Chúa Nhật, June 30th, 2013

Tìm Hiểu Giải Mộng Tiên Tri, 07

Thi Thiên 25:12–14

Bất cứ tín hữu nào thật lòng tin cậy và yêu mến Chúa của mình đều mong muốn được Ngài bày tỏ ý muốn Ngài cho mình biết bằng lời phán trực tiếp hay qua lời tiên tri hoặc chiêm bao tiên tri. Không có nghĩa là chắc chắn Ngài sẽ thực hiện việc chúng ta mong muốn; Chúa là Đấng toàn quyền quyết định về việc đó. Tuy vậy, nếu được biết một số điều chuẩn bị và thực hiện chúng thì sẽ tạo cho chúng ta có nhiều thuận lợi hơn trong việc được Chúa ban cho các giấc chiêm bao tiên tri hay được thấy các thị tượng đặc biệt mang đến sự chỉ dẫn của Ngài. Những bước chuẩn bị nầy chắc chắn sẽ hữu ích cho chúng ta hơn là lười biếng, thụ động mơ tưởng về việc biết đâu mình sẽ được ban cho một chiêm bao siêu nhiên nào đó; vì một tâm linh thiếu chuẩn bị, không chút hiểu biết, chỉ mong ước vu vơ, sẽ chẳng nhận được gì hết. Vậy thì, có vài điều cần phải chuẩn bị.

 

1. Quyết tâm hướng về Chúa, “Nếu con quay trở lại, Ta sẽ phục hồi con, cho con đứng trước mặt Ta; nếu con làm cho điều cao quý lìa khỏi điều hèn hạ, thì con sẽ như miệng Ta” (Giêrêmi 15: 19). Mục tiêu của sự mong ước điềm chiêm bao không phải để chứng tỏ mình là thánh thiện hoặc hơn người. Mục tiêu chúng ta hướng tới là biết Chúa qua mối tương giao cá nhân với Đức Chúa Giêxu Christ. Khi ta tìm kiếm để biết Chúa nhiều hơn, Ngài sẽ khai trí cho ta biết phân biệt giữa điều quý giá với điều hèn hạ, để được Ngài ban ơn nói tiên tri. “Đức Giêhôva kết bạn cùng người kính sợ Ngài, và tỏ cho người ấy biết giao ước của Ngài” (Thi-thiên 25:14). Người thật lòng kính sợ Chúa sẽ được ban cho ân sủng quá lớn nầy. Việc “cho biết giao ước,” cũng là bày tỏ điều bí mật trong mọi cách Đức Chúa Trời phán với chúng ta, từ bài giảng Chúa-nhật tới sự suy nghiệm về những giấc chiêm bao hay thị tượng thấy trong giấc ngủ. Chúng ta sẽ được nghe lời giải nghĩa.

 

2. Ăn năn thái độ sai trật trong lãnh vực chiêm bao và thị tượng. Để có thể nhận được chiêm bao từ Chúa, chúng ta phải biết ăn năn từ bỏ quan niệm trong quá khứ coi thường việc nầy. Định kiến chống lại sự tìm hiểu chiêm bao và thị tượng đến từ Chúa là một chướng ngại khổng lồ khiến cho người ta không nhận được chút mặc khải nào từ Đức Chúa Trời (1Côrinhtô 2:14).

 

3. Trung tín học Kinh-thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải đặt lòng mình vào đó, để ý kiến, tư tưởng, khuynh hướng, các sự ưa thích, và những kết luận của chúng ta được hình thành và hướng dẫn bởi sự mặc khải siêu phàm của Kinh-thánh. Chúng ta càng nắm vững sự hiểu biết toàn diện các chân lý trong Kinh-thánh chừng nào, càng dễ nhận ra tiếng nói của Chúa trong các điềm chiêm bao hay thị tượng chừng nấy. Không phải các loại chiêm bao hay thị tượng không đến từ Chúa sẽ đem chúng ta lạc xa Kinh-thánh; và các giấc mơ từ Chúa đến cũng chẳng thêm gì vào Kinh-thánh. Chúng được ban cho để dẫn chúng ta vào sâu hơn trong sự hiểu biết lời Chúa để yêu mến Ngài ngày càng hơn.

 

4. Cầu xin bằng đức tin. Nếu chúng ta tin Đức Chúa Trời phán với người ta qua chiêm bao và thị tượng, rồi lòng chúng ta mong mỏi được nghe Ngài phán bằng cách đó, thì hãy dạn dĩ xin Ngài. Đức Chúa Giêxu từng xác nhận: “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa sẽ mở ra. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và cửa sẽ mở cho ai gõ. Trong các con có ai làm cha, khi con mình xin cá mà cho rắn, hay xin trứng mà cho bọ cạp không? Các con vốn là người xấu còn biết cho con mình vật tốt, huống chi Cha các con trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người cầu xin Ngài hay sao?” (Luca 11:9–13). Có lẽ nhiều người đã cầu xin mà chẳng có gì xảy ra. Có lẽ vì cầu xin với lý do hoặc động lực sai lầm nhằm thoả mãn dục vọng (Giacơ 4:3). Ví dụ như người xin được chiêm bao tiên tri để mình có vẻ được ơn hơn người khác, được biết điều mà người ta không biết, hoặc nhờ đó có lợi thế hơn người. Chúa sẽ không thoả mãn các khát vọng như thế; kẻ thù, là ma quỷ, sẽ đáp ứng cho thấy các chiêm bao sai trật, nếu lòng ta không ngay thẳng.


5. Cảnh giác trong giấc ngủ. Nếu biết tập luyện, chúng ta có thể ngủ say, mà tâm linh thì tỉnh táo trong tình trạng mong đợi. Nữ nhân trong sách Nhã Ca nói: “Tôi ngủ nhưng lòng tôi tỉnh thức. Kìa! Người yêu tôi gõ cửa” (Nhã Ca 5:2). Người nào yêu mến tiếng phán của Chúa hơn giấc ngủ của mình, thì giống như người đi ngủ nhưng chong đèn trong đêm sẵn sàng tỉnh dậy mở cửa cho người thân sẽ về thình lình. Nếu ai trong chúng ta mong ước, khao khát được nghe tiếng Chúa qua chiêm bao, thị tượng, hay lời tiên tri, thì hãy trau giồi một thói quen cảnh giác và nhạy bén với sự hiện diện của Chúa – kể cả trong giấc ngủ! Ai thấy mình thờ ơ đối với thế gian dù ngủ hay thức, đó là người hết sức tỉnh táo đối với các việc của Chúa. Đức Chúa Giêxu phán: “Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với Ta” (Khải-huyền 3:20). Vậy, hãy dùng sự cầu nguyện luyện tập cặp mắt và đôi tai tâm linh tỉnh táo trong giấc ngủ để có thể nhận ra sự viếng thăm của Chúa.

 

6. Tập ghi chép lại điềm chiêm bao khi thức dậy. “Năm thứ nhất triều vua Bên-xát-xa, nước Ba-by-lôn, khi đang nằm trên giường Đa-ni-ên thấy chiêm bao và những khải tượng trong đầu mình. Ông viết ra để thuật lại nội dung giấc chiêm bao ấy” (Đa-ni-ên 7:1). Nếu Đa-ni-ên không chép lại chiêm bao tiên tri cực kỳ quan trọng ấy, ngày nay chúng ta mất một bằng chứng vô giá về chiêm bao tiên tri, cũng không được xem lại dòng lịch sử vùng Lưỡng-Hà dưới nhãn quan của thiên đàng. –Rất ít người trong nhân loại có khả năng nhớ rõ từng chi tiết của điềm chiêm bao có tính tiên tri từ nguồn siêu nhiên sau một thời gian dài, nếu chiêm bao ấy không được ghi chép lại. Hơn nữa, hầu như mọi người đều quên mất phần nào chi tiết của giấc chiêm bao lúc thức dậy sau một đêm ngủ nghỉ. Vì vậy, tập tành ghi chép lại điềm chiêm bao ngay sau lúc vừa tỉnh giấc, dù là giữa đêm, hay gần sáng, hoặc lúc sáng sớm là điều nên làm. Chúng ta không ghi chép tất cả giấc mơ hàng đêm của mình, chỉ ghi các chiêm bao tiên tri mà thôi. Vì thế, thân ngủ mà lòng thì tỉnh.

 

7.  Đeo đuổi sự khôn ngoan. Nếu trong đêm có ghi lại được các chi tiết của chiêm bao mà mình tin là đến từ Chúa, thì buổi sáng sau khi thức dậy hãy dâng chiêm bao ấy lên cho Chúa trong tinh thần cầu nguyện xin Ngài giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của giấc chiêm bao. Phân tích nó bằng cách chọn và chú ý những chi tiết quan trọng, loại bỏ bớt các chi tiết nào thấy là không ích lợi gì. Sắp xếp các chi tiết quan trọng theo thứ tự để nhận ra hình ảnh tổng thể của bức tranh. Khi hiểu nghĩa tổng quát rồi, thì việc hiểu ý nghĩa của từng chi tiết có thể thực hiện tương đối dễ dàng. Áp dụng sự khôn ngoan để hiểu biết những điều mầu nhiệm là như vậy. Vua Salômôn hình dung sự khôn ngoan như một phụ nữ đẹp đứng bên con đường tấp nập cất tiếng nói: “Hỡi con người, ta kêu gọi các ngươi, và tiếng gọi của ta hướng về con cái loài người! Những người ngây thơ hãy học biết sự khôn khéo; những kẻ ngu dại hãy học biết lẽ khôn ngoan. Hãy lắng nghe, vì ta sẽ nói những điều cao quý, môi ta thốt ra điều ngay thẳng” (Châm-ngôn 8:4–6).

 

Bất cứ tín hữu nào theo đuổi sự khôn ngoan đều sẽ nhận được nhiều ích lợi rất cụ thể: Sẽ có khả năng hiểu các châm ngôn, ngụ ngôn và các câu đố (Châm-ngôn 1:5–6); có mối tương giao riêng tư với Đức Chúa Trời (2:5); biết thận trọng, phán đoán giỏi, biết đề phòng và được giải thoát khỏi tai hoạ hung hiểm (2:11); được hưởng cuộc sống trường thọ, giàu sang và đầy vui thích (3:16–17); được an toàn ở mọi nơi (3:21–24); được có trí khôn mưu lược, năng lực thông sáng, có uy quyền và biết thi hành công lý (8:14–15); được giàu có, danh vọng và lối sống công chính (8:18–21); được nhận lãnh sự sống và ân huệ từ Đức Chúa Trời (8:34–36).

 

Mọi lời tiên tri do Đức Chúa Trời sai người khác truyền đạt, hoặc các giấc chiêm bao hay thị tượng có tính tiên tri, cũng như những lời Chúa phán trực tiếp với chúng ta, đều có thể đến cho ai biết dành thì giờ chuẩn bị tâm linh sẵn sàng tiếp nhận sự mặc khải của Ngài. Bất cứ sự chuẩn bị nào cũng đòi hỏi chúng ta dành thì giờ, tâm sức vào đó. Những người có đời sống thất bại, không nhận được bất cứ sự khải thị nào từ Chúa, đều do hậu quả của tâm linh lười biếng và thờ ơ với sự mặc khải thiêng liêng, không biết làm cho điều cao quý lìa khỏi điều hèn hạ mà thôi.

TimHieuGiaiMongTienTri07.docx      (Sách tham khảo: A Dream Come True, của James Ryle)

Rev. Dr. CTB