Chúa Nhật, April. 19th, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 06


Galati 2:20

Một số người cố gắng theo Chúa rất vất vả nhưng vẫn luôn bị thất bại, chưa bao giờ đạt nổi nếp sống Cơ-đốc thanh sạch. Dù tất cả tín hữu cùng tham dự các buổi nhóm của Hội-thánh, cùng nghe các bài giảng, nhưng kết quả đời sống tâm linh lại khác nhau:

Người thì trưởng thành rõ ràng về các vấn đề tâm linh; một số người khác, qua các biểu hiện bên ngoài, thì bộc lộ là tín hữu yếu đuối và thất bại, chưa hưởng được niềm vui của một đời sống biết chắc mình đã được cứu độ, và chống trả với tội lỗi hết sức khó khăn. Thế thì, nguyên nhân nào đã gây ra sự thất bại?

Chúng ta cần hiểu biết hai phương diện căn bản về ơn cứu độ của Chúa: 1) Tha thứ tội lỗi, và 2) Giải thoát người tin khỏi quyền lực của tội lỗi, tức là giải thoát người tin khỏi bn tánh dễ phạm tội.

Những tín hữu dựa vào bản tánh thiên nhiên, chưa hiểu và không lượng được bản chất yếu đuối của mình, nên thường tự tin mình có thể sống thánh thiện đẹp lòng Chúa.

Một số người nghĩ rằng sau khi được Chúa tha tội, họ dư sức sống đời thanh sạch. Nhưng khi đối diện với các sự cám dỗ rồi thất bại chua cay, họ không hiểu lý do.

Chúng ta cần biết rõ quyền năng của Huyết Đức Chúa Giêxu sẽ THỰC HIỆN những gì và CHƯA thực hiện điều gì.

Kinh Thánh dạy rằng huyết thánh vô tội của Đức Chúa Giêxu có quyền năng đối phó với tội lỗi và rửa sạch tội của người tin (1Giăng 1:7b); nhưng huyết ấy chưa diệt trừ con người cũ ở trong họ.

Tâm tánh cũ ấy phải bị thanh toán bằng thập tự giá của Đức Chúa Giêxu Christ. Nó chỉ bị trừ khử khi chúng ta đồng ý cho Chúa đóng đinh nó trên thập tự giá với Ngài (Rôma 6:6–7).

Như thế, sau khi một người tin Chúa, chỉ mới được tha tội, mà con người cũ vẫn sống mạnh thì chưa thể đắc thắng tội lỗi và sự cám dỗ; bởi vì phương tiện để phạm tội vẫn còn đó, chưa bị trừ khử.

Người nào theo đạo đã lâu năm, mà vẫn thường bị thất bại là vì chưa hiểu nguyên tắc căn bản nầy. Người ta thường quan tâm tới hành động bề ngoài hơn là xem xét và đánh giá thực trạng con người bề trong của mình; vì thế, chúng ta thường nghĩ rằng chỉ cần sửa đổi vài điều chi đó trong cách hành xử, thì sẽ thành tín hữu gương mẫu.

Chúng ta thường cố gắng sống đẹp lòng Chúa, nhưng vẫn thấy có cái gì bên trong mình không muốn làm đẹp lòng Ngài. Cho đến khi không thắng nổi tội lỗi mới khám phá ra rằng mọi rắc rối không phải do hành động bên ngoài, mà là bản chất của con người bên trong.

Kinh Thánh cho biết, để cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, Chúa không sửa chữa con người bên trong của chúng ta; Ngài đem nó đặt vào trong Đấng Christ và đóng đinh nó trên cây thập tự với Đấng Christ (Rôma 6:3).

Nghĩa là Ngài loại trừ con người đã bị hư hỏng đó và thay thế vào lòng người tin một con người mới; miễn là chúng ta tình nguyện muốn và bằng lòng cho Ngài thực hiện điều đó cho chúng ta.

Tại sao phải diệt trừ con người cũ? Bởi vì xác thịt dù có cải thiện tốt đến đâu đi nữa vẫn là xác thịt. Chỉ có con người mới do Thánh Linh sinh ra mới là ‘thần’ để có thể thích hợp với cách hành động của ‘thần thánh’ (Giăng 3:6–7).

Đức Chúa Trời dùng thập tự giá của Đấng Christ để giải quyết vấn đề xoá bỏ con người cũ, sinh ra con người mới, vì “khi chúng ta chịu báp-têm trong Đức Chúa Giêxu Christ, là báp-têm trong cái chết của Ngài…” (Rôma 6:3). Hễ chúng ta chịu liên hiệp với Đức Chúa Giêxu trong sự chết của Ngài, tức là quyết tâm xem như mình đã chết, thì con người cũ của ta sẽ bị giết chết, nhường chỗ cho người mới được sinh ra để thay thế.

Ai sẽ thực hiện công tác sinh thành người mới trong chúng ta? Chỉ có Đức Thánh Linh là tác giả của công tác ấy. Không ai nhờ áp dụng phương pháp nầy hay cách thức nọ mà đạt được sự tái sinh

Tất cả sẽ xảy ra khi chúng ta cậy đức tin tiếp nhận Đức Chúa Giêxu Christ vào làm Chủ đời sống mình, rồi chấp nhận mọi điều Chúa bày tỏ cho ta biết sự thật về con người cũ của ta và bằng lòng cho nó bị loại trừ. Từ đó chúng ta mới kinh nghiệm dần về một đời sống đắc thắng.

Như vậy mỗi tín hữu đều phải thực hiện 4 điều:

1) Nhận sự khải thị từ Đức Chúa Trời để biết những gì Đức Chúa Giêxu Christ đã thực hiện thay cho chúng ta.

2) Chấp nhận sự thật về chính mình do Chúa bày tỏ, và quyết tâm xem như mình đã chết.

3) Trao phó đời sống mình trong tay Chúa để Ngài đặt con người mới bên trong chúng ta.

4) Trung tín bước theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để tâm linh được trưởng thành, có khả năng nhận ra ý muốn của Ngài.

Cách thức Đức Chúa Trời đối phó với tội lỗi hoàn toàn khác với cách của loài người. Người ta thì tìm cách trấn áp, kìm chế dục vọng của mình để đè nén tội lỗi. Chúa thì loại trừ con người cũ bên trong đó. Ngài không làm cho con người cũ của ta mạnh lên để thoát khỏi sự cai trị của tội lỗi, nhưng loại nó khỏi vòng chiến.

Con người cũ của chúng ta có thể ví như xưởng sản xuất, hành vi phạm tội của chúng ta là các sản phẩm. Huyết của Đức Chúa Giêxu giải quyết các sản phẩm, là tội lỗi; còn thập tự giá thì phá huỷ và dọn sạch xuởng sản xuất ấy.

Nếu ai theo Đức Chúa Giêxu bằng con người mới thì sẽ không phạm tội; nhưng nếu cứ để cho con người cũ tiếp tục sống, thì satan có thừa cơ hội thi hành quyền lực, vì con người cũ nằm dưới sự cai trị của hắn. Nếu ai bị khó khăn về vấn đề nầy, vì họ quá yêu mến và tiếc rẻ con người cũ của họ.

Bây giờ, làm sao để đạt được mục tiêu là có con người mới không phạm tội trong ta? Chúng ta nhận được cuộc sống mới nhờ đức tin. “Đức tin là thực thể của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng trông thấy” (Hêb.11:1).

Thực thể là điều chúng ta có thể nắm giữ, sở hữu. Nhờ lòng tin, chúng ta có thể làm cho điều mình mong muốn trở thành sự thật trong kinh nghiệm của mình, gọi là thực thể hoá. Cũng có nghĩa là bởi đức tin, chúng ta có năng lực làm cho điều ấy thành kinh nghiệm thật của mình.

Đức Chúa Trời ban lời hứa về việc con người mới sẽ thành hình trong người tin; khi lòng chúng ta tin cậy và nắm chắc lời hứa ấy, Đức Thánh Linh sẽ làm cho lời hứa ấy thành sự thật, trở thành kinh nghiệm của chúng ta.

Chúng ta không thể dùng trí khôn để suy ra những vấn đề thuộc lãnh vực đức tin. Để có thể nhận biết những gì chúng ta có được khi ở trong Đấng Christ, chúng ta cần sự khải thị từ Đức Thánh Linh và sự khôn ngoan cũng từ Ngài.

Sứ đồ Phaolô viết “cầu xin Đức Chúa Trời … ban cho anh em Thánh Linh khôn ngoan và khải thị, để anh em nhận biết Chúa.” (Êphêsô 1:17)

Sự khải thị và khôn ngoan của Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta mở con mắt lòng mình ra nhìn thấy những lời của Chúa, đã được chép, trở thành lời sự sống trực tiếp đến với chúng ta; những lời sự sống ấy làm cho đức tin trong ta thêm vững chắc vì những bằng cớ mình đã nắm được.

Chúa không bảo chúng ta hãy cố sức để được ở trong Đấng Christ, nhưng là hãy giữ vị trí đã được trong Ngài, do Đức Chúa Trời đặt chúng ta vào khi tin nhận Ngài và muốn được hợp nhất với Ngài.

Khi chúng ta đặt con người cũ của mình, là nguyên nhân gây cho ta phạm tội, lên thập tự giá mà Đấng Christ bị đóng đinh, thì nó bị giết chết. Nghĩa là quyết tâm kể như nó đã chết.

Vì Đấng Christ đã phục sinh, chúng ta được sống lại với Ngài bằng con người mới.

Để đoạn tuyệt thế giới cũ, chúng ta phải bằng lòng cho con người cũ, cũng gọi là bản ngã của mình, bị chôn trong mộ với Đấng Christ.

Cái gì đã bị ô uế hư hỏng thì không thể đem hiến cho Đức Chúa Trời. Ngài không chấp nhận con người cũ. Ngài chỉ chấp nhận con người mới do Đức Thánh Linh sinh ra và dẫn dắt.

Do đó, khi chúng ta muốn trình diện con người mới của mình trước mặt Chúa để được Ngài sử dụng, thì phải biết chắc con người mới ấy đã sẵn sàng thuộc về Ngài.

Như vậy, làm một tín đồ của Đức Chúa Giêxu có nghĩa là sẵn sàng để Đức Thánh Linh bày tỏ sự sống của Đức Chúa Giêxu qua chúng ta. Chúa không thể ban sự sống mới của Ngài cho con người cũ không chịu chết.

Để được ban cho quyền năng thuộc linh của con cái Chúa và biết sử dụng nó, đừng nuối tiếc những gì không thể đem lên nước thiên đàng.

Hãy sẵn sàng từ bỏ con người cũ bất năng và bất lực trước tội lỗi, và sẵn sàng mặc lấy con người mới để được hưởng những hạnh phúc và những kinh nghiệm tuyệt vời của sự sống mới mà Đức Thánh Linh muốn bày tỏ ra qua mỗi con cái thật của Đức Chúa Trời.

TroVeNenTang06.docx

Rev. Dr. CTB