Tiệc Thánh

1Côrinhtô 11:17–34

Trong phần tiếp theo, Phaolô quở trách tín hữu ở Côrinhtô nặng hơn về những sự lộn xộn họ gây ra trong bữa ăn chung sau khi dự tiệc thánh, gọi là bữa ăn thân ái theo tập quán chung của Hội Thánh thời sơ lập.  Ông nói rằng ông “không thể khen,…vì việc nhóm lại… đã không đem lợi ích gì hơn, mà chỉ có hại” (17). Từ phần đầu của đoạn nầy, Phaolô tìm hết cách khen ngợi họ với mọi điều có thể khen được. Nhưng các sự lộn xộn đầy tai tiếng mà họ gây ra trong một sinh hoạt thánh khiết như vậy thì chỉ đáng bị quở nặng. Vì bữa ăn thân ái sau tiệc thánh là nhằm tạo các lợi ích thuộc linh và tinh thần đoàn kết. Trái lại, nó gây chia rẽ thêm.  Vì hễ việc gì không đem đến ích lợi cho chúng ta, thì nó sẽ đem tai hại tới. Tánh tình và đời sống thuộc linh của tín hữu sẽ bị suy đồi thêm nếu không có biện pháp nào giúp thay đổi bản chất vốn xấu của chúng ta.

Lời quở trách của Phaolô không phải chỉ vì một lý do. Trước hết là tình trạng chia rẽ giữa họ với nhau: “Tôi nghe nói anh em chia phe ra khi Hội Thánh hội họp…Chắc phải có sự chia rẽ như thế mới thấy rõ ai là người tín hữu thật giữa anh em” (18–19). Người tín hữu thật là người tránh gây ra vấp phạm cho anh em tín hữu khác. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời làm cho tính xấu và ác của tín đồ xác thịt bộc lộ ra tương phản với tình yêu thương và tính thanh liêm của tín hữu thật. Vì tín đồ xác thịt thì chỉ chăm chú vào những điều họ cho là lợi ích của họ mà thôi. Vì thế, hạng tín đồ xác thịt là nguyên nhân tạo ra bất hoà trong tập thể chung. Sự quở trách không nhằm mục đích loại trừ những tín đồ xác thịt, nhưng nhắc nhở để họ tỉnh ngộ nhường cho Đức Thánh Linh hành động thay đổi tâm tính họ trên tiến trình thánh hoá của họ.

Phaolô chỉ cho họ thấy rằng chính các cách hành xử của họ đã phá huỷ mục đích và ích lợi của tiệc thánh, một thánh lễ theo giáo nghi: “… khi nhóm họp, anh em đâu còn dự tiệc thánh của Chúa nữa” (20). Người nào dự tiệc thánh của Chúa cách cẩu thả, bất cẩn là đã phạm tội với thân và huyết của Chúa; huống chi dự tiệc thánh mà gây ra hiềm khích chia rẽ giữa anh chị em tín hữu với nhau! Phaolô không chỉ quở trách người Côrinhtô về sự chia rẽ và tranh chấp, mà còn về tai tiếng do lộn xộn: “Vì khi ăn, ai cũng lo ăn phần mình trước, đến nỗi người đói, kẻ say” (21). Dân ngoại đạo thường bày tiệc ăn uống nhậu nhẹt no say trong các buổi cúng bái, tế lễ, thờ tự của họ.  Vào thời Hội Thánh sơ lập, có bữa ăn thân ái sau khi cả Hội Thánh cùng dự tiệc thánh. Tín hữu đem đồ ăn đến để ăn chung với nhau. Những người giàu có đem nhiều đồ ăn cho gia đình mình, và chỉ chia phần còn thừa, nếu có, cho những người nghèo không có gì, sau khi họ đã ăn xong.

Vì thế, sự nhóm lại của họ để thờ phượng Chúa không khiến họ được ích lợi, mà còn có hại thêm. Bữa ăn thân ái được thiết lập sau tiệc thánh, và được kể là một phần của tiệc thánh để tạo tình thân ái và hiệp nhất trong Hội Thánh, nhưng thói xấu của một số tín hữu giàu có ở Côrinhtô đã đi ngược với mục đích ban đầu của một thánh lễ, dung tục hoá một nghi thức thánh, trở thành một tội nặng. Vì cách hành xử đó mang tính khinh thường nhà của Đức Chúa Trời, là Hội Thánh: “Anh em ăn uống tại nhà mình không được sao? Hay anh em coi thường Hội Thánh của Đức Chúa Trời, làm cho người nghèo phải xấu hổ?” (22) Nếu bữa ăn là một bữa ăn bình thường thì nó nên được tổ chức và điều hành bình thường. Nhưng nếu bữa ăn có ý nghĩa tôn giáo trong đó, thì phải được thực hiện trong tinh thần tin kính Chúa. Người giàu có đối đãi với anh chị em tín hữu của mình cách khinh thường là phạm tội với Chúa; vì Chúa rất yêu quý những người nghèo.

Để chấn chỉnh tính đồi bại và vô trật tự nầy, Phaolô trình bày hình thức một thánh lễ phải có để nó trở thành luật lệ cải tổ mọi hình thức sai trật. Ông cho biết đây là điều ông nhận sự chỉ dẫn trực tiếp từ Đức Chúa Giêxu. Ngài đã thiết lập tiệc thánh nầy trong đêm Ngài bị phản nộp. Ngài cầm lấy bánh (23), “cảm tạ, rồi bẻ ra và phán” (24). Hai thứ mà Chúa nói đến rõ ràng là bánh và chén để chứa thức uống. Chữ bánh được dùng nhiều lần trong phân đoạn nầy (23, 26–29), như thế nó là bánh. Mặc dù có nhiều hình thức bánh khác nhau, nhưng bánh dùng làm lương thực chính của một bữa ăn thì người ta gọi đó là bánh mì, dù chúng có thể được làm bằng bột lúa mì hay lúa mạch. Bánh được Đức Chúa Giêxu và các môn đồ ăn trong tiệc thánh đầu tiên có lẽ là bánh lúa mạch có hình tròn cán mỏng và nướng chín. Người ăn bẻ nhỏ miếng bánh ra để múc thức ăn.

Mặc dù ở chỗ nầy Phaolô không nói chén chứa thức uống gì, nhưng cả 3 sách phúc âm đồng quan đều cho biết là nước trái nho (Math.26:29; Mác 14:25; Luca 22:18). Những giáo lý và điều lệ của các giáo hội nào bắt buộc phải dùng rượu trong lễ tiệc thánh thì không được Kinh Thánh ủng hộ. Chất uống có thể là bất cứ thứ gì uống được. Cả hai thứ, bánh và nước nho chứa trong chén đều là biểu tượng về thân thể và huyết của Đức Chúa Giêxu. Người dự tiệc phải tưởng nhớ đến sự hi sinh của Ngài khi ăn bánh và uống chén (24–25). Sự tưởng nhớ mà Đức Chúa Giêxu truyền cho các môn đồ Ngài phải làm khi dự tiệc thánh không phải chỉ là tưởng nhớ suông về một người đã khuất, nhưng là bổn phận phải truyền rao ơn hi sinh chuộc tội của Ngài, để nhiều người thuộc các thế hệ nối tiếp nhau đều được biết về tin mừng ấy mà tiếp nhận; tín hữu phải công bố sự chết hi sinh của Chúa cho đến khi Ngài trở lại tiếp rước họ về Nước vinh quang của Ngài (26).

Mọi tín hữu cần phải hiểu thấu đáo ý nghĩa của tiệc thánh. Đức Chúa Giêxu dâng chính Ngài lên Đức Chúa Trời. Và bởi sự chết mình, Ngài đem đến sự tha tội cùng với mọi phúc lợi của tin mừng cho những người thật lòng tin. Từ đó về sau, mỗi lần tiệc thánh được cử hành thì các phúc lợi ấy tiếp tục ban cho các tín hữu chân thật. Bánh và nước nho của tiệc thánh là lương thực cho linh hồn. Lương thực dù bổ đến bao nhiêu đi nữa cũng thành vô ích nếu không được ăn và uống vào. Dự tiệc thánh là phải nhận và ăn, uống; giống như là nhận chính Đấng Christ và ăn uống ân điển cùng các lợi ích Ngài ban; bởi đức tin, chuyển những ơn ấy thành chất bổ nuôi tâm linh của mình. Họ phải tiếp nhận Ngài là Chúa và sự sống của mình, vâng phục Ngài và sống bởi Ngài, vì “Đấng Christ là nguồn sống của chúng ta” (Côlôse 3:4).

Phaolô đặt ra trước mặt người Côrinhtô về mối hiểm nguy của việc dự tiệc cách không xứng đáng, như họ đang dùng cơ hội để tiệc tùng theo phe đảng. Vì dự tiệc thánh là long trọng tái kết ước và xác nhận giao ước với Đức Chúa Trời. Nhưng thái độ và cung cách dự tiệc trái ngược với tinh thần đó là phạm tội khinh thường Đấng Tối Cao. Phaolô nói ai làm như vậy là “mắc tội với thân và huyết của Chúa” (27), và khuyên “Vậy, mỗi người phải xét mình rồi mới ăn bánh uống chén ấy. Ai ăn bánh uống chén mà không phân biệt thân thể Chúa, tức là ăn uống án phạt vào mình” (28–29). Ông nói rằng nguyên nhân của nhiều thứ bệnh tật, đau yếu, và một số người qua đời cũng vì cẩu thả dự tiệc mà không tự xét; và “nếu biết tự xét thì khỏi bị xét xử” (30–31). Hêbơrơ 10:26 – 30 thì cảnh cáo hình phạt nặng đối với tội khinh thường huyết Đức Chúa Giêxu.

Tuy nhiên là con cái Chúa, nếu bị Ngài xét xử và sửa phạt ấy là vì Ngài yêu thương chúng ta.  Lợi thế của những người đã được chuộc bởi huyết giao ước của Đức Chúa Giêxu là không bị kết tội chung với người thế gian (32) sau khi bị Ngài sửa phạt. Mục đích của sự sửa phạt đầy nhân từ là để cho chúng ta tránh khỏi sự kết án cuối cùng. Chúa sửa phạt những người Ngài yêu thương chứ không phải vì ghét bỏ: “Vì Chúa sửa trị người Ngài yêu, và hễ ai được nhận làm con, Ngài cho roi cho vọt” (Hêbơrơ 12:6). Như vậy, những con cái Chúa lỡ lầm phạm tội mà có bị sửa phạt thì nên vui mừng, vì sự sửa phạt ấy là thiện ý của một người Cha không muốn con mình bị hình phạt vĩnh viễn trong hoả ngục (Hêbơrơ 12:7–11).

Phaolô kết thúc phần quở trách nầy bằng lời khuyên phải cẩn trọng để khỏi phạm lại những hành động xúc phạm đến tiệc thánh. Người nào đói hoặc muốn thoả mãn sự ăn uống, hãy ăn ở nhà trước khi đến dự tiệc thánh. Nếu chúng ta làm những bổn phận thánh của mình cách bôi bác, sẽ phải nhận lấy sự kết án, dù cho có thường xuyên đi nhà thờ, nghe giảng, dự tiệc thánh, vv. Vì vừa đến thờ phượng Chúa, vừa chọc giận Ngài, thì mọi hành động tôn giáo là vô ích (33–34).

1Corinhto18.docx

Rev. Dr. CTB