Phúc Âm Giăng, bài 30

Giăng 15:13–27

Đức Chúa Giêxu chỉ truyền cho các môn đồ Ngài và chúng ta ngày nay một điều răn – nghe qua có vẻ đơn giản – nhưng khó thực hiện. Đối với hầu hết loài người chúng ta thì ý nghĩa của chữ yêu thương là rất mơ hồ. Yêu thương là sự quý chuộng cao nhất của hai người đối với nhau; bởi vì người nầy ưa thích nét đáng yêu nào đó của người kia. Lời Đức Chúa Giêxu dạy rằng: “Các con hãy yêu nhau, như Ta đã yêu các con” (12), đưa đến cho chúng ta một quyết định phải lập là sẽ vâng theo điều răn đó hoặc không vâng theo. Qua Kinh-thánh, Đức Thánh Linh tỏ cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời yêu chúng ta không phải vì chúng ta đáng yêu, nhưng vì đó là bản thể của Ngài. Bây giờ Đức Chúa Giêxu truyền cho chúng ta phải bày tỏ đồng một tình yêu đó của Ngài đối với những người khác.

Nếu chúng ta hiểu ý nghĩa của điều răn nầy, thì ý Chúa muốn nói rằng: “Ta sẽ đem một đám người đến quanh con, là những người mà con không thể tôn trọng, nhưng con phải thể hiện tình yêu của Ta cho họ, như Ta đã thể hiện tình yêu ấy đối với con.” Trong trường hợp đó chúng ta sẽ hiểu và xử sự ra sao? Thứ tình yêu nầy không phải là thương yêu đối xử ân cần tử tế đối với hạng người thương không nổi. Tình yêu của Chúa không thể thành hình cấp thời trong lòng chúng ta. Để làm thành việc đó, Đức Thánh Linh phải buộc chúng ta loại trừ mọi sự giả dối, kiêu hãnh, hư ảo trong đời sống chúng ta. Có thể là lúc Đức Thánh Linh tuôn đổ tình yêu của Đức Chúa Trời vào lòng chúng ta (Rôma 5:5), thì chúng ta bằng lòng đặt Đức Chúa Giêxu vào địa vị ưu tiên cách dễ dàng; nhưng, để thể hiện tình yêu đó cho anh chị em trong đức tin của mình, chúng ta phải tập luyện sao cho tình yêu ấy trở thành một bản tính như thói quen không cần phải tính toán.

Để có thể thực hiện điều nầy, chúng ta phải tự vấn và tự xét mình để nhớ lại Chúa đã đối xử cách tuyệt vời với tâm địa xấu xa của chúng ta như thế nào. Không tình yêu nào – dù là tình yêu tự nhiên hay tình yêu thần thượng của Chúa – có thể được duy trì và tăng trưởng trong lòng, nếu không được chăm sóc nuôi dưỡng. ‘Yêu thương là tự phát, nhưng nó phải được nuôi nấng bởi kỷ luật’ (Oswald Chambers). Đức Chúa Giêxu giải thích tình yêu của Ngài dành cho môn đồ mình: Tình yêu sẵn sàng hy sinh cho bạn hữu: “Chẳng có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (13). Hi sinh vì bạn hữu là tình yêu rất cao thượng, nhưng người sẵn lòng chết thay cho bạn hữu của mình, là người có tình yêu vĩ đại nhất. Đức Chúa Giêxu nói đến một trình độ cao hơn trong mối tương giao giữa Ngài với các môn đồ mình, đó là tình bạn. Điều kiện để trở thành bạn của Chúa là phải biết vâng theo các mệnh lệnh của Ngài (14).

Tính cách tuyệt vời của tình yêu Chúa dành cho môn đồ mình vượt cao hơn mọi thứ tình yêu khác. Giá trị của một sinh mạng hy sinh cho tính mạng của người khác, thì có thể là ngang bằng hay kém hơn giá trị của người mình hy sinh cho. Nhưng sinh mạng của Đấng Christ có giá trị cao quí hơn cả nhân loại cộng lại. Người ta có thể chết thay cho bạn thân của họ, nhưng Đức Chúa Giêxu chịu chết thay cho chúng ta khi chúng ta còn là kẻ thù của Ngài. Không những Đức Chúa Giêxu chỉ yêu thương các môn đồ mình, mà Ngài còn bày tỏ cho họ biết tình yêu ấy: “Ta không gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết điều chủ làm. Nhưng Ta gọi các con là bạn hữu, vì Ta tiết lộ cho các con mọi điều Ta nghe Cha Ta dạy” (15). Ngài đã tiết lộ những điều thuộc về cõi thiên đàng cho họ nghe để họ thấy Ngài tôn trọng họ đến mức nào.

Tuy nhiên, địa vị bạn hữu của Chúa đối với các môn đồ thời ấy và chúng ta ngày nay, được hưởng, đều là do được Chúa chọn và bổ nhiệm làm những người được Ngài sai ra đi để kết quả (16). Việc chọn và sai ra đi làm nhiệm vụ là trao một sự tin cậy hoàn toàn vào người được chọn. Đấng từ trời đã giao cho chúng ta làm đại sứ của Ngài ở trần gian để bảo quản kho báu phúc âm và làm cho nó sinh sôi nảy nở. “Và quả các con còn lại” có nghĩa là chẳng những sẽ ra trái luôn luôn mà còn có thể lưu truyền tính cách kết quả và kết nhiều quả cho các thế hệ kế tục. Được làm một nhánh nho dính vào gốc nho là hạnh phúc và vinh dự tuyệt vời; sau đó được chọn, bổ nhiệm và sai đi để ra trái luôn là một phước hạnh bao la khác nữa: “Nhờ đó, các con nhân danh Ta cầu xin Chúa Cha điều gì, Ngài sẽ ban cho các con” (16). Chỉ cần duy trì địa vị mình được ở trong Chúa, chẳng do công lao hay lựa chọn, chúng ta được hưởng các phước hạnh độc nhất vô nhị mà người đời nào dám mơ ước. Hiểu được điều nầy, không ai muốn bị chặt bỏ khỏi gốc nho.

Điều răn yêu thương nhau của Đức Chúa Giêxu truyền cho môn đồ của Ngài thời ấy và cũng cho chúng ta ngày nay là nhằm vào lợi ích của tất cả những ai sẽ vâng theo (17). Bởi vì nếu ai yêu mến Chúa của mình bằng cách vâng giữ điều răn của Ngài là yêu thương anh chị em mình trong Chúa, thì người ấy được Chúa yêu thương, được xem là bạn hữu Ngài, mọi điều cầu xin sẽ được nhậm, được nối kết với nguồn sự sống thiên đàng, và cứ kết quả không dứt. Nguồn sự sống chính là Lời Chúa trong Kinh-thánh. Nếu chúng ta không thể vâng lời Chúa trong sự suy gẫm mỗi ngày Lời Ngài được chép trong trong Kinh-thánh, là chuyện dễ thực hiện, làm thế nào có thể vâng lời Chúa trong việc yêu thương người khác, là chuyện khó thực hiện hơn?

Lý do các Cơ-đốc-nhân bị người đời thù ghét, là vì người thế gian tội lỗi đã ghét Chúa thánh thiện từ lâu rồi (18). Người ta không ưa thích những ai không giống họ, không thuộc về họ, cũng không làm những điều xấu xa như họ làm mỗi ngày (19a). “Nhưng các con không phải là người của thế gian, vì Ta đã chọn lọc các con từ trong thế gian, nên họ ghét các con” (19b). Đừng mong rằng những người đang miệt mài trong tội lỗi sẽ quý trọng chúng ta, là các con cái Chúa. Nếu tôi tớ không lớn hơn chủ, thì chúng ta không thể hơn Chúa: “Nếu thế gian bắt bớ Ta, họ cũng sẽ bắt bớ các con” (20). Một trong hai hệ quả của sự thù nghịch là bắt bớ. Hệ quả thứ nhì là sự cự tuyệt các giáo lý dạy dỗ của đạo: “Nếu họ vâng giữ lời Ta, cũng vâng giữ lời các con” (20b); quyết tâm chống trả những sự mặc khải đạo đức từ thiên đàng, vẫn là đường lối của loài người xưa nay. Vì thế, đừng ngạc nhiên khi những người vô cớ thù ghét Chúa cũng sẽ thù ghét con dân Ngài (21).

Những ai ghét Đức Chúa Giêxu và Đức Chúa Trời, sẽ không thể biện hộ chi được vào ngày phán xét. Chúng ta cần phải có sự khôn ngoan để nhận định các đối tượng mà mình muốn truyền giáo cho. Không nên mất thì giờ với những người quyết tâm thù ghét Chúa. Chúng ta không thể thuyết phục nổi họ. Vì những ai cự tuyệt những lời giảng dạy của Đức Chúa Giêxu đã bị mắc tội rồi (22). Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi thấy mình bị thế gian thù ghét. Vì như lời Đức Chúa Giêxu phán: “Ai ghét Ta cũng ghét Cha Ta” (23). Khi chúng ta gọi Đức Chúa Trời bằng Cha, thì sẽ bị những người ghét Ngài đối xử cách thù nghịch.

Đức Chúa Giêxu đã đến làm những phép lạ mà không người nào làm được; những người Do -thái bị định tội và bị trừng phạt vì đã thấy tận mắt những việc lành Chúa làm mà vẫn ghét Chúa. Họ đã làm ứng nghiệm “lời đã viết trong sách luật của họ: ‘Họ ghét Ta vô cớ'” (24–25). Sách luật chứa câu nói nầy là Kinh-thánh Cựu-ước. Người ta ghét Đức Chúa Giêxu vì qua Ngài Đức Chúa Trời phô bày hình ảnh của mình. Mà người ta ghét Đức Chúa Trời vì Ngài là Đấng công chính, quyền tể trị của Ngài bao trùm khắp vạn vật khiến cho lòng kiêu căng của họ không thể sánh nổi.

Một lần nữa, Đức Chúa Giêxu hứa ban cho các môn đồ “Đấng An ủi là Thần Chân lý ra từ Cha” (26), tức là Đức Thánh Linh. Chính Ngài sẽ làm chứng cho Đức Chúa Giêxu trong lòng các sứ đồ và môn đồ. Thật vậy, chỉ có Đức Thánh Linh mới nhắc nhở và giải nghĩa những lời Kinh-thánh và lời dạy dỗ của Đức Chúa Giêxu. Ngoài sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc ghi nhớ và hiểu biết các ý nghĩa mầu nhiệm trong lời dạy của Đức Chúa Giêxu. Ai đã được Đức Chúa Giêxu dạy dỗ cũng phải có nhiệm vụ làm chứng cho Ngài (27). Mỗi con cái Chúa hãy tiếp tục làm một cành nho hoàn toàn lệ thuộc vào cây nho. Làm chứng cho Chúa là biết gìn giữ và thực hiện điều răn yêu thương của Ngài để được ở trong Ngài.

PhucAmGiang30.docx

Rev. Dr. CTB