Phúc Âm Giăng, bài 31
Giăng 16:1–11
Những lời dặn dò của Đức Chúa Giêxu cũng là thông báo trước về những việc sẽ xảy ra cho những ai thật lòng tin nhận và trở thành môn đồ của Ngài (1–5). Chúa không hứa bảo vệ những ai tin Ngài sẽ được miễn trừ khỏi mọi hoạn nạn trong đời (33). Nhưng Đức Chúa Trời hứa, “Trong cơn gian truân, Ta sẽ ở cùng người, giải cứu người và tôn quý người” (Thi-thiên 91:15). Phaolô xác quyết: “Trong tất cả các trường hợp đó, chúng ta thừa sức chiến thắng” (Rôma 8:37). Những hoạn nạn ấy không phải là giả định, nhưng sẽ thật sự xảy ra. Chúng ta thừa sức chiến thắng không phải do mình tài giỏi hay can trường, nhưng vì hoạn nạn không thể làm tổn hại mối liên hệ tương giao giữa cành nho với gốc nho. Không có nghĩa là chúng ta hứng khởi mong chờ hoạn nạn, nhưng dù chúng có đến bằng cách nào, chúng cũng “không thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời, trong Đức Chúa Giêxu Christ, Chúa chúng ta” (Rôma 8:39).
Đã có thời các giáo phẩm của giáo hội hăng hái phục vụ Đức Chúa Trời bằng sự bắt bớ, giết hại các môn đồ thật của Đức Chúa Giêxu (1–2). Hiện nay, sự bắt bớ vẫn diễn ra qua các hình thức khác. Chúa nói họ “làm vậy vì không biết Chúa Cha, cũng không biết Ta” (3). Ngài chưa nói điều ấy cho các môn đồ mình biết trước đêm từ biệt, vì Ngài còn ở với họ (4). “Nhưng bây giờ, Ta sắp về với Cha Ta, và chẳng ai trong các con hỏi: ‘Thầy đi đâu?'” (5). Tâm lý người ta vẫn luôn luôn phiền muộn khi biết trước những điều không như ý mình muốn (6). Nhưng Đức Chúa Giêxu giải thích rằng Ngài phải đi để họ được ích lợi, “vì nếu Ta không đi, Đấng An-ủi sẽ không đến với các con” (7). Nếu ai hiểu lời Chúa nói ở đoạn trước: “Ta không để các con mồ côi đâu, Ta sẽ đến với các con” (14:18), rồi đối chiếu với lời trên, sẽ hiểu rằng Đấng An-ủi khác, tức là Đức Thánh Linh, là một thân vị khác của Đức Chúa Giêxu. Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, Con Người Giêxu, phải về trời để Đức Thánh Linh có thể đến ngự trong tâm linh mỗi người tin, vì Ngài là Linh.
Bây giờ Đức Chúa Giêxu nói rõ nhiệm vụ của Đấng An-ủi. An-ủi nghĩa là tới đứng cạnh bên để giúp đỡ, bênh vực; Ngài cũng là Thần Chân-lý (14:17; 15:26) từ Đức Chúa Cha. Đức Chúa Giêxu đã giáng-sinh để bày tỏ cho nhân loại biết bản thể và ý chỉ của Đức Chúa Cha, bây giờ Đức Thánh Linh được sai đến để giải thích cho nhân loại biết Đức Chúa Giêxu là Đấng Khải-thị về Đức Chúa Cha, là Đấng Cứu-thế, Đấng Tha-tội, Chúa Phục-sinh, Đấng làm Báp-têm bằng Thánh-Linh, Vua sẽ Tái-lâm, và là Quan-án sau cùng. Đối với môn đồ thì Đức Thánh Linh đặc biệt dạy dỗ, giải thích chân lý trong Đức Chúa Giêxu và nhắc cho các môn đồ nhớ lại mọi điều Đức Chúa Giêxu đã nói (14:26). Sự nhắc nhở của Đức Thánh Linh sẽ bảo đảm cho: a) sự chính xác khi họ giảng dạy; b) sự không sai trật về thần học và tính chất vô ngộ của giáo lý đạo Chúa.
Chữ An-ủi không mang trọn ý nghĩa là một Đấng làm vơi những ưu phiền. Sự an ủi của Đức Thánh Linh vượt quá những điều đau khổ, mất mát, than khóc, lòng tan vỡ, hoặc nước mắt. Sự an ủi của Ngài được biểu lộ qua: “Hội Thánh được hưởng bình an, được gây dựng vững mạnh, được tiến bộ trong niềm kính sợ Chúa, và được Đức Thánh Linh ‘an ủi’ (giúp đỡ), nên số tín hữu ngày càng gia tăng” (Công vụ 9:31). Như vậy Đức Thánh Linh giúp đỡ Hội-thánh gia tăng bằng cách xức dầu, thúc đẩy, ban năng lực, thánh hoá, khích lệ, và ban sự bạo dạn cho tín hữu để họ rao truyền Lời. Ngài làm công việc của một Giáo-sư và Đấng Giúp-đỡ, giảng dạy chân lý của Đấng Christ, ban quyền năng cho sự rao truyền phúc âm, và thúc đẩy Hội Thánh tăng trưởng.
Từ ngày Hội Thánh được khai sinh đến nay thì Đức Thánh Linh liên tục thực hiện công việc dạy dỗ con dân Chúa. Không phải để đem đến sự khải thị gì mới, mà để đem đến sự thông hiểu mới, soi sáng mới. Không phải Ngài chỉ trình bày cho chúng ta về lẽ thật, mà Ngài dẫn chúng ta vào lẽ thật ấy, giúp chúng ta thực hiện lẽ thật, làm cho lẽ thật trở nên thật và hữu hiệu trong đời sống của chúng ta, để Đấng Christ có thể cư ngụ trong chúng ta. Ngài lại giúp chúng ta thực hiện công việc của Đấng Christ bằng những phương cách làm cho Đấng Christ được vinh danh. Đức Thánh Linh không làm công việc của luật sư biện hộ, càng không phải là biện lý truy tố người có tội để quăng họ xuống hoả ngục, nhưng Ngài là Giáo-sư, Đại-biểu của Đấng Christ. Ngài thuyết phục người ta về chân lý và dẫn họ đến sự ăn năn tội.
Nhiệm vụ của Đức Thánh Linh khi đến thế gian là: “Khi Ngài đến, Ngài sẽ thuyết phục thế gian về tội, về sự công chính, và về sự phán xét. Về tội lỗi, vì họ không tin Ta. Về sự công chính, vì Ta đi về với Chúa Cha, và các con không thấy Ta nữa. Về sự phán xét, vì vua của thế gian nầy đã bị định tội” (8–11). Ngài thuyết phục cách nào? Thế gian bao giờ cũng muốn tảng lờ hay chối bỏ tội lỗi, sự công chính và sự phán xét. Họ tự lập tiêu chuẩn phân biệt giữa đúng với sai và gạt bỏ những nguyên tắc của phúc âm, mà theo đó họ sẽ bị phán xét (Rôma 2:5–12,16); hoặc họ đề cao tội lỗi, cho rằng đó là quyền riêng tư của mỗi người ưa thích, xoá bỏ ranh giới giữa phải với trái.
Khi Đức Thánh Linh thuyết phục thế gian về tội lỗi, thì không phải tội theo nghĩa khái quát, mà là tội cụ thể. Người đời vẫn biết có một số hành động là xấu. Họ cũng lên án những việc làm hại đến xã hội. Nhưng quan điểm về tội lỗi của mỗi dân tộc, nền văn hoá, khu vực sinh sống, và mỗi cá nhân thì khác nhau. Kinh Thánh nói rõ các tội rồi cho biết tội lỗi là cội rễ của mọi nan đề. Và nguồn gốc gây ra tội lỗi là sự không tin. Người chưa tin thường không biết rằng sự không tin sẽ đưa đến hậu quả tai hại. Bà Ê-va phạm tội vì không tin lời Chúa nói rằng ăn trái cấm sẽ chết. Người nào không tin Đức Chúa Giêxu là Đấng Cứu-thế, thì đã bị định tội rồi (Giăng 3:18). Một số giáo hữu bị dạy sai lạc nên không biết rằng Đức Chúa Giêxu đã mở một con đường cho chúng ta vào thẳng nơi chí thánh của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh cho người ta biết đó là tội trọng.
Đức Thánh Linh cũng thuyết phục thế gian về sự công chính của Đức Chúa Giêxu, bởi vì sự chết không có khả năng giữ Ngài trong mồ mả; Ngài đã phục sinh, về trời và hiện đang ngồi bên hữu Đức Chúa Cha để cầu thay cho hết thảy chúng ta (Hêbơrơ 7:25). Đức Thánh Linh sẽ cho người ta biết không phải là việc họ làm, tư tưởng họ suy nghĩ, hay điều họ tin có được hay không được kể là công chính, nhưng là sự công chính mà người ta có thể nhận ra nơi Đức Chúa Giêxu Christ. Sự công chính của Ngài bao gồm cả sự chính trực, luôn luôn thành thật và công bằng. Ngài luôn luôn làm điều phải trước mặt Đức Chúa Trời. Thế gian phải nhận ra sự công chính của Đức Chúa Giêxu là nền tảng của công lý dùng để áp dụng cho luật pháp loài người.
Sau hết, thế gian cần phải được Đức Thánh Linh thuyết phục về sự phán xét. Phúc âm Giăng nói về sự đối kháng không ngừng giữa tin với không tin. Tuy vậy, không phải sự đối kháng đó sẽ tiếp diễn vô tận. Phải có một hồi kết cuộc là ngày phán xét sẽ đến. Dù người ta thường nghĩ rằng cuộc đời nầy cứ y nguyên như vậy từ ngày có trời đất đến nay (2Phierơ 3:4). Thật ra xưa nay người ta vẫn tìm cách chối bỏ sự khởi đầu của vũ trụ, nhằm loại trừ lời tiên báo của Kinh-thánh rằng vũ trụ hiện tại sẽ đến hồi kết thúc. Vì thế, Đức Thánh Linh phải thuyết phục để họ thấy sự thật. Trần gian phải được thuyết phục về sự phán xét bằng cách nhận diện kẻ đang cai trị thế gian, và hồ lửa phán xét được lập ra không phải dành cho loài người, nhưng chuẩn bị cho satan và bè lũ (Mathiơ 25:41). Do satan là kẻ nắm quyền trên sự chết; nên sự đắc thắng của Đấng Christ trên sự chết đã đóng ấn số phận của hắn (Hêbơrơ 2:14).
Đức Thánh Linh cũng thuyết phục thế gian biết rằng họ đang ở dưới quyền cai trị của satan. Đức Chúa Giêxu cho biết hắn là chúa của thế gian nầy (Giăng 12:31; 14:30; 16:11). Đức Thánh Linh đã thực hiện sự thuyết phục nầy qua lời giảng dạy của các sứ đồ. Ngài thi hành dấu kỳ phép lạ để xác quyết lời giảng của họ, và hành động trong lòng người nghe. Đức Thánh Linh thường xuyên thuyết phục con cái Ngài về tội lỗi, sự công chính và sự phán xét. Ngày nay, chúng ta được Ngài dùng để thuyết phục những người chưa tin Chúa. Không ai có thể thuyết phục người khác tin vào điều mà mình còn nghi ngờ. Chúng ta phải kinh nghiệm về điều mình rao giảng trước đã.
PhucAmGiang31.docx
Rev. Dr. CTB