Ân Tứ và Các Chi Thể trong Thân

1Côrinhtô 12:12–31

Trong phần tiếp theo của đoạn nầy, sứ đồ Phaolô muốn nhắc nhở những người đã nhận được ân tứ tại Côrinhtô về nhiệm vụ của họ, bằng cách ví Hội Thánh của Đấng Christ với thân thể con người: “…thân thể người ta chỉ là một nhưng gồm nhiều chi thể, và các chi thể tuy nhiều nhưng kết hợp lại làm một thân. Thân thể Đấng Christ cũng vậy” (12). Đấng Christ và Hội Thánh Ngài lập thành một thân thể, mà Ngài là cái đầu của nhiều chi thể. Thân thể là do nhiều phần chi thể khác nhau kết hợp thành chỉ một thân; và tất cả các chi thể “đều chịu báp têm gia nhập vào một thân thể. Tất cả chúng ta đều uống cùng một Thánh Linh” (13). Nghĩa là nhờ phép báp têm, hình thức lễ nghi bề ngoài của một thực tế sinh lại bên trong, mọi tín hữu được trở thành chi thể của đồng một thân và được dự phần trong một Đức Thánh Linh. Cho nên được gọi là sự “rửa sạch, tái sinh và đổi mới”(Tít 3:5). “Uống cùng một Thánh Linh” không nói về nước nho của tiệc thánh, mà là sự đổi mới bề trong, dự phần trong sự thánh khiết của Ngài, mới trở thành chi thể thật của Đấng Christ, duy trì sự hợp nhất với Ngài và được làm cho sống động bởi một Đức Thánh Linh.

Dù có nhiều chi thể nhưng thân chỉ có một. Vô số tín hữu thuộc về một thân bởi vì họ chỉ có một nguyên tắc về sự sống, đó là mọi tâm linh đều được sống động và tươi tỉnh chỉ nhờ một Đức Thánh Linh (14). Mỗi chi thể trong thân có hình thù đặc biệt riêng; dù chi thể ấy nhỏ hèn đến đâu, nó vẫn cần thiết được cấu tạo cho thân và thuộc về thân. Các chi thể đều phụ thuộc lẫn nhau, nên chẳng chi thể nào được quyền làm cao không cần đến các chi thể khác (15–16). Mỗi chi thể lại đã được tạo nên cho một nhiệm vụ riêng biệt để thực hiện bổn phận của mình đóng góp vào lợi ích chung của toàn thân thể (17). Nếu mọi chi thể đều giống y như nhau, thì không có thân thể (19).  Vị trí của chi thể trong thân, hình thù và nhiệm vụ của nó đã được Đức Chúa Trời sắp xếp theo ý Ngài muốn để cho thân thể có thể hoạt động (18). Nhiều chi thể khác nhau là điều cần thiết cho thân thể hoạt động đầy đủ và hữu hiệu, nên “chi thể tuy nhiều nhưng chỉ có một thân” (20).

Đức Chúa Trời đã nắn các chi thể trong thân và đặt chúng dính liền với nhau trong thân thể để chúng cần lẫn nhau và cần thiết cho thân nữa (21– 22). Giống như mọi chi thể trong thân thể con người lệ thuộc vào nhau vì cần nhau, mọi thành viên của Hội Thánh cũng luôn luôn cần và lệ thuộc vào những anh chị em khác. Dù một người có thể được Đức Thánh Linh ban cho những ân tứ đặc biệt vượt trội nhiều người khác, thì cũng không thể nào cho rằng mình không cần các anh chị em khác trong Hội Thánh, hoặc coi thường những anh chị em ít ân tứ hơn mình hoặc kém sút so với mình. Vì vai trò và sự đóng góp của những người thấp thỏi hơn hết trong Hội Thánh vẫn là cần thiết, những người có ân tứ mạnh mẽ hơn vẫn cần tới họ (22). Không một mục sư giỏi nào không cần đến sự yểm trợ và ủng hộ của anh chị em tín hữu trong Hội Thánh.

Người ta luôn luôn chăm sóc cho toàn thân thể “chi thể nào ta tưởng là tầm thường lại được tôn trọng hơn; chi thể nào thiếu vẻ đẹp lại được trau giồi cho lịch sự hơn” (23). Nếu một chi thể nào bị xấu xí hơn các chi thể khác vì tật nguyền hay vì lý do nào khác mà bị phơi bày ra, thì luôn luôn được che đậy kỹ; trong khi đó những chi thể đẹp chẳng cần được che giấu. Sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hoá đã định cho “các chi thể đã đẹp không cần trang điểm nữa. Đức Chúa Trời phối hợp các phần trong thân thể, cho chi thể nào kém thì được tôn trọng hơn” (24). Điều nầy có nghĩa là các tín đồ của Đức Chúa Giêxu cũng phải đối xử như vậy đối với anh chị em mình trong Chúa; thay vì khinh khi hoặc quở trách các lỗi lầm của họ, chúng ta phải hết lòng giúp đỡ, để họ lần hồi cũng đạt đến tình trạng trọn lành hơn.

Khi nói về ví dụ nầy, Phaolô có ý nhắn nhủ người Côrinhtô hãy tránh các nguyên nhân gây ra sự chia rẽ và phe phái trong Hội Thánh. Bởi vì tinh thần và tình trạng chia rẽ, phe phái sẽ ảnh hưởng trên toàn thể Hội Thánh, chứ không phải chỉ thu gọn trong một nhóm nào đó. Giống như một chi thể bị đau đớn làm cho toàn thân thể phải chịu đựng theo và tất cả đều lo lắng chăm sóc cho chi thể ấy mau lành mạnh. “Như thế, trong thân thể không có sự chia rẽ, nhưng các chi thể đều lo lắng cho nhau. Nếu một chi thể đau đớn, tất cả các chi thể cùng đau đớn; nếu một chi thể được tôn trọng, tất cả các chi thể cùng vui mừng” (25–26). Đức Chúa Trời đã tạo nên con người thiên nhiên không bao giờ có nan đề các chi thể trong một thân lập phe đảng chống đối nhau hay coi khinh nhau. Vì thế, thân thể thuộc linh của Đấng Christ, là Hội Thánh, cũng phải tránh điều đó; mà mọi thành viên của Hội Thánh phải gần gũi nhau bằng sự gắn bó của tình yêu thương.

Hễ nơi nào tình cảm giữa tín hữu với nhau bắt đầu lạnh nhạt, họ sẽ chẳng lưu tâm gì về tình cảnh của nhau. Sự lạnh nhạt đối với nhau là khởi đầu của hiềm khích và chia rẽ. Như các chi thể của một thân thể thiên nhiên được tạo nên để chăm lo cho nhau, thân thể của Đấng Christ cũng phải như vậy. Nếu các chi thể trong thân thể thiên nhiên đều chịu khổ khi một chi thể bị thương tổn, hoặc tất cả đều vui mừng khi một chi thể được khen ngợi, thì Hội Thánh của Chúa cũng cần hiểu biết nguyên tắc liên hệ đến nhau nầy. Cơ-đốc-giáo từ khi thành lập vẫn được thế gian khen ngợi vì tình yêu thương quan tâm đến nhau trong nội bộ Hội Thánh.

Phaolô đi đến kết luận: “Vậy, anh em là thân thể của Đấng Christ, mỗi người là một chi thể” (27). Mỗi thành viên của Hội Thánh là một chi thể, không phải là toàn thân thể. Sự thờ ơ, khinh thường lẫn nhau, ghen ghét, tranh cạnh, là điều bất thường giữa các Cơ-đốc-nhân. Phaolô đề cập đến các chức vụ đã được Đức Chúa Trời chỉ định trong Hội Thánh của Ngài “thứ nhất là sứ đồ, thứ hai tiên tri, thứ ba giáo sự, rồi đến người làm phép lạ, người có ân tứ chữa bệnh, người giúp đỡ, người quản trị, người nói các thứ tiếng” (28).

Sứ đồ là chức vụ cao nhất trong Hội Thánh. Nhắc lại những đặc điểm của chức vụ sứ đồ đã học trước đây: Trước hết họ là những người đã thấy Đức Chúa Giêxu (Côngvụ 1:21–22), được Ngài trực tiếp gọi (Galati 1:1), được Đức Thánh Linh xác nhận (1Côrinhtô 2:12–13), tôn trọng và giảng lời Đức Chúa Trời (1Têsalônica 2:13), kết quả của thánh vụ xác nhận (1Côrinhtô 9:1–2), và có thể thực hiện các dấu kỳ phép lạ (2Côrinhtô 12:12). Tiên tri là những người nhận được sự cảm ứng đặc biệt; giáo sư là những người dạy Lời Chúa và giáo lý, hoặc là trong chức vụ mục sư, hoặc không chăn bầy. Những người làm phép lạ, được ban cho ân tứ chữa bệnh, và nói các thứ tiếng, đều đã được giải thích ở phần đầu đoạn nầy (12:9–10). Người giúp đỡ là người có lòng thương xót đến anh chị em bị bệnh hoạn, yếu đuối, và phục vụ họ. Người quản trị nói về những người có khả năng hành chánh, biết quản lý và phân phối công bằng các phẩm vật cứu trợ cho những người nghèo.

Để xác nhận rằng không phải mọi người đều làm cùng một công việc, giống như các chi thể trong thân thể không giống nhau, thì “đâu phải tất cả là sứ đồ? Tất cả là tiên tri? Tất cả là giáo sư? Tất cả đều làm phép lạ? …. tất cả đều có ân tứ chữa bệnh? Tất cả đều nói các thứ tiếng? Tất cả đều thông dịch?” (29–30). Nhiều người công nhận hầu hết các điều trên, ngoại trừ việc nói các thứ tiếng, được giải thích là nói tiếng lạ, thì họ cho rằng ai cũng có thể được ban. Theo lời xác nhận của Phao lô ở câu nầy, chúng ta cần xem xét kỹ về vấn đề tiếng lạ (sẽ được bàn đến ở đoạn 14). Nếu mọi người trong một Hội Thánh đều vận hành chỉ một ân tứ thôi, thì chẳng khác gì thân thể chỉ mang hình ảnh của cái mũi hay cái tai mà thôi, trở thành một vật quái gở.

Phaolô khuyên: “Hãy thiết tha mong ước cho được ân tứ cao trọng nhất” (31), thì hoặc là ân tứ đó tự nó là quý báu nhất, hoặc là để phục vụ người khác nhiều nhất và lợi ích nhất. Ân tứ tốt nhất là ân tứ được Chúa quý trọng nhất và gây dựng tốt nhất cho Hội Thánh. Như vậy nó không phải là thứ khiến cho người nhận trở nên kiêu căng và tranh chấp. Nhưng “con đường cao diệu hơn” mới là ơn mà mọi người cần phải có. Vì con đường ấy làm im tiếng tranh cạnh, kết dính mọi người với nhau, khiến người có ân tứ chỉ nhắm đến lợi ích và sự gây dựng của Hội Thánh, cư xử tử tế với nhau, quan tâm đến nhau, chấm dứt mọi điều bất hoà, chỉ vì có đức nhân ái.

1Corinhto20.docx

Rev. Dr. CTB