Chúa Nhật, March 16th, 2014

Các Vấn Đề Quan Trọng, 23

Thi Thiên 37:3–6

Một số người chưa bao giờ nghe được lời ‘Rhema,’ dù họ thật lòng tin Chúa và cũng chờ đợi nghe tiếng Ngài khi đọc Kinh-thánh. Cũng có một số tín hữu bị bệnh muốn được chữa lành, đã dùng đức tin cầu xin Chúa chữa, mà chưa bao giờ kinh nghiệm được quyền phép chữa lành của Chúa.

Vì vậy, chúng ta cần phải biết những nguyên nhân nào gây ra các sự cản trở không cho con cái Chúa được hưởng những quyền lợi đầy ơn phước như nhiều người khác.

Tình trạng thất bại trong đời sống tâm linh của tín hữu, và khung cảnh thiếu sinh khí thuộc linh ở một số Hội-thánh địa phương vẫn tiếp tục xảy ra vì nhiều thắc mắc không được nêu lên, cũng không ai quan tâm để giải quyết thoả đáng.

Phần nhiều tín hữu đều nghĩ rằng tất cả các lời hứa của Chúa là dành cho mọi người tin. Suy nghĩ ấy không hoàn toàn đúng; bởi vì chúng ta có tiềm năng nhận được các lời hứa ấy chứ không phải hễ là lời hứa của Chúa thì đương nhiên thuộc về chúng ta.

Nếu ai đọc Kinh-thánh và để ý thì sẽ nhận thấy hầu hết các lời hứa của Chúa đều có điều kiện kèm theo; vì vậy, đúng là lời hứa của Chúa đều dành cho con cái Ngài, nhưng nó chỉ trở thành thực tế cho người nào biết cách nhận.

Trong bài học trước chúng ta đã biết là khi Đức Thánh Linh làm cho lời logos sống động đối với ai đang nghe, thì lời logos ấy trở thành lời rhema đem đức tin đến cho người đó. Hiểu biết ấy chỉ mới là nền tảng căn bản trong việc áp dụng Lời Chúa, chưa phải là tận cùng của vấn đề bàn ở bài nầy.

Vì người đọc Kinh-thánh hay nghe giảng còn cần phải biết thêm là: Trước khi Đức Thánh Linh làm sống động lời Kinh-thánh cho tâm linh một người, để Ngài có thể ban lời rhema cho người đó, thì Ngài có nhiều việc phải làm.

Khi nào ai đọc hay nghe Lời Chúa mà lòng bị khuấy động cách bất thường như lời dành riêng cho mình, thì đấy là dấu hiệu logos đang được Đức Thánh Linh làm thành rhema cho riêng ta.

Tuy nhiên trước khi Ngài ban cho rhema thì Ngài cần tẩy sạch lòng chúng ta và khiến chúng ta tùng phục Ngài trước đã; bởi vì Chúa không ban lời hứa cách bừa bãi.

Chúng ta phải dành thời gian chờ đợi Chúa trong lúc Ngài đang can thiệp vào lòng ta. Việc chờ đợi bao gồm cả việc xưng nhận các tội lỗi mình còn chứa chấp và phục tùng sự dạy dỗ của Ngài. Khi chúng ta đáp ứng các điều kiện ấy, quyền phép của Chúa sẽ bày tỏ ra.

Nhiều người thường tưởng rằng Đức Thánh Linh sẽ đặt ưu tiên về những điều tín hữu mong mỏi được tiếp nhận. Ví dụ như sự chữa lành bệnh tật của thân thể.

Nhưng việc chữa lành thân thể không phải là mục tiêu tối hậu của Đức Thánh Linh. Vì mục tiêu trước hết của Ngài là chữa lành linh hồn chúng ta. Cho nên, Chúa đối xử với linh hồn chúng ta trước khi Ngài chữa lành thân thể.

Nếu tâm linh chúng ta còn chứa chấp tội lỗi và chưa hoà thuận với Ngài, thì chẳng có sự cầu nguyện nào của bất cứ người nào có thể chữa lành tật bệnh thân thể của chúng ta cả.

Một yếu tố khác cũng khiến nhiều con cái Chúa bỡ ngỡ và khó hiểu khi hầu hết tín hữu đều tin chắc sự chữa lành phải xảy ra cho một người có đời sống đạo hầu như là không chỗ chê trách, mà sự chữa lành đã không xảy ra dù cả Hội-thánh đều hết sức kiêng ăn, cầu nguyện cho người ấy.

Nhưng khi thấy kết quả truyền giáo thật đáng kể của tín hữu đó trong thời gian điều trị ở bệnh viện, mọi người đã hiểu lý do lời cầu nguyện chân thành của họ không được nhậm trước đấy.

Hoặc nhiều người đã ngã lòng và chất vấn “Đức Chúa Trời của họ ở đâu?” khi thấy cảnh gia đình một mục sư vẫn hát vang trong lúc bị cộng sản Bắc-Hàn chôn sống. Về sau người ta mới nhận ra rằng chính sự can đảm trước cái chết bi thảm đó đã khiến nhiều người Hàn quốc chưa tin Chúa có mặt chứng kiến cảnh tượng bi tráng ấy đã tiếp nhận Đức Chúa Giêxu mà gia đình vị mục sư ấy tôn thờ và giữ vững đức tin trước cái chết không tránh khỏi.

Tín hữu thường không tìm thấy sự chỉ dẫn rõ ràng của Kinh-thánh trong rất nhiều quyết định của đời sống. Ví dụ như thành hôn với người nào? nên chọn nghề gì? cư trú ở đâu? nên mua nhà nào hay mua xe hiệu gì? Đứng trước một quyết định quan trọng về công việc làm ăn buôn bán thì phải quyết định ra sao? Làm thế nào để nhận được sự chỉ dẫn của lời Chúa về các việc ấy?

Tất cả các thắc mắc trên đều hợp lý, không gì sai trật. MS Yonggi Cho đã trải qua kinh nghiệm trên và ông trình bày cách nhận biết ý Chúa qua năm bước trong kinh nghiệm riêng của ông.

Chúng ta cũng nên học biết những cách thức đó áp dụng cho mình để nhận được lời rhema khi cần phải lập quyết định mà không có sự hướng dẫn rõ ràng của Kinh-thánh.

Đầu tiên là ở yên không tiến hay lùi, mà yên lặng chờ nghe tiếng Chúa phán bảo. Khi đã nghe lời Chúa phán và biết rõ rồi, thì sẽ sẵn sàng hành động dù lợi hay hại cho mình, miễn là cái đó phù hợp với sự chỉ dẫn của Chúa.

Hầu hết các trường hợp chờ nghe tiếng Chúa như thế đều áp dụng sự kiêng ăn cầu nguyện. Vì tâm linh trong thân thể kiêng ăn sáng suốt hơn người bị buồn ngủ vì ăn no. Chờ đợi Chúa tức là tạo điều kiện cho tâm linh tĩnh lặng. Khi đạt được tĩnh lặng rồi thì sẽ thực hiện bước thứ nhì.

MS Cho cầu xin Chúa bày tỏ ý muốn Ngài qua sự ao ước của ông. Chúa vẫn thường bày tỏ ý Ngài qua ước muốn thánh thiện của chúng ta: “Cũng hãy vui thoả nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho người điều lòng mình ao ước” (Thi-Thiên 37:4). “điều người công chính ước ao sẽ được ban cho” (Châm-ngôn 10:24).

Cho nên, hãy ao ước điều gì đẹp ý Chúa: “Vì Đức Chúa Trời là Đấng đang hành động trong anh em, để anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài” (Phi-líp 2:13); có nghĩa là hãy cầu xin Chúa ban cho mình sự ao ước theo ý muốn Ngài. Khi chúng ta có chí hướng như vậy, thì Đức Chúa Trời qua Thánh Linh sẽ đặt trong lòng ta sự ao ước và ý chí làm theo ý Ngài.

Nhưng cần cẩn thận chờ cho ước muốn đó được vững lập trong lòng ta xong đã. Vì ngoài Đức Thánh Linh, tà linh hoặc nhân linh cũng có thể đem ước muốn tới. Nếu ước muốn đó là của Thánh Linh thì sẽ ngày càng mạnh lên; còn từ tà linh hay nhân linh thì ước muốn đó càng lúc càng yếu dần. Vì vậy, hãy chờ đợi cho đến khi nhận được ý muốn từ thiên thượng.

Bước kế tiếp là dùng Kinh thánh sàng lọc xem ý muốn như vậy có phù hợp với Lời Chúa không? Nếu chưa biết chắc thì nhờ người lãnh đạo giỏi Kinh-thánh xem xét và cho ý kiến. Nếu sự can gián của mục sư của mình chống lại ý kiến ấy mà lời nói của mục sư có hậu thuẫn bằng lời Kinh-thánh, thì ao ước đó chắc không đến từ Chúa. Bởi vì Đức Thánh Linh không mâu thuẫn với lời Kinh-thánh đã chép, tức là lời logos.

Bước thứ tư là cầu xin Đức Chúa Trời ban cho một dấu hiệu rõ ràng trong cảnh ngộ như vậy. Nếu Chúa thật phán vào lòng ta, thì Ngài sẽ ban cho một dấu hiệu mà ta có thể thấy hay nhận ra được cách rõ ràng.

Sau khi chiến thắng bốn trăm năm mươi tiên tri Baal, tiên tri Ê-li cầu nguyện bảy lần xin Chúa cho mưa xuống sau ba năm rưỡi hạn hán; dấu hiệu Chúa cho thấy là cụm mây nhỏ bằng bàn tay (1 Các Vua 18:42–45).

Ghê-đê-ôn cũng xin Chúa ban cho dấu hiệu để chứng nhận việc ông được Chúa sai ông thực hiện là đúng từ Chúa đến, dù ông đã được thiên sứ hiện ra phán bảo cách rõ ràng. Ông đã nhận được các dấu hiệu mà ông cầu xin (Quan Xét 6:36–40). Cho nên, dấu hiệu dù nhỏ hay lớn vẫn là dấu hiệu xác nhận của Chúa.

Sau khi đã nhận được dấu hiệu rồi thì bước cuối cùng là kiên nhẫn cầu nguyện chờ đợi thời điểm của Chúa, vì thời điểm của Ngài khác với cách chúng ta suy nghĩ.

Nếu trong khi cầu nguyện mà thấy thẳm sâu trong lòng vẫn có sự bồn chồn lo lắng, thì chưa phải là thời điểm thích hợp. Khi nào sự bình an đến trong lòng cách rõ ràng, giống như đèn giao thông từ đỏ bật qua xanh, thì mạnh dạn tiến lên hành động hoàn toàn tự do, vì biết rõ chúng ta có lời rhema và sự chúc phước của Đức Chúa Trời.

Hiểu các nguyên tắc nầy chúng ta không còn bối rối về các lời hứa của Đức Chúa Trời; cũng không cần phải quan tâm suy nghĩ tìm cách hò hét diễn tả bề ngoài. Vì khi rhema đến, chính Chúa sẽ truyền đức tin của Ngài vào lòng chúng ta.

Rhema là lời Chúa phán trực tiếp cho ta để tạo nên đức tin cho người nhận lời ấy. Đức tin đó tự chúng ta không có; bởi vì đó là đức tin của Đức Chúa Trời.

Nhưng để Đức Thánh Linh có ‘nguyên liệu’ làm thành lời rhema ban cho chúng ta, thì người tin phải đọc hết Kinh-thánh để biết lời Logos.

Không việc lành nào mà mình làm để phục vụ anh chị em trong Hội-thánh thay thế được bổn phận đọc Kinh-thánh cho riêng mình để quen biết lời logos.

Không quen biết logos trong Kinh-thánh thì đừng mong nhận được lời rhema.

Vì vậy, anh chị em ơi! Hãy tỉnh thức và siêng năng đọc lời logos mỗi ngày.

Đức Chúa Trời vẫn muốn ban lời rhema cho chúng ta mỗi ngày; bởi vì lúc nào chúng ta cũng cần có đức tin của Ngài để thực hiện những việc phi thường ngoài sức tưởng tượng của người đời.

Hãy làm theo lời để nhận rhema từ Đức Thánh Linh.

 

VanDeTamLinh23.docx

Rev. Dr. CTB