Chúa Nhật, October 23, 2011

Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh, 32

Cầu Nguyện Theo Lời Chúa (4)

Mathiơ 6:19–34

Vấn đề mà loài người luôn luôn quan tâm suốt mọi thời đại là làm sao sở hữu nhiều tiền bạc của cải. Đức Chúa Giêxu biết rõ điều đó; cho nên Ngài cũng đề cập nhiều lần về tiền bạc của cải và nguy cơ cùng hậu quả tai hại của tấm lòng chạy theo tiền bạc. Mặc dù đã được nhắc nhở, dạy dỗ, cảnh cáo từ lời Kinh Thánh, nhưng không mấy tín hữu chịu tiếp nhận lời khuyên của Chúa. Cho nên, trải nhiều thời đại, nhược điểm lớn nhất của nhiều tín hữu vẫn rơi vào lãnh vực tiền bạc của cải. Người nào không quan tâm bao nhiêu đến những lời khuyên dạy của Đức Chúa Giêxu, người đó thường đang bị tiền bạc cai trị. Thực trạng của lòng chúng ta đối với tiền bạc sẽ bộc lộ qua thói quen dâng hiến trong Hội Thánh. Bây giờ hãy cùng nhau phân tích những lời dạy dỗ của Đức Chúa Giêxu trong lãnh vực của cải, tiền bạc.

“Đừng tích trữ của cải dưới đất là nơi có sâu mối, rỉ sét huỷ hoại, và có kẻ trộm đào ngạch vào nhà mà lấy. Hãy tích trữ của cải trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, rỉ sét huỷ hoại,….. không có kẻ trộm …Vì của cải con ở đâu, lòng dạ con cũng ở đó” (19–21). Của báu đối với một số người không hẳn đã là tiền bạc. Có những điều chúng ta xem là quý báu và tích trữ nó. Số đông người khác đang hết lòng chú ý thu góp tích trữ của cải vật chất, không quan tâm bao nhiêu đến Vương Quốc của Chúa. Nghĩa là giữa tiền bạc của cải trần gian với Vương Quốc của Chúa thì phía trần gian được chú trọng hơn. Đa số người tích trữ những thứ không cần thiết, đến nỗi không còn chỗ chứa những thứ cần thiết. Câu hỏi chúng ta phải tự đặt ra cho mình là: Hiện giờ của cải tôi đang ở đâu? Thiên đàng hay trần gian? Chúng ta hãy thành thật xét lòng và ăn năn về sự tham lam vô độ của chúng ta đối với tiền của. Hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta biết quý trọng và biết tích trữ của cải trên trời.

“Mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt con tốt, cả người con sẽ tràn đầy ánh sáng… nếu mắt con xấu, cả người sẽ tối tăm.…, nếu ánh sáng trong con lại là bóng tối, sự tối tăm nầy sẽ mờ mịt biết chừng nào!” (22–23) Mắt là biểu tượng về cách chúng ta quan niệm, nhìn, ưa thích, có lập trường, hay thiên hướng về một vấn đề nào đó. Người ta nhìm chăm vào thứ người ta ưa thích. Sự quan tâm ưa thích tốt hay xấu của một người sẽ phản ảnh qua cách chúng ta sống, cư xử, ăn nói, mục đích của mọi nỗ lực làm việc. Nếu những điều chúng ta ưa thích là thánh thiện và hữu ích, thì cả đời sống của chúng ta sẽ tươi sáng. Nhưng nếu những điều hiện nay chúng ta theo đuổi không có liên quan gì tới thiên đàng và sự sáng, thì phải hối cải trở lại làm theo sự dạy dỗ của Chúa, cũng cầu xin Chúa ban ơn thay đổi chí hướng của chúng ta, để có thể từ bỏ nhưng điều chỉ thuộc về trần gian và bị định cho hoả ngục. Quyết định ăn năn và quyết tâm muốn thay đổi là mấu chốt để được Chúa ban năng lực cho chúng ta làm được điều mình mong muốn đẹp ý Ngài.

“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ nầy yêu chủ kia, hoặc trọng chủ nầy khinh chủ nọ. Các con không thể vừa làm tôi tớ Đức Chúa Trời, vừa làm tôi mọi cho tiền của” (24). Cái gì hoặc điều gì đang làm chủ chúng ta? Chỉ cần thành thật xét lòng để xem chúng ta coi trọng cái gì hơn Đức Chúa Giêxu, hoặc quan trọng hơn việc làm Chúa đẹp lòng, thì việc đó đang làm chủ. Ví dụ có ai quyết định trong lòng rằng làm việc kiếm tiền là ưu tiên một, còn việc học lời Chúa thì chỉ tham gia khi nào rảnh, thì Chúa không phải là Chủ của lòng người đó đâu. Người ta nói hay xưng nhận bằng miệng thì dễ, nhưng thực hiện sự xưng nhận của mình qua hành động cụ thể thì không dễ, nhất là các lãnh vực liên quan đến tiền tài, danh vọng và những sự ham muốn.

“Ta bảo các con: Đừng lo cho đời sống sẽ ăn gì, uống gì; cũng đừng lo cho thân thể sẽ mặc gì. Đời sống chẳng quý hơn đồ ăn sao? Thân thể không trọng hơn quần áo sao? … Vậy đừng lo âu, tự hỏi: Ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì?” (25–31). Những lời dạy nầy cũng liên quan tới các phần trên. Vì nếu chúng ta thật sự tôn Đức Chúa Giêxu làm Chủ đời mình, thì điều dứt khoát là chúng ta phải có thái độ khác đối với tiền bạc, không giống như thái độ tham tiền, quý của mà chúng ta có trước khi tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa; cũng sẽ đặt sự nhóm lại thờ phượng hoặc học Kinh Thánh là ưu tiên hơn, so với sự làm việc kiếm tiền để dành hay sinh sống. Cuộc sống của tín hữu ở thế gian chắc chắn sẽ có những trường hợp khó khăn hoặc thử thách đến làm cho chúng ta phải lo lắng. Nhưng hãy hiểu rằng đó là những thử nghiệm đức tin của chúng ta xem mình quý trọng thứ gì hơn. Hơn nữa, đức tin không thể mạnh mẽ nếu không qua những thử nghiệm phải có; như chiến binh chưa từng trải qua gian khổ thì không thể chịu đựng nổi chiến trường khắc nghiệt.

Đức Chúa Giêxu bảo các môn đồ Ngài ngày xưa, và chúng ta ngày nay, hãy xem những loài chim và hoa đang bay lượn hoặc sống sờ sờ trước mắt, để lấy đó làm các gương mẫu về sự quan tâm chăm sóc của Cha trên trời đối với con cái Ngài: “Hãy xem loài chim trên trời, chẳng gieo, chẳng gặt, cũng chẳng thu chứa vào kho, nhưng Cha các con trên trời nuôi chúng nó. Các con không giá trị hơn loài chim sao?” (26). Chúa cũng đã mặc đẹp cho loài nay sống mai ném vào lò lửa “huống chi các con? Đức tin các con nhỏ bé quá!” (30). Mỗi khi đọc lại những lời dạy dỗ nầy hãy tự xét đức tin của mình trong phương diện nầy xem nó đến mức nào. Có phải chúng ta đang quá lo âu về vật chất trong đời không? Có quá quan tâm đến việc chưng diện nữ trang và quần áo không? Nếu ai chưa có đức tin về việc chăm sóc của Cha chúng ta trên trời cho các nhu cầu tinh thần và vật chất của mình, thì hãy mau mau ăn năn, thay đổi thái độ. Hãy nhớ rằng khi chúng ta vượt qua được những thử nghiệm nhỏ, Chúa mới có thể giao cho việc lớn. Và việc lớn luôn kèm theo ơn phước dồi dào, dư dật.

“Vì đó là những điều người ngoại đạo vẫn chăm lo tìm kiếm. Cha các con trên trời biết các con cần những điều đó rồi” (32). Chúng ta hãy tự xét xem mình đã thoát khỏi tâm lý tầm thường của người chưa tin Chúa không? Có đang nghi ngờ sự quan tâm chăm sóc của Ngài đối với mình không? Hãy ăn năn, nếu có, và cầu xin Chúa tha thứ cho những ý nghĩ nghi ngờ sự thành tín của Ngài. Cũng xin Chúa tha thứ cho những hành động bon chen của mình giống y như người đời.

“Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, rồi Ngài sẽ cho thêm các con mọi điều ấy nữa” (33). Đây là lời hứa tuyệt vời thốt ra từ miệng Đức Chúa Giê-xu. Lời nào Chúa đã hứa, Ngài sẽ làm thành cho bất cứ ai tin. Khi chúng ta nói rằng mình tin ơn cứu độ và chuộc tội của Đức Chúa Giêxu, tiếp nhận Ngài làm Chủ đời mình, thì cũng phải tin lời Ngài đã hứa. Nếu Chúa chẳng tiếc mạng sống mình, nhưng đã hi sinh thay cho chúng ta, chẳng lẽ Ngài sẽ thất hứa trong vấn đề nầy? Đây là lời phán của Chúa đòi hỏi người làm theo phải có đức tin. Người nào tin, người đó được cho thêm mọi thứ nhu cầu vật chất mà mình vẫn tìm kiếm hay lo lắng. Hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài trở thành ưu tiên một trong đời sống của chúng ta. Hãy tự hỏi mình đang nỗ lực làm những gì để giành một chỗ trên thiên đàng? Tôi có tin thiện ý của Đức Chúa Trời đối với mọi con cái của Ngài và chương trình Ngài dành riêng cho tôi không? Hãy lập một quyết định dứt khoát đặt sự thờ phượng và tìm kiếm Chúa làm ưu tiên cao nhất của đời mình, rồi cầu xin Ngài giúp chúng ta thực hiện quyết định ấy.

“Cho nên, đừng lo về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có đủ vấn đề của ngày đó” (34). Tôi có đang lo lắng cho tương lai không? Tôi có đủ sức vâng theo mệnh lệnh nầy của Chúa không? Tôi có biết chương trình của Chúa cho tôi trong tương lai chưa? Hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta thắng hơn sự lo lắng. Bởi vì nó là nguồn gốc của lòng yêu mến tiền bạc, và là nguyên nhân khiến người ta không vâng lời. Nếu những người khác đã kinh nghiệm được sự chăm sóc và cung ứng của Chúa, thì mỗi chúng ta cũng có thể kinh nghiệm y như vậy, hoặc hơn. Điều cần hơn hết là lòng tin. Người không có đức tin thì không thể nào sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Hãy củng cố lòng tin vào ý muốn thiện hảo của Chúa dành cho chúng ta.

QuyenNangThuocLinh32.docx

Rev. Dr. CTB