Chúa Nhật, June 14, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 11

Ê-phê-sô 5:1–10

Lời Đức Chúa Giêxu giải thích cho ông Nicodemus về sự tái sinh mà ông ấy thắc mắc, chính là lời giải đáp cho câu hỏi của nhiều tín hữu chưa hiểu rõ về những lẽ đạo rất căn bản mà họ phải nắm vững.

Đó là, tâm linh chúng ta được tái sinh khi lòng ta thành thật tin Đức Chúa Giêxu là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời (tức là tin rằng Ngài là tư tưởng, trí tuệ, sự khôn ngoan, và là Lời phán ra từ miệng Đức Chúa Trời) đã xuống thế gian làm một Người, để hi sinh chịu án chết thay cho loài người, và cũng tin rằng Ngài đã chết thay cho chính bản thân chúng ta (Giăng 3:16–18).

Người biết chắc mình đã được tái sinh là người hiểu rõ và quyết chí trong lòng tin của mình về Đức Chúa Giêxu là ai, và biết hiệu quả sự chết chuộc tội của Ngài đã tác động trên đời sống mình là thể nào.

Như Phaolô viết: “Riêng tôi không dám khoe khoang điều gì, ngoại trừ khoe về thập tự giá của Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta. Nhờ thập tự giá, đối với tôi, thế gian đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy. Vì điều quan trọng…là được trở nên một tạo vật mới” (Ga-la-ti 6:14–15).

Ý của sứ đồ Phaolô dạy là: Sự tin Chúa không phải là theo đạo và giữ một số luật lệ của đạo, nhưng là “trở nên một tạo vật mới,” tức là một sự biến đổi dứt khoát trong đời sống mà mình có thể nhận ra được, không phải là một niềm hi vọng từ trí tưởng tượng.

Sở dĩ người ta vẫn thắc mắc là vì không ai có thể giữ vai trò chủ động, hoặc điều khiển, cho sự tái sinh diễn ra. Hơn nữa, mỗi người sinh ra đời đều bị lãnh theo mình một sự di truyền về tội lỗi mà mình chẳng có chút quyền gì quyết định về việc đó.

Bất cứ người thành thật nào cũng bị tuyệt vọng khi nghe lệnh Chúa truyền cho người ta phải có tâm linh tái sinh và thánh khiết; trong khi đó họ biết rõ họ không thể thực hiện nổi mệnh lệnh ấy.

Nếu mọi điều Đức Chúa Giêxu có thể làm là bảo chúng ta phải trở nên thánh khiết, thì những lời dạy dỗ của Ngài chỉ tạo nên thất vọng và phẫn uất trong lòng người mà thôi.

Nhưng nếu Ngài là Đấng tái sinh lòng người, thì Ngài phải có khả năng đặt vào trong tôi sự tái sinh và sự thánh khiết mà Ngài đòi hỏi.

Vậy thì, nếu Đức Chúa Giêxu thật là Đấng Cứu Chuộc chúng ta, thì Ngài phải có thể đặt vào tâm linh của bất cứ người nào bản thể di truyền của chính Ngài, và các tiêu chuẩn mà Ngài muốn con dân Ngài thực hiện đều dựa trên bản chất ấy; để những người đã được Ngài đặt bản thể Ngài vào lòng đều có thể thực hiện mọi lời dạy dỗ của Ngài.

Nói cách khác, sự Cứu chuộc có nghĩa là Đức Chúa Giêxu đặt bản thể thánh khiết của Ngài vào lòng những người nào thật sự tiếp nhận ơn cứu chuộc ấy; nhờ đó, họ mới đủ khả năng làm theo những lời Ngài dạy. Bởi vì những sự dạy dỗ của Ngài không dành cho những người chưa được tái sinh, mà dành cho người đã được tái sinh.

Ví dụ, sự tha thứ cho người phạm lỗi với người khác, như Đức Chúa Giêxu dạy, khi Phi-e-rơ hỏi Ngài, là phải tha thứ bảy mươi lần bảy (Ma-thi-ơ 18:21–22), thì không người nào trong nhân loại bình thường có thể thực hiện nổi.

Nhưng những người đã thật sự được đổi mới và đang bước trên tiến trình thánh hoá thì có thể làm được. Việc đó diễn ra như thế nào? Sự tái sinh của lòng người sẽ đến khi người đó nhận ra nhu cầu mình phải trở thành một người mới. Vì nhu cầu đó, người ta mới hướng về Đức Chúa Trời để nhận lãnh ơn cứu độ mà Ngài sẵn lòng cung ứng.

Chúa đáp ứng nhu cầu ấy bằng cách đặt Đức Thánh Linh của Ngài vào tâm linh của người cầu xin. Tâm linh đó được ban năng lực từ Thánh Linh của Con Đức Chúa Trời, mà sứ đồ Phaolô gọi là sự thành hình của Đấng Christ trong lòng người tin (Ga-la-ti 4:19).

Cho nên, chính Đấng Christ trong người tin sẽ thực hiện những điều Đức Chúa Giêxu đã dạy, chứ không phải tự bản thân người tin thực hiện.

Nhưng để có thể đạt tới mức ấy, mỗi người phải biết rõ nhu cầu phải được đổi mới của mình mà cầu xin Chúa để được Ngài biến đổi. Bởi vì Đức Chúa Trời không thể đặt bản thể đã có trong Đức Chúa Giêxu lúc Ngài làm Người trên thế gian, vào lòng của người không thấy mình có nhu cầu phải được đổi mới.

Giống như sự di truyền của tội lỗi đã xâm nhập nhân loại bởi hành động của một người, thì Đức Thánh Linh cũng vào trong nhân loại bởi sự vâng phục của một Người khác.

Sứ đồ Phaolô dạy như sau: “Vậy, chỉ bởi một người, tội lỗi đã vào thế gian, và bởi tội lỗi mà có sự chết; và như thế, sự chết lan truyền đến mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội. … Vậy, cũng như vì một tội, mọi người chịu hình phạt, thì vì một việc công chính, mọi người được xưng công chính và được sống. Vì bởi một người không vâng lời, nhiều người trở thành tội nhân; cũng vậy, nhờ một Người vâng lời, nhiều người trở nên công chính” (Rôma 5:12, 18–19).

Từ sự phân tích trên, chúng ta hiểu được tình trạng và bản chất tội lỗi trong loài người là do thừa hưởng sự di truyền từ thuỷ tổ A-đam của nhân loại.

Quyền phép tái sinh của Đức Chúa Trời áp dụng trên loài người chúng ta là Ngài thay thế bản chất di truyền của tội lỗi của chúng ta bằng bản thể thánh khiết của Đức Chúa Giêxu.

Ngài loại trừ con người cũ mang bản chất tội lỗi cũ, rồi đặt con người mới với bản thể mới của Đấng Christ vào trong ta, để Linh Thánh của Đấng Christ có thể hành động trong lòng người, khiến họ có thể thực hiện được những đòi hỏi thánh khiết của thiên đàng, mà trước đó họ không có khả năng thực hiện.

Vì Đức Thánh Linh là Đấng điều khiển mọi hành động của Đức Chúa Giêxu, cho nên, sự di truyền thánh khiết không vết hoen ố từ Đấng Christ truyền vào trong tín hữu chính là Đức Thánh Linh vậy.

Công tác mà ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu hành động trong lòng người tin là khiến đời sống người ấy thay đổi kỳ diệu. Lòng những người đã thực sự được biến đổi thì không còn nhìn sự việc như trước nữa. Các sự ao ước của lòng người ấy, bây giờ là hoàn toàn mới; những sự hấp dẫn thời trước bị mất hết uy lực của chúng.

Cho nên, một trong các thử nghiệm để xác nhận công tác của ơn cứu độ đã thật hiệu quả trong lòng chúng ta là: Những điều trước đây đối với mình là quan trọng đã có thay đổi chưa?

Nỗi ao ước sâu thẳm nhất trong lòng người vẫn được nguỵ trang cẩn thận dưới nhiều hình thức, luôn luôn là chút ánh hào quang của danh vọng. Người trong cuộc tưởng người khác không biết, nhưng nỗi ao ước thầm kín đó vẫn bị lộ diện qua tính khoe khoang khi có cơ hội.

Nếu chúng ta vẫn chưa kìm chế được ước muốn mạnh mẽ trong lòng là tìm cơ hội để phô trương, thì hiệu quả của ơn cứu chuộc trong lòng người ấy chưa hoàn tất.

Nhược điểm nguy hại nhất cho tâm linh của tín hữu là lòng ao ước vinh quang và danh vọng. Nó làm hư hỏng và phá hủy mọi công khó xây dựng nếp sống Cơ-đốc-nhân đắc thắng trong trần gian. Nó là nọc độc khiến cho đời sống tâm linh chúng ta bị tê liệt lúc nào không hay.

Vì nó xuất phát từ tâm tính kiêu ngạo của đời, mà điều đó đi ngược với ý muốn của Chúa; “mặc dù Đức Giê -hô-va là cao cả, Ngài cũng đoái thương những người thấp hèn; nhưng từ xa, Ngài đã nhận biết kẻ kiêu ngạo rồi” (Thi-thiên 138:6).

Tính thích khoe khoang không loại trừ một ai. Ý muốn nổi bật giữa đám đông luôn luôn là một sự cám dỗ rất mạnh mẽ đã đánh ngã vô số người. Nhưng đối với những người đã được Chúa biến đổi, thì sức cám dỗ của nó chẳng có chút hiệu quả nào.

Bản chất của sự tái sinh là sự biến đổi lòng người, từ việc bị những sự ham muốn tầm thường của thế giới vật chất lôi kéo một cách dễ dàng, sang sự chú trọng theo đuổi những giá trị qúy báu và thánh khiết của cõi thiên đàng.

Hãy suy gẫm lời tuyên bố của sứ đồ Phaolô: “Nhờ thập tự giá, đối với tôi, thế gian đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy. Vì điều quan trọng …. Là được trở nên một tạo vật mới” (Ga-la-ti 6:14–15).

Hãy làm cho mình sẵn sàng để Đức Chúa Giêxu có thể đặt bản thể thánh khiết của Ngài vào lòng chúng ta; nhờ đó, chúng ta mới đủ khả năng làm theo những lời Ngài dạy.

Chính chúng ta có bổn phận giữ tâm linh mình luôn đồng ý với ý muốn của Đức Thánh Linh trong mọi vấn đề.

Nếu ai giữ được như vậy, thì Đức Thánh Linh của Đức Chúa Giêxu sẽ dần dần nâng chúng ta lên trình độ giống như Ngài đã sống, tức là một đời sống tuyệt đối vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời, không quan tâm về thứ gì khác.

Cầu xin Chúa giúp anh chị em thành công.

TroVeNenTang11.docx

Rev. Dr. CTB