Chúa Nhật, April 12th, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 05

Rôma 5:6–11

Người ta vẫn thường suy diễn về những sự việc thuộc cõi tâm linh mà họ không nắm vững. Nhưng các kết luận ấy có đúng hay hợp lý không, mới là vấn đề quan trọng.

Ở mỗi xã hội hay nền văn hoá khác nhau trên thế gian đều có cách hiểu khác nhau rất xa về cùng một vấn đề tương tự nhau. Huống chi những vấn đề thuộc về một cõi khác với cõi trần, nếu hiểu và lý luận theo sự suy nghĩ bình thường của loài người, thì chắc chắn không chính xác.

Người ta vẫn thường được nghe giảng rằng, hãy ăn năn tội lỗi mình để nhận được sự tha tội của Đức Chúa Trời; hoặc cũng nghe rằng nếu chân thành sám hối, thì sẽ được siêu thoát.

Để biết việc đó có đúng hay không, thì trước hết, chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa đích thật của sự tha tội là gì. Theo cách hiểu thông thường, thì được tha tội là tất cả tội lỗi được xoá bỏ hết, được giải thoát khỏi hình phạt, mà đáng lẽ, người có tội phải bị phạt.

Nhưng quan điểm của thiên đàng về sự tha tội, mà Kinh-thánh bày tỏ cho chúng ta biết, thì thế nào? Theo Kinh-thánh, người ta được tha tội tức là được hoà thuận lại với Đức Chúa Trời khi nguyên nhân làm cho mình thù nghịch với Ngài, tức là tội lỗi, đã bị cất bỏ rồi.

Mà tội lỗi của loài người chỉ có thể được cất bỏ qua sự đổ huyết hi-sinh của Đức Chúa Giêxu Christ. Do đó, sự chết hi sinh của Đức Chúa Giêxu, là một hành động hoà giải do Đức Chúa Trời thực hiện.

Sứ đồ Phao lô dạy về vấn đề nầy trong thư gửi cho tín hữu ở Hội-thánh Cô-rinh-tô: “Tất cả mọi điều do Đức Chúa Trời thực hiện. Nhờ Đấng Christ, Ngài làm hoà với chúng ta………..Nghĩa là, trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời giải hoà với nhân loại, không còn kể đến tội họ nữa” (2Cô-rinh-tô 5:18,19).

Thế thì, sự ăn năn sám hối tội lỗi không dựa trên huyết hi sinh của Đức Chúa Giêxu, không phải là nguyên nhân khiến cho người ta nhận được ơn cứu rỗi.

Người ta được cứu khỏi sự trừng phạt vĩnh viễn là kết quả của việc Đức Chúa Giêxu hi sinh chịu chết chuộc tội cho loài người. Trước khi tội nhân được tha tội, thì Đấng Christ phải chịu chết.

Chúng ta đừng nên lẫn lộn giữa quả với nhân; tức là đừng đặt cái quả được cứu trước cái nhân là sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu.

Nghĩa là, không phải vì tôi ăn năn tội mà tôi được cứu, nhưng tôi được cứu vì Đức Chúa Giêxu đã chịu chết để chuộc mọi tội lỗi của tôi. Bởi lòng tin, tôi quay trở lại với Đức Chúa Trời, chấp nhận những gì Ngài đã bày tỏ cho tôi biết, thì quyền phép chuộc tội của Đấng Christ ngay tức khắc đặt vào trong tôi, khiến cho tôi được có mối liên hệ hoà thuận với Đức Chúa Trời.

Lời dạy của sứ đồ Phao-lô cho tín hữu Hội-thánh ở Cô-lô-se về việc nầy đã trở thành giáo lý căn bản của Cơ-đốc-giáo: “Đức Chúa Giêxu đã xả thân chịu chết, cho anh em được phục hòa với Đức Chúa Trời, để trình diện anh em lên trước Đức Chúa Trời, những người thánh sạch, toàn vẹn, không chỗ chê trách” (Cô-lô-se 1:22).

Ông cũng viết cho tín hữu ở Hội-thánh Rôma về việc đó như sau: “Vì ngay khi chúng ta còn là thù nghịch mà đã được giải hòa với Đức Chúa Trời nhờ sự chết của Con Ngài, huống chi đã được hòa giải rồi, chắc chắn chúng ta được cứu nhờ sự sống của Con Ngài. Không những thế, chúng ta còn hân hoan trong Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta, vì hiện nay Ngài làm cho chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời” (Rôma 5:10–11).

Đức Chúa Trời không định tội loài người vì họ thừa hưởng tính di truyền của tội lỗi, nhưng họ bị định tội khi Đấng Christ đến để giải thoát loài người khỏi vòng di truyền đó, mà họ từ chối sự giải thoát của Ngài; cho rằng mình có thể tự giải thoát được.

Đức Chúa Trời dùng thập tự giá của Đức Chúa Giêxu để chuộc toàn thể nhân loại khỏi sự trừng phạt vì bị lây nhiễm sự di truyền của tội lỗi. Ngài dùng huyết chuộc tội của Đấng Christ để chạm đến tội lỗi và tiêu trừ nó.

Vì thế, chẳng phải bởi sự ăn năn thống hối của chúng ta mà chúng ta được giải thoát khỏi tính di truyền của tội lỗi, hay được cứu khỏi bị hình phạt vĩnh viễn nơi hoả ngục. Mọi việc đó đều là ân huệ từ Đức Chúa Trời ban cho qua công tác hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Giêxu mà thôi.

Thế giới tối tăm lừa dối loài người rằng họ có thể tự giải thoát khỏi vòng khổ ải, rằng họ là thần của chính họ. Chừng nào người ta nhận ra nhu cầu khẩn thiết và quan trọng nhất của mình là được tha tội và được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, thì họ mới hướng về một Đấng cao cả có quyền cứu vớt và tha thứ tội lỗi của họ.

Chỉ khi đó, người ta mới thấy rằng việc cố gắng tự xoá bỏ những tội lỗi họ đã phạm là điều không thể thực hiện được; kể cả khi ai đó tuyên bố họ đã có thể tự giải thoát, cũng chỉ là một lời tuyên bố cao ngạo lố bịch, và là một sự lừa dối trắng trợn.

Bởi vì người nào không thoát khỏi định luật chung cho loài người là, phải một lần chết và chẳng thể nào sống lại, thì rõ ràng là người đó đã không thể tự giải thoát.

Nhu cầu lớn nhất của chúng ta không phải là cố gắng làm lành lánh dữ, hoặc đóng góp công đức cho giáo hội hay Hội-thánh địa phương, mà là đặt lòng tin chắc vào mọi điều Đức Chúa Trời đã thực hiện cho chúng ta rồi.

– Không người nào có thể tự thánh hoá mình,

– Cũng chẳng ai có khả năng cứu chuộc thế giới;

– Người ta không thể sửa cho đúng cái đã làm sai rồi,

– Không thể làm cho hành động uế tạp thành thanh sạch,

– Cũng chẳng thể làm cho điều ô uế thành thánh khiết.

Người ta càng gắng sức sửa chữa các vấn nạn trong xã hội chừng nào, thì xã hội càng hỗn loạn và đồi bại thêm chừng đó. Chỉ khi nào người trần gian chịu nhận biết họ bị bó tay trước tâm tính gian ác của loài người, rồi trở lại nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì mới mong có hoà bình trên đất.

Niềm vui của một người đã được tha tội và hòa thuận lại với Đấng Tạo Hoá của mình là kể lại những điều mình đã nhận được.

Thoạt đầu, lời chứng của người nhận được sự tha tội và sinh lại đều chỉ chú trọng vào những gì mình nhận được, rồi những sự biến đổi đã xảy ra trong đời sống mình.

Nhưng sau khi được Đức Thánh Linh dùng sự sống mới bắt đầu tạo ảnh hưởng trên người đã được cứu, thì người ấy chuyển lời chứng của mình thành sự ca ngợi Đấng đã thi hành sự đổi mới cho tâm linh mình; vì người ấy biết mình đã được biến đổi.

Bất cứ một sự chuyển biến hay thay đổi nào trong đời sống của một người, cũng đều có dấu hiệu rõ ràng biểu lộ sự thay đổi ấy, không thể nhầm lẫn.

Mỗi tín hữu đều cần nhận ra các dấu hiệu để biết mình đã có sự sống mới. Dấu hiệu đầu tiên là ý chí trong lòng sẵn sàng phục tùng Chúa và vâng lời Ngài. Bởi vì yếu tố cản trở đời sống mới trong tín hữu không phải là tội lỗi, nhưng là ý chí, tức là ý muốn của người.

Điều mà loài người không thể tự thấy được là chính bản ngã của mình. Bản ngã, cũng gọi là cái tôi, biểu lộ qua tính tự ái, sự thích phô trương, sự thúc giục trong lòng muốn được thoả mãn những ham muốn của cả linh hồn lẫn thể xác, là yếu tố cản trở ý chí, không cho con người cũ chịu thay đổi.

Ngược lại, sự sống mới do Đức Thánh Linh ban cho sẽ bắt đầu điều khiển ý chí, khiến tâm trí quyết định phục tùng Chúa và vâng lời Ngài. Cho nên sau khi tái sinh, tình trạng tranh chấp thiện ác trong lòng sẽ diễn ra.

Sứ đồ Phao-lô diễn tả: “Vì xác thịt ham muốn những điều nghịch với Thánh Linh, Thánh Linh chống lại xác thịt. Hai bên đối nghịch nhau, nên anh em không thể làm điều mình muốn” (Ga-la-ti 5:17).

Nếu sự sống mới được nuôi dưỡng thì sự sống ấy sẽ thắng thế và tăng trưởng. Dấu hiệu của sự sống mới đang thắng thế trong lòng chúng ta là Lời Chúa trong Kinh-thánh trở nên dễ hiểu và thích thú đối với chúng ta.

Bởi vì lời Kinh-thánh đã giải quyết ổn thoả nhiều điều thắc mắc trong lòng người về những việc thuộc cõi linh, là cõi mà không ai trong loài người có thể chạm tới để hiểu biết tường tận.

Con cái thật của Chúa sẽ rất hân hoan về sự được tha tội qua sự chết của Đức Chúa Giêxu, được tái sinh và bắt đầu được thánh hoá do quyền phép hành động của Đức Thánh Linh; rồi được biết và thông hiểu về những điều mầu nhiệm của Đức Chúa Trời.

Đấy là các đặc điểm mà không tôn giáo nào của loài người đề cập tới hoặc có thể so sánh được.

Hiểu biết rằng mình đã được tha tội và hoà thuận lại với Đức Chúa Trời là yếu tố căn bản để mỗi con cái của Chúa đều tiến bước mạnh mẽ trên con đường thánh hóa.

Nhờ đó, mỗi khi chúng ta kỷ niệm các lễ Giáng-sinh, Phục-sinh, Thăng-thiên, Ngũ-tuần, hay dự tiệc thánh, thì giữ lễ với lòng chân thành biết ơn Đấng đã hi sinh vì chúng ta, để chúng ta được tha tội và được cứu rỗi.

TroVeNenTang05.docx

Rev. Dr. CTB