Chúa Nhật, July 26th, 2015
Trở Về Nền Tảng, bài 15
Ê-sai 6:1–7
Mọi người trên thế gian đều nhận biết mình có tội hoặc có lỗi lầm. Nhưng nhận thức về tội của bản thân thường là mơ hồ hay khái quát; tức là tuy nhận rằng mình có tội, nhưng loài người thường không tập trung chú ý vào lãnh vực phạm tội rõ ràng nào đó của mình.
Người ta dễ dàng xác nhận: “Vâng, tôi là một người có tội.” Nhưng khi cần phải xem xét cách cụ thể, ít người nào có thể nói rõ bản chất tội lỗi của mình thuộc lãnh vực nào.
Điều đó hoàn toàn thay đổi khi người ta được tiếp xúc với Đức Thánh Linh trong bước khởi đầu của tiến trình thánh hóa.
Chân lý nầy được chứng minh rất rõ trong lời mô tả của Ê-sai: “Vào đời vua Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy đền thờ…”
“Các Sê-ra-phim cùng nhau tung hô rằng:‘Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy vinh quang Ngài.’ Tiếng tung hô ấy vang dội làm cho các trụ cửa nơi ngưỡng cửa rung chuyển, và đền thờ đầy dẫy khói. Tôi liền kêu lên: ‘Khốn cho tôi! Tôi chết mất! Vì tôi là người có môi ô uế ở giữa một dân có môi ô uế, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân!” (1,3–5).
Ê-sai, con của Amos, là một người thuộc hoàng tộc, nghĩa là thuộc hàng quyền quý cao sang trong xã hội của vương quốc Giu-đa phía nam. Sử sách không ghi chép nhiều về thân thế Ê-sai.
Trong Kinh-thánh, Ê-sai được kể là một vị tiên tri lớn. Trong chức vụ tiên tri, ông có ảnh hưởng rất mạnh trên nhiều đời vua trong suốt chín mươi năm chức vụ.
Kinh-thánh và sử sách không nói gì về lý do tại sao Ê-sai được trông thấy cảnh tượng uy nghiêm và thánh khiết ở ngai Đức Chúa Trời.
Dù là người thuộc hàng quyền quý, nhưng khi Ê-sai được thấy sự hiện diện cực thánh của Đức Chúa Trời, thì ông nhận ra lãnh vực tội lỗi cụ thể của mình cũng như của dân tộc mình; ông kêu lên: “Khốn cho tôi! Tôi chết mất! Vì tôi là người có môi ô-uế ở giữa một dân có môi ô-uế.”
Ê-sai không thú nhận cách khái quát “Tôi là người có tội,” mà nói rõ: “Tôi là người có môi ô uế ở giữa một dân có môi ô-uế.”
Vì mắt ông đã thấy sự thánh khiết tột đỉnh của Đức Chúa Trời, nên lãnh vực ô-uế của ông bị lộ ra. Có lẽ trước đó Ê-sai chưa bao giờ nhận thức sự ô-uế của môi miệng, tức là lời nói của ông. –
Ngày nay cũng vậy, bất cứ người nào được tiếp xúc với sự thánh hóa, mà Đức Thánh Linh đem tới cho con cái Ngài, thì chẳng ai còn nhận thức cách mơ hồ về tội lỗi cụ thể của mình.
Nói cách khác, dấu hiệu của tiến trình thánh hóa bắt đầu trong linh hồn một tín hữu, là người ấy nhận thức cách rõ ràng lãnh vực tội lỗi cụ thể của mình. Từ đó, tín hữu sẽ bắt đầu xa lánh lãnh vực tội lỗi ấy, ăn năn sâu cay về sự ô-uế đó, để được huyết Chúa tẩy sạch.
Thế thì, để bắt đầu thánh hóa chúng ta, Đức Thánh Linh sẽ dẫn con cái Ngài đối diện với sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Rồi Ngài hướng sự chú ý của trí não chúng ta vào ngay lãnh vực tội lỗi mà Ngài muốn cáo trách.
Ngài sẽ dẫn chúng ta đến chỗ cho chúng ta thấy bản chất kín đáo nhưng bao la của tội lỗi; để chúng ta nhận biết tội lỗi cụ thể của mình thuộc lãnh vực nào.
Không phải tín hữu nào cũng nhận được kinh nghiệm nầy, nhưng người nào thật lòng tin nhận Chúa và khát khao được Ngài ban cho một đời sống hữu ích cho nước trời, thì người ấy sẽ được tiếp xúc với sự hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời để nhận ra lãnh vực tội lỗi gớm ghê của mình.
Nếu bây giờ, có ai trong chúng ta chưa nhận ra lãnh vực tội lỗi cụ thể của mình, thì người đó chưa bao giờ thực sự gặp Chúa. Nói cách khác, người ấy chưa quyết tâm nhường cho Đức Thánh Linh cơ hội dẫn mình đối diện với sự thánh khiết tuyệt đối của Đức Chúa Trời.
Các chứng cớ của tình trạng đó trong đời sống chúng ta luôn luôn bộc lộ ra; dù cho tín hữu có khôn khéo cách gì đi nữa, cũng không thể che giấu nổi và không thể ngăn trở được cách Đức Chúa Trời phơi bày cho Hội-thánh của Ngài thấy rõ nhược điểm của người ấy.
Bởi vì nếu người chưa thực sự gặp Chúa thì không thể thấy rõ tội lỗi cụ thể của mình. Mà nếu chưa thấy nó, thì làm cách gì để che giấu?
Sự thật nầy sẽ thúc giục những người thật lòng tiếp nhận Chúa và muốn được làm môn đồ của Ngài bắt đầu khát khao được bước vào Nơi Chí Thánh, ở trong sự hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời, để nhận ra lãnh vực ô-uế và yếu kém của mình.
Để có thể trải nghiệm một cách thực tế về việc bước vào Nơi Chí Thánh của Đức Chúa Trời ở đền thờ thật trên trời, tất cả chúng ta phải trở lại các bài học của thư Hê-bơ-rơ, (xin xem các bài giải nghĩa Thư Hê-bơ-rơ, trong phần Tân Ước của Bài-Học Kinh-Thánh), ôn lại những huyền nhiệm mà Đức Chúa Giêxu đã thực hiện cho chúng ta qua sự chết và sự phục sinh vinh quang của Ngài. Qua các bài học đó, chúng ta có thể biết vài chân lý nền tảng như sau:
Công cuộc Đức Chúa Giêxu cứu rỗi loài người gồm hai phần: Tẩy sạch tội lỗi và Ngồi bên phải Đấng Tôn Nghiêm trong nơi chí cao” (Hê-bơ-rơ 1:3b).
Khi chúng ta tiếp nhận sự chết đền tội và huyết rửa tội của Đức Chúa Giêxu, thì mới tiếp nhận phần thứ nhất của ơn cứu rỗi, chứ chưa tiếp nhận phần thứ nhì của ơn ấy là: Sự bình an, vui mừng, thánh khiết, và quyền năng của Đức Thánh Linh.
Tức là chưa nhận được vô số lời hứa của Đức Chúa Trời đã ghi trong Kinh-thánh, mà Ngài hứa ban cho những người thuộc về Ngài, là người được vào nơi an nghỉ của Ngài (Ê-phê-sô 1:3).
Rất nhiều người trong chúng ta chỉ tiếp nhận Đức Chúa Giêxu qua chức vụ của Đấng Cứu Chuộc, mà chưa biết Ngài là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm ở Nơi Chí Thánh trong đền thờ thật trên trời.
Mặc dù tất cả chúng ta đều đã đọc Kinh-thánh, biết và tin rằng Ngài đã về trời và đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời; nhưng rất ít người ý thức được mối liên hệ, vô cùng quan trọng, giữa chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Đức Chúa Giêxu với đời sống tin kính hàng ngày của chúng ta.
Vì vậy, những tín hữu ấy cố gắng sống một đời sống đạo khổ sở và vất vả, do chưa nhận được quyền năng của sự sống thiên thượng mà Đức Chúa Giêxu có thể ban vào lòng họ. Họ chưa biết cách nào để nhận lãnh các lời hứa đầy phước hạnh của Ngài.
Chúng ta cần hiểu rằng, nếu chúng ta thực sự là “những người được Đức Chúa Trời kêu gọi” (Hê-bơ-rơ 3:1), tức là được trở nên con cái thật của Ngài, thì đều có thể tiếp nhận mọi điều mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho chúng ta trong Nơi Chí Thánh, qua sự giúp đỡ của Đức Chúa Giêxu là Vua và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm.
Muốn nhận ơn phước đó thì trước tiên chúng ta phải khước từ thế gian và tất cả các dục vọng của nó (1Giăng 2:17), để bắt đầu có sự sống thiên đàng; sau đó, chúng ta lập quyết tâm nhường cho Đức Chúa Giêxu làm Vua và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của lòng mình, để tâm linh của chúng ta có thể được Đức Thánh Linh đem vào nơi an nghỉ của Đức Chúa Trời, tức là đời sống đắc thắng tội lỗi.
Bởi vì ai bằng lòng cho Chúa cai trị, thì Ngài sẽ thoả mãn các khát vọng thánh khiết của tâm linh người ấy. Từ đó, tín hữu không còn muốn phạm tội nữa.
Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta nhận ra lãnh vực tội lỗi cụ thể của mình, là cách mà Ngài dùng, để giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện thánh khiết của Ngài. Hiệu quả của khải tượng, mà Ê sai được thấy về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, là hướng sự chú ý của ông tới sự thật về việc ông “là người có môi ô-uế.”
Có lẽ nhiều người trong chúng ta rất chân thành trong đời sống theo Chúa, nhưng vẫn thường thắc mắc không biết những sự sai trật nào trong đời sống mình vẫn cản trở không cho mình được trải nghiệm hạnh phúc của một đời sống thánh khiết.
Câu trả lời là: Hãy nhường cho Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào sự hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời, tức là khước từ thế gian và tất cả các dục vọng của nó, rồi nhường cho Đức Chúa Giêxu làm Vua Thánh và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trong lòng, thì sẽ nhận ra lãnh vực tội lỗi cụ thể của mình.
Một Sê-ra-phim dùng kẹp gắp than lửa đỏ từ bàn thờ bay đến chạm vào miệng Ê-sai, và nói: “Đây, cái nầy đã chạm đến môi ngươi, lỗi ngươi đã được xóa rồi, tội ngươi được tha rồi”(7).
Nơi nào tội lỗi tập trung, lãnh vực ấy phải được tẩy sạch. Tức là phải biết ăn năn về tội ấy, rồi xin Đức Thánh Linh đặt lửa thanh tẩy của Đức Chúa Trời vào lãnh vực chúng ta thường phạm tội mà không biết.
Trong đời sống của nhiều tín hữu thì lãnh vực tội lỗi giấu mặt, mà chúng ta thường không nhận ra, là lòng ham mê danh vọng trần thế. Đôi khi chỉ là một chút hào quang nhỏ nhoi giữa những anh chị em khác trong Chúa.
Hãy xin Đức Thánh Linh chỉ ra các lãnh vực tội lỗi cụ thể của anh chị em, để được lửa thanh tẩy từ bàn thờ đốt tiêu tan sự ô-uế ấy đi, và anh chị em bắt đầu tiến bước vững mạnh trên đường thánh hóa.
TroVeNenTang15.docx
Rev. Dr. CTB