Chúa Nhật, May 26, 2013

Tìm Hiểu Giải Mộng Tiên Tri, 02


Sáng Thế 41:15–32

Từ thời thượng cổ, chiêm bao và thị tượng vẫn thường là cách thức Đức Chúa Trời dùng để truyền đạt những thông điệp của Ngài cho loài người. Vì Đức Thánh Linh vẫn dùng chiêm bao và thị tượng để thông báo cho con dân Ngài về những việc sẽ nhanh chóng xảy đến trong thời đại chúng ta đang sống, lúc thế giới đang tiến nhanh tới những ngày cuối cùng của thời tận thế, nên chúng ta càng cần phải tỉnh táo chú ý tới phương cách Chúa dùng để truyền thông điệp cảnh báo hay chỉ dẫn con dân Ngài những điều phải làm hay phải tránh, và những gì cần phải chuẩn bị; để chúng ta có thể nhận định và giải nghĩa cách chính xác các ý nghĩa của chúng.

 

Bất cứ ai, dù là người thường chiêm bao hay người hiếm khi chiêm bao, thì ở một thời điểm nào đó cũng sẽ kinh nghiệm một giấc chiêm bao đặc biệt, cũng gọi là chiêm bao tiên tri. Mặc dầu chiêm bao thì nhiều vô số, nhưng rất ít số chiêm bao được liệt vào loại giấc mộng có ý nghĩa tiên tri. Bởi vì thường khi là: “Nhiều điều lo lắng sinh ra chiêm bao” (Truyền Đạo 5:3). Các giấc chiêm bao có chứa những thông điệp, lời cảnh cáo bí hiểm hay khó hiểu mà con cái Chúa bắt đầu được thấy, thì người ta chia ra làm ba loại khác nhau:

 

Trước tiên là loại người ít khi nằm chiêm bao sẽ thấy các giấc chiêm bao có thông điệp quan trọng. Nghĩa là, nếu những người nầy thấy chiêm bao thì đến 9 trong số 10 giấc chiêm bao người đó thấy, là có mang thông điệp tiên tri. Loại thứ nhì là chiêm bao của những người có ân tứ thiên phú được thấy những việc sẽ xảy ra trong tương lai. Hiện tượng nầy thì không ai giải thích được. Vào thời các đế quốc cổ đại khi những hoàng đế thấy các giấc chiêm bao bí hiểm, họ thường mời các bậc trí giả, thông thái hay người tiên kiến trong vương quốc họ đến để giải thích ý nghĩa giấc mộng, hoặc đưa ra những lời chỉ dẫn là nhà vua cần phải làm gì (Sáng Thế 41:8; Đa-ni-ên 2:2). Trong hai trường hợp về hai hoàng đế Ai-cập và Ba-by-lôn được ban chiêm bao tiên tri, thì tất cả những nhà giải mộng của họ đều bó tay, không hiểu ý nghĩa. Chỉ có hai người được Thần-linh của Chúa ở trong mình, là Giô-sép và Đa-ni-ên mới giải nghĩa được các giấc mộng ấy. Bởi Đức Chúa Trời không ban cho người thế tục hiểu biết những điều mầu nhiệm của linh giới. Ngài chỉ ban cho các con dân của Ngài có “thần-linh khôn ngoan và khải thị” (Êphêsô 1:17–18) mới hiểu biết mà thôi.

 

Thứ ba là những người thấy chiêm bao cũng là người có các ân tứ đặc biệt về khải thị và soi sáng. Gia-cốp, tổ phụ của người Do-thái, được thấy chiêm bao khải thị và chỉ dẫn, ông được hiểu các chiêm bao ấy và làm theo (Sáng Thế 28:12–19; 31:10–13; 35:9–12). Giô-sép, con trai cưng của Gia –cốp, thừa hưởng ơn di truyền từ cha mình, nên là người thấy chiêm bao tiên tri (Sáng Thế 37:5–10) và có khả năng giải nghĩa các chiêm bao tiên tri (Sáng Thế 40:5–22; 41:15–32). Trong chuyện tích về cuộc đời của Giô-sép bị những người anh mình ganh ghét, thù oán rồi hãm hại, thì chúng ta nhận thấy sự khác nhau giữa loại người có tâm trí xác thịt với người có sự hiểu biết thuộc linh. Những người anh của Giô-sép chẳng bao giờ được thấy chiêm bao tiên tri, nên họ không thể hiểu các ý nghĩa huyền nhiệm. Nhưng Gia-cốp đã từng kinh nghiệm, nên ông ghi nhớ và suy gẫm (37:11).

 

Thường thì chúng ta không hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa những giấc chiêm bao tiên tri từ Chúa ban cho. Mặc dù những điều mình thấy trong chiêm bao đã được giải nghĩa rõ ràng và chắc chắn, nhưng sự hiểu của chúng ta hay cách chúng ta giải thích thì dễ rơi vào sự sai lầm. Đừng ngã lòng hay thất vọng khi mình thấy một giấc chiêm bao cảnh báo mà không thể hiểu toàn bộ ý nghĩa nó. Vì nếu Chúa đã ban cho chúng ta giấc chiêm bao tiên tri, thì đến kỳ, Đức Thánh Linh sẽ chỉ dẫn cho chúng ta hiểu biết những điều mình đã thấy: “Khi Thần Chân-lý đến, Ngài sẽ hướng dẫn các con vào chân lý toàn diện. Ngài không nói theo ý mình, nhưng truyền lại những điều Ngài nghe, và tiết lộ cho các con biết những việc sẽ đến” (Giăng 16:13).

 

Một giấc chiêm bao hay thị tượng tốt lành có thể khuấy động lòng ao ước trong ta được thấy điềm chiêm bao ấy được ứng nghiệm. Nhưng chúng ta nên kiên nhẫn chờ đợi và giữ gìn lòng mình không để khải tượng ấy phai nhạt. Nó có thể cần một thời gian dài trước khi ứng nghiệm. Vì vậy sự trì hoãn không có nghĩa là mình thấy sai. Có khi sự trì hoãn là do Chúa giữ lại chờ tới lúc tâm linh ta trưởng thành đủ để Ngài có thể sử dụng chúng ta thực hiện điều Ngài đã dự định. Hiểm nguy tai hại nhất trong thánh vụ của một người hay một hội chúng địa phương là cho rằng mình đã đạt mức hoàn hảo và biết tất cả mọi câu trả lời. Chúng ta cần phải duy trì một tâm tình dễ dạy trong tiến trình nhắm tới ân huệ của Chúa; vì chúng ta sẽ được Ngài ban cho cơ hội học hỏi để bước lên trình độ cao hơn về ơn khải thị và hiểu biết các giấc chiêm bao tiên tri.

 

Trước khi đi vào việc học biết ý nghĩa của các biểu tượng chiêm bao, chúng ta cần nhắc lại về đức tin và sự kiên nhẫn. Hai yếu tố nầy là sức mạnh để giữ cho tín hữu khỏi bị mỏi mệt chán nản trong tâm linh khi phải chờ đợi sự cầu nguyện được đáp lời, hay giấc chiêm bao tiên tri được ứng nghiệm. Kinh-thánh dặn dò: “Vậy, anh em đừng để mất lòng tin tưởng, vì nhờ lòng tin tưởng đó, anh em sẽ nhận được phần thưởng lớn. Anh em cần phải kiên trì, để khi đã làm trọn ý muốn Đức Chúa Trời rồi, anh em có thể nhận lấy lời hứa” (Hêbơrơ 10:25–26). Hãy nhớ rằng, chậm trễ không có nghĩa là thất bại. Biết kiên nhẫn là một phần của bước đường đức tin. Những gì Chúa đã mặc khải thì nó sẽ xảy ra. Và nó thường xảy ra vào lúc chúng ta không ngờ.

 

Có thể người ta sẵn sàng kể cho người khác nghe về những cơn ác mộng. Nhưng rất ít người kể về các giấc chiêm bao ô uế mà họ thấy họ có can dự vào. Theo Do-thái-giáo thì nguyên nhân gây ra ác mộng và chiêm bao ô uế là từ các quỉ. Kinh-thánh Tân-ước gọi là ‘uế linh’ hay ‘tà linh’ (Mác 1:27; 9:25), ‘quỉ dữ,’ ‘quỉ gây bệnh’ (Luca 8:2; 13:11), và ‘linh lừa dối’ (1Timôthê 4:1). Những thứ linh nầy bị chúng ta gọi chung là quỉ. Không một phân đoạn nào trong Kinh-thánh nói về chiêm bao tốt biến thành ác mộng. Để giải thích các ác mộng, những người có kinh nghiệm dùng những sự từng trải của họ để chứng minh vấn đề họ đưa ra. Không gian hay môi trường của nơi ngủ có ảnh hưởng rất lớn tới giấc ngủ. Nếu chúng ta ngủ trên giường khách sạn hay lữ quán mà trước đó có những người bị uế linh điều khiển đời sống họ nằm ngủ trên giường ấy, và nếu tín hữu không có thói quen cầu nguyện trước khi ngủ, thì ác mộng hay uế mộng là khó tránh khỏi.

 

Tại sao vậy? Người bị uế linh điều khiển sẽ mang uế linh đó theo mình. Nó sẽ tự do đi ra đi vào khi người đó ngủ mê. Khi ở ngoài, nó tìm cách xâm nhập những người chưa bị ảnh hưởng của nó đang ngủ ở gần nơi người kia ngủ; ví dụ trong các phòng của cùng một khách sạn; vì các thứ uế linh chẳng bao giờ ngủ. Kinh thánh ghi lại việc vua Sau-lơ bị ác thần nhập; lúc Đa-vít, người được Chúa xức dầu (đầy dẫy Thần Đức Giêhôva), đánh đàn, thì ác thần phải tạm lìa Sau-lơ (1Samuên 18:10–11); sau đó nó nhập trở lại. Việc ấy cứ tiếp diễn nhiều lần. Vậy, nếu ngủ ở nhà mà thường bị ác mộng, hãy tự xét nếp sống cầu nguyện của mình trước. Sau đó kín đáo xem xét đời sống tâm linh của người ở chung nhà, rồi những người hàng xóm, chúng ta có thể truy ra nguồn của ác mộng từ đâu đến. Bởi vì dù chúng ta phải chịu trách nhiệm về những gì mình chú ý xem hoặc nghe khi còn thức, nhưng không ai có thể điều khiển giấc mơ khi mình ngủ mê.

 

Quỉ khu vực hay tà thần của tà đạo địa phương cũng sẽ áp chế giấc ngủ của các con cái Chúa ghé qua địa phương đó. Chúng khiến chúng ta cảm thấy không khí ngột ngạt, bứt rứt, khó ngủ và mệt mỏi khi thức dậy. Bầu không khí thuộc linh của một thành phố sẽ tiết lộ các thứ tội lỗi mà cư dân của thành phố ấy vẫn phạm. Vì tội lỗi bắt nguồn từ những tư tưởng xấu của xác thịt, dẫn tới hành động làm thay đổi tánh tình của con người. Từ đó, nó biến đổi bầu không khí linh giới. Nếu ở đó có nhiều tín hữu tạo ảnh hưởng mạnh trên các mặt đạo đức và luật pháp của một cộng đồng, thì không khí thuộc linh ở đó sẽ bình an: “Khi người công chính gia tăng thì dân chúng vui mừng. Nhưng khi kẻ ác cai trị, dân chúng lại rên xiết” (Châm-ngôn 29:2).

TimHieuGiaiMongTienTri02.docx  (Sách tham khảo: How to Interpret Dreams and Visions, Perry Stone)

Rev. Dr. CTB