Mất để Được

2Phierơ 3:10–11

Người ta sẵn sàng chịu vất vả làm việc, nhịn bớt một số nhu cầu bình thường, thậm chí chịu khổ sở, thiệt thòi, tốn kém vì muốn sở hữu một món lòng họ ao ước.  Nhiều tín hữu thường quên nguyên tắc ‘phải bỏ bớt để được thêm’ nầy; cho nên, cứ thắc mắc tại sao cuộc sống đạo của mình không kết quả, nhất là về mặt đưa dẫn người thân yêu của họ đến với Chúa.  Không người khôn nào cố giữ chặt những thứ mà họ biết chắc chẳng những sẽ bị tiêu tan, mà sẽ gây hại cho họ nữa.  Nếu nhiều thứ ở đời mà chúng ta đang hết sức vất vả để sở hữu sẽ là nguồn gây tai hoạ cho chính linh hồn chúng ta trong tương lai, thì có đáng để theo đuổi không?  Trái lại, người ta sẵn sàng trả giá cao, chịu mất mát thiệt thòi, để đạt cho được mục tiêu mà họ biết là có lợi ích vững bền.  Lợi ích ấy là được Đức Chúa Trời quý trọng, khen thưởng, và ban vinh dự trước mặt các thiên thần.

Chúng ta sẽ phải chịu mất một số điều mới có thể trở nên một ‘nhánh nho kết quả.’ Các điều mất ấy thật ra không đáng kể so với sự sống vinh quang vĩnh cửu và những phần thưởng sẽ nhận được ở đời nầy lẫn đời sau.  Cái mất đầu tiên là thì giờ và sức lực.  Ai cũng biết việc muốn đem một người đang hư mất vào Vương-quốc của Đức Chúa Trời sẽ gặp những khó khăn, cản trở như thế nào; do đó, phải tốn nhiều thì giờ và sức lực để làm gương và thuyết phục đối với người quen thân; hoặc kết thân, cầu thay, loan truyền tin mừng, và lây nhiễm đức tin của mình cho người chưa quen biết. Người ta thờ ơ, nghi ngờ, trì hoãn, thắc mắc, chống trả … Tất cả những điều đó không nghĩa lý gì so với lòng biết ơn của người được chúng ta cứu vào cõi đời đời.

Đời sống làm gương mẫu là nếp sống thánh khiết theo sự chỉ đạo của Lời Chúa. Nếp sống ấy đòi hỏi phải từ bỏ, đoạn tuyệt với mọi thứ tánh tình, toan tính bất khiết và xấu hổ.  Để đạt điều đó thì phải có quyết tâm dành thời gian soi mình trong Lời Chúa, nghe các bài giảng, nghiên cứu bài học, mới có thể thấy điều chi thuộc bản tính con người cũ cần phải bị từ bỏ, biết đức tính nào cần có và bí quyết của những cách thức qua Lời Kinh Thánh dạy để sản sinh các đức tính ấy.

Người ta chỉ có thể tin lời của người thân quen với họ; chẳng mấy ai tin lời của người không thân thiết.  Sự kết thân cần phải có thời gian làm quen, tìm hiểu, kết bạn và vun đắp tình bạn.  Có mấy ai tin lời của một người hờ hững với họ?  Kết thân là quan tâm, đồng cảm, chia sẻ những sự vui, buồn, sướng, khổ của bạn mình.  Việc cầu thay cho người khác là kết quả của lòng quan tâm lo lắng và yêu thương của các môn đồ Chúa.  Tình yêu thương thật mà Chúa ưa thích nơi con cái Ngài sẽ biểu lộ khi chúng ta trình dâng những người mình muốn họ được cứu lên Chúa trong giờ mình cầu thay cho họ.  Giống như đứa con ngoan luôn được cha mẹ sắm cho những gì nó ao ước khi nó xin, những người có đời sống tương giao gần gũi Chúa là người cầu thay rất hiệu quả.

Kết thân và cầu thay cho người khác, cũng như tương giao với Chúa đều tốn thì giờ và sức lực. Mọi tín hữu cần phải hiểu rằng nếp sống tương giao với Chúa không phải là một sự lựa chọn hoặc có hay không cũng được.  Nó là tính chất cốt yếu của sự sống tâm linh, tỉ như sự sống thân thể cần lương thực, nước và hơi thở.  Hãy nhớ lại, Chúa là sự sống của chúng ta; người không có nếp sống tương giao với Chúa, tâm linh người ấy vẫn nằm trong sự chết.  Chỉ những người có sự sống tâm linh do Chúa ban mới có thể làm gương và lây truyền sự sống ấy cho người khác.  Tập luyện luôn luôn mất thì giờ và sức lực, nhưng phần thưởng vượt trội sự tốn kém.

Một cái giá phải trả nữa là việc từ bỏ các thói quen xấu và vô ích.  Ấy là những thói xấu xí cản trở tín hữu xây dựng một nếp sống gương mẫu, ví dụ như tham lam lặt vặt do tính ích kỷ; nói dối hoặc nói không thật để giữ thể diện; mất thì giờ xem các thứ phim vô bổ hoặc có hại; mất thì giờ và tốn tiền cho nhu cầu nói nhiều; lãng phí; mất thì giờ để nghe hoặc xem những chuyện tào lao, nhảm nhí, dị đoan, mê tín như các lời bói toán, sấm, tiên tri vớ vẩn không đến từ Chúa.

Giá kế tiếp là phải học tập và nghiên cứu để trang bị cho mình những kỹ năng và khả năng cần thiết của một người biết cách lây truyền niềm tin của mình cách hiệu quả.  Những cách thức tiếp xúc, việc thực hiện những cử chỉ thân thiện, những hành động kết thân đối với những người mà mình muốn họ được cứu độ, hay các cách thức trình bày niềm tin của mình sao cho đơn giản, dễ hiểu, thân thiện, đầy đủ, và kiến hiệu, thì không phải ai cũng biết làm.  Mọi người đều phải bỏ công ra nghiên cứu Kinh Thánh, đọc sách, và học hỏi kinh nghiệm những người đi trước về công tác chứng đạo hoặc rao giảng Tin Mừng.  Các buổi sinh hoạt của những Tổ Tình Thương là cách tốt nhất để được trang bị về việc nầy.  Nếu chúng ta muốn biết cách nuôi dưỡng chăm sóc người khác về mặt tâm linh, thì mình phải có kinh nghiệm bản thân về việc được chăm sóc.

Không môi trường nào thuận lợi hơn cho người chưa biết Chúa có cơ hội tiếp xúc, cọ sát với những gương mẫu sống và có thật trong các Tổ Tình Thương.  Bởi vì ở đó tín hữu sẽ được luyện tập những cách thức tiếp xúc, trao đổi niềm tin, được chăm sóc nuôi dưỡng và tập tành chăm sóc nuôi dưỡng người khác trong một môi trường có ít hình thức tôn giáo qua các sinh hoạt trò chơi vui nhộn, hữu ích, và các đề tài thảo luận, đào sâu vấn đề mà các thân hữu đến dự sẽ thấy thoải mái, thân thiện.  Để làm điều đó, chẳng những phải mất thì giờ mà còn phải tham dự trong tinh thần chịu nghiên cứu và học tập nữa.

Không việc chi chúng ta phải làm trong xã hội nầy để tổ chức các buổi hội họp, sinh hoạt vui chơi, học hành, huấn luyện, chứng đạo, truyền giáo, liên lạc, thăm viếng, vv., mà không tốn kém tiền bạc.  Đãi đằng ăn uống, đưa đón thân hữu, quà cáp, mua sắm tài liệu nghiên cứu, phân phát giấy tờ, gọi điện thoại thăm hỏi, gửi thiệp chúc mừng, vv… Tất cả đều phải tốn tiền.  Người bủn xỉn sẽ mất phước, không nhận được những ơn người khác được nhận, chỉ vì tiếc tiền không dám chi phí cho công việc quan trọng đối với số phận vĩnh cửu của mình.

Một điều mất nữa là dễ bị xấu hổ, cự tuyệt, hay bắt bớ. Trong môi trường Âu Mỹ chúng ta đang sống đây thì ít có người bị người ngoài, hay xã hội, bắt bớ về niềm tin.  Nhưng sự cự tuyệt, chống đối, bị nói nặng, thì cũng thường xảy ra. Đây là những điều chúng ta đã biết trước mình sẽ phải đối diện.  Không ai giỏi hơn người khác để tránh thoát những việc nầy.  Chúng là cái giá mà chúng ta phải trả để có thể trở thành những tín hữu giỏi làm lây nhiễm niềm tin.  Kinh thánh cho biết cái giả phải trả đó là quá nhỏ so với phần thưởng sẽ nhận được: “Phước cho các con khi bị người ta nhục mạ, bắt bớ, và vu cáo đủ điều vì Ta. Hãy hân hoan mừng rỡ, vì phần thưởng của các con ở trên trời lớn lắm” (Mat.5:11–12). “Đừng nản chí khi làm việc tốt, vì nếu không ngã lòng, đến mùa chúng ta sẽ gặt hái” (Gal. 6:9).  Nếu chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để đối diện với những nghịch cảnh, thì đâu có gì làm cho mình khổ sở hay ngạc nhiên?  Tuy nhiên, các phản ứng không thuận lợi đã xảy ra vì chúng ta không nghiên cứu, đánh giá kỹ các đối tượng.  Tốn thì giờ, công lao, tiền bạc, và sức lực cho các đối tượng chống đối hoặc lãnh đạm với đạo Chúa là việc vô ích.  Nếu chúng ta chịu khó thăm dò, đánh giá trước, sẽ tránh bị cự tuyệt hay xấu hổ.

Điều chót là cuộc sống không dễ dàng.  Đời sống của một Cơ-đốc-nhân dễ lây nhiễm thì rất bận rộn trong một thời đại vốn đã rất bận rộn.  Chúng ta sẽ phải sắp xếp lại thời biểu công việc của mình để không bị rối loạn mà vẫn sống dễ chịu, vui vẻ.  Dù bận rộn như vậy nhưng có đáng không?  Lấy ví dụ một người mẹ đã hết lòng chăm sóc đức con từ thuở sơ sinh tới ngày nó biết nói bi bô, đi đứng, chạy nhảy, đùa giỡn, nũng nịu, thì chẳng bao giờ phải hối tiếc vì đã sinh một cục cưng như vậy.  Chúng ta càng xem xét kỹ càng đời sống của một tín hữu dễ lây nhiễm nhiều chừng nào, càng thấy vô số điều ích lợi, vô số niềm vui, vô số phần thưởng, mà cái giá phải trả chẳng đáng chi cả.  Thật ra, chúng không phải là sự tốn kém hay cái giả phải trả, mà là sự đầu tư có lợi đến mãi mãi.  Vì vậy, hãy sắm sửa, thu chứa của cải ở kho trên trời qua đời sống tín hữu dễ lây nhiễm của mình.  Của trong kho ấy không bao giờ mất, phần thưởng thì lớn vô cùng.

Rev. Dr. CTB

(Xin đừng sao chép)