Các Ân Tứ Thuộc Linh

1Côrinhtô 12:1–11

Trong đoạn nầy sứ đồ Phaolô nói về các ân tứ thuộc linh, là những ơn mà tín hữu ở Côrinhtô được ban cho dư dật (1:7).  Ông nói về Đấng ban cho, là nguồn của các ân tứ ấy, và mục đích của chúng là để mở rộng Vương quốc của Đức Chúa Trời và gây dựng Hội Thánh. Nhưng các ân tứ ấy bị lạm dụng hoặc sử dụng cách sai trật tại Hội Thánh Côrinhtô. Điều đầu tiên mà ông xin độc giả của thư nầy cần hiểu là họ không nên giữ tình trạng dốt nát về các ân tứ thuộc linh. Nghĩa là phải hiểu biết về các ân tứ thiêng liêng, công dụng của các ân tứ ấy, mục đích của Chúa khi Ngài ban ân tứ cho Hội Thánh là gì, và sử dụng như thế nào. Phaolô đã dùng phần thư nầy (được sắp xếp thành 3 đoạn 12, 13 và 14) để bàn về vấn đề ân tứ. Vì thế, mọi điều ông viết trong phần thư ấy có liên hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời, để độc giả có thể hiểu toàn bộ vấn đề ân tứ.

Thái độ thờ ơ, không cần biết, là khinh thường các món quà yêu thương mà Đức Thánh Linh đã dành sẵn cho mọi con dân Ngài. Thái độ ấy chẳng khi nào được Chúa kể là vô tội. Nếu Kinh Thánh không nói gì đến các ân tứ siêu nhiên thì người ta còn có cớ bào chữa. Nhưng đã dốt nát lại còn chống đối các ân tứ thiêng liêng, thì điều đó chứng tỏ người chống đối không có mối liên hệ gì với Đấng ban ân tứ cho Hội Thánh, là lý do mà một số người bộc lộ ác cảm đối với Đức Thánh Linh, khi nghe nhắc tới Đấng dẫn dắt và bảo vệ Hội Thánh trong hơn hai ngàn năm qua.

“Khi còn là người ngoại đạo, anh em biết mình đã bị lôi cuốn vào việc thờ lạy các hình tượng câm,” (2) là những thứ không có chút thực quyền nào, không thể ban cho người thờ lạy chúng các ân tứ siêu nhiên; đồng thời người thờ lạy hình tượng cũng không thể nào tiếp nhận ảnh hưởng từ Thánh Linh của Đức Chúa Giêxu. Sau khi đã trở thành con cái thật của Chúa, nếu có hiểu được tình trạng trước kia của mình như vậy, tín hữu mới có thể hiểu và biết rằng chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể ban cho họ các ân tứ siêu nhiên theo lời Ngài hứa. Ngoại trừ người Dothái, toàn nhân loại hoàn toàn xa lạ với giao ước của lời hứa. Nhưng bây giờ, mọi Cơ-đốc-nhân đều được đưa vô giao ước của lời hứa ấy; cho nên, phải có lòng biết ơn và đứng dậy thực hiện nhiệm vụ của mình bằng các ân tứ siêu nhiên mà Đức Thánh Linh theo ý tốt của Ngài ban cho từng người.

Dothái giáo và dân ngoại bang thời ấy vẫn thường lộng ngôn xúc phạm Đức Chúa Giêxu. Vì thế Phaolô bày cho tín hữu Côrinhtô biết cách phân biệt ân tứ thật do Đức Thánh Linh ban xuống nơi người nhận (3). Thời ấy, vẫn có một số người Giuđa đi đó đây mạo Danh Chúa hành nghề trừ quỷ, cũng như người ngoại bang giả mạo được thần cảm. Phaolô nói rằng họ không thể hành xử bởi quyền phép của Thánh Linh Đức Chúa Trời vì khinh thường không xưng Đức Chúa Giêxu là Chúa. Cũng vậy, chỉ bởi Đức Thánh Linh, tín hữu mới có thể giữ vững đức tin và xưng Giêxu là Chúa khi phải đối diện với bắt bớ hoạn nạn. Dù trong Hội Thánh có nhiều ân tứ và nhiều công tác phục vụ khác nhau, nhưng đều đến từ một Chúa (4–6).

Đức Thánh Linh biểu lộ chính Ngài khi tín hữu thực hiện các ân tứ thiêng liêng khác nhau vì lợi ích chung của Hội Thánh (7). Nghĩa là ân tứ không phải để người nhận phô diễn vinh dự được Chúa sử dụng hoặc địa vị của mình, nhưng để gây dựng Hội Thánh, rao truyền phúc âm và khiến đạo Chúa tấn tới. Đồng thời Ngài cũng ban nhiều ân tứ khác nhau cho nhiều người khác nhau và sử dụng họ cách riêng biệt hoặc phối hợp nhau nhằm mục tiêu có lợi nhất cho Hội Thánh.

‘Lời khôn ngoan’ được hiểu theo vài cách khác nhau: Hoặc là sự hiểu biết hay tri thức về các huyền nhiệm của phúc âm và khả năng để giải thích chúng, một sự hiểu biết chính xác về sự kiến tạo, bản chất, và các giáo lý của Cơ-đốc-giáo; hoặc là sự phát biểu những lời nói vô cùng sâu sắc như các châm ngôn của Salômôn. Người khác thì giới hạn lời khôn ngoan là những sự khải thị do các sứ đồ tiết lộ. Ngày nay, người ta giải thích ‘lời khôn ngoan’ là lời nói được ban cho đúng lúc để giải toả một tình trạng khó khăn hoàn toàn bế tắc. Cũng có thể là lời nói được ban cho để đối đáp khi phải đối đầu với cường quyền thù nghịch với phúc âm; hoặc lời nói có khả năng làm câm miệng những lý lẽ chống đối đạo Chúa trong một cuộc tranh luận hay bắt bẻ Tin Lành (8).

‘Lời tri thức’ cũng được giải thích theo vài cách: hoặc là tri thức về những huyền nhiệm của Tin Lành (1Côr.2:13) được gói ghém trong các lời tiên tri và lịch sử của Cựu Ước; người khác thì cho rằng đó là tài khéo léo và tính sẵn sàng đưa ra những lời cố vấn đúng kịp thời cho các trường hợp khó khăn; ý kiến khác nữa cho rằng ‘lời tri thức’ là một thứ ơn khải thị đặc biệt phơi bày các sự kín nhiệm trong lòng người, hoặc sự bày tỏ kịp thời sự thật trong các hoàn cảnh đặc biệt. Hai ý kiến chót vừa nêu thường được xác nhận bởi những kinh nghiệm trong thực tế của thời kỳ lịch sử hiện nay, khi Đức Thánh Linh thăm viếng và ban ân tứ đặc biệt cho một số người (8).

Ân tứ ‘đức tin’ khác với thứ đức tin vào Đức Chúa Giêxu là phúc âm của Đức Chúa Trời; nó là ‘đức tin’ vào các phép lạ, hoặc lòng tin vào quyền năng và các lời hứa thiên thượng. Nhờ đức tin đó, tín hữu có thể tin cậy Đức Chúa Trời trong bất cứ trường hợp nguy cấp nào, thực hiện bổn phận phục vụ hay rao truyền chân lý bất kể hoàn cảnh khó khăn hay nguy nan. Ân tứ đức tin đòi hỏi phải có niềm tin căn bản vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời và quyền phép của Ngài. Tình trạng dựa vào đức tin của người khác để giải quyết các nan đề của mình, sẽ không dẫn đến kinh nghiệm thực tế của ân tứ nầy. Ân tứ là một ơn ban, một món quà tặng, song nó sẽ chẳng có hiệu quả khi thiếu mất nền tảng của lòng tin ban đầu vào Đức Chúa Trời. Các ân tứ ‘lời khôn ngoan’ và ‘lời tri thức’ đều vận hành trên căn bản ân tứ ‘đức tin’ siêu nhiên (9).

Ân tứ ‘chữa bệnh’ thuộc về loại ân tứ quyền năng, bởi sự đặt tay, xức dầu, hoặc ra lệnh bằng lời nói mà bệnh được dứt; nghĩa là không cần dùng đến thuốc men hay y khoa để chữa lành bệnh theo cách thông thường. Ân tứ ‘chữa bệnh’ là ơn ban đặc biệt cho những người được Chúa chọn đặc biệt để chữa lành cách siêu nhiên những thứ bệnh và tật nguyền, mà y khoa của loài người đã bó tay; nó khác với uy quyền trên các bệnh tật thông thường mà mọi con dân Chúa đều có (9).

Ân tứ ‘làm phép lạ’ (10) thực hiện được những việc phi thường trong các tình huống đặc biệt như gọi người chết (vì bệnh hay tai nạn) sống lại (Công vụ 9:40; 14:3; 20:9–12). Cũng có những phép lạ ngày nay vẫn diễn ra như thời các tiên tri trong Cựu Ước (2Vua 4:3–6, 39–41; 6:5–7). Ân tứ ‘nói tiên tri’ là khả năng nói trước về những việc sẽ xảy ra, theo sát nghĩa của chữ tiên tri: biết trước.  một số ý kiến khác cho rằng ‘nói tiên tri’ là khả năng giải nghĩa Kinh Thánh bởi ơn đặc biệt của Đức Thánh Linh. Những người không còn tin là quyền năng của Chúa vẫn thể hiện ngày nay thì cho rằng ‘nói tiên tri’ là giảng lời Chúa, nghĩa là dùng lời Chúa để nói về những việc sẽ đến.

Ân tứ ‘phân biệt các thần’ cũng gọi là phân biệt ‘các linh’ (10), là khả năng nhận ra các tiên tri thật hay giả, hoặc biết nhận ra các phẩm chất thật sự trong bất cứ người nào đang giữ chức vụ hay ứng cử vào chức vụ nào đó của Hội Thánh; hoặc là bởi ơn của Đức Thánh Linh khám phá ra những suy nghĩ, toan tính trong lòng người khác (Công vụ 5:3).

Ân tứ ‘nói các thứ tiếng’ và ơn ‘thông dịch các thứ tiếng’ (10) thường được gọi là ‘nói tiếng lạ’ và ‘thông giải tiếng lạ,’ là tiếng của Đức Thánh Linh cho nói, có thể là tiếng của một dân tộc nào đó, có thể là tiếng huyền nhiệm không ai hiểu được, hoặc tiếng nói của thiên sứ (13:1), hoặc một thứ tiếng mới. Còn ‘thông dịch’ là khả năng chuyển thông điệp của tiếng lạ đã nói ra thành ngôn ngữ của những người đang dự nhóm hiểu được. Sự nói và thông dịch các thứ tiếng là năng lực siêu nhiên đến từ Đức Thánh Linh vào thời điểm ấy, không phải là khả năng do học mà được.

“Các ân tứ ấy do cùng một Thánh Linh điều động và phân phối cho mỗi người theo ý Ngài” (11). Ân tứ có nghĩa là quà tặng. Ân tứ thuộc linh là quà tặng của Đức Thánh Linh. Đấng tặng quà có toàn quyền chọn lựa theo sự dò xét của Ngài về bề trong và năng lực quản lý của người được tặng. Được nhiều ân tứ hay ít đều do quyết định của Đấng biết rõ lòng người chúng ta.

1Corinhto19.docx

Rev. Dr. CTB