Chúa Nhật, May 3rd, 2015
Trở Về Nền Tảng, bài 08
Rôma 8:1–17
Cuộc đời bước đi theo Chúa không phải là khô khan, vô vị và đầy chông gai như một số tín hữu vẫn tưởng. Khi người ta chưa biết những hạnh phúc thiên đàng vô giá đang chờ đợi mình, cũng chưa nhận ra vinh hoa tạm bợ ở cõi trần chỉ dẫn tới kết cuộc vô cùng bi thảm, thì họ không muốn buông bỏ những cái mà họ đang có.
Vì thế, chúng ta cần phải biết rõ những điều hạnh phúc sẽ nhận được trong Đức Chúa Giêxu là những gì; để vừa vững tâm trong cuộc sống đạo, vừa đủ khả năng để hướng dẫn người chưa tin đến với hạnh phúc mà chúng ta đang được hưởng.
Có bảy ơn phước, cũng gọi là bảy điều hạnh phúc dành cho những ai thật lòng tin cậy Chúa.
Điều đầu tiên mà chúng ta biết chắc và vô cùng hân hoan trong sự biết đó là mình không còn sợ bị xét đoán và trừng phạt, một khi mình đã yên chí ở trong Đức Chúa Giêxu (1). Mà sự ở trong Chúa đã được Đức Chúa Giêxu chỉ dẫn rõ là giống như nhánh nho dính vào thân nho, được nhựa sống từ thân nho truyền sang nuôi dưỡng, và đời sống đạo thường ngày sẽ sinh ra kết quả.
Lý do mà chúng ta không sợ bị đoán phạt là “luật của Thánh Linh, của sự sống trong Đức Chúa Giêxu Christ, đã giải thoát anh em khỏi luật của tội lỗi, của sự chết” (2).
Nghĩa là chúng ta được thập tự giá của Chúa dẫn đến ơn phước thứ nhì là giải thoát chúng ta ra khỏi quyền lực của tội lỗi, tức là giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tên chủ nhân ác độc hà khắc, trước kia cầm giữ chúng ta trong vòng nô lệ của hắn.
Cho nên, bí quyết để hưởng thứ hạnh phúc nầy là gìn giữ mối liên hệ tương giao với Đức Chúa Trời, tức là ở trong Chúa, qua một đời sống thờ kính Ngài.
Đời sống thờ kính Chúa không phải là thực hành các việc tôn giáo mà không có tình yêu cặp theo. Mọi hành động tôn giáo chỉ có giá trị khi được thực hiện bởi lòng yêu mến Chúa do sự biết ơn Ngài đã hi sinh để rửa sạch tội lỗi của chúng ta, và bởi quyền năng của thập tự giá, Đức Chúa Giêxu Christ đã làm cho con người cũ, tức là xưởng sản xuất tội lỗi, hay phương tiện để phạm tội, cùng bị đóng đinh với Ngài.
Do đó, tín hữu sẽ yêu mến lời Kinh-thánh, thích chuyện trò với Chúa qua giờ cầu nguyện tương giao thân mật với Ngài, và tham dự các buổi thờ phượng, học Kinh-thánh, cầu nguyện, và các sinh hoạt của Hội-thánh với lòng háo hức, trông chờ Chúa bày tỏ sự hiện diện của Ngài, cũng nhận biết ý muốn của Chúa qua nhiều việc diễn ra trước mắt.
Ơn phước thứ ba sau khi thoát khỏi những ham muốn tầm thường của xác thịt là, tín hữu bắt đầu chú tâm tới những điều thuộc về Đức Thánh Linh (5).
Tuyển dân của Chúa vào đời Cựu ước, là người Israel, được Chúa ban cho luật pháp thánh và thường được Ngài bảo vệ, vẫn không thể thực hiện nổi những điều luật pháp đòi hỏi, vì tâm tánh xác thịt yếu đuối của loài người.
Giống y như chúng ta ngày nay không thể vâng lời Chúa, khi ta mới tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài. Tánh tình xác thịt của chúng ta không cho phép chúng ta sống đời thánh thiện; cho đến khi nào chúng ta nhận ra sự bất lực của xác thịt mình trước sức cám dỗ kinh hồn của tội lỗi, rồi bằng lòng hiệp nhất với Chúa trong sự chết của Ngài, để được nhận lấy sự sống phục sinh của Chúa, vì Ngài đã sống lại. Sự sống mới ấy giúp ta hướng về và chú tâm tới những việc của Đức Thánh Linh (3–4).
Khác rất xa với quá khứ tăm tối cũ, con người mới trong ta là con người đã được hoàn toàn biến đổi. Không phải do khả năng mình tự biến đổi, mà là bởi quyền phép của Đức Thánh Linh.
Nếu trước kia tâm trí chúng ta hướng về xác thịt và phản nghịch Đức Chúa Trời, bởi vì nó không chịu phục dưới luật pháp Ngài, và cũng không thể phục được (7); thì bây giờ, người tin Chúa được Đức Thánh Linh biến đổi sẽ tự nguyện từ bỏ tâm tánh cũ để đi theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, vì thế, họ được Ngài dẫn tới ơn phước đầy hạnh phúc thứ tư là hướng về sự sống và bình an (6).
Tâm tánh đã được biến đổi sẽ vô cùng thận trọng trước mọi việc có ảnh hưởng tương lai của đời mình. Vì mục tiêu trước mặt là sự sống và bình an, nên ta cẩn thận né tránh tội lỗi.
Ơn phước thứ năm là lãnh vực ít được phân tích, tìm hiểu hay giải thích kỹ càng cho tín hữu hiểu biết rõ ràng. Nguyên nhân là vì không có nhiều người nắm vững đề tài về Đức Thánh Linh.
Bởi lẽ điều kiện được Đức Thánh Linh ngự vào lòng và biểu lộ sự hiện diện của Ngài qua những hành vi và cách sống của tín hữu, thì không phải nhờ sự vâng theo luật lệ, giáo lý, giáo luật, điều lệ, hay nỗ lực nào của chúng ta, để nhờ đó tín hữu nhận được Đức Thánh Linh.
Những người chủ trương tuân theo truyền thống của giáo hội đã hiểu rất mù mờ về việc nầy; cho nên, một số người rất ác cảm với Đức Thánh Linh.
Quan điểm và thái độ đó hoàn toàn sai trật với sự dạy dỗ của lời Chúa rằng: “Nếu anh em thực sự có Thánh Linh của Đấng Christ ngự trong mình, anh em không sống theo xác thịt nhưng theo Thánh Linh. Nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, người đó không thuộc về Đấng Christ.” Vì “người sống theo xác thịt không thể nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời” (8–9).
Ngay lúc một người tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời và nhận Đức Chúa Giêxu làm Đấng Cứu Tinh của mình, thì Đức Thánh Linh là con dấu Chúa đóng trong lòng người ấy, chứng nhận người thuộc về Đức Chúa Giêxu (Ê-phê-sô 1:13). Sự tái sinh tâm linh diễn ra, nhưng tâm tính của bản ngã, tức là cốt lõi của hồn, cần phải được biến đổi qua sự thánh hoá.
Thái độ của ta ở thời điểm ấy là vô cùng quan trọng. Hoặc là quyết định mời Đức Thánh Linh ở lại làm Chủ lòng chúng ta bằng thái độ vâng phục và ý chí quyết tâm cổi bỏ con người cũ; hay xua đuổi Ngài bởi thái độ phản loạn, chống trả những lời nhắc nhở dịu dàng, và triền miên cự cãi sự hướng dẫn của Ngài.
Điểm xung khắc giữa phái duy lý trí với phái vâng phục Thánh Linh nằm ở chỗ nầy. Phái duy lý trí vẫn muốn có Đức Thánh Linh nhưng không muốn Ngài điều khiển họ. Họ muốn họ phải có quyền chủ động về mọi sinh hoạt của giáo hội, chi hội địa phương hay đời sống riêng tư.
Nếu anh chị em muốn sống đẹp lòng Đức Chúa Trời, muốn thuộc về Đấng Christ, thì hãy từ bỏ thái độ muốn sống độc lập với Đức Thánh Linh. Hãy mời Ngài ở lại làm Chủ lòng mình qua thái độ vâng phục các mệnh lệnh cao qúy của Đức Chúa Trời.
Đức Thánh Linh chính là một thân vị khác của Đức Chúa Giêxu. Ngài được gọi là Thánh Linh của Đấng Christ (9); cho nên, Ngài là Đấng Christ ở trong chúng ta (10). Ngài cũng là Thánh Linh của Đấng làm cho Đức Chúa Giêxu sống lại từ cõi chết; vì thế, Ngài là sự sống của Đức Chúa Trời ban vào lòng người tin (11). Ngài sẽ giúp chúng ta giết chết các công việc của xác thịt, để chúng ta có thể sống, khi chúng ta lập quyết định không sống theo xác thịt nữa (12–13).
Từ điểm đó, Ngài dẫn tín hữu tới ơn phước thứ sáu là được làm con cái của Đức Chúa Trời (14–15). Dấu hiệu đã được nhận làm con của Chúa là: Người tin không còn sợ hãi Chúa mình như phận nô lệ sợ chủ. Con cái nhận biết tình yêu thương của Cha một cách cụ thể, chắc chắn, không mường tượng cách lờ mờ.
Vì tình yêu của Đức Chúa Cha sẽ bao phủ, ôm ấp và che chở chúng ta bằng quyền phép của sự bình an vô biên; dù có lúc ta phạm các lỗi lầm nghiêm trọng, Chúa vẫn bồng ẵm và đem ta qua khỏi những giai đoạn ác hiểm, mờ mịt vô vọng. Bởi vì niềm tin dù mong manh, vẫn được Cha trên trời thương xót, mong chờ ngày những đứa con hoang đàng trở về nhà Cha mình.
Ơn cứu rỗi của Chúa không phải chỉ để cứu chúng ta khỏi hoả ngục trầm luân, mà còn để cho mọi con cái Ngài được hưởng ơn phước thứ bảy là thừa kế tài sản thiên đàng vô giá. Đức Thánh Linh trong tâm linh ta sẽ chứng thực điều đó (16–17).
Sự thừa kế không phải là mỗi người được chia một chút. Bởi vì chúng ta cùng với Đức Chúa Giêxu Christ được thừa kế mọi điều Đức Chúa Trời ban cho; mà Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng vô hạn, vô biên, cho nên, sự thừa kế cũng là vô biên, vô hạn.
Anh chị em hãy tự suy xét để thấy hạnh phúc ấy lớn biết chừng nào. Hãy đặt lòng tin và hi vọng vào quyền phép của Chúa.
Mà bí quyết để được hưởng mọi ơn phước nói trên là: Chịu khổ đau của cái tôi bị từ bỏ và xem như mình đã chết, anh chị em sẽ được hưởng vinh quang sự sống phục sinh của Chúa mình (17).
TroVeNenTang08.docx
Rev. Dr. CTB