Chúa Nhật, June 5th, 2011

Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh (16)

Ích Lợi của Mối Thân Tình

Luca 6:32–38

Mức độ quyền năng thuộc linh mà tín hữu có nhiều hay ít tuỳ thuộc vào sự hiểu biết của tín hữu về mối tương giao và thái độ của họ đối với Chúa của mình.  Nói cách khác thì cấp độ quyền năng thuộc linh mà tín hữu đạt đến cao hay thấp liên quan đến mức độ vâng lời Chúa của họ.  Vì người ta chỉ sẵn lòng tin cậy sự dẫn dắt chỉ bảo của Chúa khi họ đã kinh nghiệm quyền phép thật của Ngài.  Từ đó họ biết ơn, yêu thương, vâng lời dạy dỗ, và tuân hành các mệnh lệnh Ngài đã truyền.  Tất cả đều khởi đầu từ đức tin vào chương trình cứu độ của Đức Chúa Trời qua sự chết hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Giêxu Christ.  Đức tin ban đầu ấy giúp tâm linh tiếp nhận sự soi sáng thiên thượng. Ánh sáng ấy làm sản sinh một đức tin mới tin vào quyền năng của Ngài để bắt đầu kinh nghiệm ơn phước diệu kỳ từ Chúa Toàn Năng.  Tín hữu sẽ biết lời Đức Chúa Giêxu về họ là sự thật, khi Ngài cho biết họ là muối của đất và ánh sáng của thế gian.

Sau khi đã học biết rằng tính chân thực, đức nhân ái và đức hi sinh là chất mặn của muối mà mọi tín hữu cần phải có, thì việc tiếp nhận, giữ gìn và củng cố sức mặn ấy là cách tín hữu vâng lời Chúa trong lãnh vực lan truyền Tin Mừng.  Quyền năng thuộc linh trong ta gia tăng dần theo mức chúng ta vâng lời Chúa làm tăng độ mặn.  Tuy nhiên, cũng cần phải biết đối tượng nào dễ tin lời nói của chúng ta nhất.  Người ta thường chịu nghe và tin lời của người mà họ đã biết và tin cậy lâu ngày.  Ngược lại họ không cảm thấy thoải mái khi nghe một người chưa quen biết nhiều nói về một vấn đề xa lạ.  Bạn bè luôn lắng nghe nhau và chịu ảnh hưởng của nhau.  Sự quen biết thân tình với người chưa tin Chúa là yếu tố hết sức quan trọng trong việc giới thiệu Tin Mừng.

Nếu chúng ta muốn tạo ảnh hưởng niềm tin của mình cho thế giới chung quanh, thì cách hữu hiệu nhất là qua mối quen biết thân tình với người mà mình muốn họ được cứu độ.  Người ta cần phải thấy bằng chứng thật về việc chúng ta chân thành quan tâm đến cá nhân và nhu cầu cấp thiết của họ qua sự gần gũi với họ.  Hành động và thái độ chân tình ấy sẽ chiếm được sự ngưỡng phục và lòng tin của thân hữu.  Người thất bại về mặt truyền giáo là người dù biết yếu tố thân mật rất quan trọng, nhưng vì lý do nào đó không đem áp dụng vào thực tế đời sống.  Tình trạng căn bệnh thuộc linh trầm kha nầy cần phải được chữa trị tận gốc.  Mọi người đều có những lúc cần bạn tin cẩn để tâm sự những điều thầm kín.  Láng giềng hay bạn cùng sở của chúng ta cũng luôn cần bạn tâm phúc để trò chuyện, thổ lộ và nhờ cậy.  Vì thế, thiết lập các mối tương giao với người khác là nền tảng sứ mạng truyền giáo của chúng ta. Đức Chúa Giêxu đã thực hiện gương mẫu nầy để con cái Ngài noi theo.  Ông Phaolô “đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc một vài người không cứ cách nào” (1Côrinhtô 9:22–23).  Dưới đây là vài nguyên nhân ngăn trở tín hữu:

Hiểu lầm lời Kinh Thánh dạy là “làm bạn với thế gian là thù nghịch với Đức Chúa Trời” (Giacơ 4:4); và “chớ yêu thế gian cùng các vật ở thế gian” (1Giăng 2:15–17).  Chữ thế gian ở hai câu nầy không nói về người, nhưng nói về tội lỗi và sự ác mà người ngoại đạo đang lặn ngụp trong đó.  Kết thân với người chưa tin có nghĩa là vâng lời Chúa dạy yêu thương người, nhưng không sa vào tội lỗi hoặc tham gia vào những việc xấu xa họ làm; như Giacơ 1:27b khuyên: “Giữ mình cho khỏi sự ô uế của thế gian.”  Lời cầu nguyện của Đức Chúa Giêxu (Giăng 17:14–18) cũng nói rõ là con cái Ngài ở trong thế gian, tương giao với tội nhân, nhưng không thuộc về thế gian.  Cũng có ý kiến nại câu:“Chớ mang chung ách với kẻ chẳng tin” (2Côrinhtô 6:17), để thoái thác bổn phận.

Thật ra Kinh Thánh cảnh báo tín hữu không nên chính thức liên kết với người chưa tin Chúa trong những việc Chúa ghét, chứ không phải là cấm giao du với người gian dâm, tham lam, chắt bóp ở đời nầy; vì như vậy chúng ta phải lìa khỏi thế gian (1Côrinhtô 5:9–10).  Giới giáo quyền chê bai Đức Chúa Giêxu, cho rằng Ngài làm bạn với người thu thuế và kẻ có tội (Luca 7:14).  Chúa đã không phủ nhận điều đó, mà Ngài vui nhận rằng mình là bạn của mọi tội nhân.  Vì thế, khi xem kỹ sứ điệp của Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy ý Chúa muốn con cái Ngài phải kết thân và tương giao với những người chưa biết Chúa để cứu vớt họ.  Nghĩa là chúng ta phải tiếp xúc với những người mà mình muốn họ được cứu độ, để chất mặn của chúng ta có thể lan qua họ.

Nguyên nhân thứ nhì là sợ bị hiểm nguy thuộc linh.  Đúng là Kinh Thánh dạy chúng ta phải tiếp xúc gần gũi với người chưa tin để cảm hoá họ.  Nhưng còn các mối hiểm nguy khi giao thiệp với những người tích cực chống nghịch Chúa thì sao?  1Côrinhtô 15:33 nói “bạn bè xấu làm hư thói nết tốt.”  Thật ra ý nghĩa của câu nầy nằm trong bối cảnh mà Phaolô cảnh cáo rằng đừng làm bạn với những giáo sư tôn giáo nào chối bỏ sự sống lại của Đức Chúa Giêxu Christ.  Kế đến có nghĩa là nếu giao du với ai mà mình cảm nhận được rằng mình đang bị ảnh hưởng bởi các ý tưởng và hành động của họ, thì thật là cần thiết phải tạo ảnh hưởng áp đảo về đạo đức và các vấn đề thuộc linh; nghĩa là phải giữ thế chủ động chứ không thụ động (2Côrinhtô 10:4–5).  Nếu thấy mình bị ảnh hưởng xấu thì ấy là lúc phải tránh xa.  Khi chúng ta kết thân với người khác với mục đích truyền niềm tin cho họ, thì chúng ta phải bền bỉ giữ những gì đạo đức, đúng và thật.

Sợ mang tiếng xấu: Đúng là sẽ có tín hữu hiểu lầm khi thấy người trong Hội Thánh kết thân với những người vô đạo.  Nhưng chúng ta xem gương của Đức Chúa Giêxu.  Ngài chẳng những bị phê phán, mà Ngài còn vui lòng chịu mang tiếng xấu nữa.  Ngài giải thích vì người bệnh cần thầy thuốc nên thầy thuốc phải đến với người bệnh (Mathiơ 9:12–13).  Mặc dù thầy thuốc có nguy cơ bị xếp chung hạng với bệnh nhân, nhưng khi xem lại 3 ẩn dụ của Luca 15 về niềm vui tìm lại được ba điều đã bị mất, thì chúng ta thấy rõ động lực của Chúa là đến tìm và cứu người hư vong.

Sợ sự bất tiện: Chúng ta thường không cảm thấy thoải mái khi phải trở lại chung đụng với môi trường mà mình đã từ bỏ, bởi vì ngôn ngữ thô tục cũ làm cho mình xấu hổ và khó chịu, loại chuyện khôi hài thường là không lành mạnh, thậm chí dơ dáy nữa; những giá trị đạo đức với các sinh hoạt của họ làm chúng ta thấy khoảng cách thuộc linh quá xa, khó có thể bắc nhịp cầu thông cảm.  Những điều vừa nói hoàn toàn đúng, nhưng kết thân không có nghĩa là chúng ta trở lại môi trường cũ và ở lại đó một lần nữa, mà là đến thăm vì lợi ích của những người vẫn còn sống trong chỗ ấy.  Họ là những người mà Chúa yêu thương và muốn dùng chúng ta để cứu vớt họ.  Vì vậy, chúng ta phải quan tâm đến họ, mặc dù có nhiều lúc mình thấy rất là khó chịu.

Từ khi chúng ta được cứu vào Vương-quốc đời đời của Chúa, các vấn đề quan tâm chính của chúng ta là số phận của những người mà mình thương yêu hay quen biết.  Sau khi hiểu biết cách đúng đắn về nhiệm vụ và vai trò của mình trong chương trình của Chúa, đồng thời cũng đả thông những hiểu biết sai về các khó khăn, trở ngại, tín hữu thường phân vân không biết phải tiếp xúc với ai và phải làm như thế nào.  Những người tham gia các Tổ Tình Thương đều được phát một quyển sổ nhỏ, gọi là Sách Sự Sống.  Quyển sổ được đặt tên như vậy với ý nghĩa là sổ ấy dùng để ghi tên những người thân quen mà chúng ta muốn họ cũng được hưởng ơn cứu độ như mình; mỗi người giữ sổ sẽ dùng danh sách mình đã ghi trong sổ để hàng ngày cầu thay cho những bạn chưa tiếp nhận Chúa.  Họ sẽ cầu xin Đức Thánh Linh chỉ dẫn người nào mà họ cần tập trung kết thân.

Đức Thánh Linh sẽ sửa soạn lòng họ trước, và Ngài giúp chúng ta bày tỏ tình thương không điều kiện, không có mục đích ẩn giấu nào trong tình thân mà chúng ta muốn có với họ.  Chúng ta cũng cần cầu xin sự khôn ngoan để biết cách tiếp xúc, thời điểm tốt nhất để nói gì về tình thương của Chúa và nói ra sao. Chúng ta hãy ghi nhớ trong lòng mình một nguyên tắc hết sức quan trọng của sự truyền giáo qua sự cầu nguyện: “Trình dâng thân hữu mình lên cho Chúa trước khi họ sẵn sàng để chúng ta giới thiệu về Chúa cho họ.”  Trong khi phát huy và làm lan truyền sức mặn của ‘muối’ trong ta, tín hữu hãy luôn nhớ rằng Đức Thánh Linh là bạn đồng hành với chúng ta để đi vào lòng người mà chúng ta muốn họ được cứu.  Hãy cộng tác với Ngài để đạt kết quả tốt nhất.

QuyenNangThuocLinh16.docx

Rev. Dr. CTB