Phúc Âm Giăng, bài 15

Giăng 6:1–71

Hồ Galilê, cũng gọi là biển Tibêriát vì là một hồ nước khá rộng. Bờ bên kia của hồ (1) có lẽ là phía bờ đối diện với thành Capenaum. Phép lạ Đức Chúa Giêxu thực hiện để chữa bệnh đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người lúc bấy giờ; cho nên, có một đám đông đi bộ theo Ngài (2). Ngọn núi ở đây (3) có lẽ là một triền đồi cao trong miền đồi phía đông hồ Galilê. Thời điểm phép lạ xảy ra là trước lễ Vượt-qua (4). Philíp đã chứng kiến Chúa làm nhiều phép lạ, kể cả hoá nước thành rượu ở làng Cana, ông vẫn lo ngại trước một thực tế quá khó (5–7). Cách nhìn vấn đề của Anh-rê khác với Philíp khi ông trình với Chúa về năm cái bánh lúa mạch và hai con cá do một cậu bé đem theo, nhưng vẫn bị lo lắng trước đoàn người quá đông (8–9).

Triền đồi có đủ chỗ cho năm ngàn đàn ông với vô số đàn bà và trẻ con ngồi ăn (10). Sự cung cấp của Đấng Toàn Năng làm thoả mãn nhu cầu của mọi người, vì “ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ thích” (11). Sự cung cấp của Chúa dù có dư thừa, nhưng Ngài không muốn các môn đồ Ngài phí phạm những mẩu bánh thừa (12–13). Sau khi được no nê do Đức Chúa Giêxu hoá bánh ra nhiều, dân Dothái định ép Ngài lên làm vua, Ngài biết ý của họ nên tránh ra ở một mình trên núi (14–15). Các môn đồ phải “lên một chiếc thuyền sang bờ bên kia, đi Ca-bê-na-um, vì trời đã tối mà Đức Chúa Giêxu vẫn chưa đến với họ” (16–17). Có lẽ việc Đức Chúa Giêxu đi cầu nguyện riêng ở chỗ vắng là chuyện thường xảy ra đối với các môn đồ, nên họ cứ chèo thuyền về nơi nghỉ đêm.

Trong lúc môn đồ đang chèo chống vất vả trong cơn giông tố (18), “họ thấy Đức Chúa Giêxu bước đi trên mặt biển, đến gần thuyền. Họ đều khiếp sợ” (19). Lời Đức Chúa Giêxu trấn an chắc chắn khiến họ rất mừng rỡ (20). Ngài vừa bước lên thuyền thì chiếc thuyền cập vào bờ của nơi định đi (21). Đoàn dân thấy Chúa không cùng đi với các môn đồ trên chiếc thuyền duy nhất ở đó, nên trở lại chỗ cũ tìm Ngài (22–23). Không gặp Chúa, họ chèo thuyền qua thành Cabênaum (24). Tìm gặp được Đức Chúa Giêxu, họ đon đả chào hỏi, nhưng bị Ngài vạch sự thật trong lòng họ rằng họ tìm Ngài chỉ vì được Ngài cho ăn đồ ăn sẽ tiêu mất chứ chẳng phải vì thấy các phép lạ (25–26). Ngài khuyên họ hãy làm công việc của Đức Chúa Trời để sẽ nhận được “thức ăn còn lại cho cuộc sống vĩnh cửu mà Con Người sẽ cho,” vì Đức Chúa Cha đã chứng nhận vai trò của Đức Chúa Giêxu bằng phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều (27).

Câu hỏi đầu tiên của người Giuđa là họ phải làm chi để được tham dự vào công tác của Đức Chúa Trời? (28). Có người cho rằng đây là một câu hỏi ngang ngạnh với ý là: “Những công việc nào của Đức Chúa Trời mà chúng tôi có thể làm nhiều hơn và tốt hơn những gì chúng tôi đã làm theo luật của Môise?” Đức Chúa Giêxu đáp rằng “tin Đấng Đức Chúa Trời sai đến là làm công việc Đức Chúa Trời” (29). Người Giuđa thách Chúa làm phép lạ cho bánh xuống từ trời để họ tin, dù họ đã từng thấy phép lạ Chúa hoá bánh ra nhiều và đã được ăn bánh ấy (30–31). Ngày nay nếu chúng ta xưng là con cái Chúa, thì người đời cũng đòi phải thấy điều gì đặc biệt mà chỉ có con cái thật của Chúa mới thể hiện được.

Đức Chúa Giêxu nhấn mạnh ý niệm từ trời xuống để họ hiểu rằng Ngài là bánh thật, bánh từ Đức Chúa Trời xuống phục hồi sự sống tâm linh cho người trần gian (32–33). Thấy họ vẫn chưa hiểu vì chỉ chăm chú vào mối lợi vật chất (34), Đức Chúa Giêxu nói rõ ý nghĩa thuộc linh về ‘bánh của sự sống và bánh thật’ là chính Ngài chứ không phải thứ bánh nào khác; ai đến cùng Ngài và tin Ngài sẽ không còn đói hoặc khát nữa (35). Đức Chúa Giêxu muốn nhắc lại chân lý về việc người ta sống chẳng phải chỉ nhờ ăn bánh, nhưng còn phải nhờ mọi Lời Đức Chúa Trời phán ra (Phục Truyền 8:3); và vì Ngài là Ngôi Lời, nên Ngài là “Bánh Hằng Sống,” thức ăn thật mà tâm linh họ cần; vì chính Ngài là Đấng ban sự sống cho thế gian.

Đức Chúa Giêxu nói tiếp rằng họ đã thấy Ngài mà vẫn không chịu tin (36), nhưng tất cả những ai đến với Ngài thì đều do Cha dẫn đến, và không bao giờ bị Ngài cự tuyệt (37). Lý do là Ngài từ trời đến không phải để làm theo ý riêng mình, nhưng làm theo ý của Đấng sai Ngài đến. Ý muốn của Đức Chúa Trời là hễ người nào mà Ngài ban cho Đức Chúa Giêxu Christ thì Đức Chúa Giêxu không được làm mất, nhưng phải làm sống lại trong ngày tận thế . Ý muốn đó cũng có nghĩa là: ‘Hễ ai nhìn nhận và tin Đức Chúa Giêxu là Con của Đức Chúa Trời thì người ấy sẽ được sự sống đời đời.’ Đức Chúa Giêxu sẽ khiến người đó sống lại trong ngày tận thế (38–40).

Người xứ Galilê biết rõ gốc gác Đức Chúa Giêxu vì Ngài đã sinh hoạt và lớn lên ở đó từ thời ấu thơ, niên thiếu, rồi thành niên; cho nên họ không thể tin rằng Ngài đã xuống từ trời (41–42).  Nan đề của loài người nói chung là lòng tin bị ảnh hưởng bởi thành kiến vì tự tin vào sự hiểu biết của mình. Đức Chúa Giêxu đưa ra cho chúng ta một sự hiểu biết đặc biệt về cách hành động của cõi trời là: Ai tiếp nhận Đức Chúa Giêxu là Đấng đến từ trời thì đều do Đức Chúa Cha kéo tới. Nói cách khác, nếu Đức Chúa Trời chẳng dẫn tới, thì không ai được đến với Đức Chúa Giêxu. Và chính Đức Chúa Giêxu sẽ làm cho những ai đến với Ngài sống lại vào ngày tận thế (43–44).

Được Đức Chúa trời dạy dỗ nghĩa là được một sự khải thị thiêng liêng để biết Đấng Christ là ai và tại sao phải tin Ngài. Vì thế sẽ không ai đến với Đức Chúa Giêxu nếu không được ân điển của Đức Chúa Trời soi sáng cho tâm linh họ. Đức Chúa Giêxu một lần nữa khẳng định về địa vị độc nhất của Ngài là từng thấy Cha. Vì ngoài Ngài ra, không ai dám tuyên bố mình từ Đức Chúa Trời đến và đã từng thấy Ngài (45–46). Ngài cũng xác nhận một lần nữa rằng, hễ ai tin Ngài thì được sự sống đời đời, vì Ngài là Bánh của Sự Sống từ trời xuống hầu cho ai ăn chẳng hề chết, bởi vì dù cho mana là bánh của Đức Chúa Trời ban xuống từ trời cho tổ phụ dân Israel làm lương thực ăn trong hoang mạc, họ ăn rồi cũng chết (47–50).

Khi Đức Chúa Giêxu nói nghĩa bóng về thịt Ngài là đồ ăn và huyết Ngài là đồ uống vì Ngài là “bánh hằng sống từ trời xuống” thì người Giuđa vẫn hiểu theo nghĩa đen (51–59); thậm chí nhiều môn đồ trước giờ theo Ngài cũng hiểu cách ấy (60,66). Sự ban thịt và huyết Ngài cho loài người có nghĩa là Ngài sẽ chịu khổ và chịu chết. Khi Ngôi Lời nhập thể qua thân thể xác thịt, Ngài đã phó thân mình chịu nhục hình và chết để ban sự sống vĩnh cửu cho người trần gian. Ngài đã thực hiện sự chuộc tội để chúng ta được hưởng: Sự tha tội, sự chấp nhận của Đức Chúa Trời, được nhận làm con, được đến trước ngôi ân điển, được những lời hứa của giao ước mới, và sự sống đời đời; những điều ấy là thịt và huyết của Đấng Christ, bởi vì 1) Ngài đã mua chúng ta bằng thịt và huyết của Ngài; 2) vì thịt và huyết Ngài là đồ ăn và đồ uống cho linh hồn chúng ta.

Giống như ăn và uống, sự tin Đấng Christ có bốn điều sau đây: 1. Nếm biết Đấng Christ. Ăn và uống thuộc linh khởi đầu bằng sự đói khát ơn cứu chuộc của Đấng Christ ban cho, 2. Áp dụng Christ cho mình. Không thể nuôi mình bằng sự nhìn thịt nhưng là ăn thịt, làm cho thịt thành một phần của thân mình, 3. Vui thích Đấng Christ và ơn cứu rỗi của Ngài; giáo lý về sự đóng đinh của Chúa phải là đồ ăn đồ uống hết sức ngon miệngthoả thích của chúng ta, 4. Căn nguyên của sự bổ dưỡng từ Ngài và sự lệ thuộc vào Ngài để được nâng đỡan ủi cho đời sống tâm linh của chúng ta, cũng như sức lực, sự tăng trưởng, và nghị lực của con người mới trong ta.

Chúa ban sự khải thị tuyệt vời “Thánh Linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích gì, những lời Ta phán dạy các con là thần linh, là sự sống” (63). Chỉ Lời Chúa mới làm cho chúng ta sống, thiếu Lời Ngài, tâm linh ta bạc nhược và sa bại. Lời Phierơ: “Thưa Chúa, chúng con theo ai? Chúa có lời sống vĩnh cửu. Chúng con đã tin và đã biết Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời” (68-69) phải trở thành sự thật trong tâm linh chúng ta. Những ai không hiểu sự sâu nhiệm của những lời Đức Chúa Giêxu phán thì thường bỏ cuộc (60–61, 66). Nếu chúng ta theo Chúa và có vài bất mãn thì thế nào cũng sẽ nghe lời Ngài hỏi (62, 65–67). Nhờ được chọn nên ngày nay chúng ta mới theo Đức Chúa Giêxu được. Tuy vậy, nếu chúng ta không cẩn thận trong nếp sống đạo của mình, thì sẽ dễ bị sa vào tình trạng vì ham muốn tiền bạc mà phản Chúa như Giuđa Íchcariốt (70–71).

PhucAmGiang15.docx

Rev. Dr. CTB