Chúa Nhật, April 26th, 2015

Trở Về Nền Tảng, 07


Rôma 6:8–11

Mục tiêu của tất cả Cơ-đốc-nhân là có khả năng bước đi mạnh mẽ và vui vẻ trong tiến trình thánh hóa của đời sống mình.

Có một biến cố căn bản mà bất cứ ai muốn được biến đổi để có thể vững vàng bước vào đời sống mới, đều phải trải qua, đó là tiến trình “chôn cất con người cũ.” Bởi vì nếu chúng ta chưa trải qua biến cố đó, thì sự thánh hóa chỉ là một niềm mơ ước mờ mịt xa vời.

Chỉ khi nào tín hữu sẵn lòng kể như mình đã chết với Đức Chúa Giêxu, bằng lòng cho con người cũ của mình bị chôn với Đấng Christ, thì mới đồng sống lại với Ngài trong sự sống phục sinh của Ngài.

Chúng ta thực hiện điều đó bằng cách đồng ý với Đức Chúa Trời theo cách Ngài thấy con người thật của chúng ta. Mà theo cách Chúa thấy, thì trong chúng ta chẳng có gì tốt hết.

Chỉ người nào nhận biết và đồng ý rằng mình là người tội lỗi, ô uế, gớm ghê, vô phương cứu chữa, và tuyệt vọng trước một quyền lực quá mạnh vẫn bắt mình phải thường xuyên phạm tội, thì mới biết ao ước và quý trọng một đời sống tự do qua ơn cứu rỗi chuộc tội của Đức Chúa Giêxu Christ, đối với động lực bắt mình làm nô lệ cho tội lỗi.

Chúng ta đã học biết rằng huyết hi sinh của Đức Chúa Giêxu có quyền phép tẩy sạch tội lỗi trong ta, và thập tự giá của Ngài được dùng để phá hủy con người cũ trong ta, là phương tiện phạm tội, tức là cơ xưởng sản xuất ra tội lỗi; sự hủy bỏ đó chỉ có thể diễn ra khi nào chúng ta bằng lòng cho nó bị loại trừ.

Mà động lực thúc đẩy lòng yêu mến các lợi thế trần gian nằm trong bản ngã của chúng ta. Nếu ai muốn thoát khỏi vòng trói buộc của lòng yêu mến thế gian, mà không chịu loại trừ bản ngã, thì chỉ là ước mơ vô ích.

Trên đời nầy, có một số người hăng hái tìm cái chết vì tưởng rằng sau khi lìa bỏ sự sống trần gian, họ sẽ được phần thưởng gì đó hay có đời sống tốt hơn ở một thế giới khác. Cũng có người tìm cái chết vì muốn được giải thoát, hoặc chạy trốn một tình trạng tuyệt vọng nào đó.

Người tìm cái chết thân thể sẽ chẳng bao giờ đạt được điều họ mong muốn, mà sẽ thất vọng não nề hơn sau khi sang thế giới bên kia, vì chẳng nhận được phần thưởng như họ tưởng, lại bị sa vào chốn khổ hình; còn người chạy trốn tình trạng tuyệt vọng thì sẽ thấy mình chẳng còn cơ hội nào tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời.

Về phần chúng ta là những con cái Chúa được Ngài ban cho cơ hội học biết những nền tảng quan trọng về đời sống tâm linh, thì phải chú ý dành thì giờ học tập để hiểu biết và nắm vững các điều tốt đẹp mà mình sẽ nhận được trong con người mới sau khi bằng lòng cho con người cũ chết đi.

Bởi vì người nào có hiểu biết đó mới hoan hỉ bằng lòng cho Chúa đóng đinh con người cũ của mình trên cây thập tự.

Sự quyết định kể như mình đã chết, quyết định từ bỏ những mối liên hệ bị Chúa lên án, từ bỏ những việc đem đến lợi lộc hay lợi thế nhưng sẽ dẫn ta tới chốn hư vong vĩnh viễn, là do chúng ta biết chắc về hạnh phúc vô cùng tốt đẹp mà mình sẽ nhận được trong sự sống mới với Đức Chúa Giêxu Christ.

Sự biết chắc ấy đặt lòng tin nơi lời hứa không lay chuyển cũng chẳng bao giờ bị huỷ bỏ của Đức Chúa Trời. Có bốn điểm mà chúng ta phải hiểu và thực hiện:

1. Hiểu biết và tin chắc kết quả mình sẽ nhận được, sau khi bằng lòng cho bản ngã bị đóng đinh, là một tâm linh được dựng nên mới. Trong tâm linh mới đó, chúng ta sẽ được ích lợi, hạnh phúc, năng lực, quyền phép, hiệu quả, và ơn phước đặc biệt.

Anh em phải lột bỏ nếp sống cũ, nếp sống hư hỏng bởi các dục vọng lừa dối, tâm trí anh em phải được đổi mới bởi Thánh Linh, và mặc lấy người mới, là người được tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời, trong sự công chính và thánh khiết của chân lý” (Ê-phê-sô 4:22–24).

2. Quyết định từ bỏ tất cả ước muốn, phản ứng, dục vọng, tâm tánh, quan niệm, lập trường, thói quen, và môi trường của con người cũ, là những yếu tố khiến cho con người xác thịt của mình không chịu phục luật pháp của Đức Chúa Trời.

Sở dĩ chúng ta phải quyết tâm thực hiện là vì sự ao ước suông chẳng bao giờ đủ để giúp chúng ta thực hiện nếu chưa có một quyết định dứt khoát. Trong tâm lý của loài người, có một khoảng cách lớn giữa lòng mong muốn với thái độ quyết định thực hiện.

Những ai chưa chịu từ bỏ con người cũ thì chưa đủ điều kiện để nhận người mới; bởi vì những thói quen cũ sẽ nuôi dưỡng bản ngã của con người cũ sống mạnh mẽ.

3. Quyết định tin lời Chúa hứa, cũng tin và biết chắc quyền phép của Đức Chúa Trời, qua thập tự giá Đấng Christ, thừa sức giải quyết những việc con người không làm nổi.

Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và dời chúng ta vào Vương-quốc của Con rất yêu dấu Ngài. Trong Con Ngài, chúng ta được cứu chuộc và được tha tội” (Cô-lô-se 1:13–14).

Trước kia, anh em chết vì tội lỗi và vì xác thịt không được cắt bì, nay Đức Chúa Trời đã làm cho anh em đồng sống lại với Đấng Christ, vì tất cả tội lỗi của chúng ta đã được tha thứ; Ngài hủy bỏ tờ giấy nợ có các điều khoản bất lợi cho chúng ta, nghịch với chúng ta; Ngài loại bỏ nó, đem nó đóng đinh vào cây thập tự” (Cô-lô-se 2:13–14).

Về vấn đề nầy, anh chị em cần hiểu rằng tất cả những cố gắng của sức riêng từ bỏ con người thật bên trong của mình là một việc làm vô vọng.

Chúng ta đừng chờ đợi để mong cảm nhận được sự biến đổi qua cảm giác. Ai làm như thế sẽ thất vọng vì không thể nhận ra sự biến đổi qua cảm giác, mà ta sẽ nhận ra khi nó tự biểu lộ. Ai cố gắng dùng sức riêng sẽ thất vọng trước những thất bại thảm hại của mình.

Nhưng ai tin lời Chúa hứa và bình thản chờ đợi quyền năng của thập tự giá Đấng Christ thể hiện, người ấy chắc chắn sẽ nhận điều họ trông mong:

Chúa là Đức Giê-hô-va, Đấng Thánh của Israel phán: ‘Nhờ quay trở lại và yên nghỉ, các ngươi sẽ được giải cứu; nhờ yên lặng và tin cậy, các ngươi sẽ được sức mạnh’” (Ê-sai 30:15).

4. Nhường và giao cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời thực hiện việc biến đổi trong chúng ta. Việc nầy có nghĩa là chấp nhận mọi điều Chúa bày tỏ cho ta biết về con người thật bề trong của mình, chấp nhận các quyết định Ngài thực hiện trong đời sống ta. Đức Chúa Giêxu nói rõ sự thật: “Ngoài Ta, các con chẳng làm chi được” (Giăng 15:5).

Không thể nhờ cảm giác mà biết con người cũ đã chết hay chưa. Nó chỉ bị đóng đinh khi nào chúng ta kể như, quyết tâm cho nó bị án chết.

Đức Chúa Giêxu có thể xuống khỏi thập tự giá nếu Ngài muốn, nhưng Ngài đã quyết định chịu chết: “Không ai lấy mạng Ta được, nhưng Ta tình nguyện hi sinh. Ta có quyền hi sinh tính mạng và có quyền lấy lại. Ta đã nhận lệnh nầy từ Cha Ta” (Giăng 10:18). Sứ đồ Giăng kể lại: “Khi đã nếm giấm, Đức Chúa Giêxu tuyên bố: ‘Xong rồi!’ Và Ngài gục đầu, tắt thở” (Giăng 19:30). Mọi tín hữu đều có thể chọn cho con người cũ mình sống lại theo sự thúc giục của ma-qủy; cho nên, nó sống lại hay không là do ta tự quyết định.

Đã từng có kinh nghiệm chiến thắng tội lỗi thì không có nghĩa là đã thắng bản ngã. Vì thắng tội lỗi dễ hơn thắng bản ngã. Khi ta bằng lòng cho bản ngã bị đóng đinh, thì nó bị đóng đinh trên thập tự giá chung với Đức Chúa Giêxu Christ.

Sứ đồ Phao-lô dạy rằng, thái độ loại trừ bản ngã là không bao giờ ngưng nghỉ. Ông nói: “Thưa anh em, tôi chết mỗi ngày…” (1Cô-rinh-tô 15:31). Đức Chúa Giêxu thì dạy: “Ai qúy chuộng mạng sống mình, sẽ mất nó. Ai ghét bỏ tính mạng trong đời nầy, sẽ bảo toàn nó trong cuộc sống vĩnh cửu” (Giăng 12:25).

Như vậy, tín hữu nào để cho bản ngã mình làm động lực điều khiển mọi hành động, cảm xúc và lý trí của mình trong trần gian, người ấy sẽ mất sự sống vĩnh cửu ở đời sau trong nước Đức Chúa Trời. Vì thế, hãy ăn năn và thay đổi.

Việc biết sự thật không tự động khiến người biết sự thật ấy kinh nghiệm được việc người cũ bị loại trừ. Việc đó chỉ xảy ra khi chúng ta tin chắc điều đó là có thật, rồi ta quyết tâm chịu cho bản ngã mình phải chết.

Chân lý đến từ Đức Chúa Trời; việc luyện tập thực hiện đức tin là phần của chúng ta, là người tin. Chân lý chẳng bao giờ thay đổi. Đức tin vào lời hứa của Chúa, tức là chân lý, là phương cách. Kết quả là chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự tiếp nhận tâm linh mới.

TroVeNenTang07.docx

Rev. Dr. CTB