Phúc Âm Giăng, bài 34
Giăng 18:1–40
Các chi tiết trong vài câu đầu nhắc lại nơi nghỉ đêm của Đức Chúa Giêxu và các sứ đồ Ngài tại Giêrusalem (Giăng 8:1–2) là một khu vườn (1–2). Các sách Phúc-âm khác cho biết tên khu vườn là Ghếtsêmanê. Sự thống khổ của Đấng Christ khởi đầu tại một khu vườn. Tội lỗi đã vào thế gian và bị nguyền rủa cũng từ một khu vườn; và Đấng Cứu Chuộc đã được hứa phán tại nơi đó. Giuđa Íchcariốt cũng biết nơi nầy; tội lỗi hắn nặng thêm vì đã lợi dụng tình thân mật quen biết để phản Thầy mình, bằng cách dẫn các gia nhân của thầy trưởng tế đến để bắt Đức Chúa Giêxu (3). Tình yêu của Đức Chúa Trời bắt đầu bày tỏ qua Đức Chúa Giêxu, vì Ngài bước ra nhận lãnh mọi điều sẽ xảy đến cho mình. Ngài biết thời điểm đã đến và sẵn lòng chết thay cho chúng ta.
Bọn người theo lệnh các thầy trưởng tế lễ thượng phẩm do Giuđa Íchcariốt dẫn thì đông hơn những người ở với Đức Chúa Giêxu. Ý kiến của số đông thường là sai trật; nhất là trong việc độc ác. Bọn người làm ác đã cẩn thận chuẩn bị đèn, đuốc và vũ khí, dù đêm ấy là đêm sáng trăng (sát lễ Vượt Qua). Tư tưởng ác không thể hiểu rằng Đức Chúa Giêxu chẳng chút sợ hãi hay xấu hổ gì mà đi trốn tránh. Vũ khí của Ngài thuộc cõi linh, Ngài đã thường dùng vũ khí ấy đánh bại chúng và bắt chúng câm miệng. Bây giờ Ngài bước tới đối diện với chúng bằng câu hỏi uy quyền: “Các ngươi tìm ai?” (4). Đấng Christ không cần phải trốn chạy, Ngài bước ra cầm lấy chén đắng. Câu trả lời của bọn người nầy chứng tỏ chúng không biết mặt Chúa (5).
Giuđa đứng lẫn trong bọn. Kẻ trước đây đứng trong nhóm người theo Chúa, nay lại đứng với bọn chống lại Ngài. Lời phán “Chính Ta đây!” làm tan chảy sự hung hăng của kẻ ác, và như mũi tên xuyên thẳng vào lương tâm kẻ phản bội. Khi Chúa trở lại tiếp đón Hội-thánh thì tiếng nói của Ngài sẽ rất kinh hoàng đối với bọn bội đạo hơn là đối với người chưa tin Chúa. Lời xưng “Chính Ta đây!” nâng tinh thần các môn đồ lên nhưng khiến kẻ thù phải ngã xuống (6). Đức Chúa Giêxu có thể dùng lời phán giết chết hết bọn đó, nhưng Ngài không làm vậy, chứng tỏ rằng không phải Ngài bị tước đoạt sự sống nhưng tự hiến dâng mạng sống mình, như Ngài phán trước đây (Giăng 10:18). “Ngài lại hỏi” (7) để bọn thừa sai có cơ hội bắt Ngài; bọn họ thì bối rối: “Tìm Giêxu người Na-xa-rét.” “Ta đã bảo là chính Ta đây! Nếu các anh tìm Ta, hãy để cho những người nầy đi“(8), Đức Chúa Giêxu chẳng những chăm lo cho sự an nguy các môn đồ, mà ngụ ý bảo họ hãy thoát đi bình an. Lời hứa của Đức Chúa Giêxu với Đức Chúa Cha (17:12) được ứng nghiệm (9).
Phierơ có ý tốt muốn bênh vực thầy mình. có lẽ ông nhắm chém đứt đầu Manchu, nhưng tên nầy né nên bị chém đứt vành tai vì chém trúng vành tai không dễ (10). Đức Chúa Giêxu ngăn cản không cho môn đồ mình bạo động để bảo toàn họ (11). Các chiến sĩ của Chúa phải biết chờ lệnh trước khi liều thân, không phải chỉ có động lực đúng là đủ, mà phải có sự kêu gọi rõ ràng. Chén Chúa phải uống (11b), là chén thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi (Êsai 51:22), bằng chứng của việc Đức Chúa Giêxu hoàn toàn vâng theo ý muốn Cha mình, là gương cho chúng ta noi theo để vâng phục Chúa trong mọi việc liên quan tới mình. Lương tâm của bọn Pharisi đã bị lời quyền phép của Đức Chúa Giêxu làm cho khổ sở lâu nay, bây giờ chúng trói Ngài để trả thù. Việc Ngài chịu bị trói có ý nghĩa rất quan trọng đối với chúng ta, vì nhờ đó chúng ta được thoát khỏi xiềng xích của thế giới tối tăm (12). Ngài chịu bị trói để chúng ta được tự do. Đấng Christ phải chịu bị trói để Ngài có thể cột chúng ta vào tình yêu mến và phục vụ Ngài.
Không phải chúng giải Đức Chúa Giêxu đi để xét xử theo công lý, nhưng để kết án đã định sẵn. Họ vội vã làm trong đêm tối vì sợ nếu bắt Chúa vào ban ngày thì dân chúng sẽ giải cứu Ngài. Có lẽ An ne già yếu bệnh hoạn, không đủ sức thức trọn đêm tham gia hội đồng tôn giáo, nhưng muốn thấy mặt con mồi. Cũng có thể ông ta phải dậy sớm vào đền thờ để xem xét các con thú sinh tế dâng lên trong kỳ lễ phải không có tì vết chi; cho nên, Đấng Christ, sinh tế vĩ đại và quý báu nhất của cả nhân loại, phải được trình cho ông ta chấp thuận, để sẵn sàng bị dâng tế trên bàn thờ (13). Caiphe là thầy tế lễ thượng phẩm đương niên, khác với chức tế lễ thượng phẩm trọn đời theo luật Môise, vì họ đổi luật cử mỗi người làm một năm. Điều nầy có nghĩa là khi Đức Chúa Trời biết trước sẽ có một việc xấu do thầy tế lễ thượng phẩm thượng phẩm thực hiện, thì Ngài đặt một kẻ ác vào vị trí ấy. Ngài cũng khiến cho lòng ác của người đó lộ ra bằng cách đặt người đó vào chỗ có quyền và cơ hội thi hành mưu ác (14). Việc họp hội đồng tôn giáo chẳng ích lợi gì, vì Đức Chúa Giêxu đã bị định phải chết.
Nếu Phierơ quyết tâm chịu khổ với thầy mình thì ông có thể ra làm chứng nhân chống những lời vu cáo, rồi sẽ kể lại cho các môn đồ vắng mặt nghe diễn tiến vụ xử án, và học gương của thầy mình khi tới lượt ông phải chịu khổ. Nhưng ông chối không biết Chúa, nhập bọn với đám người nghịch Chúa và đứng sưởi chung với họ (15–18). Chỉ vài giờ trước đó thôi, lòng Phierơ ấm áp biết bao qua lời tâm sự của thầy mình. Bây giờ lửa đã nguội ông phải đứng sưởi ấm chung với kẻ thù. Những lời Đức Chúa Giêxu trả lời An-ne làm cho cả bọn cứng họng (19–21). Ngài có thể nói lời quyền phép khiến kẻ đánh Ngài bị câm hoặc ngã chết, nhưng Ngài hỏi hắn bằng sự hiền lành và khôn ngoan để dạy chúng ta đừng tự mình trả thù. Ngài chỉ đặt câu hỏi chứ không đe doạ (22–23).
Trong khi bọn đầy tớ giải Chúa qua nhà Caiphe và hiếp đáp Ngài, thì Phierơ lại chối không biết Chúa thêm hai lần nữa (24–27). Lúc Đức Chúa Giêxu được ngưỡng mộ và kính trọng đối xử, có lẽ Phierơ rất hãnh diện được làm một môn đồ Ngài. Ngày nay nhiều người hãnh diện khi đạo của mình nổi tiếng, nhưng xấu hổ né tránh khi đạo bị người ngoài vu khống và bách hại, chúng ta phải trung thành với niềm tin đúng của mình dù khi hanh thông hoặc lúc khó khăn. Tiếng gà gáy chứng minh cho lời phán tiên tri của Đức Chúa Giêxu về việc Phierơ sẽ chối Ngài (Giăng 13:38).
Người Giuđa kéo Đức Chúa Giêxu đến nộp cho tổng trấn Pilate để Ngài có thể bị xử tử cách hợp pháp; vì bấy giờ Giuđê chỉ là một tỉnh của đế quốc Lamã, nên người Giuđa không được giết người bằng hình phạt đóng đinh treo trên cây gỗ (28–32). Họ chỉ có thể kích động đám đông hỗn loạn ném đá người mà họ muốn giết. Nhưng ném đá Đức Chúa Giêxu thì không an toàn cho họ, vì có thể một đám đông khác lượm đá ném chống lại họ. Đức Chúa Giêxu nói trước rằng Ngài sẽ bị treo lên khỏi đất (Giăng 3:14; 8:28; 12:32). Hình phạt đóng đinh trên cây gỗ do người La-mã sáng chế, và lời Chúa đã phán phải được ứng nghiệm. Ngài bị xem là một kẻ ác để “trở nên tội lỗi vì chúng ta” (2Côrinhtô 5:21).
Lời Đức Chúa Giêxu đối đáp với Pilate để vạch ra rằng lời ông ta hỏi chỉ nhằm làm hài lòng người Giuđa, vì không có lý gì Pilate tự đặt ra vấn đề (33–35). Nếu Pilate chịu khó tra vấn cho ra lẽ thì sẽ biết lý do đảng của thầy tế lễ thượng phẩm thù nghịch Đấng Christ vì Ngài không chịu lập vương quốc chống lại quyền lực người Lamã. “Ta có phải người Do-thái đâu?” là lời Pilate coi thường dân Do-thái là dân bị trị. Đức Chúa Giêxu trả lời thẳng câu hỏi Ngài có phải là vua không (36–37) “Ông nói đúng, Ta là Vua. Ta xuống thế gian để chứng thực chân lý.” Chứng thực chân lý là khải thị cho thế gian biết ý muốn thiện hảo của Đức Chúa Trời; và xác nhận đạo lý Ngài bằng dấu kỳ phép lạ, là sự thật về ơn cung ứng, sự toàn hảo và lời hứa giao ước của của Đức Chúa Trời cho ai tin Đức Chúa Giêxu là Đấng Thiên Sai của Đức Chúa Trời và nhận ơn cứu độ của Ngài.
Đức Chúa Giêxu không trả lời thắc mắc của Pilate “Chân lý là gì?” (38), vì Ngài áp dụng câu “Chớ đáp kẻ ngu si theo sự ngu dại nó” (Châm ngôn 26:4), và “Đừng ném châu ngọc cho heo” (Ma-thiơ 7:6). Ngài chỉ bày tỏ chân lý cho các môn đồ Ngài và cho chúng ta. Dù Pilate không tìm thấy Chúa có tội gì, dân Giuđa vẫn xin ông ta tha tên cướp Barabas cho họ (39–40), vì hắn không phải là mối nguy hại đe doạ luật Môise hay truyền thống tôn giáo. Hắn có là mối nguy cho sự an ninh của công chúng hoặc tài sản tư nhân thì không phải là mối bận tâm của những người lãnh đạo Do -thái giáo; họ thù ghét Đức Chúa Giêxu vì lời dạy của Ngài đe doạ vị trí quyền lực của họ. Người ta thường chọn tội lỗi và dục vọng của mình thay vì Đấng Christ.
PhucAmGiang34.docx
Rev. Dr. CTB