Chúa Nhật, June 16, 2013
Tìm Hiểu Giải Mộng Tiên Tri, 05
A-Mốt 7:4–8
Theo lời hứa của Đức Chúa Trời, thì vào thời đại nầy chúng ta sẽ thấy nhiều người được ban cho các giấc mơ có tính tiên tri. Người ở mọi nơi và mọi thời đại đều rất muốn hiểu ý nghĩa của những chiêm bao mà họ được thấy. Khả năng giải nghĩa chiêm bao cách chính xác sẽ giúp cứu vãn nhiều người khỏi bị thiệt hại về tài chính, hạnh phúc, công ăn việc làm, sức khoẻ, gia đình con cái, và cả sinh mạng nữa. Nếu người chưa tin Chúa được biết về ân tứ giải nghĩa chiêm bao chính xác của Hội-thánh, thì sẽ có rất nhiều người, tìm đến Hội-thánh để xin được giúp đỡ vì có nhu cầu muốn hiểu biết ý nghĩa các giấc chiêm bao của họ, và sẵn lòng phơi trải những ý nghĩ kín đáo trong lòng họ. Họ sẽ dẹp bỏ hàng rào đề kháng, cởi mở hơn khi trò chuyện về Đức Chúa Trời và tình trạng tâm linh của họ. Đây là lợi thế rất lớn của chúng ta trong việc rao truyền Tin-mừng của Chúa cho người chưa tin. Bởi vì giải mộng là phương tiện Chúa ban để giúp chúng ta dễ kết thân và tạo sự tin cậy đối với các thân hữu khó gặp cơ hội tiếp xúc.
Thông thường có nhiều loại chiêm bao pha trộn với nhau trong một giấc mơ; cho nên, sự xác định rõ ràng chủ đề của giấc mơ khi tỉnh dậy, không phải là việc dễ dàng, và việc ấy chưa thật là cần thiết. Vì sự hiểu biết ý nghĩa các hình ảnh, biểu tượng, ẩn dụ của giấc chiêm bao đặc biệt tuỳ thuộc vào người thấy chiêm bao ấy, nếu người giải mộng chưa được mặc khải thật rõ để hiểu về giấc mộng đó, thì lời giải nghĩa đúng phải được tìm hiểu bằng những câu hỏi dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để biết tâm tư và những kinh nghiệm tâm linh của người có giấc mơ. Hãy luôn luôn nhớ rằng không phải chiêm bao nào cũng có tính cách tiên tri hoặc là từ Chúa ban cho. Các nguyên tắc giải mộng chỉ áp dụng cho các chiêm bao đến từ Chúa có mang theo thông điệp rõ ràng, mà người thấy chiêm bao chưa hiểu ý nghĩa đó thôi. Vì thế, chúng ta phải xem xét chiêm bao có phải đến từ Chúa hay không trước khi tìm cách giải nghĩa nó.
Cũng cần phải minh định trước rằng sự giải mộng do mặc khải tiên tri không sử dụng bất cứ lý thuyết nào về tâm lý hay phân tâm học của Freud, Gestalt, hay Jungian. Chúng ta chỉ tập dùng các nguyên tắc về ơn tiên tri của Kinh-thánh bởi sự mặc khải của Đức Thánh Linh để giải nghĩa các chiêm bao có tính cách tiên tri mà thôi. Bởi vì chiêm bao của người ta thì nhiều vô số kể, mà số chiêm bao do thiên đàng soi sáng thì ít và không thể hiểu bằng sự khôn ngoan của loài người.
Một trở ngại thông thường trong việc giải nghĩa chiêm bao là phải phân biệt được nó là biểu tượng hay nghĩa đen. Luật chung trong việc nầy là, nếu giấc mơ có thể hiểu theo nghĩa đen cách rõ ràng, thì ý nghĩa của nó là đúng theo những gì đã thấy. Nhà truyền giáo James Robinson nằm chiêm bao thấy một tai nạn xe quan trọng ở một giao lộ rất nguy hiểm gần nhà ông. Một tuần sau đó ông lái xe đến giao lộ mà ông thấy trong giấc mơ. Một chiếc van tiến đến bên trái xe ông, ông đạp ga định vọt lên quẹo phải vào xa lộ trước khi bị chiếc van che khuất tầm nhìn bên trái, nhưng hình ảnh tai nạn sống động trong chiêm bao chợt hiện ra trong trí. Ông vội buông chân ga và đạp thắng, một chiếc xe thể thao do một thanh niên lái từ phía trái chạy rất nhanh vù qua trước đầu xe ông. Nếu ông quẹo vào xa lộ thì đã gây ra một tai nạn thảm khốc, có lẽ ông bị thiệt mạng. Thế thì giấc mơ mà ông được Chúa báo trước để cứu mạng ông là hoàn toàn có nghĩa đen.
Tuy nhiên, nếu có những việc hoặc sự vật trong chiêm bao không phải là nghĩa đen, thì giấc mơ đó phải được hiểu theo ý nghĩa biểu tượng, hoặc nghĩa bóng, kể cả các nhân vật có mặt trong đó. Ví dụ, nếu thấy mình lái một chiếc xe màu đỏ mà mình chưa bao giờ có, thì chiêm bao ấy có nghĩa biểu tượng. Chiếc xe hơi thường có nghĩa là đời sống, cá nhân, mục vụ. Xe mới có thể báo trước về một mục vụ mới, một cách sống mới, vv; nếu chiếc xe đó trước kia mình có sử dụng mà nay không còn nữa, không còn làm chủ nó nữa, thì phải hiểu theo nghĩa bóng hay biểu tượng.
Bất kể chiêm bao nghĩa đen hay nghĩa bóng, Kinh-thánh cho biết rằng khi cần thiết, chúng ta vẫn có thể làm thay đổi kết quả thật ngoài đời, khác với kết cuộc của giấc mơ (A-mốt 7:1–6). Nghĩa đen thì dễ hiểu và dễ áp dụng, nhưng nghĩa bóng đòi hỏi sự xem xét cẩn thận bằng tinh thần rộng mở, đầu óc không hẹp hòi. Vì các biểu tượng cũng như lời nói là rất linh động. Nếu chúng ta biết bối cảnh của giấc mơ và những hoàn cảnh trong đời sống của người thấy giấc mơ, thì có thể hiểu ý nghĩa của giấc mơ một cách chính xác. Nếu không có các sự hiểu biết ấy, công việc giải mộng chỉ là đoán mò. Ví dụ, con kiến thấy trong chiêm bao có thể mang vài nghĩa khác nhau. Ý nghĩa từ Kinh-thánh về con kiến là tính siêng năng cần cù làm việc chuẩn bị cho lúc khó khăn. Nhưng theo kinh nghiệm cuộc sống thì kiến là thứ côn trùng gây khó chịu khi nó vào nhà, vì chúng vào từng đàn bò lên thực phẩm và cắn chích người cản lối di chuyển của chúng.
Bối cảnh của giấc mơ sẽ xác định chúng ta cần dùng ý nghĩa nào để giải nghĩa chiêm bao ấy. Nếu người nằm mơ thấy mình đi chơi picnic ngoài trời bị kiến bò lên người hoặc lên thức ăn, thì con kiến rõ ràng là tượng trưng cho sự phiền toái. Nếu mơ thấy bị kiến cắn, chích, là biểu tượng của những lời nói châm chích hay giận dữ từ người khác. Còn nếu mơ thấy mình quan sát cả đàn kiến đang tha mồi về tổ, thì hình ảnh đó là biểu tượng nhắc nhở chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày khó khăn sẽ tới. Cũng có thể nằm mơ thấy cả đàn kiến ào ạt, hối hả đời tổ lên chỗ cao hơn, thì đó là điềm báo trước về giông bão trong thiên nhiên hoặc những khó khăn sẽ xảy ra ngoài tầm kiểm soát hay điều khiển của chúng ta. Cho nên, bối cảnh của giấc mơ sẽ cho biết ý nghĩa thật của biểu tượng ấy là gì. Khi phải xem xét nghĩa bóng của biểu tượng thì hãy đặt câu hỏi: ‘Giấc mơ nầy nói về ai? Ý nghĩa thật của nó là gì?’ Nó có nghĩa gì đối với tôi?
Bất cứ một cuộc thảo luận nghiêm túc nào về đề tài chiêm bao và thị tượng thì cũng phải bao gồm sự xem xét cách kỹ lưỡng về những gì Kinh-thánh dạy liên quan tới chiêm bao và thị tượng. Vì nếu những chiêm bao và thị tượng đó không qua nổi sự kiểm soát khách quan của Kinh thánh, thì khó có thể nói rằng chiêm bao hay thị tượng đó từ Đức Chúa Trời mà đến. Sở dĩ chúng ta cần dùng Kinh-thánh để sàng lọc vì bốn lý do: 1) Đó là Lời từ Đức Chúa Trời (Êsai 8:19–20) có quyền tối hậu. 2) Vì Kinh-thánh khách quan và chân thật, không cần thay đổi cho hợp với tình hình hay chạy theo thị hiếu của người; không quỵ luỵ trước con người hay triết thuyết hoặc phong trào chi cả. Lời Chúa quả quyết và chính xác không ai có thể tranh chấp hay bác bỏ được. Đức Chúa Giê –xu phán: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta sẽ chẳng bao giờ qua đâu” (Mathiơ 24:35).
3) Kinh-thánh có quyền năng mà không sách vở nào khác của loài người có được. Đức Chúa Giêxu đã phán: “Thánh Linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích gì. Những lời Ta phán dạy các con là thần linh, là sự sống” (Giăng 6:63). Chúng ta phải xây dựng sự hiểu biết của mình trên lời Chúa, vì sự khôn ngoan riêng hay lý thuyết của loài người sẽ không thể đứng vững. 4) Kinh-thánh là lời duy nhất có khả năng chia tách giữa hồn với linh, lại phân biệt được tư tưởng và ý định của lòng người (Hêbơrơ 4:12). Không một người nào có thể biết được tư tưởng đang diễn ra trong óc người khác; chỉ có Đức Chúa Trời mới biết được. Ngài từng phán “Lòng người ta là dối trá hơn muôn vật và rất là xấu xa. Ai có thể biết được? Ta, Đức Giêhôva, dò xét tâm trí, thử nghiệm tấm lòng, báo đáp cho mỗi người tuỳ con đường họ đi, và tuỳ kết quả công việc họ làm” (Giêrêmi 17:9–10).
Hãy suy nghĩ về điều đó. Chiêm bao của người ta là việc hết sức riêng tư và chủ quan nằm sâu trong lòng xấu xa tội lỗi của loài người. Chỉ có lời thánh khiết từ Đức Chúa Trời mới có thể vén được bức màn bí mật ấy lên. Nếu chiêm bao và thị tượng là sản phẩm từ lòng người sản xuất ra, thì thật là dại dột biết bao nếu ta căn cứ vào các nền tảng hết sức bất định của loài người để hiểu hay giải thích các chiêm bao và thị tượng đó. Cảm tạ Đức Chúa Trời vì chúng ta có Lời của Ngài vừa sắc bén, vừa có khả năng soi thấu những bí mật của lòng người, dùng để giải nghĩa các giấc mơ tiên tri bí hiểm, khi không thể dùng phương pháp nào của nhân loại để biết được.
TimHieuGiaiMongTienTri05.docx
Rev. Dr. CTB