Ruth, bài 1
Ruth 1:1-22
Nếu căn cứ vào vài câu cuối cùng của sách nầy, thì có thể biết nó được viết vào thời kỳ David làm vua trên Israel hoặc sau thời kỳ đó. Câu chuyện được kể là xảy ra vào thời các Quan Xét, và theo sách Talmud của người Do-thái, thì tác giả của sách nầy là Samuel.
Tuy nhiên, bằng chứng về tác giả sách là Samuel thì không tìm thấy trong sách. Cho nên, các học giả vẫn giữ quan điểm là không rõ tác giả.
Sách mở đầu bằng nạn đói xảy ra trong xứ. Rất có thể đó là hậu quả của việc người Israel phạm tội thờ hình tượng ma quỷ (1). Sứ điệp mà sách muốn rao truyền là ân sủng lớn lao của Đức Chúa Trời đối với con dân Ngài, dù họ có đi lạc khỏi đường lối Chúa. –
Elimelech và vợ là Naomi, cùng hai con trai Mahlon và Chilion, người Bethlehem xứ Judah (vì Bethlehem còn gọi là Ephratha, nên người ở đó gọi là người Ephratha), rời Bethlehem sang xứ Moab (2).
Bethlehem nghĩa là ‘nhà bánh.‘ Xứ Moab là nơi thờ các thần gớm ghiếc là Chemosh và Baal-peor. Bỏ xứ của Đức Giêhôva ban cho để đi tới xứ của các dân thờ tà thần; cho nên, sau mười năm, những người đàn ông trong nhà đều có đi mà không có về.
Elimelech chết vào lúc nào không ai rõ, nhưng hai người con trai cư trú trong xứ của dân ngoại nên cưới vợ đều là người Moab, điều mà luật pháp của Chúa truyền cho người Israel đã ngăn cấm. Rất có thể hai người đàn ông đó tham gia vào sự thờ cúng thần tượng của người Moab; cho nên, cả hai đều chết (3-5).
Naomi ở tại đó, không một người thân thuộc nào ngoài hai nàng dâu người Moab. Naomi nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã trừng phạt bà về tội bỏ vùng đất hứa Ngài ban để đi nơi khác tìm lương thực và cưới vợ cho con để tìm cách nối dõi, như lời bà than vãn ở cuối đoạn là trở về với hai bàn tay không (21).
Có vài lý do khiến Naomi lên đường trở về quê cũ. Thứ nhất là cảnh vật mà bà sống ở Moab thường xuyên nhắc lại hình ảnh của người chồng và hai đứa con trai đã qua đời. Điều đó khiến bà càng buồn hơn. Thứ nhì là bà nghe Đức Chúa Trời lại thăm viếng và ban lương thực cho dân Ngài (6).
Thứ ba có lẽ bà bị lương tâm cáo trách sự không tin vào lòng thương xót của Chúa đối với dân Israel; vì trong lúc vẫn có của cải dư đầy (21), gia đình bà không ở lại chịu đựng chung với dân tộc mình, mà dọn tới một nơi sung sướng hơn, mặc dù ở nơi đó họ bị xa rời dòng tộc cùng chỗ duy nhất thờ phượng Đức Chúa Trời trên cả thế gian.
Vì vậy, bà bị trắng tay nhưng được trở về quê hương và dân tộc bởi lòng thương xót của Đức Chúa Trời và chương trình Ngài đã dự định.
Vì hai người con dâu vẫn còn ở với mẹ chồng là bà Naomi, theo tục lệ vẫn có trong các dân tộc ở vùng trung đông, nên cả ba đều lên đường hồi hương quê chồng (7). Lòng của Naomi không nỡ thấy hai nàng dâu vùi lấp tuổi trẻ bên bà mẹ chồng đã già, bà bảo hai nàng dâu ngồi xuống tính toán tương lai nếu cứ đi theo bà thì sẽ không được gì hết; cho nên, bà nói:
“Các con mỗi người hãy về nhà mẹ mình đi. Cầu xin Đức Giê-hô-va tỏ lòng thương với hai con, như hai con đã tỏ lòng thương với mẹ và những người quá cố. Nguyện Đức Giê-hô-va ban cho hai con được bình an nơi nhà chồng mới!” (8-9).
Mặc dù hai cô dâu òa khóc và vẫn đòi theo mẹ chồng về quê chồng, nhưng Naomi dùng thực tế khuyên hai nàng nên trở về, bởi vì bà không còn con trai nào để lấy họ, mà dù bà có lấy được chồng, dù bà có thể sinh thêm con, họ cũng không thể chờ chúng lớn (10-13a).
Bà nói rõ sự suy nghĩ của lòng bà rằng Đức Giê-hô-va đã giơ tay ra giáng họa trên bà vì đã bỏ vùng đất cơ nghiệp được Ngài ban cho mà chạy sang vùng đất không biết kính thờ Đức Chúa Trời (13b). Hai nàng dâu lại òa lên khóc. Orpah ôm hôn từ biệt mẹ chồng để lên đường trở về nhà.
Nàng dâu nầy thương mẹ chồng, nhưng tính trước tương lai thì thấy không theo đuổi nổi những khổ cực sẽ tới; thương mẹ chồng, nhưng yêu mến quê hương mình nhiều hơn là đi theo phụng dưỡng mẹ. Còn Ruth thì không chịu rời mẹ chồng (14).
Ngày nay có nhiều người cư xử với Đức Chúa Jesus giống như Orpah. Họ có cảm tình và quý trọng Chúa nhưng chưa chịu nhận ơn cứu chuộc của Ngài, họ không sẵn lòng vì Ngài mà từ bỏ những thứ họ ưa chuộng trong trần gian.
Ruth là một mẫu mực về ân sủng của Đức Chúa Trời. Cô đã chọn cứ đi theo mẹ chồng là phần tốt hơn. Sau khi Orpah bỏ về, Naomi có lý lẽ vững chắc hơn để thuyết phục Ruth quay về với gia đình (15). Nhưng Ruth thưa: “Xin đừng ép con lìa bỏ mẹ hoặc quay trở về! Mẹ đi đâu con sẽ đi theo đó; mẹ ở nơi nào con sẽ ở nơi đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con; Đức Chúa Trời của mẹ là Đức Chúa Trời của con” (16).
Ruth là mẫu mực của một người con dâu quý báu hiếm có. Nàng sẵn lòng cùng mẹ chồng trải qua chuyến hồi hương mệt nhọc và khó khăn, tới một dân tộc khác với dân tộc mình, và sẽ kính thờ một Chúa mà nàng chưa biết. Lời nói chân thành của Ruth chứng tỏ một quyết tâm không thể lay chuyển. Mẹ đi đâu con theo đó, mẹ ở nơi nào con sẽ ở nơi đó! Nghĩa là dù cuộc sống có khó khăn trăm bề, Ruth vẫn sẵn sàng theo phụng dưỡng bà Naomi (17).
Ruth là hình ảnh về ân sủng của Đức Chúa Trời giúp cho linh hồn chúng ta biết chọn phần tốt hơn. Naomi không có điều gì vui hơn khi nghe Ruth long trọng hứa với mình. Quyết tâm là phương cách tốt nhất dập tắt sự cám dỗ. Những ai theo đạo mà ý chí không vững chắc, thì giống như cánh cửa mở hé mời mọc các tên trộm; nhưng quyết tâm giống như then chận cửa vững chắc, chống trả ma quỷ và đuổi hắn tháo chạy.
Bà Naomi hạnh phúc trong lòng, mặc dù chẳng còn chồng hay con, nhưng bà có Ruth hiếu thảo hơn con đẻ (18). Hai người về đến Bethlehem thì cả thành đều xôn xao đến hỏi thăm. Naomi than thở: “Đừng gọi tôi là Naomi (ngọt ngào), mà hãy gọi tôi là Mara (đắng). Vì Đấng Toàn Năng đã khiến tôi chịu nhiều cay đắng” (19-20).
Naomi đã hiểu hoạn nạn của mình là do lỗi lầm của cả nhà đã bỏ sản nghiệp ở vùng đất hứa mà Đức Chúa Trời hứa sẽ ban phước khi Israel biết vâng lời. Trước viễn cảnh sẽ gặp đói kém, họ lìa bỏ sản nghiệp Chúa ban với của cải dư đầy, để rồi trở về với hai bàn tay trắng.
Điều phước hạnh cho Naomi là bà biết vì lỗi lầm quá lớn của gia đình mình đã đẩy đưa mình đến nỗi nầy “Đức Giê-hô-va đã lên án tôi, và Đấng Toàn Năng khiến tôi chịu nhiều khốn khổ” (21). Tuy vậy, điều an ủi cho bà là đã về được đến quê hương, sống giữa dân tộc mình; bên cạnh bà còn có Ruth vô cùng hiếu thảo. Họ từ xứ Moab trở về “đến Bethlehem vào đầu mùa gặt lúa mạch” (22).
Bài học nhắc chúng ta đừng xem thường và từ bỏ ơn phước Chúa ban cho mình. Vì nếu còn được Chúa thương xót, dù phải bị hai bàn tay trắng, Chúa vẫn có chương trình tốt lành cho con cái Ngài, cho những người biết ăn năn quay trở lại vào gia đình Ngài.
Ruth01.docx
Re. Dr. CTB