Thư Côlôse, bài 06

Nếp Sống Mới

Côlôse 3:1–25

Mặc dù chúng ta được giải phóng khỏi luật pháp dựa trên điều răn luật lệ, không có nghĩa là chúng ta cứ tự do trở lại đường xưa lối cũ của con người xác thịt, muốn sống thế nào cũng được. ‘Một khi đã đồng sống lại với Đấng Christ,’ Chúng ta phải bước đi gần gũi với Đức Chúa Giêxu trong mọi cảnh ngộ của đời sống, thì mới có được tâm tình “tìm kiếm những điều ở trên trời, là nơi Đấng Christ đang ngồi bên phải Đức Chúa Trời” (1). Tìm kiếm và hướng tâm trí về những điều ở thiên thượng tức là đặt tình cảm mình hướng về thiên đàng, yêu mến và ao ước các ân huệ từ trên ban cho, dùng đức tin giữ mối tương giao với Chúa của thiên đàng. Giống như vua Đavít khi xưa nói rằng, ông muốn trọn đời được ở trong nhà của Đức Giêhôva (Thi Thiên 27:4).

Muốn “hướng tâm trí về những điều ở thiên thượng” thì phải quyết không “chú tâm vào việc trần gian” (2). Bởi vì những việc trần gian trái nghịch với những điều ở trên trời; cho nên, chúng ta không thể có cả hai đồng một lúc. Có ba lý do mà chúng ta phải làm như vậy: 1. Chúng ta xem như đã chết đối với những việc hiện tại ở trần gian. Như Phaolô đã viết: “Đối với tôi, thế gian đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy” (Galati 6:14). Nếu xem việc chết đối với thế gian là hạnh phúc của mình, nay lại đặt tình cảm quyến luyến của mình ở đó thì ấy là một điều hết sức lố bịch. 2. Sự sống thật của chúng ta nằm ở một thế giới khác, “vì anh em đã chết, sự sống của anh em đã được giấu kín với Đấng Christ, trong Đức Chúa Trời” (3). Con người mới của chúng ta do thiên đàng sinh ra và nuôi dưỡng; cho nên nó được ẩn náu trong Đấng Christ, là trong sự an toàn của Ngài. 3. Bởi vì chúng ta hi vọng lãnh hạnh phúc hoàn hảo lúc Đức Chúa Giêxu tái lâm; nếu chúng ta có một nếp sống Cơ-đốc thanh sạch và kỉnh kiền bây giờ, thì “khi Đấng Christ, nguồn sống của chúng ta hiện ra, chúng ta cũng sẽ hiện ra với Ngài trong vinh quang” (4).

Vị sứ đồ khuyên tín hữu “hãy giết chết những bản tính trần tục của anh em, như gian dâm, ô uế, tình dục, đam mê xấu xa, và tham lam (tham lam là thờ thần tượng)” (5). Sở dĩ tính tham lam bị xem như hành động thờ thần tượng là vì khi chúng ta có sự ham muốn quá độ về của cải, hay bất cứ lợi lộc gì, mà tâm trí đưa nó lên quá cao, theo đuổi cách mê loạn, tạo ra sự lo lắng sợ hãi bị mất, rồi cực kỳ đau khổ khi bị mất mát. Về mặt tâm linh thì đó là một sự tôn thờ mà chỉ có Đức Chúa Trời mới đáng được hưởng. Nếu chúng ta không giết chết chúng thì chúng chắc chắn sẽ giết chết chúng ta, “vì những điều đó mà cơn thịnh nộ Đức Chúa Trời giáng xuống [trên những con cái không vâng phục]” (6). Chúng ta phải giết chết các tội ấy bởi vì “Trước kia anh em cũng đã ăn ở như thế, đã sống trong các tội lỗi đó” (7).

Bây giờ thì “hãy từ bỏ tất cả những sự giận dữ, thịnh nộ, hiểm độc, phạm thượng, nói tục. Đừng nói dối nhau” (8-9). Lý do là “vì anh em đã cởi bỏ con người cũ, luôn với các hành vi của nó, và mặc lấy con người mới, là con người được liên tục đổi mới nhờ sự hiểu biết Chúa chính xác, được đổi mới theo hình ảnh Đấng tạo dựng nên mình” (9–10). Sự nhận biết rằng chúng ta đã xưng nhận mình muốn được đồng chết và đồng sống lại với Đức Chúa Giêxu, thì phải có kết quả theo ý hướng mà lòng mình đã xưng nhận. Nghĩa là đã lìa bỏ tội lỗi, ưa thích đời sống thánh sạch trong Đấng Christ, lột bỏ cái vỏ bọc ô uế mà mặc lấy lớp áo mới thánh thiện. Để “trong nếp sống mới đó, không còn Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, dã man, Sy-the, nô lệ, hay tự do, nhưng chỉ có Đấng Christ, Ngài là tất cả và ở trong mọi người” (11).

Những đức tính mới mà chúng ta phải có là “lòng thương xót, nhân từ, khiêm tốn, dịu dàng, kiên nhẫn,” vì “đã là người được Đức Chúa Trời chọn lựa, là người thánh và được yêu dấu” (12). Những người đã được Chúa chọn lựa, được Ngài yêu dấu và thánh hoá, phải biết cư xử cách nào trong mọi việc để không bị mất sự thánh khiết của mình, cũng như những lợi thế của người được chọn và yêu thương. Nghĩa là chúng ta phải biết cư xử trên các nguyên tắc của lòng thương xót, nhận từ, khiêm tốn, dịu dàng, và kiên nhẫn đối với mọi người. Vấn đề khó khăn nhất mà chúng ta thường bị giằng xé trong lòng, ấy là tha thứ cho người làm tổn thương mình (13).

Bí quyết để có thể hành xử thích đáng với tình trạng và địa vị thánh đồ của chúng ta là phải “có tình yêu thương, là mối dây liên kết hoàn hảo” (14). Tình yêu thương ở đây là lòng bác ái hay đức nhân ái. Một xã hội mà thành viên cư xử bằng đức nhân ái là một xã hội hạnh phúc. Trên hết có nghĩa đức nhân ái là nguyên tắc chủ yếu trong tất cả cách cư xử với mọi người. Chúng ta chỉ có thể cư xử với nhau bằng đức nhân ái khi đã kinh nghiệm được sự bình an của Chúa. Vì vậy Phaolô khuyên: “Hãy để sự bình an của Đấng Christ ngự trị lòng anh em” vì “chính trong tinh thần bình an đó mà anh em được gọi vào Hội Thánh” (15). Mọi tín hữu đều được Chúa gọi vào sự bình an nầy, với đặc quyền được hoà thuận với Đức Chúa Trời và có bổn phận hoà thuận với mọi anh chị em khác. Do đó chúng ta “cũng hãy có lòng biết ơn.

Càng đi tới, chúng ta càng biết bí quyết để đạt tới những phẩm chất tốt lành của các thánh đồ là “để lời của Đấng Christ thấm nhuần lòng” chúng ta (16), vì lời ấy có quyền năng biến đổi lòng người nào thường xuyên suy gẫm và thấm nhuần sự dạy dỗ của Đức Chúa Giêxu Christ. Nghĩa là dành chỗ trong lòng cho Lời Chúa cư ngụ. Cách thức để dạy dỗ và và khuyên bảo nhau là “dùng thi thiên, thánh ca, ca khúc tâm linh” “với tất cả sự khôn ngoan” (16b). Dạy dỗ, khuyên bảo nhau bằng Kinh-thánh, thánh ca, không có nghĩa là dùng cách đó để phê bình chỉ trích người khác, mà phải có tinh thần xây dựng. Thi thiên, thánh ca là để khích lệ tình cảm, truyền đạt ý dạy dỗ. Việc nhân danh Đức Chúa Giêxu là nguyên tắc và bí quyết đạt ân huệ thiên đàng (17).

Bổn phận giữa vợ với chồng, chồng đối với vợ, con cái đối với cha mẹ, cha mẹ đối với con cái là những bổn phận khi làm đúng sẽ trình bày được vinh quang của ân điển thiên thượng. Phục tùng chồng là nét trinh chánh cao đẹp của các bà vợ. Cư xử yêu thương, dịu dàng, không nghiệt ngã với vợ, mới bày tỏ được tính cao thượng của người chồng (18–19). “Con cái hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (20). Sự vâng lời cha mẹ đẹp lòng Chúa là sự vâng lời những điều tốt lành, hợp lý, hợp pháp, không vi phạm các lệ luật của Chúa đã lập. Vâng lời và hiếu kính cha mẹ trong các việc phải, đều được mọi xã hội quý trọng và khen ngợi. Những đòi hỏi vô lý và sai trật của một số bậc cha mẹ chưa tin Chúa, thì con cái là tín hữu phải giải thích ôn tồn và lễ phép. Còn những người nào đưa ra những đòi hỏi vô lý đối với con cái mình thì chỉ tạo ra sự oán hận của con cái. Vì thế “bậc làm cha đừng làm cho con cái tức giận, kẻo chúng nó nản lòng” (21).

Thư nầy được viết vào thời đại chế độ nô lệ còn rất thịnh hành. Khi áp dụng vào thời chúng ta ngày nay, thì mối liên hệ giữa chủ với người làm công thay đổi theo chiều hướng tiến bộ của xã hội văn minh. Tuy vậy, nguyên tắc ngay thẳng phục vụ vẫn áp dụng cho mọi thời đại. Đi làm công thời nay vẫn phải làm hết việc chứ không phải làm hết giờ. “Không phải chỉ phục vụ trước mặt cho người ta vừa lòng, nhưng phải có lòng chân thành, kính sợ Chúa. Bất cứ làm việc gì, hãy tận tâm như làm cho Chúa, chứ không phải cho người” (22–23). Ý tưởng của nguyên tắc nầy rất lạ so với sự suy nghĩ thông thường: Phục vụ chỗ mình được thuê mướn được xem như “phục vụ chính Đấng Christ” “vì biết rằng từ nơi Chúa, anh em sẽ được phần thưởng làm cơ nghiệp” (24). Nếu là phục vụ Chúa, chúng ta không thể làm kiểu gian lận, giả dối.

Người ta thường nại ra một số lý do biện minh cho hành động của mình. Công nhân thường không mấy cảm tình với những người chủ chắt bóp, keo kiệt, nên trả đũa bằng cách làm việc thụ động khi vắng mặt chủ. Là con cái Chúa, chúng ta cần hiểu rằng: “Ai làm điều quấy, sẽ chịu báo trả theo điều quấy mình làm, Chúa không thiên vị ai cả” (25). Người chủ không tốt bụng sẽ chịu báo ứng theo tính xấu của mình; còn công nhân làm việc ngay thẳng, dù có thể không được chủ khen thưởng, nhưng sẽ được Đức Chúa Trời thưởng cách xứng đáng. Hãy sống đẹp lòng Chúa.

Colose06.docx

Rev. Dr. CTB