Xuất Ai-Cập, bài 10

Xuất Ai-cập 12:12–28

Đức Chúa Trời phán tiếp về những gì Ngài sẽ làm trong đêm Vượt Qua đầy kinh hoàng ấy, để vua và dân Ai-cập phải vội vàng xua đuổi người Israel ra khỏi xứ sở của họ:

Đêm ấy, Ta sẽ đi khắp đất Ai cập, hành hại tất cả các con đầu lòng của Ai-cập, cả người lẫn súc vật. Ta sẽ phán xét tất cả các thần của Ai-cập, vì Ta là Đức Giê-hô-va” (12).

Nhiều nhà thần học và người đọc Ngũ-kinh bị bối rối về lời phán nầy. Điểm thứ nhất là tại sao Đức Chúa Trời hành hại đến cả súc vật; và điểm thứ nhì là các thần của Ai-cập là những ai?

Để hiểu vấn đề nầy một cách thấu đáo, chúng ta cần phải khảo sát về vấn đề thần tượng, tín ngưỡng và sự thờ cúng của người Ai-cập; bởi vì sự thờ cúng một số loài thú vật là một phần rất quan trọng trong tín ngưỡng của họ.

Tại bốn thành phố lớn của Ai-cập thời ấy là Memphis, Heliopolis, Hermonthis, được kể như ngoại ô của Thebes, và Momemphis ở châu thổ phía Tây, là những nơi mà thú vật được xem như các thần hoá thân.

Ở Memphis thì có thần bò đực Apis, thần bò đực Mnevis ở Heliopolis, thần bò Bacis hay Pacts ở Hermonthis, và thần Bò Cái Trắng ở Momemphis. Cho nên, những con bò đầu lòng đều bị giết chết trong đêm ấy. Nghĩa là các thú vật mà người Ai-cập xem là thần của họ đều bị phán xét trong buổi tối đó.

Không phải chỉ loài bò mà thôi, khắp xứ Ai-cập đầy dẫy các thứ thú mà họ xem là thiêng liêng, biểu tượng của các thần thánh nào đó.

Ở Kneph, người ta xem con cừu là thiêng liêng; ở Khem là loài dê; ở Athor là bò cái, ở Pasht là loài mèo; ở Anubis là chó và cáo; ở Horus là sư tử; ở Set và Sabak là cá sấu; ở Taouris là con hà mã; ở Thoth là khỉ đầu chó; và ở Heka là ếch nhái. Những con thú ấy bị đột tử là đòn Chúa giáng trên các thần của Ai-cập.

Đức Chúa Trời phán tiếp: “Máu bôi trên nhà các con đang ở sẽ là dấu hiệu cho các con. Khi Ta hành hại Ai-Cập, thấy máu đó thì Ta sẽ lướt qua và sẽ không có tai nạn nào giáng xuống tiêu diệt các con” (13).

Máu của chiên con bị giết để bôi lên hai thanh dọc và thanh ngang cửa cái của mọi căn nhà người Israel đang ở tại Ai-cập, là dấu hiệu, hoặc bằng chứng, hay của làm tin cho vị Thiên sứ huỷ diệt biết những người ở trong các căn nhà đó là dân thuộc về Đức Chúa Trời.

Chiên con đã bị giết để sinh mạng của nó thay thế cho mạng sống những người ẩn núp dưới máu hi sinh của nó. Ý nghĩa chính của Lễ Vượt Qua nằm trong sự kiện mấu chốt nầy.

Tất cả các sự kiện khác phải diễn ra trong lễ Vượt Qua chỉ là phụ. Vì nếu không có máu của con chiên đã bị giết bôi trên cửa ra vào của căn nhà, thì sinh mạng của nhiều người trong nhà sẽ bị hành hại.

Ý nghĩa đó là hình bóng về sự chết hi sinh của Đức Chúa Giêxu chịu bị trừng phạt vì tội lỗi của những người bằng lòng tiếp nhận sự chết thay thế của Ngài để linh hồn họ được sống. Vì vậy Kinh-thánh gọi Ngài là “Chiên Con lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Côrinhtô 5:7).

Khác với ngày xưa khi một con chiên chỉ có hiệu quả cứu mạng cho một hay vài gia đình, sự chết thay thế tội lỗi của loài người do Đức Chúa Giêxu thực hiện, thì có hiệu quả cứu vớt linh hồn của vô số người từ cổ chí kim.

Huyết của Ngài vẫn còn hiệu quả chuộc tội cho đến vĩnh viễn, và quyền năng của huyết ấy vẫn luôn hiệu nghiệm trong mọi lãnh vực; vì các thế lực tối tăm luôn luôn kinh sợ dòng huyết đã và vẫn đang tiếp tục đánh bại chúng. Con dân Chúa được sống ngày nay là nhờ huyết báu ấy.

Ngày mà các con đầu lòng của dân Israel được cứu khỏi bị hủy diệt chung với người Ai-cập phải trở thành một ngày kỷ niệm đời đời đối với họ. Đức Chúa Trời phán truyền rằng: “Qua mọi thế hệ, các con hãy giữ nó như một ngày lễ cho Đức Giê-hô-va, tức là một luật phải tuân giữ đời đời” (14).

Chúa cũng truyền cho họ phải thiết lập một tuần ăn bánh không men. Men ngày xưa để làm cho bột dậy lên, cũng giống như cách làm men của các xã hội chậm tiến, là ủ bột đã nhồi với nước trong nhiều ngày để bột trở thành men chua, tức là bột đã bắt đầu hư thối.

Ý nghĩa tâm linh của bánh làm từ bột có pha men tượng trưng cho lòng thoả hiệp với tội lỗi và những điều hư xấu của tham vọng với các sự đam mê xác thịt thế tục. Sự thoả hiệp và dung túng của lòng người đối với tội lỗi và những sự mê tham thấp kém của xác thịt, sẽ khiến cho người ta ngày càng hư hoại và không còn sự trong sạch của lòng. Bột đã bị men làm cho dậy lên là bột đã bị hỏng rồi.

Dân Israel phải ăn bánh không men trong bảy ngày, kể từ buổi tối ngày mười bốn tới buổi tối ngày hai mươi mốt, là điều cần thiết. Bởi vì trong đêm mười bốn toàn dân Israel phải vội vã ra đi và sẽ phải đi cả ngày lẫn đêm trong suốt một tuần (15).

Dĩ nhiên cũng có lúc họ phải tạm dừng lại vài chỗ nào đó để nướng bánh ăn; bởi vì khi ra đi “dân chúng đem bột nhồi chưa lên men đi và gói luôn cả những thùng nhồi bột vào trong áo tơi rồi vác lên vai” (12:34).

Nếu bột họ đã nhồi đó có pha bột đã lên men thì sẽ bị hư hỏng trên đường bôn tập ra khỏi Ai-cập. Ngoài bánh làm bằng bột không có men chua mà họ đã đem theo, thì họ chẳng có thứ bánh nào khác (15–20).

Ứng dụng ý nghĩa nói trên vào đời sống tâm linh trên thiên trình của con cái Chúa ngày nay, khi chúng ta tin nhận Đức Chúa Giêxu, thì linh hồn ta được nuôi dưỡng bởi Ngài; vì thế, ta phải đoạn tuyệt với sự thống trị của tội lỗi, từ bỏ thế gian và mọi điều của nó, vì Đấng Christ mà từ bỏ tất cả những gì bị Chúa xem là ô uế. Để tâm linh đã được dòng huyết thánh của Đức Chúa Giêxu chuộc khỏi ách cai trị của ma quỷ, không bị hoen ố bởi men thế gian.

Sứ đồ Phaolô khuyên: “Hãy loại bỏ men cũ, để anh em nên bột mới, vì anh em đúng là bánh không men. Và, vì Đấng Christ là Chiên Con lễ Vượt Qua của chúng ta đã chịu giết rồi. Vậy chúng ta dự lễ, không ăn bánh có men cũ—men gian trá, độc ác—nhưng ăn bánh không men, tức là lòng thành thật chân chính” (1Côrinhtô 5:7–8).

Kể từ ngày nhận được mệnh lệnh đó, người Israel giữ các luật lệ về lễ Vượt Qua rất nghiêm ngặt. Nhà của họ không có dấu vết của một chút men nào.

Đối với chúng ta ngày nay, bởi vì Đức Chúa Giêxu luôn luôn là Chiên Con lễ Vượt Qua trong mọi phương diện của đời sống chúng ta trên trần gian, không phải chỉ là lúc tới nhà thờ hay giờ cầu nguyện với Ngài, sự ứng dụng thích đáng ý nghĩa thuộc linh của bánh không men phải là phương châm của mọi sự suy nghĩ hay hành xử của tất cả con cái Chúa.

Ví dụ như trong công tác bố thí bác ái, hoặc dâng hiến cho công việc Chúa, chúng ta đừng để một chút men hư hoại nào xen vào, tức là bị thúc đẩy bởi các ý nghĩ gian xảo, động lực kín đáo nào đó.

Về mặt chân thành, cũng đừng pha tính đạo đức giả. Bởi vì những hành động đó sẽ bị Đức Thánh Linh phơi bày cho các chi thể khác trong thân thể Ngài đều biết.

Sự ứng dụng các ý nghĩa thuộc linh về những chuyện tích trong Kinh-thánh Cựu-ước, nhất là các truyện liên quan đến cuộc hành trình lịch sử của dân Do-thái ra khỏi Ai-cập về miền đất hứa, đều là hình bóng chính xác đời sống và cuộc hành trình tâm linh của chúng ta ngày nay.

Cho nên mệnh lệnh của Chúa truyền cho dân Israel về thái độ phải áp dụng cho lễ Vượt Qua là: “Chớ nên ăn thức ăn gì có men. Dù ở đâu các con cũng phải ăn bánh không men” (20), thì chúng ta phải áp dụng sự chân thành và thánh khiết, tức là không có chút men nào trong thái độ của lòng mình khi tiếp nhận Đức Chúa Giêxu là Bánh Sống, huyết Ngài là huyết Chiên Con lễ Vượt Qua cho chính mình. Đó mới thật là sự “ăn bánh không men” ở bất cứ nơi đâu hoặc hoàn cảnh nào.

Môi-se bèn mời tất cả trưởng lão Israel đến gặp để truyền đạt lại tất cả những gì ông đã nhận từ lời Đức Giê-hô-va phán bảo (21–23).

Ông dặn thêm: “Hãy giữ lễ nầy như một luật đời đời cho anh em và con cháu anh em. Khi nào anh em vào đất mà Đức Giê-hô-va sẽ ban cho, như lời Ngài đã hứa, thì hãy giữ lễ nầy. Khi con cháu anh em hỏi: ‘Lễ nầy nghĩa là gì?’ Hãy trả lời: ‘Ấy là lễ dâng sinh tế Vượt Qua của Đức Giê-hô-va. Vì khi hành hại người Ai-cập, Ngài đã vượt qua các nhà của dân Israel và dung tha nhà chúng ta.” (24–27).

Ngày nay, người Do-thái vẫn giữ lễ một cách máy móc, nhưng tinh thần giữ lễ thì không còn được như lời Chúa truyền.

Khác với tinh thần dân Israel ngày nay, vì lúc đó sau khi “nghe xong, dân Israel cúi đầu thờ phượng, rồi họ đi và làm đúng như lời Đức Giê-hô-va đã phán truyền Môi-se và A-rôn” (28).

XuatAiCap10.docx

Rev. Dr. CTB