Chúa Nhật, August 28, 2011
Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh, 26
Cuộc Chiến Đấu Nơi Kín Nhiệm
Mathiơ 6:6
Thi Thiên 91:1 khẳng định rằng: “Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn Năng.” Đức Chúa Giêxu cho biết nơi kín đáo ấy chính là chỗ chúng ta dành riêng để cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Theo lời dạy của Đức Chúa Giêxu về việc cầu nguyện riêng tư nầy, thì nó không phải là một loại sinh hoạt bất thường lâu lâu mới diễn ra một lần, mà là một sinh hoạt thường xuyên của con cái Chúa. Chưa có thói quen cầu nguyện riêng tư với Chúa, thì chắc cũng không dành sẵn một chỗ nào trong nhà mình làm nơi gặp Chúa trong lúc mình cần cầu nguyện. Đức Chúa Giêxu không nói rằng chúng ta nên vào chỗ kín đáo mơ tưởng về Đức Chúa Cha trên trời; nhưng Ngài bảo hãy vào nơi kín đáo cầu nguyện với Đức Chúa Cha là Đấng ở trong nơi kín nhiệm và thấy mọi việc diễn ra nơi kín nhiệm, sẽ ban thưởng cho ta.
Các sách Phúc Âm ghi lại nhiều chi tiết về đời sống cầu nguyện của Đức Chúa Giêxu. Ngài cầu nguyện lúc sáng sớm ở nơi vắng vẻ, cầu nguyện vào buổi tối một mình trên núi. Ngài đã làm gương cho các môn đồ về nếp sống cầu nguyện. Khi chúng ta muốn làm theo gương Đức Chúa Giêxu, nề nếp luyện tập đầu tiên và thường xuyên là nếp sống cầu nguyện giống như Ngài. Cuộc chiến đấu nơi kín nhiệm đòi hỏi một ý chí tập luyện không nản lòng bỏ cuộc trước các khó khăn. Như thế, hình thức tập luyện chủ yếu để cuộc sống tâm linh có nề nếp là qua sự cầu nguyện.
Cầu nguyện là một nỗ lực của ý chí. Sự khó khăn không phải là có muốn cầu nguyện hay không, nhưng là tâm trí có thảnh thơi không bị vướng bận để cầu nguyện hay không. Vì sau khi đã vào phòng riêng và đóng cửa lại, điều khó nhất là cầu nguyện cách suôn sẻ. Nếu chưa quen với kỷ luật trong tâm trí, không ai có thể giữ cho lòng yên ổn, hoặc sắp xếp các ý nghĩ mình cho có thứ tự để bắt đầu cầu nguyện. Chúng ta phải chiến đấu vất vả để giữ không cho các ý nghĩ miên man lang thang từ chuyện nọ xọ qua chuyện kia. Trận chiến lớn mà chúng ta phải tích cực tham dự trong giờ cầu nguyện riêng là trấn áp cho bằng được những ý tưởng lang thang ù lì trong tâm trí mình. Đây là một trong những thứ kỷ luật mà chúng ta phải áp dụng cho chính mình, nếu muốn bắt chước tinh thần cầu nguyện của Đức Chúa Giêxu. Chúng ta phải giữ kỷ luật tâm trí, và cố tình tập trung chú ý vào sự cầu nguyện. Ai giữ kỷ luật được cho tâm trí thì người ấy mới có thể cầu nguyện.
Sứ đồ Phaolô nói về tình trạng nầy trong 1Côrinhtô 14:14 “…tâm linh cầu nguyện nhưng trí khôn lơ lửng.” Thực trạng ấy xảy ra ở mọi người không phân biệt ai. Như vậy, để có thể ổn định sinh hoạt cầu nguyện, chúng ta phải bắt đầu tập kỷ luật tâm trí mình trước đã, không cho phép nó suy nghĩ vẩn vơ miên man như cũ. Nếu chúng ta có thể tập trung tâm trí để suy tính những việc làm ăn quan trọng, hoặc có thể chú tâm học hành làm bài, thì việc giữ kỷ luật tâm trí là điều thực hiện được. Sở dĩ tâm trí có thể suy nghĩ lan man là vì nó được tự do tưởng tượng hay mơ ước vơ vẩn mà không bị khép vào một kỷ luật nào, như khi lý trí bị buộc phải suy tính cẩn thận về việc chi đó. Cho nên, điều cần làm trước tiên là phải để ý xem trí óc của mình thường lang thang tới các lãnh vực nào, những ước mơ nào thường chiếm hữu lòng ta; rồi phân tích xem điều đó có lợi ích gì cho linh hồn mình không. Nếu không, hãy lập tức tránh xa nó. Kinh Thánh chép “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Châm ngôn 4:23).
Sau khi có thể bắt đầu giữ kỷ luật cho tâm trí mình, chúng ta phải dành một chỗ quen thuộc để làm điểm hẹn và là nơi kín đáo riêng để cầu nguyện mỗi ngày. Những người có kinh nghiệm về cầu nguyện mỗi ngày ở một chỗ quen thuộc nói rằng, khi đến chỗ ấy thì cầu nguyện dễ dàng hơn. Chúng ta cũng nên bắt chước những người đi trước để tạo sự dễ dàng cho mình. Đức Chúa Giêxu cũng dạy “hãy vào phòng riêng đóng cửa lại …” Nạn suy nghĩ lang bang không tập trung tư tưởng được là vì cánh cửa cảm xúc vẫn luôn mở rộng. Như vậy ‘đóng cửa lại’ tức là đóng cái cửa của những cảm xúc hoặc tình cảm của mình để có thể tập trung tư tưởng hướng về Đức Chúa Trời toàn năng, toàn tri và toàn tại. Nhớ đến Ngài, nhớ đến những sự vĩ đại của Ngài và ơn Ngài đã làm trên đời sống chúng ta.
“Cha ngươi ở nơi kín nhiệm … là Đấng thấy trong nơi kín nhiệm,…” Đức Chúa Trời từ nơi kín nhiệm xem xét chúng ta. Ngài không đánh giá chúng ta theo cách những người khác vẫn phê phán, hay theo cách chúng ta tự nhìn chính mình. Ngài nhìn thấy rõ sự thật trong lòng ta đối với Ngài ra sao. Ngài cũng thấy rõ tất cả nhu cầu, những nỗi niềm, và kết quả hay hậu quả tương lai của những việc chúng ta làm. Thấy, biết, tức là có khả năng đổi xấu thành tốt, hung hiểm thành an lành. Đối với Chúa, động lực thúc đẩy các hành vi là quan trọng, không phải chính các hành vi mà người ta thực hiện; bởi vì hành vi chỉ là kết quả của những toan tính do động lực thúc đẩy từ trong lòng. Ví dụ các hành động hay lý luận biện minh cho lý do mình không chịu thực hiện trách nhiệm hay bổn phận của một con cái Chúa phải làm, thật ra chỉ là lớp khói mù che giấu sự sợ hãi hoặc một lý do thầm kín nào đó vẫn cai trị trong thâm tâm, mà bề ngoài không ai thấy.
Khi chúng ta thực sự sống trong “nơi kín nhiệm” với Chúa, thì không thể nào chúng ta có thể nghi ngờ Ngài được. Vì tại nơi ấy chúng ta sẽ gặp Ngài, kinh nghiệm tình yêu nồng nàn của Ngài đối với các con cái Ngài, bắt đầu hiểu biết Ngài, được nghe tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ của trái tim dịu dàng thương yêu chỉ dẫn và dìu dắt của Đức Thánh Linh. Chúng ta trở nên tin chắc Ngài hơn bất cứ ai khác hoặc bất kỳ thứ gì khác. Đức Chúa Giêxu dùng ví dụ về tâm lý của người cha trên thế gian để giải thích bản chất ấy của Đức Chúa Cha: “Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay là con mình xin cá mà cho rắn chăng? … huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?” (Mathiơ 7:9–11).
Nếu chúng ta chưa nhận được điều mình xin, thì hãy tìm xem nguyên nhân nào đã ngăn chặn ơn phước Chúa, xem xét cẩn thận các bằng chứng. Đừng từ khước nhìn nhận các bằng cớ quá rõ ràng chỉ cho ta thấy mình đã sai lầm. Có phải ta chưa thấy món tiền mình cần mà lâu nay vẫn tha thiết xin Chúa ban, nhưng khi có tiền vẫn tránh né không chịu trả món tiền mình nợ ai đó không? Hoặc vẫn nài xin Chúa giúp cho đời sống đức tin mình đừng sa sút, trong khi đó cứ từ chối mệnh lệnh đem người quen biết đang bị hư mất đến với Chúa, vì sợ ảnh hưởng tới công việc làm mình chăng? Ai thật lòng xem xét thực trạng của mình rồi can đảm thú nhận với Chúa, người ấy mới có thể nối lại mối liên hệ với Ngài do chính các toan tính tội lỗi của mình cắt đứt.
Khi nào chúng ta thực sự tạo được một “nơi kín nhiệm” của mình để gặp Chúa, thì sẽ khám phá ra là Chúa luôn luôn hiện diện ngay chính giữa các hoàn cảnh của chúng ta. Hãy tập luyện để sự can đảm đối diện với Chúa trở thành một thói quen dù vui hay buồn, thành công hay thất bại, ngoan ngoãn hay phạm lỗi, cũng không làm chúng ta né tránh gặp mặt Chúa ở nơi kín nhiệm của mình. Sự sợ hãi tránh né không dám gặp Chúa là dấu hiệu của tình trạng sa sút trong tâm linh, hoặc đã phạm tội. Dầu vậy, chúng ta cần hiểu rằng Chúa vẫn chờ đợi và mong mỏi gặp con cái Ngài bất kể tình trạng ra sao trong nơi kín nhiệm đó để bày tỏ tình yêu vô bờ của Ngài.
Nếu chúng ta không chịu tập luyện mở cửa lòng mình ra cách hoàn toàn mời Đức Chúa Trời ngự vào ngay giây phút đầu tiên trong ngày lúc mới thức dậy, chúng ta sẽ gặp trục trặc trong suốt ngày làm việc về mối tương giao với Ngài. Nhưng nếu chúng ta mở toang cánh cửa của đời sống mình ra và “cầu nguyện với Đức Chúa Cha ở nơi kín nhiệm,” thì mọi thứ của đời sống công khai của chúng ta sẽ mang dấu ấn vĩnh viễn về sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Khi đó không kẻ thù nào có thể hãm hại, chẳng công việc nào không đem lại lợi ích cho người chung quanh, không có mối liên hệ nào sẽ bị thất bại hoặc không thông suốt; vì chính Chúa sẽ giải quyết những điều khó khăn mà chúng ta cảm thấy ngoài tầm tay và bất lực. Hãy đến gặp Chúa trong nơi kín nhiệm ấy.
QuyenNangThuocLinh26.docx
Rev. Dr. CTB