Tình Yêu Nhân Ái

1Côrinhtô 13:1–13

Sứ đồ Phaolô trình bày cho người Côrinhtô con đường cao diệu hơn là thế nào. Đức nhân ái ở đây không mang ý nghĩa là lòng trắc ẩn bố thí cho người cùng túng như người ta thường hiểu, nhưng là tình yêu thương trong ý nghĩa đầy đủ và rộng rãi nhất của nó, tình yêu chân thật đối với Chúa và người, một tính tình nhân đức đối với các anh chị em tín hữu khác, phát huy từ lòng sốt sắng chân thành đối với Đức Chúa Trời. Nguyên tắc sống nầy về tất cả bổn phận và sự vâng lời Chúa chính là con đường cao diệu hơn mà vị sứ đồ nói đến, vượt xa hơn tất cả các ân tứ. Bởi vì nếu không có đức nhân ái nầy, ân tứ vinh diệu hơn hết cũng trở thành vô nghĩa, chẳng có giá trị gì đối với chúng ta, và chẳng được Chúa quý trọng chút nào.

“Dù tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ,…” (1), nếu một tín hữu nói giỏi tất cả các thứ tiếng của loài người, đúng và hay nhất, hoặc nói giống như các thiên sứ, nhưng trong lòng không có đức nhân ái, thì vô giá trị như tiếng chập choã inh ỏi; vì chẳng có lợi hay thích thú gì. Lòng nhân ái, chứ không phải là tài ăn nói, được Đức Chúa Trời chấp nhận. Phaolô đề cập ân tứ nói các thứ tiếng trước tiên, vì hình như tín hữu ở Côrinhtô hợm hĩnh về việc họ có ân tứ tiếng lạ, lên mình khinh thường những người không có. “Nói tiên tri, hiểu biết mọi huyền nhiệm, thấu đáo mọi ngành tri thức, …có đức tin dời núi, nhưng không có tình yêu thương” của đức nhân ái, cũng chỉ là vô danh tiểu tốt, chẳng được thiên đàng coi trọng chút nào (2). Những người đã nhân danh Đấng Christ thực hiện nhiều việc phi thường, vẫn bị Chúa xem như không có tình thân mật nào đối với Ngài (Mathiơ 7:22–23), chỉ vì không có tình yêu của đức nhân ái.

Dù chúng ta bày tỏ sự vị tha bằng hành động bề ngoài như bố thí hết của cải, hay sẵn sàng hi sinh mạng sống vì đức tin vào phúc âm; nếu những việc ấy không dựa trên nguyên tắc sùng kính và nhân ái, yêu thương đối với Chúa và đầy thiện tâm đối với người, thì các việc ấy cũng chẳng ích lợi gì cho những người thực hiện chúng (3). Một số người đã tự thiêu để được lưu danh hoặc nổi tiếng với đời. Rất có thể những người tự thiêu vì tôn giáo của họ chưa bao giờ thật lòng tin tưởng và tâm niệm lời dạy của tôn giáo ấy. Bênh vực hay biện minh cho tôn giáo mình bằng cái giá của chính mạng sống mình mà chưa được kinh nghiệm chi về quyền phép của tôn giáo đó, thì chẳng được lợi ích gì. Những sự hi sinh đắt giá nhất, đau đớn nhất sẽ chẳng đưa ta đến với Đức Chúa Trời nếu chúng ta không thật lòng yêu thương anh chị em mình.

Những mỹ đức mà Phaolô đưa ra ở đây để miêu tả và khen ngợi tình yêu của đức nhân ái, sẽ giúp chúng ta nhận xét xem mình đã có được ân điển nầy hay chưa (4). Nhẫn nhục là khả năng chịu đựng điều xấu, tổn thương, và bị chọc giận mà không oán hận, phẫn nộ, hay trả oán. Nhẫn nhục giúp ta đủ sức chế ngự lòng tức giận, có lòng nhẫn nại vô bờ, sẵn sàng chờ đợi và ước ao cho anh em mình được biến đổi. Nhân từ là tử tế, khoan dung, nhã nhặn, hay giúp đỡ. Người nhân từ tận dụng và tìm kiếm mọi cơ hội để làm điều thiện, lời nói có phép tắc dịu dàng và tử tế. Chẳng ganh tị nghĩa là không buồn vì thấy người khác giỏi hơn, giàu hơn, hoặc may mắn hơn; ngược lại vui vẻ khi thấy anh em, hàng xóm mình được phước.

Chẳng khoe khoang, chẳng kiêu kỳ nghĩa là không tự cao hay có thái độ hợm hĩnh về danh dự, quyền thế, hay sự tôn trọng mà mình có được; cũng không tự đắc, khinh thường hay chà đạp người khác, hoặc đối xử với họ cách khinh bỉ. Phaolô khuyên tín hữu ở Philíp: “Đừng làm việc gì vì tham vọng cá nhân hay vì hư vinh, nhưng với sự hạ mình khiêm tốn, coi người khác là hơn mình” (Philíp 2:3). Tình yêu nhân ái rất cẩn thận để không vượt qua các giới hạn của sự nhã nhặn lễ phép của đạo đức thanh cao bằng sự không khiếm nhã (5), nghĩa là tránh mọi hành động hay lời nói bất lịch sự, hoặc bất cứ điều gì theo quan niệm thường tình là hạ cấp, đê hèn. Tình yêu nhân ái là kẻ thù của tính vị kỷ, vì tình yêu ấy không tìm kiếm sự khen ngợi, tôn trọng, lợi lộc, hay vui thú cho riêng mình. Điều nầy không có nghĩa là hoàn toàn không quan tâm gì tới bản thân, nhưng có nghĩa là không tìm lợi cho mình mà có hại hoặc bỏ bê lợi ích của người khác.

“Không nhạy giận, không ghi nhớ lỗi lầm của người” (5). Khi ngọn lửa yêu thương được duy trì, thì lửa giận rất khó khơi dậy. Đức nhân ái không khi nào giận vô cớ, và sẽ nỗ lực gìn giữ cảm xúc đúng giới hạn thích đáng. Sự tức giận không có chỗ trong một tấm lòng được cai trị bởi tình yêu thương; cho nên, không giữ mối hận trong lòng để đợi ngày trả thù. “Không vui mừng trước sự bất công,” (6)“hân hoan trong chân lý” là mừng rỡ trước những thành công của phúc âm, hay khi thấy sự thật được thắng thế. “Yêu thương khoan dung tất cả,…chịu đựng tất cả” (7). Khoan dung là không muốn phô bày công khai lầm lỗi của anh em, trừ phi bị bổn phận bắt buộc. Chịu đựng là sẵn sàng chịu thương tổn mà không nuôi ý định trả oán. “Tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả” không có nghĩa là khờ khạo dại dột, mà luôn nghĩ tốt về người khác khi không có dấu hiệu trái ngược rõ ràng để nghi ngờ.

Phaolô phô bày giá trị cao cả của đức nhân ái vượt trội hơn những ân tứ mà tín hữu Côrinhtô có vẻ đang tự hào. Tình yêu nhân ái là ân điển của cõi vĩnh cửu trường tồn bất diệt (8) so với các ân tứ có thời hạn. Ân tứ chỉ để gây dựng Hội Thánh khi còn trên đất, vì lúc về trời không cần tới những ân tứ ấy nữa. “Ân tứ nói tiên tri sẽ dứt” vì hoặc là tiên báo những việc sẽ đến hay do thần cảm đúng lúc để giải nghĩa Kinh Thánh, đều sẽ không còn cần đến ở cõi thiên đàng. Y như thế “Ân tứ tiếng lạ sẽ ngưng” vì chỉ có một ngôn ngữ ở thiên cung. “Khôn ngoan tri thức sẽ qua đi,” vì đây không phải là tri thức bình thường, mà là ân tứ tri thức siêu nhiên về những điều huyền nhiệm (14:6), là điều sẽ không còn cần tới nữa khi ở thiên đàng những huyền nhiệm ấy trở thành minh bạch. Có ý kiến cho rằng khôn ngoan tri thức ở đây là do được học hỏi mà có; nên phương cách đạt tri thức ấy sẽ tan biến, nhưng tri thức thì không mất đi. Ý đó không thích hợp trong bối cảnh Phaolô nói về tình yêu nhân ái đối nghịch với các ân tứ siêu nhiên.

Những ân tứ đã được ban cho để bù đắp cho sự bất toàn (9). Vì tri thức do thần cảm vẫn được tiếp thu cách thiếu sót, nên nói ra cũng thiếu sót. Ngược lại, “khi sự trọn vẹn đến” (10), tức là khi Hội Thánh đã gặp Chúa của mình, thì không còn cần tới những ân tứ thiếu sót bất toàn nữa.  (Những quan điểm thần học bác bỏ các ân tứ siêu nhiên thì cho rằng sự trọn vẹn tức là sự hoàn thành của quyển Kinh Thánh! Họ quên rằng sự xem, đọc Kinh Thánh vẫn không thể loại bỏ sự bất toàn của Hội Thánh lẫn tín hữu). Sự khác nhau giữa hai tình trạng trước và sau khi sự trọn vẹn đến, được ví như: a) Tính cách thơ dại của tình trạng hiện thời thì “nói, suy nghĩ, lập luận như trẻ con” (11); khác với: b) “Khi đã thành nhân, thì bỏ mọi chuyện trẻ con.” Nghĩa là tất cả quan điểm hẹp hòi, các ý niệm mù mờ về mọi sự việc trong cõi vật chất cũng như cõi linh, sẽ được biết cách sáng tỏ khi Đấng Trọn Lành đến đem Hội Thánh về nước Ngài. Đó là hai tình trạng khác nhau giữa thế gian với thiên đàng giống như tri thức trẻ con so với người lớn.

Hiện thời thì mọi việc còn mù mờ, bối rối, không rõ ràng, giống như là nhìn xuyên qua một tấm kính mờ bị nhiều cản trở. Nhưng đến ngày ấy thì mọi việc mở ra trước mắt chúng ta, tri thức của chúng ta không bị cản trở và sai lầm (12). Chúa vẫn biết chúng ta tường tận từ đáy lòng, còn chúng ta thì chỉ biết về Ngài rất hạn chế. Đến ngày đó chúng ta sẽ biết Chúa cách tận tường; sẽ thông hiểu những huyền nhiệm của tình yêu và ân sủng thiên thượng. Vinh quang thiên đàng sẽ xua tan mọi đám mây che khuất mặt Chúa, chúng ta sẽ biết Ngài như Ngài đã biết chúng ta.

Để kết luận về sự cao diệu của tình yêu nhân ái, chẳng những được chuộng hơn các ân tứ mà so với các ân điển là đức tin và hi vọng, nó vẫn cao diệu hơn (13). Ân điển Chúa là quý và cao cả hơn bất cứ thứ ân tứ nào. Đức tin, hi vọng, và tình yêu nhân ái là ba ân điển chính, mà đức nhân ái là trọng hơn hết, vì nó là bản chất thiên thượng mãi mãi trường tồn. Đức tin và hi vọng rồi sẽ không cần ở cõi trời, vì đã thấy và đạt được, nhưng tình yêu tuyệt vời của Chúa cứ còn mãi.

1Corinhto21.docx

Rev. Dr. CTB