Chúa Nhật, August 7th, 2011

Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh, 23

Mở Rộng Lòng Khao Khát Chúa

Êsai 26:7–9

Có hai giới tín hữu vẫn thường xuyên đi nhà thờ.  Giới đầu thì có lòng nhiệt thành với Chúa và khát khao được tương giao thắm thiết với Ngài.  Giới thứ nhì chỉ mong nhận được ơn cứu rỗi là đủ.  Do đó, nhiều người chưa nhận được các ơn phước diệu kỳ mà người khác cũng đi nhà thờ như mình đã nhận được.  Kinh Thánh xem những người chưa tin Chúa là hoàn toàn không thánh thiện, vì họ thù nghịch với Đức Chúa Trời và tuyệt đối không muốn vâng theo luật lệ thánh thiện của Ngài.  Tín đồ thật của Chúa được Đức Thánh Linh biến đổi con người vô đạo bên trong ngay giây phút người ấy mời Chúa vào làm Chủ lòng mình.  Ngài ban cho tín hữu một tấm lòng mới, đặt trong lòng ấy sự kính sợ Đức Chúa Trời và hướng dẫn người ấy đến sự vâng phục Ngài; cũng tuôn đổ tình yêu Ngài vào tín hữu để con cái Ngài có thể biết tình yêu của Ngài ra sao.  Điều đó chính là sản phẩm của sự tái sinh.  Tín hữu thật là người hình thành trong lòng một căn bản sốt sắng đối với Chúa.  Người nào không có, người ấy chưa phải là tín hữu.

Ai đã thật lòng tiếp nhận Chúa, người ấy được ban cho mọi điều cần thiết của sự sống tâm linh và sức mạnh tinh thần để sống cuộc đời tin kính. “Thần quyền của Chúa ban cho chúng ta tất cả những nhu cầu để sống và sống đạo đức” (2Phierơ 1:3).  Dù đã được sở hữu một căn bản sự sống tâm linh hướng về Chúa, chúng ta vẫn phải ngày càng tăng trưởng trong sự sốt sắng nhiệt thành đối với Ngài.  Nếp sống tin kính không tự động đến mà phải qua rèn luyện.  Khi chúng ta nỗ lực sống tin kính, đức tin sẽ được tăng cường.  Sự tăng trưởng nếp sống tin kính là lớn lên cả về lòng nhiệt thành, và sự luyện tập để ngày càng trở nên giống các tính cách của Đức Chúa Giêxu.  Như vậy, sự tăng trưởng ấy là cả ba phương diện tiêu biểu cho: sự kính sợ Chúa, lòng yêu mến Chúa, và nỗi khát khao về Ngài.  Ba phương diện ấy phải tăng trưởng đồng đều để không vì chỉ kính sợ Chúa mà thấy Ngài xa cách khó tính, hoặc chỉ yêu mến mà không kính sợ dẫn tới lòng khinh lờn.

Phải làm gì và làm như thế nào để tăng trưởng nếp sống tin kính, dù biết rằng chỉ Đức Thánh Linh mới là Đấng làm cho lớn lên? (1Côr.1:3) Vài chỗ trong Kinh Thánh chỉ rõ con cái Chúa phải cầu xin: “Xin khiến tôi một lòng kính sợ Danh Chúa” (Thi. 86:11b); hoặc Phaolô cầu xin cho tín đồ ở Êphêsô được biết bề dài, bề rộng, bề cao, và bề sâu của tình yêu Đức Chúa Trời là thể nào (Êph-êsô 3:17–18); hay Đavid cầu xin Chúa cho ông được ở mãi trong nhà Ngài để chiêm ngắm vẻ đẹp của Ngài (Thi.27:4). Nếu ai theo đuổi việc thực hành sự tin kính, nếp sống cầu nguyện của người ấy sẽ phản ảnh quyết tâm đó.  Chúng ta phải thường xuyên cầu xin Chúa làm gia tăng sự kính sợ Chúa trong ta, làm sâu nhiệm thêm sự hiểu biết tình yêu của Ngài, và tăng cường nỗi khao khát trong ta về mối tương giao với Ngài.  Ba nỗi khát khao đó phải nằm trong giờ ở riêng với Chúa,  tức là chương trình cầu nguyện hàng ngày của chúng ta.

Một số chỗ rất hữu ích trong Kinh Thánh giúp chúng ta chú ý tới sự oai nghi và thánh khiết của Chúa, tức là những tính cách khiến chúng ta biết kính sợ Ngài. Vì vậy, hãy thường xuyên đọc và suy gẫm Êsai 6, Khải Huyền 4 về sự thánh khiết của Chúa; Êsai 40 về sự cao cả của Ngài; Thi Thiên 139 về thuộc tính toàn tại và toàn tri của Chúa; Khải Huyền 1:12–17 và đoạn 5 về sự oai nghi của Đấng Christ. Vô số chỗ khác của Kinh Thánh bày tỏ sự vinh quang thánh khiết đáng sợ của Đức Chúa Trời.  Lời của Chúa sẽ tạo nên trong ta một sự kính trọng, tôn sùng Ngài, khiến ta biết kính sợ Ngài. Nếu ai cứ cầu xin suông về việc được tăng trưởng trong sự kính sợ Chúa mà không đọc Kinh Thánh để kiến tạo sự hiểu biết về tính cách cao sang, vĩ đại, thánh khiết đáng sợ của Ngài, thì những lời kêu cầu ấy chỉ là vô ích.

Một số phân đoạn khác của Kinh Thánh rất hữu ích trong việc giúp đỡ chúng ta hiểu biết sâu hơn về tình yêu của Chúa. Hãy dành nhiều thì giờ thường xuyên suy gẫm Thi Thiên 103, Êsai 53 Rôma 5:6–11; 8:31–39; 2Côrinhtô 5:14–21; Êphêsô 2:1–10; 1Timôthê 1:15–16; 1Giăng 4:9– 11.  Nhưng cũng cần hiểu rõ rằng: cho dù có học thuộc lòng và suy gẫm những khúc Kinh Thánh quý báu nầy, thì cũng chưa đủ để tăng trưởng trong đời sống tin kính như mình muốn. Người đọc cần phải cầu xin Đức Thánh Linh làm cho những lời ấy trở nên sống động trong lòng ta để sinh ra sự tăng trưởng.  Phần chúng ta là suy gẫm, cầu nguyện và tin cậy rằng Chúa sẽ thực hiện phần của Ngài.  Hai việc suy gẫm và cầu nguyện phải được thực hiện đồng đều mới dẫn đến tăng trưởng.

Phương diện cần thiết khác trong việc thực hành nếp sống nhiệt thành đối với Chúa là sự thờ phượng. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận và bộc phát lòng kính sợ Chúa đang khi thờ phượng Ngài.  Thờ phượng là một hành động đặc biệt để dâng tặng Đức Chúa Trời sự vinh quang, oai nghi, tôn kính, và mọi điều xứng đáng thuộc về Ngài.  Khải Huyền 4:8–11 và 5:9–14 trình bày khuôn mẫu của sự thờ phượng luôn diễn ra không ngớt ở thiên đàng.  Chúng ta có thể bắt chước hình ảnh ấy để thực hiện sự thờ phượng riêng tư trong giờ ở riêng với Chúa của mình.  Thi Thiên 22:3 khẳng định rằng Chúa ngự giữa sự ca ngợi tôn vinh của con dân Ngài.  Hãy hết lòng ca ngợi Chúa vì sự hiện diện của Ngài chắc chắn sẽ làm cho lòng chúng ta biết kính sợ Ngài.

Một trong các đặc quyền chỉ con cái Chúa có được ấy là trực tiếp tương giao với Đấng Toàn Năng.  Mọi hoạt động hướng về Chúa đều liên quan đến mối tương giao nầy.  Tương giao là trò chuyện cảm thông qua lại giữa hai bên.  Cầu nguyện mới chỉ là sự trò chuyện một chiều từ chúng ta.  Con cái Chúa cần phải dành thì giờ tĩnh lặng để nghe tiếng Chúa phán với mình.  Nguyên do khiến nhiều người chưa nghe được tiếng Chúa là còn ham muốn trần tục nhiều quá.  Lý do nữa là chưa biết vâng lời Chúa.  Đức Chúa Trời thường dùng Kinh Thánh để phán với chúng ta, tuy vậy Ngài vẫn muốn trực tiếp trò chuyện với con dân Ngài.  Chúng ta phải hướng tới mục tiêu là nghe được tiếng phán và lời trò chuyện của Chúa.  Bí quyết là tu tỉnh tính tình thành nếp sống kỷ luật, vì tính vô kỷ luật là cản trở lớn nhất làm cho không nghe được tiếng Chúa.

Việc gì cũng có những thử nghiệm xem quyết tâm hay lòng ao ước tới mức nào. Thử nghiệm không nhằm vào nếp sinh hoạt, mà thuộc lãnh vực thái độ của lòng có vâng lời Chúa chăng!  Sự kính sợ, lòng yêu mến chân thành sẽ thể hiện qua sự vâng lời (Phục Truyền 6:2), cùng thái độ đối với điều ác (Châm ngôn 8:13).  Vì người thật lòng yêu mến và kính sợ Chúa là người thành thật ghét bỏ điều ác hoặc những thứ có liên quan đến tội lỗi, có nguy cơ khiến phạm tội, và ao ước có thể vâng theo các điều răn của Chúa.  Mức độ vâng lời của chúng ta phản ảnh mức độ mình kính sợ Chúa đến đâu.

Khi Phaolô nhận biết tình yêu của Chúa, ông quyết không sống cho riêng mình nữa, mà sống vì Đấng đã chết thay cho ông (Galati 2:20).  Càng nhận thức được tình yêu của Chúa sâu nhiệm chừng nào, chúng ta càng nhận biết tình trạng tội lỗi tệ hại của mình chừng nấy (1Timôthê 1:15).  Lúc đó, chúng ta không còn xét tội lỗi qua các biểu hiện đáng tởm bề ngoài nữa, mà sẽ quan tâm đến việc Chúa nghĩ thế nào về điều ấy. Bởi vì đối với người đã thật sự biết Chúa, tội lỗi là những gì chống nghịch ân sủng của Chúa và sự hiểu biết về Ngài. Sau khi cố ý phạm tội rồi ăn năn, trở lại thập tự giá, ta sẽ thấy Đức Chúa Giêxu phải gánh nhiều thứ tội mà ta đã cố ý phạm, nhiều hơn những tội mình có trước khi tin nhận Ngài.  Nhận thức đó sẽ giúp ta vĩnh viễn từ bỏ các tội ấy.

Ai đang tăng trưởng về sự kính sợ và yêu mến Chúa, nỗi khát khao về Ngài cũng tăng theo.  Càng suy gẫm về vẻ đẹp tuyệt vời của tình yêu Ngài, lòng nhân từ và ân điển cao vời của Chúa, chúng ta càng ước ao tìm kiếm Ngài nhiều hơn nữa. Êsai 26:9 “Đương ban đêm, linh hồn tôi đã ao ước Ngài; phải, thần linh trong tôi sẽ thiết tha tìm Ngài.” Hãy tập luyện như Phaolô thiết tha khao khát Chúa: “…hầu cho tôi được biết Ngài, và biết quyền năng phục sinh của Ngài, được dự phần trong nỗi thương khó của Ngài, trở nên giống Chúa trong sự chết Ngài” (Philíp 3:10).  Hãy cùng nhau mở rộng lòng khao khát Chúa để không phải là người theo đạo cách vô ích.

QuyenNangThuocLinh23.docx

Rev. Dr. CTB