển và một Emmanuel, Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta, để bênh vực và cứu giúp chúng ta. Nếu luật pháp được ban bố từ trời đã vinh quang đến nỗi dân Israel không thể nhìn thẳng vào vinh quang đang phai dần trên mặt Môise (7), thì chức vụ của Đức Thánh Linh (8) trong phúc âm của giao ước mới là đem lại sự công chính (9), phải là vinh quang hơn nhiều. “Nếu công cụ kết án mà đã vinh quang, thì chức vụ đem sự công chính đến phải vinh quang hơn nhiều” (9).

Giao ước mới mặc khải cho chúng ta biết đức tin là phương cách đạt đến sự công nghĩa của Đức Chúa Trời. Nghĩa là người nào có đức tin sẽ được xưng công chính và được cứu bởi đức tin ấy. Phúc âm mặc khải cho người ta biết họ có thể nhận được ân sủng và sự thương xót của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giêxu Christ, nhờ được sự tha tội và sự sống vĩnh cửu. Vì thế, phúc âm mang vinh quang quá rực rỡ, che khuất vinh quang của luật pháp đã ban qua Môise (10); tương tự ánh sáng ngọn đèn chẳng còn nghĩa lý gì khi so với mặt trời giữa trưa. Luật pháp ban cho Môise chỉ là tạm thời. Phúc âm của Đức Chúa Giêxu mới trường tồn, “Nếu cái tạm thời đã vinh quang, cái trường tồn phải vinh quang hơn nhiều” (11). Chẳng những vinh quang trên mặt Môise phải phai tàn, mà vinh quang của luật pháp Môise cũng phải qua đi. Khác hẳn với phúc âm sẽ tồn tại cho tới ngày tận cùng của thế giới, nên phúc âm cứ duy trì mãi sự vinh quang của mình.

“Với niềm hi vọng như thế” (12), tức là với niềm vui được hiểu biết vinh quang của giao ước mới và của người được dự phần trong giao ước ấy, Phaolô rao giảng rất bạo dạn (12). Để tiếp tục so sánh hai điều rút tỉa được về những gì ông nói về Cựu Ước và Tân Ước: Nhiệm vụ của người rao giảng phúc âm là phải dùng lời giảng bình dị và rõ ràng nhất cho người nghe. Họ không nên, như Môise lấy màn che mặt mình lại (13), nghĩa là không làm cho những gì Kinh Thánh nói cách tỏ tường thành ra khó hiểu hay tối nghĩa. Những gì Đức Chúa Trời bày tỏ trong Tân Ước không có gì là bí ẩn. Nếu những người giảng dạy không làm cho những điều thuộc linh, chân lý và ân điển của phúc âm, trở nên sáng tỏ nhất theo cách có thể làm được, thì ấy là lỗi của họ.

Những người quen ở dưới luật pháp và cố tình không muốn thay đổi thì “tâm trí mờ tối,.. khi họ đọc Cựu Ước, cái màn vẫn còn đấy…khi đọc sách Môise, tấm màn vẫn che phủ lòng họ” (14–15), có nghĩa là mắt bị truyền thống làm cho mù loà, không thể thấy được vinh quang thiên đàng, không thể hiểu biết hoặc thấy hạnh phúc đang chờ đón họ. Đặc quyền và lợi thế của những người ở dưới phúc âm hơn hẳn những người ở dưới luật pháp. Vì hễ ai trở lại đầu phục Đức Chúa Trời thì cái màn dốt nát ấy bị cất bỏ (16), sự mù loà của tâm trí và sự cứng cỏi của lòng sẽ được chữa lành. Những người ở dưới phúc âm thì rất hạnh phúc vì họ có Đức Thánh Linh, mà “Thánh Linh Chúa ở đâu, nơi đó được tự do” (17). Họ được thoát khỏi cái ách của luật pháp lễ nghi, được giải thoát khỏi sự hư hoại, được tự do đến thẳng với Chúa, được tự do trong lời cầu nguyện, tâm linh được tự do, mở rộng để đi theo những điều răn của Chúa.

Họ lại có ánh sáng, vì “chúng ta đều để mặt trần phản chiếu vinh quang Chúa như một tấm gương” (18). Người Dothái nhìn thấy vinh quang Chúa trong đám mây đen kịt, hãi hùng; nhưng Cơ-đốc-nhân thì nhìn xem vinh quang Chúa như qua một lớp kính, rõ ràng hơn và dễ thấy hơn. Ngày xưa, chỉ một mình Môise được đặc ân trò chuyện mặt đối mặt với Chúa, như với bạn hữu mình; nhưng bây giờ, tất cả Cơ-đốc-nhân chân thật đều có thể để mặt trần nhìn xem Ngài. Ngài cho họ thấy vinh quang Ngài rõ ràng hơn, tức là bày tỏ vinh quang Ngài cho họ.

Ánh sáng và sự tự do ấy có khả năng biến hoá! Nhờ Đức Thánh Linh chúng ta được biến đổi trở nên giống như hình ảnh của Chúa (18), từ mức độ ân điển vinh diệu nầy lên một mức độ vinh diệu khác, cho đến chừng ân điển hoà lẫn vĩnh viễn trong vinh quang. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghỉ ngơi, hài lòng về tình trạng hiện thời của mình; nhưng phải tiến tới, kinh nghiệm cho được quyền phép biến đổi của phúc âm bởi sự vận hành của Đức Thánh Linh, đem chúng ta vào cùng chung nhịp đập của phúc âm vinh diệu của Cứu Chúa Giêxu Christ chúng ta.

2Corinhto03.docx

Rev. Dr. CTB