Chúa Nhật, May 22nd, 2011
Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh (14)
Sức Thu Hút của Đức Nhân Ái
Luca 10:25 – 37
Đức nhân từ thương xót là nền tảng tin mừng chân thật của Đức Chúa Trời đã vang vọng từ Cựu Ước lẫn Tân Ước qua những lời khuyên dạy về đức nhân ái. Đức nhân ái, thương xót, Kinh Thánh dạy không phải chỉ là tình thương trong lòng, mà còn là chăm lo cho những nhu cầu thiết thực về vật chất của người nghèo khó. Giacơ 1:27 viết: “Sự tin đạo thanh sạch không vết trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng kẻ mồ côi, người goá bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian.” Hội Thánh thời sơ lập luôn luôn quan tâm tới việc cứu tế (Galati 2:10), và lời khuyên dặn của Đức Chúa Trời về vấn đề nầy được chép trong Phục Truyền 15:11b là “…khá xoè tay mình ra cho anh em bị âu lo và nghèo khó trong xứ ngươi.” Lý do mà các Cơ-đốc-nhân phải thực hiện các hành động từ thiện là vì Đức Chúa Giêxu yêu quý của chúng ta đã tiết lộ: “Quả thật Ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em Ta, ấy là đã làm cho chính mình Ta vậy” (Mathiơ 25:40).
Bất cứ một Hội Thánh nào không có dấu hiệu gì của đức nhân ái tỏ ra qua hành động, thì nơi đó đang thiếu sót một phẩm chất thuộc linh quan trọng. Dù sự thiếu sót ấy là của tổ chức hay của cá nhân, thì loại Cơ-đốc-giáo lạnh lùng trước sự thiếu thốn của người khác sẽ không thu hút nổi những người tầm đạo vào gia đình của mình. Trái lại, nơi nào có các bằng chứng rõ ràng và bền bỉ về tình yêu và đức nhân ái theo gương của Đức Chúa Giêxu Christ, ở đó có sức hút cực mạnh lôi cuốn người ta đến với Chúa.
Đức Chúa Giêxu đã dùng câu chuyện về người Samari nhân lành để làm gương mẫu về lòng thương xót và đức nhân ái. Chắc chắn là khi nạn nhân của vụ ăn cướp tỉnh dậy trong lữ quán, thì người đó sẽ phải tự hỏi ai đã làm ơn cho mình và đem mình đến đây? Tại sao người ơn đó không bỏ đi như những người khác mang danh đại diện cho tôn giáo? Có bao giờ chúng ta gặp câu hỏi tương tự khi bày tỏ đức nhân ái Cơ-đốc cho những người khốn cùng không? Một trong các lý do chính mà Đức Chúa Giêxu kêu gọi con dân Ngài phải trở thành những người có lòng thương xót và đức nhân ái phi thường, là vì một hành động nhân từ sẽ làm cho lòng người ta mở rộng ra đối với phúc âm mà không một hành động nào khác có hiệu quả sánh bằng được. Nghĩa là sự bày tỏ một cử chỉ tử tế sẽ có sức thu hút vô cùng mạnh mẽ. Đức Chúa Trời muốn dùng sức hút đó lôi cuốn người hư mất đến để biết sự thật về tình yêu thương vô bờ bến của Con Ngài.
Đức Chúa Giêxu đã truyền lệnh cho các môn đồ Ngài rằng: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như Ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu (thương) nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ Ta” (Giăng 13:34–35). Một mệnh lệnh thật đơn giản nhưng thật là mạnh mẽ. Khi nào con cái Chúa có thể bày tỏ lòng yêu thương thông cảm đối với nhau, từ chối sự cám dỗ về tính vị kỷ, bắt đầu thành hình đức tính xem nhu cầu của người khác trọng hơn của mình, thì mới có thể biểu lộ những dấu hiệu rõ rệt về loại Cơ-đốc-giáo chân thực. Những việc đó sẽ giúp cho người ta biết Đức Chúa Trời của chúng ta là thế nào, cũng giúp giải thích được lý do tại sao họ cần phải tin cậy Ngài cho riêng cá nhân họ. Quanh chúng ta có rất nhiều linh hồn khát khao tìm được những gương mẫu tốt lành cho họ noi theo; vì họ đã thất vọng quá nhiều về những tôn giáo tuyên bố toàn điều thiện hảo, nhưng chưa bao giờ thực hiện được các lời tuyên bố ấy.
Nếu chúng ta ai cũng thử làm hai bản liệt kê, bản một ghi chép tất cả những hành động nhân đạo của mình, còn bản kia thành thật ghi lại những hành động xấu xa, ích kỷ; rồi so sánh hai bản với nhau. Chắc rằng bản ghi hành động tốt sẽ là quá ngắn so với bản ghi hành động xấu. Thế thì có phải tỉ lệ về lòng thương xót, đức nhân ái trong chúng ta đang bị thấp kém một cách hết sức nguy hiểm không? Chúng ta đang thiếu sót yếu tố gì khiến mình không có lòng trắc ẩn, từ bi trước sự thiếu thốn của người khác? 1Côrinhtô 13:1–3 cho biết: “Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nhưng không có đức nhân ái, tôi chỉ là chuông đồng inh ỏi, chập choả vang dậy. Dầu tôi có ân tứ nói tiên tri, hiểu biết mọi huyền nhiệm và thấu đáo mọi ngành tri thức, dầu tôi có cả đức tin có thể di chuyển núi đồi, nhưng không có đức nhân ái, tôi chẳng là gì cả. Dầu tôi cống hiến hết tài sản để nuôi người nghèo khổ, hay nộp mình để chịu thiêu đốt, nhưng không có đức nhân ái, tôi chẳng được lợi ích gì.” Nếu chúng ta dùng khúc Kinh Thánh nầy để tự xét lòng mình, chúng ta sẽ thấy mình thất bại trong lãnh vực được Chúa coi trọng nhất. Mỗi người chúng ta hãy lấy đức nhân ái và lòng thương xót của Đấng Christ làm tiêu chuẩn cho mọi cách cư xử. Việc nhiều người sẽ chạy đến với Chúa qua sự biểu lộ đức tính đó của chúng ta, sẽ là niềm khích lệ khiến chúng ta bền bỉ theo đuổi và gia tăng đức nhân ái, yêu thương.
Có vài nguyên nhân khiến người ta thiếu tình yêu thương đối với đồng loại. Nguyên nhân đầu tiên có lẽ do một số người xuất thân hoặc đang sống trong các môi trường không lành mạnh đầy bon chen đố kỵ. Người ta thường không để ý tới sự thật nầy: Nhân từ sinh ra nhân từ, thương yêu nuôi dưỡng yêu thương; nhưng thù ghét tạo thêm thù ghét, giận dữ gây thêm tức giận, đố kỵ nảy sinh đố kỵ… Một môi trường đầy dẫy sự cạnh tranh không thể sinh lòng tử tế. Chúng ta hãy nhờ cậy Chúa để dùng tình yêu của Ngài làm thay đổi môi trường mình đang sống.
Nguyên nhân thứ nhì có lẽ do cách sống của chúng ta ngày nay. Chúng ta bị cuốn theo nhịp sống hối hả của xã hội. Trong câu chuyện Đức Chúa Giêxu kể thì thầy tế lễ và người Lêvi là biểu tượng cho hình ảnh bận rộn về công việc của họ. Một nhịp sống thiếu lành mạnh có thể huỷ hoại rất nhiều thứ, mà điều chắc chắn là nó sẽ huỷ hoại lòng trắc ẩn nhân từ của chúng ta, vì một lý do rất đơn giản: Chúng ta chẳng còn năng lực và thì giờ! Phải làm chi để cứu chữa? Chúng ta phải cương quyết thay đổi nhịp sinh hoạt của mình, để lòng nhân từ và thương xót có chỗ nảy nở.
Nguyên nhân thứ ba là điều khó giải thích, vì có một số người thiếu quân bình trong sự biếu tặng. Họ ban cho và chăm lo quá đáng cho người khác. Đến một ngày, họ cảm thấy mình đã hết sức lo cho mọi người nhưng chẳng ai quan tâm đến mình. Việc ấy trở thành một từng trải đắng cay đến nỗi hễ nghĩ đến nhu cầu của người khác thì kinh nghiệm cũ nổi lên làm họ cụt hứng.
Nguyên nhân thứ tư là do chúng ta quên mất mình là ống dẫn ơn phước; vì thế, không san xẻ cho người khác những gì mình đã nhận được như Kinh Thánh dạy: “.., hãy bắt chước Đức Chúa Trời, vì anh em là con cái yêu dấu của Ngài” (Êphêsô 5:1). Chúng ta đã nhận những món quà tốt nhất từ Chúa ban cho qua ơn cứu độ, hướng dẫn, tương giao, tha thứ, nhậm lời cầu xin, cung ứng các nhu cầu, vv. Nhưng chúng ta chỉ nhận hết cho riêng mình mà không chuyển cho người khác. Hậu quả là lòng thương xót giảm dần. Trong ẩn dụ về người đầy tớ không thương xót (Math.18), Đức Chúa Giêxu muốn dạy rằng sự tiếp nhận ơn nhân từ phải làm nảy sinh lòng nhân từ. Chúng ta đừng khinh lờn ân sủng của Chúa mà cho rằng đó là điều đương nhiên Chúa phải ban.
Đức nhân ái và lòng thương xót cũng là một chất rất mặn của muối, nó có sức mạnh lôi cuốn mọi người đến với Chúa giống như tính chân thực vậy. Hãy hết sức trở nên con cái ngoan ngoãn của Chúa, vâng lời Ngài dạy, như Kinh Thánh chép “anh em hãy lấy lòng kính sợ, run rẩy thực hành sự cứu rỗi” (Philíp 2:12b). Chúng ta chỉ có được những đức tính mình vốn không có qua sự tập luyện; nhờ đó các mỹ đức của con dân Chúa mới có thể thành hình trong lòng chúng ta. Như thế, hãy xét xem các nguyên nhân nào là thủ phạm khiến chúng ta không có lòng thương xót, đức nhân ái như đáng phải có? Hãy thấy các nhược điểm, ăn năn từ bỏ chúng, trở lại rèn luyện lòng thương xót và đức nhân ái theo gương của Đấng Christ. Hãy nhớ rằng chúng ta là muối của đất.
QuyenNangThuocLinh14.docx
Rev. Dr. CTB