Nhắn Nhủ và Chúc Phước

2Côrinhtô 13:1–14

Những ai theo dõi hai thư của Phaolô gửi cho Hội Thánh Côrinhtô, cũng như xem xét hành trình truyền giáo của ông trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, sẽ rất thắc mắc về lời nói “Đây là lần thứ ba tôi đến thăm anh em” (1), và “Trong chuyến viếng thăm lần thứ hai, tôi đã cảnh cáo rồi” (2). Trong lá thư thứ nhất, Phaolô cho biết đã được Stephanas, Fortunatus và Achaicus đến thăm (1Cor.16:17), đem theo thư của Hội Thánh Côrinhtô (1Cor.7:1), và người nhà của Chloe nói cho ông biết những vấn đề rắc rối, lộn xộn ở đó (1Côr.1:11). Giữa hai lần viết thư, Phaolô đã không ghé lại Côrinhtô (2Cor.1:23), như lời ông hứa (1Cor.16:5–7). Tuy nhiên, ở đoạn trước Phaolô viết: “Đây là lần thứ ba tôi sẵn sàng đến thăm anh em” 2Cor.12:14, cũng như nguyên văn 2Cor.2:1 nói rằng “tôi đã quyết định không đến thăm anh em trong sự phiền muộn một lần nữa.” Như vậy, lời “cảnh cáo những người phạm tội trước đây” của chuyến viếng thăm thứ nhì (2), đã diễn ra ở một thời điểm không được ghi chép lại rõ ràng.

Mọi việc sẽ được thẩm định trên lời chứng của hai hoặc ba người” (1), là áp dụng lời dạy từ Đức Chúa Giêxu truyền lại: “Nếu người ấy không chịu nghe, hãy đem một vài người đi với con để ‘xác định mọi điều căn cứ theo lời của hai hoặc ba nhân chứng’” (Mathiơ 18:16). Phaolô quyết định sẽ không dung thứ những người đã phạm tội trước đây mà vẫn tiếp tục phạm tội (2). Nguyên cớ của sự nghiêm khắc nầy là “vì anh em đòi hỏi bằng chứng Đấng Christ phán bảo” (3). Nghĩa là các sứ đồ giả tại Côrinhtô tìm cách lôi kéo người khác đặt nghi vấn về chức vụ sứ đồ của Phao –lô, cho rằng vì Phaolô không mạnh mẽ như lời ông nói; nhưng họ lờ đi những sự xác nhận của dấu kỳ, phép lạ và sự thành công của công cuộc ông truyền giảng khắp nơi. Những người nầy có ý cho rằng việc Đấng Christ chịu bị đóng đinh trên thấp tự giá là dấu hiệu Ngài sẽ mềm yếu đối với họ (4). Phaolô cho họ biết rằng “chúng tôi cũng vốn yếu đuối trong Ngài, nhưng để đối xử với anh em, chúng tôi nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời.” Sở dĩ ngày nay người ta cứ bạo dạn bắt bớ và sỉ nhục đạo Chúa, vì họ tưởng rằng Đấng chịu bị đóng đinh là yếu đuối, không uy quyền.

Để hỏi bằng chứng của những kẻ chất vấn bằng cớ Đấng Christ có phán với vị sứ đồ, Phaolô đặt họ vào thử nghiệm: Nếu họ có Đức Chúa Giêxu Christ sống ở giữa họ, thì đó là bằng cớ chức vụ sứ đồ của ông. Vì vậy họ đã thất bại trong việc thách thức uy quyền của Phaolô (5). Ngược lại, ông “không thất bại trong cuộc thử nghiệm đó” (6). Đây cũng là câu hỏi mà tất cả tín hữu cần phải áp dụng cho mình để xem có Đức Chúa Giêxu Christ đang ở với mình không! Bằng cớ thử nghiệm về việc có đức tin hay không nằm ở chỗ nầy. Phaolô cầu xin Chúa cho người Côrinhtô “không làm điều gì sai quấy.” Không phải vì danh dự của ông hay của đạo, nhưng lòng trung thành của một đầy tớ Chúa chỉ muốn tín hữu “làm theo lẽ phải” (7).

Một lý do nữa của lời cầu nguyện trên là họ sẽ không bị trách phạt gì khi Phaolô đến nơi, vì ông sẽ “không thể làm điều gì trái với chân lý, chỉ làm đúng theo chân lý mà thôi” (8). Nếu người Côrinhtô không làm điều gì sai trái, thì vị sứ đồ chẳng có lý do gì chống lại sự thật. Và uy quyền Chúa ban cho ông “là quyền để gây dựng chứ không phải để phá huỷ” (10); vì thế, mặc dù Phaolô được giao cho quyền hạn lớn để tạo uy tín và làm cho Tin Lành phát triển rộng rãi, nhưng không thể nào ông lại làm điều chi gây ngăn trở cho đạo Chúa, hoặc làm nản lòng những người đã vâng theo lời giảng dạy. Cho nên, Phaolô chẳng bao giờ làm điều chi trái ngược với chân lý; việc đáng để ý là vị sứ đồ lại thấy vui mừng khi mình bị yếu đuối. Ông nói “chúng tôi vui mừng khi chúng tôi yếu đuối mà anh em mạnh” (9). Nghĩa là làm sao chúng ta có quyền trách mắng những người mạnh mẽ trong đức tin và kết quả nhiều trong các việc lành?

Điều mà Phaolô mong mỏi là tín hữu ở Côrinhtô có thể chân thành nhắm tới những mục đích hoàn hảo: “Và như vậy, chúng tôi cũng cầu xin cho anh em được nên trọn vẹn” (9). Không những ông chỉ mong ước họ được gìn giữ không phạm điều ác, mà ông còn ước ao họ được tăng trưởng trong ân điển, lớn lên trong sự thánh khiết, và tất cả những gì sai trật trong vòng họ sẽ được chấn chỉnh và biến đổi. Mục đích tốt lành của Phaolô khi ông viết thư nầy là “tôi viết những điều nầy khi vắng mặt,” tức là những lời quở trách và cảnh cáo thân thiện “để khi có mặt, tôi khỏi phải đối xử nghiêm khắc với anh em theo uy quyền Chúa cho tôi” (10). Uy quyền và quyền hạn của một sứ đồ được Đức Chúa Giêxu Christ ban cho là rất lớn; vì nhờ đó họ có đủ thẩm quyền để “sẵn sàng trừng phạt kẻ bất tuân” (2Cor.10:6).

Sứ đồ Phaolô kết thúc thư tín của ông bằng lời từ biệt, trong đó ông viết những lời chúc lành qua các lời khuyên: “Hãy vui mừng, hãy nên người trọn vẹn, hãy đồng tâm nhất trí, sống thuận hoà” (11). Nên người trọn vẹn cũng có nghĩa là khắn khít với nhau trong tình yêu thương. Vì như thế, Hội Thánh sẽ thuận lợi trong mọi mặt, sẽ là một cộng đồng Cơ-đốc luôn nêu gương sáng cho thế gian quanh mình. Vui mừng ở chỗ nầy là được sự an ủi của Chúa trong các trường hợp phải chịu khổ, hoặc bị bắt bớ vì Danh của Đấng Christ, sẽ đủ sức chịu đựng nhiều khổ nạn hay những lúc phải trải qua tai hoạ, những điều thất vọng trong thế gian. Sự đồng tâm nhất trí tạo mọi thuận lợi cho sự an ủi; vì tình đoàn kết cảm thông với hoàn cảnh của người khác sẽ dễ làm dịu bản thân trong cảnh ngộ tương tự. Nếu không đồng tâm nhất trí được, thì ít nhất sống thuận hoà với nhau.

Kết quả ích lợi của những điều tốt lành ấy là được có sự hiện hiện của “Đức Chúa Trời Yêu Thương và Bình An” (11). Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời của sự yêu thương và bình an. Ngài là tác giả của sự bình an, Ngài yêu sự hoà thuận. Ngài đã yêu thương chúng ta và sẵn sàng hoà thuận với chúng ta qua sự chết hi sinh của Con Ngài. Ngài chỉ đòi hỏi chúng ta hãy phục hoà với Ngài, yêu mến Ngài, rồi yêu thương lẫn nhau, hoà thuận với nhau. Đức Chúa Trời hết sức yêu thương những người nào yêu mến sự hoà bình. Ngài sẽ ở cùng họ khi họ còn ở trần gian, và họ sẽ ở với Ngài vĩnh viễn khi họ về thiên đàng. Có sự hiện diện của Đức Chúa Trời với mình khi còn ở thế gian là nỗi ước ao cháy bỏng của biết bao nhiêu thế hệ thánh đồ. Vì sự hiện diện của Chúa là sự bảo đảm chắc chắn nhất là mình sẽ được ở với Ngài trong cõi vĩnh phúc.

Phaolô cũng chỉ thị họ áp dụng lối chào hỏi thánh thiện đầy tình yêu thương của thời bấy giờ là “chào nhau bằng cái hôn thánh” (12). Phong tục của nhiều dân tộc ngày nay vẫn còn dùng lối chào hỏi nầy; tuy nhiên, đàn ông chào đàn ông, đàn bà chào đàn bà. Chào hỏi bằng cái hôn thánh đã bị biến mất dần trong Hội thánh ngày nay, vì tình trạng ngày càng sa sút và thoái hoá của giáo hội, các giới lãnh đạo đã huỷ bỏ sự chào nhau bằng cái hôn thánh để ngăn ngừa sự lạm dụng của những người có tư tưởng bất khiết. “Tất cả các thánh đồ chào anh em” ở Côrinhtô tức là những người đang ở với Phaolô và tín hữu ở Maxêđoan (13).

Câu cuối cùng là lời chúc phước của sứ đồ: “Ân điển của Đức Chúa Giêxu Christ, tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự tương giao của Đức Thánh Linh” (14). Đây là lời chúc phước được công bố để kết thúc một buổi hội họp của Hội Thánh. Lời chúc phước nầy đã bày tỏ rõ ràng và một sự công nhận giáo lý của Tin Mừng về ba thân vị riêng biệt là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh của cùng một Đức Chúa Trời. Giáo lý Ba Ngôi là giáo lý không ai giải thích nổi tại sao ba là một mà một là ba. Người ta đã dùng nhiều hình ảnh để minh giải ý tưởng của giáo lý nầy, nhưng không minh giải nào xác đáng.

Minh giải tương đối dễ hiểu nhất là trong một người có ba phần là thân, hồn, và linh mà vẫn là một người. Đức Chúa Giêxu là ân điển vì Ngài là Đấng Cứu Chuộc; tình yêu thương của Đức Chúa Cha đã gửi Đấng Cứu Chuộc đến thế gian, và tất cả sự truyền thông của tình yêu và ân điển nầy đều đến với chúng ta qua mối tương giao hay hiệp thông của Đức Thánh Linh. Không chi hạnh phúc hơn cho chúng ta ngoài ân điển của Đức Chúa Con, tình yêu thương của Đức Chúa Cha, và ơn hiệp thông của Đức Thánh Linh.

2Corinhto13.docx

Rev. Dr. CTB