Chúa Nhật, August 21, 2011

Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh (25)

Nếp Sống Tâm Linh Nề Nếp (b)

“Ai nói mình ở trong Ngài, người ấy phải sống giống như Ngài” 1Giăng 2:6

Một số người có ảo tưởng là họ có thể trở nên giống như Đức Chúa Giêxu Christ mà không cần bắt chước tinh thần của Ngài.  Nếu chúng ta muốn được giống như Chủ của mình, thì phải bắt chước cách Ngài cư xử và hành động.  Đức Chúa Giêxu đã hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Cha trong mọi việc (Hêbơrơ 5:8–9); và sự vâng phục đó không phải là một sự lựa chọn tuỳ ý.  Nếu chính Đức Chúa Giêxu đã hành động như thế, chúng ta là ai mà nghĩ rằng mình không cần bắt chước Ngài?  Đối với cõi vật chất, có rất nhiều điều ngoài khả năng hay tầm với của chúng ta.  Đã vậy, những việc thuộc về cõi linh giới lại càng quá xa vời.

Đức Chúa Giêxu đã chứng minh cho toàn nhân loại thấy rằng Ngài biết cách sống làm người trên thế gian mà không nhiễm chút tội lỗi nào.  Nếu ai đã nhận thấy điều đó, thì phải tìm kiếm ơn Chúa ban cho chúng ta có đủ năng lực bắt chước Chúa của mình.  Thế nhưng, việc ấy không phải chỉ đơn giản là xem xét Đức Chúa Giêxu đã hành động, cư xử ra sao trước tình huống ấy rồi bắt chước làm theo Ngài là xong.  Sự việc không dễ dàng như thế; bởi vì không ai có thể tham dự một cuộc đua bền sức mà chưa bao giờ bỏ công sức ra tập luyện.  Hơn nữa, cách cư xử về tâm linh phải trở thành một thói quen trước khi có thể áp dụng thành công. Nếu muốn như thế, chúng ta cần phải được biến đổi tâm linh của mình cho thích ứng với chiều hướng ấy.

Loài người nói chung thì rất tỉnh táo và có thái độ thực tiễn về các vấn đề thuộc lãnh vực thể chất.  Ví dụ như: Không làm việc thì không thể tạo ra của cải; những đấu thủ không tập luyện vất vả thì không thể trở thành xuất chúng, vv.  Thế nhưng, khi bước vào lãnh vực thuộc linh, nhiều tín hữu lại có những ý tưởng rất chủ quan; họ cho rằng muốn thành công trong nếp sống tâm linh thì sẽ đạt được bằng cách tham dự đầy đủ các buổi nhóm họp, giở Kinh Thánh xem lướt qua vài lần trong tuần là đủ. Nhưng họ nhận thấy trong thực tế rằng họ vẫn là tín đồ có tâm linh yếu đuối bạc nhược, chưa bao giờ có khả năng nghe được tiếng Chúa phán với mình.  Hãy thử so sánh tâm lý nầy với một môn thể thao nào đó, hoặc một nghề bình thường: Một người thường xuyên xem đá banh, rồi thỉnh thoảng đọc sách chỉ dẫn, chẳng bao giờ khiến người đó thành một cầu thủ giỏi. Hoặc không cần tập đánh máy chữ mà vẫn tin rằng mình dư sức dự cuộc thi tuyển thư ký văn phòng đòi hỏi gõ hơn 80 chữ/phút.  Ai có tư tưởng ấy thì bị xem là lố bịch, không tưởng.  Nhưng một số người lại tin rằng họ có thể thành công trong nếp sống đạo mà không cần khổ luyện.

Có lẽ đã có nhiều người, hay một số người trong chúng ta vẫn thường ao ước được biết Chúa cách sâu nhiệm hơn; hoặc có thể đóng góp tích cực cách có kết quả vào việc mở mang nước Ngài nhưng lại né tránh cách sống đạo mà nhờ đó mình sẽ đạt được điều lòng hằng mong mỏi.  Người nào không bắt buộc chính mình chịu đựng sự rèn luyện kỷ luật thuộc linh, sẽ không thể chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với những thử thách và cám dỗ mà họ phải đối diện trong cuộc sống mỗi ngày, nếu người đó thật lòng muốn có cuộc sống bắt chước theo Đức Chúa Giêxu.  Ai nghĩ rằng không cần phải khổ nhọc và đau đớn trong việc trừ diệt tâm tánh của con người cũ để cho những tính cách thánh thiện của tâm linh mới có chỗ thành hình trong lòng, là một sự tự lừa dối lố bịch.  Bởi vì chỉ có những tính cách mới mà Đức Thánh Linh làm thành hình trong lòng chúng ta mới đủ sức giúp chúng ta có khả năng đưa ra những quyết định không sai lầm khi đối diện với những thách thức thuộc lãnh vực đạo đức hay thuộc lãnh vực tâm linh. Có phải lâu nay chúng ta thường bị thua khi ma quỷ đem miếng mồi tiền bạc ra câu nhử hoặc doạ dẫm chúng ta chăng?

Có phải mỗi lần Chúa kêu gọi chúng ta dành thì giờ, tài năng và nhiệt tâm để kết thân và tiếp xúc với những người quen biết, làm gương sáng về chất muối mặn và ánh sáng dễ lây nhiễm, để dẫn họ vào nước thiên đàng, mà chúng ta đau khổ từ khước lời kêu gọi, vì sợ công ăn việc làm sẽ bị ảnh hưởng, viễn cảnh thiếu thốn đã làm cho chúng ta chùn bước chăng?  Ngón đòn hù doạ nào của ma quỷ lâu nay vẫn hữu hiệu đối với chúng ta ngoài miếng mồi tiền bạc? Nếu một võ sĩ đô vật đã phải bỏ ra nhiều năm luyện tập để bước vào sàn đấu trong một trận thi đấu chỉ kéo dài một khoảnh khắc ngắn ngủi, và mong được chiếm giải; thì chiến trường thuộc linh cũng tương tự như thế.  Sự rèn luyện kỷ luật thuộc linh mỗi ngày sẽ trang bị cho chúng ta đầy đủ và kỹ càng những khả năng đối phó với mọi sự cám dỗ và nghịch cảnh trong cuộc đời thăng trầm và đầy bất trắc.

Đây là luật về sự gián tiếp chuẩn bị.  Những thứ kỷ luật thầm lặng trong đời sống chúng ta giúp chuẩn bị chúng ta sẵn sàng cho những hoàn cảnh không ngờ, lúc mà chúng ta cần phải đáp ứng cách thích hợp.  Sức mạnh của ý chí không đủ giúp chúng ta trong những hoàn cảnh như vậy. Nhưng nếu ý chí đã được thường xuyên luyện tập và tăng cường sức lực, thì chúng ta không phải bối rối, khổ sở, khi cần phải tiến bước.

Không có lối tắt trong việc làm cho thành hình năng lực thuộc linh.  Vạn sự khởi đầu nan, cổ nhân đã nói như vậy.  Nhưng khi đã vượt qua được những thử nghiệm ban đầu, chúng ta sẽ thấy mình có thể tiếp tục. Khác với đấu trường trong cõi thể chất có một mức đến rõ ràng, chúng ta sẽ không thấy đích đến trong đấu trường thuộc linh.  Kinh Thánh khuyên chúng ta cứ nhắm về phía trước mà tiến bước, nhắm sự vui mừng trước mặt mà chạy.  Phaolô bộc bạch:

“Không phải tôi đã đạt mục đích hay đã trở nên hoàn thiện đâu, nhưng tôi đang bươn bả tiến tới để đoạt cho được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Giêxu Christ đoạt lấy rồi.  Thưa anh em, tôi không coi mình đã đoạt được giải, nhưng cứ làm một điều: quên hẳn những gì ở đằng sau, lao mình về phía trước.  Tôi chạy thẳng tới đích để nhận phần thưởng Đức Chúa Trời dành cho người được kêu gọi từ trên trời, trong Đức Chúa Giêxu Christ” (Philíp 2:12–14).

Tâm tình như của Phaolô đòi hỏi chúng ta phải trọn đời kết ước với những thứ kỷ luật mà Đức Chúa Giêxu cùng với vô số thánh nhân đã thực hiện qua nhiều thế hệ.  Không anh hùng đức tin nào xem đời sống kỷ luật là nhiệm ý.  Khác hẳn cách người theo ngoại giáo nghĩ rằng khi gặp trục trặc, họ cứ đi tu thì chắc sẽ thành công.

Kỷ luật tâm linh tự nó không phải là cứu cánh, nhưng nó giúp chúng ta hiểu biết, tin cậy và thương yêu Chúa của mình.  Ai kiên trì thực hiện, nấy sẽ phát triển những thói quen thánh khiết.  Khi những thói quen càng tăng trưởng, chúng sẽ hướng dẫn cách cư xử và tánh tình của chúng ta đến nỗi trở thành những điều diễn ra cách tự nhiên, khi chúng ta sống theo phong cách mới của mình trong Chúa.  Những quyết định chọn lựa trong cuộc sống mỗi ngày sẽ nắn đúc thói quen; thói quen tạo nên tánh tình; tánh tình đến phiên nó sẽ hướng dẫn những quyết định trong những tình huống khó khăn, căng thẳng, nguy biến, khốn khó, bị cám dỗ, vv.  Qua đó những hành động của các tín hữu có nếp sống tin kính trưởng thành sẽ bày tỏ vẻ đẹp đang tăng tiến trong lòng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không nhận ra những kỷ luật và thói quen mà chúng ta đang có là do ơn ban của Chúa, thì ta sẽ rơi vào cái bẫy ảo tưởng cho rằng đó là công lao của mình. Đó thường là lý do một số người thực hành kiêng ăn cầu nguyện xem những người không thực hiện là kém hơn họ.

Sự tăng trưởng thuộc linh phát xuất từ trong ra, không phải từ ngoài vào.  Người nào quyết định bắt đầu thực hiện một số biện pháp kỷ luật thuộc linh, người ấy sẽ thấy rằng quyết định ấy đã dẫn tới những sự biến đổi tuyệt vời trong tâm linh, mà trước đó người ấy không dám mơ tới.  Sự biến đổi kỳ diệu đó sẽ dẫn tới nhiều sự biến đổi khác trong cuộc phiêu lưu bước đi theo Chúa đầy kỳ thú của chúng ta.  Người đã quen chịu đựng gian khổ trên thao trường huấn luyện, sẽ dễ dàng thích nghi với thực tế ngoài mặt trận.  Các quân trường thường khích lệ các khoá sinh tập luyện quân sự bằng phương châm: “Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu!”  Người nào đã đổ mồ hôi ở trường huấn luyện tâm linh, sẽ vui thích áp dụng kỷ luật ở chiến trường, và kiên nhẫn trong cuộc chạy đua về thiên quốc .

QuyenNangThuocLinh25.docx

Rev. Dr. CTB