Chúa Nhật, August 9th, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 16


Ma-thi-ơ 10:34–39

Được thánh hóa phải là mục tiêu hàng đầu trong đời sống của mọi tín hữu; lý do quan trọng nhất mà chúng ta phải được thánh hóa, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với mọi con dân Ngài (1Tê-sa-lô-ni-ca 4:3).

Lý do thứ nhì là vì nếu không có đời sống được thánh hóa, thì không được vào nước Chúa (Hêbơrơ 12:14).

Những bài học về sự thánh hóa thì rất nhiều, nhưng để áp dụng chúng, thì tín hữu phải hiểu biết các trở ngại ngăn cản tiến trình thánh hóa của mình; rồi biết áp dụng những biện pháp hoặc là vượt qua, hoặc là tiêu trừ những nguyên nhân ngăn trở ấy.

Vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề thánh hóa, tìm ra những trở lực kín đáo, vô hình, nhưng vẫn tiếp tục gây tác hại cho nhiều linh hồn.

Ôn lại những chặng đường đức tin, chúng ta đều biết mình phải bằng lòng cho người cũ của mình chết đi thì mới nhận được con người mới do Đức Thánh Linh sinh ra.

Bước khởi đầu trong tiến trình thánh hóa nầy là điều đơn giản nhưng vô cùng khó khăn. Nó đơn giản là vì chỉ cần lòng người tin hoàn toàn đồng ý với phán quyết của Đức Chúa Trời về con người bề trong xấu xa của mình; bởi bản chất xấu xa của chúng ta là một sự thật không thể chối cãi.

Nhưng việc quyết định đồng ý với Chúa về sự thật trong lòng mình lại vô cùng khó khăn. Mối dây gắn bó với con người cũ và sự tiếc nuối bản ngã trong mỗi người đều quá bền chặt, rất khó dứt bỏ trong một sớm một chiều.

Có một cuộc tranh chiến âm thầm xảy ra trong lòng tín hữu khi nghe đến sự thánh hóa.

Nếu không ai nhắc tới sự thánh hóa, chúng ta cảm thấy yên tâm khi thấy hầu như các tín hữu quanh mình đều sống đạo và hành xử giống như mình.

Mọi chuyện trong Hội-thánh chẳng có sự thay đổi nào từ tuần nầy qua tuần khác, năm nọ sang năm kia. Những phước hạnh mà Kinh-thánh chép rằng Chúa hứa ban cho mọi tín hữu, cũng như những dấu kỳ phép lạ, thì chẳng bao giờ thấy xảy ra.

Nhưng khi Đức Thánh Linh khuấy động và nhắc nhở lòng chúng ta rằng phải sống thánh khiết cho Ngài, thì cuộc tranh chiến quyết liệt bắt đầu diễn ra giữa bản ngã muốn giữ nguyên tình trạng cố hữu, với sự cáo trách của Đức Thánh Linh.

Có một lực nào đó trong lòng ta thúc đẩy sự bất mãn chống lại đòi hỏi của Đấng Christ. Nghĩa là khi Đức Thánh Linh bày tỏ cho ta biết thánh hóa có nghĩa là gì, thì cuộc xung đột xảy ra ngay lập tức.

Có đủ thứ lý luận, vô số điều biện minh, để bào chữa cho con người bề trong bị tố cáo bởi sự cáo trách của Đức Thánh Linh. Sự chống đối quyết liệt của con người cũ đầy ô uế và xảo trá, tìm cách bào chữa cho các hành động sai trật của mình, được biểu lộ bằng cách gán trách nhiệm hoặc chỉ trích người khác.

Cuộc xung đột không thể tránh giữa bản ngã con người thật trong chúng ta, chống lại khuyến cáo của Đức Thánh Linh cho biết con người cũ của tín hữu chưa chịu chết diễn ra như thế. Điều mà chúng ta cần làm để tiến bước trên con đường thánh hoá là chân thành công nhận mọi sự bày tỏ của Đức Thánh Linh về bản chất con người cũ chưa chịu chết của mình.

Bởi vì mọi sự biện minh của chúng ta là hoàn toàn vô ích trước ánh sáng chân lý của Đức Chúa Trời.

Trong tiến trình thánh hóa, Đức Thánh Linh sẽ lột trần mọi lớp vỏ bề ngoài của chúng ta cho đến khi tín hữu chẳng còn gì ngoại trừ con người thật, tức là bản ngã, bị phô bày ra, chẳng trốn đi đâu được nữa.

Sự sẵn lòng cho bản ngã mình chết đi có nghĩa là nhìn nhận con người thật của mình đã bị phơi trần trước mặt Chúa, không còn nỗ lực che giấu nữa.

Câu hỏi Đức Thánh Linh sẽ đặt ra cho người nào muốn thật sự làm môn đồ của Đức Chúa Giêxu là: “Con có sẵn lòng mất hết bạn bè, cha mẹ, anh em, người ruột thịt, và những ham muốn ước ao thầm kín, để con người cũ của con cùng chịu đóng đinh với Đức Chúa Giêxu chăng?” (Luca 14:26).

Mọi tín hữu đều phải đối diện và thật lòng trả lời câu hỏi nầy, bởi vì đó là điều kiện đòi hỏi của sự thánh hóa.

Sau khi hiểu tường tận những điều đòi hỏi của Đức Chúa Giêxu đối với con dân Ngài trong vấn đề thánh hóa, những người nghiên cứu các lời phán của Ngài trong sách Ma-thi-ơ mới hiểu ý nghĩa của câu Ngài nói: “Đừng tưởng Ta đến để đem hòa bình cho thế giới. Ta đến không đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo. Ta đến, đem mâu thuẫn giữa con trai với cha, con gái với mẹ, con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù là người nhà mình. Ai yêu cha mẹ hơn Ta, không xứng đáng cho Ta. Ai yêu con trai con gái mình hơn Ta, không xứng đáng cho Ta” (Ma-thi-ơ 10:34–37).

Điểm nầy là chỗ cuộc xung đột diễn ra, khi Đức Thánh Linh muốn đem sự sống thánh khiết của Đấng Christ vào lòng người tin Ngài, thì sự thù nghịch của con người cũ đối với sự thánh khiết của Chúa nổi lên; và nhiều người đã vấp ngã vì không thắng nổi bản ngã của mình.

Rất nhiều người đi lùi trên tiến trình thánh hóa vì không chịu hợp nhất với Đức Chúa Giêxu, trong sự chết của Ngài, ở điểm nầy.

Rất nhiều người trong chúng ta sẵn sàng, vì Chúa và chính nghĩa của Ngài, chịu bị cường quyền bách hại, chịu nhục, chịu mất của cải, chịu đói khổ, vv.; nhưng không dám vì Chúa để hi sinh các mối liên hệ yêu thương hay ruột thịt; nhất là tình yêu nam nữ, nếu nó đi ngược với ý muốn của Đức Chúa Trời.

Cuộc xung đột không thể tránh chắc chắn sẽ diễn ra giữa bản ngã chúng ta với ý muốn của Đức Thánh Linh, bởi vì tâm trí chúng ta phẫn uất lên tiếng phản đối: “Tại sao khắt khe quá vậy? Chắc chắn Chúa không bao giờ đòi hỏi như thế!

Kinh-thánh cho biết đúng là Chúa nghiêm khắc đòi hỏi chúng ta phải hoàn toàn là của Ngài: “Ai không vác cây thập tự mình mà theo Ta, cũng chẳng xứng đáng cho Ta. Ai giữ mạng sống mình, sẽ mất; nhưng ai vì Ta hi sinh tính mạng, sẽ được lại” (Ma-thi-ơ 10:38–39).

Nguyên nhân sự chống trả quyết liệt của con người bề trong chúng ta đối với những lời nhắc nhở của Đức Thánh Linh về các điều Đức Chúa Giêxu đòi hỏi những người muốn theo Ngài phải có, là do chúng ta chưa thật sự ý thức được thánh hóa là ra sao.

Vì thế cho nên, luôn luôn có cuộc tranh chấp quyết liệt giữa con người cũ với con người mới trước khi chúng ta ý thức thánh hóa là như thế nào.

Căn cứ vào kinh nghiệm nầy, khi mỗi tín hữu nhận biết có dấu hiệu cuộc tranh chấp đang diễn ra trong lòng, thì phải biết rằng Đức Thánh Linh đang thúc giục con dân của Chúa hãy lập quyết định dứt khoát về đời sống được thánh hóa.

Đáp lại, mỗi người hãy hạ mình cầu xin sự giúp đỡ của Ngài, dạy dỗ và giải thích, cho chúng ta hiểu biết rõ ràng về cách thức nào có thể khai tử con người cũ của mình thật hiệu quả. Vì nếu người cũ còn sống, thì sự thánh hóa chưa xảy ra.

Sự quyết tâm cho con người cũ bị đóng đinh và chết với Đấng Christ phải được áp dụng cho mọi mặt trong đời sống thường ngày của mọi người. Mọi mặt có nghĩa là cả hành vi lẫn phục sức bên ngoài, với ý định và tư tưởng trong lòng.

Người đang tiến mạnh trên con đường thánh hóa dù không quan tâm mấy tới sự trang điểm lòe loẹt bề ngoài của họ, nhưng cũng không cẩu thả trong cách ăn mặc.

Các nữ lưu theo đuổi đời sống thánh khiết là người thực hiện lời khuyên của Kinh-thánh: “Đừng chỉ lo việc trang sức bề ngoài, như cẩn thận sửa soạn mái tóc, đeo vòng vàng, phô trương áo xống; nhưng lo trang sức con người bề trong, với sắc đẹp không tàn phai của tâm hồn dịu dàng, bình lặng; đó là điều quý giá trước mặt Đức Chúa Trời” (1Phi-e-rơ 3:3–4).

Những người hết lòng đi theo Chúa cũng canh giữ môi miệng mình nữa. Kinh-thánh cho biết rằng cái lưỡi của người ta là một ngọn lửa, một thế giới tội ác hay là nơi đô hội của tội lỗi (Gia-cơ 3:6).

Vì thế, nếu đề cập đến cái chết của con người cũ, không phải chỉ nói tới sự phô trương ở bên ngoài, nhưng còn phải đối phó với động lực thúc giục bên trong, khiến chúng ta mở miệng ra nói những lời không thích hợp, hoặc khoe khoang những điều không đúng sự thật.

Ví dụ như phóng đại thành tích nhưng giấu nhẹm thất bại, hoặc chỉ nói một nửa sự thật để mong được người ta ca tụng, còn kết quả cuối cùng yếu kém thì lờ đi.

Những trường hợp như thế chứng tỏ con người cũ vẫn còn sống mạnh, con đường thánh hóa vẫn là đà dưới thấp, chưa thể cất cánh bay cao.

Sở dĩ tiến trình thánh hóa của Cơ-đốc-nhân diễn ra chậm chạp chỉ vì chúng ta chưa chịu chết mọi phương diện của con người cũ.

Đức Chúa Trời có thừa khả năng thánh hóa con dân Ngài tức khắc và hoàn toàn đối với người nào chịu trao cho Ngài bản ngã trần trụi của mình, để được hợp nhất với Đức Chúa Giêxu trong sự chết và sự sống lại của Ngài.

Thánh hóa có nghĩa là được hợp nhất với Đấng Christ. Thánh hóa không phải là Đức Chúa Giêxu sẽ đặt điều chi đó trong tâm hồn ta, mà Ngài đặt chính Ngài, Đấng Thánh Khiết vào trong ta (1Côrinhtô 1:30).

TroVeNenTang16.docx

Rev. Dr. CTB