Làm Tín Đồ Hăng Hái Sẽ Được Gì?
Luca 14:25 – 35
Nhiều người sau khi hăm hở bắt đầu một việc gì đó, đã bỏ cuộc vì không lường trước nổi cái giá phải trả và không thấy được phần thưởng sẽ nhận. Giống như các nhà kinh doanh thất bại vì tính toán sai, nhiều tín hữu có cuộc sống theo Chúa không kết quả, không thể lây nhiễm niềm tin của mình cho người khác vì không chịu tìm biết mình sẽ được gì, mất gì, khi trở thành một con cái thật của Chúa. Khúc Kinh Thánh trên là một sự nhắc nhở cho mọi người nào muốn làm con dân chân thật của Đức Chúa Trời. Giống như trước khi khởi công xây dựng một công trình nào đó, người ta phải tính toán tất cả các phí tổn và những kết quả có thể xảy ra; chúng ta cũng phải biết mình sẽ được gì và tốn kém những gì khi quyết tâm theo Chúa. Hãy cùng nhau bình tâm phân tích các mặt lợi/hại ra sao để biết mình sẽ phải bắt đầu từ chỗ nào. Sau đây là những điều chúng ta sẽ được:
Được dự vào cuộc phiêu lưu kỳ thú – Có lẽ một số tín hữu rất muốn truyền đạt niềm tin của mình cho người khác, vì mang mặc cảm phạm tội nếu không thường xuyên làm. Nhưng khi chúng ta thực sự dấn thân vào việc, chúng ta sẽ thấy rằng chia sẻ Đấng Christ cho người khác sẽ làm cho mối tương giao giữa mình với Chúa có một cảm nhận hào hứng của việc mà mình không ngờ sẽ xảy ra. Chúa rất thích sai các sứ giả của Ngài vào những nhiệm vụ thám thính bí mật với những chỉ dẫn riêng của Ngài cho người đó mà không ai khác được biết. Ngài thích đẩy chúng ta ra khỏi vùng thoải mái an toàn và thách thức chúng ta liều lĩnh xông pha ở tuyến đầu mặt trận mở mang Vương-quốc của Ngài. Ở đó, chúng ta níu chặt lấy Ngài khi Ngài đem chúng ta trong cuộc tập luyện ‘đu bay’ thuộc linh. Chúng ta sẽ hồi hộp sung sướng khi thấy cuộc phiêu lưu với Chúa vừa giúp tâm linh mình tăng trưởng, vừa đem được nhiều người lạc lối về nẻo chính đáng.
Nói cách khác, nếp sống Cơ-đốc là một đời sống đức tin. Một đời sống mà chúng ta thường thấy mình dám đi nhanh hơn điều mắt mình thấy, vì biết chắc Chúa đang nắm quyền điều khiển và Ngài có mục đích cho mỗi việc. Khi nghe ưu thế nầy mà tín hữu nào chưa thấy hào hứng, ấy là vì đang mang tâm lý thủ thế an nhàn trong lãnh vực tâm linh, không muốn có những sự thay đổi khuấy động nào; cho nên, chẳng biết nên mở lời gì để rao truyền tin mừng và giới thiệu sự cứu rỗi cho người khác. Nhưng ai đã kinh nghiệm cuộc đời phiêu lưu với Chúa, thì thấy rằng hễ khi nào bắt đầu mở miệng nói, Chúa sẽ dùng mình cách kỳ diệu cho mục đích đời đời của Ngài.
Đời sống có mục đích – Ai đã bắt đầu kinh nghiệm và tiếp tục phiêu lưu với Chúa, người đó sẽ cảm nhận được một mục đích hoàn toàn mới khi đối diện với bổn phận mỗi ngày. Chúng ta sẽ rất thích thú khi thấy bàn tay của Chúa ở phía sau mỗi một cảnh ngộ hay tình thế khó khăn. Ngài có thể khiến chúng ta ngạc nhiên vào bất cứ lúc nào khi chúng ta nhận ra Ngài đang đưa đến cho chúng ta nhiều cơ hội dẫn dắt người khác vào ơn cứu rỗi đời đời. Hai tín hữu là hành khách trên một chiếc máy bay nhỏ sáu chỗ ngồi, thình lình bị hai quân nhân của cuộc đảo chính thất bại cầm súng và lựu đạn uy hiếp phải chở họ đi trốn. Trong tình thế nguy nan đó, hai tín hữu vẫn thấy Chúa có một mục đích trong việc nầy. Sau khi cất cánh, hai người đã trò chuyện hỏi han việc gia đình của hai quân nhân; thình lình họ buông vũ khí và bắt đầu cùng uống nước ngọt, trò chuyện vui vẻ. Hai tín hữu đã có cơ hội chia sẻ phúc âm cho họ. Hai tín hữu nầy là những đời sống có mục đích mở rộng nước Chúa bất kể khi nào, hoặc đối tượng là những ai.
Đời sống hữu ích – Khi chúng ta bắt đầu dấn thân cứu giúp những người thiếu niềm tin và tìm xem Chúa có mục đích gì qua những sự kiện mà Ngài đưa đến mỗi ngày, chúng ta sẽ bắt đầu cảm nhận được sự hữu ích vượt quá công việc hàng ngày của cõi người ta. Không gì vui hơn khi thấy mình được làm một công cụ hữu dụng trong tay Đấng Toàn Năng để truyền đạt tình yêu của Ngài và làm sáng tỏ chân lý của Ngài cho những người mà Ngài đã hết lòng quan tâm đến để sẵn lòng chết thay cho họ. Không gì hài lòng hơn khi chúng ta được Chúa dùng để mở rộng mục đích cứu chuộc nhân loại của Ngài cách hữu hiệu. 2Phierơ 3:9 nói mục đích của Chúa là “không muốn một người nào chết mất, song muốn mọi người đều ăn năn.” Đức Chúa Giêxu làm gương về mục đích ấy khi Ngài trò chuyện với người đàn bà Samari có đời sống đạo đức xấu hổ.
Có một tín hữu đã dành rất nhiều thời gian và công sức để thuyết phục một ông già không ưa đạo Chúa. Sau nhiều năm, cuối cùng thì ông già ấy đã chịu tiếp nhận Đức Chúa Giêxu Christ làm Đấng Cứu Tinh của mình. Vài năm sau, tín hữu đó được ông già năm xưa mời dự lễ mãn khoá thần học mà ông đã theo học để phục vụ Chúa. Tín hữu ấy đã hân hoan xúc động trước thành quả của công khó mình, và thấy rằng đời sống mình thật là hữu ích cho Chúa và cho người khác.
Đời sống tâm linh tăng trưởng – Đây là một trong các lợi ích quan trọng nhất vẫn thường bị lãng quên. Một số tín hữu đang cố nắm giữ đức tin mà không thấy chút tiến triển nào, đọc Lời Chúa trở thành phận sự bắt buộc, cầu nguyện là một thông lệ khô khan. Niềm vui trong lòng lúc mới tin Chúa đã phôi pha. Đi thờ phượng Chúa cách miễn cưỡng. Như thể họ cố sống trong nỗi nhọc nhằn của một thứ Cơ-đốc-giáo bị cách ly khỏi thế giới. Nếu những người nầy chịu ra khỏi cái vỏ tôn giáo chán ngắt của mình để bắt đầu tiếp xúc, trò chuyện với những người đang đi tìm kiếm niềm tin, thì họ sẽ thấy có cái gì đó bắt đầu xảy ra. Vì việc trò chuyện với người chưa biết Chúa về vấn đề niềm tin đòi hỏi tín hữu phải vững vàng trong sự hiểu biết về niềm tin của mình. Tín hữu ấy sẽ giống như nhận được sinh khí mới; các lãnh vực bị lãng quên bỗng trở lại mới mẻ.
Ví dụ như việc đọc Kinh Thánh trước đây lâu lâu xem qua loa một lần. Nhưng bây giờ phải đọc cho kỹ để biết; thậm chí thuộc lòng hoặc ghi nhớ nhiều chỗ để có vốn liếng chứng minh cho cuộc trò chuyện về niềm tin sắp tới. Trong khi chuẩn bị để bênh vực niềm tin của mình lúc thảo luận với người chưa tin, tín hữu sẽ bắt đầu khát khao được biết cách mới mẻ về các mỹ đức và lẽ thật của Đức Chúa Trời. Từ chỗ thấy mình có nhiệm vụ giúp người khác biết về Chúa, người đó sẽ thấy mục tiêu của mình biến thành nỗi ước ao được gần gũi thân mật với Ngài. Sự cầu nguyện cũng vậy. Việc trò chuyện với Chúa bỗng nhiên mang một mục đích mới. Những lời thuộc lòng lặp đi lặp lại vô nghĩa sẽ được thay thế bằng lời khẩn nguyện chân thành cho người bạn đang gặp khó khăn. Đời sống tâm linh càng tiến triển, tín hữu càng hăng hái cầu nguyện vì bây giờ có lắm cớ để tạ ơn Chúa, cũng như chân thành muốn mở rộng nước Ngài.
Các ích lợi không ngừng ở đây. Khi đã bắt đầu cầu nguyện vì lo lắng cho người thân đang hư mất, thì sự trò chuyện với Chúa sẽ lan sang nhiều lãnh vực khác. Chúng ta bỗng kinh nghiệm một nếp sống cầu nguyện sinh động và tăng tiến. Lòng muốn thờ phượng Chúa cũng tăng trưởng theo vì biết ơn Ngài đã cứu vớt chính mình và những người thân thuộc, quen biết. Trước đây ta thờ phượng Chúa vì Ngài là Đức Chúa Trời và những việc Ngài đã làm ra. Nay chúng ta sẽ trở thành người hăng hái thờ phượng vì biết ơn, kính mến và thân mật gần gũi với Ngài.
Trở thành một tín hữu dễ lây nhiễm niềm tin còn có một ích lợi khác nữa là có một nếp sống riêng thanh sạch; bởi vì chúng ta phải giữ một tiêu chuẩn cao về đời sống đạo đức. Ý thức rằng hiện thời mình là đại diện cho Chúa, không cho phép chúng ta sa vào những cách hành xử, hoặc cách sống, hay ước muốn ô uế như những người đang sống trong tội lỗi. Bởi vì chúng ta không muốn mình là cớ gây ra ảnh hưởng hoặc ý nghĩ tiêu cực trên đời sống của những người khác; vì thế chúng ta sẽ tập tành nếp sống gương mẫu trong mọi hoàn cảnh. Đời sống không thánh khiết là nguyên nhân chính làm câm miệng nhiều tín hữu, là lý do chính khiến họ không dám mở miệng nói chi về tin mừng; nhất là nói với những người đã quen biết họ lâu năm. Nhưng quyết định thành một Cơ-đốc-nhân lây nhiễm sẽ khiến chúng ta quyết định dứt khoát sống đời thanh sạch, không e sợ gì mà sẽ hãnh diện khoe về sự đổi mới của tâm linh và nếp sống thể chất nữa.
Rev. Dr. CTB
(Xin đừng sao chép)