Phúc Âm Giăng, bài 16

Giăng 7:1–53

Người Do-thái tìm giết Đức Chúa Giêxu vì Ngài làm phước vào ngày Sa-bát vi phạm truyền thống tôn giáo của họ (1). Lễ Lều-tạm diễn ra suốt tám ngày bắt đầu từ ngày rằm tháng bảy theo lịch Do-thái (2). Có lẽ các em trai của Đức Chúa Giêxu chưa tin anh mình là Đấng Christ vì đã không tận mắt thấy các phép lạ Ngài đã làm mà chỉ nghe thuật lại, vì họ nói “Nếu Anh làm được” (3–5). Hoặc là họ muốn được vinh dự khi Đức Chúa Giêxu làm các phép lạ nơi thị thành đông người thay vì vùng Galilê quê mùa. Đức Chúa Giêxu đáp rằng thánh vụ của Ngài phải làm đúng lúc, khác với công việc bình thường của các em Ngài (6–9). Ngài không tạo cơ hội cho các kẻ thù của Ngài chuẩn bị sẵn khi Ngài lên Giêrusalem; vì nếu Ngài đi công khai sẽ có một đám đông rầm rộ vây quanh, trở thành một mục tiêu nguy hiểm; nên Ngài đi cách kín đáo (10). Người Do-thái có vài lý do để tìm Đức Chúa Giêxu trong kỳ lễ (11). Người muốn được chữa lành, người khác muốn xem phép lạ, người khác nữa thì muốn tranh luận, bắt bớ.

Số đông có nhiều nhu cầu mới là những người cần Đức Chúa Giêxu nhất. Họ nói “Ông ấy là người tốt;” còn kẻ tin tôn giáo mù quáng thì cho là Ngài lừa gạt dân chúng. “Tuy nhiên không ai dám công khai nói về Ngài, vì sợ các nhà lãnh đạo Do-thái” (12-13). Người nghĩ tốt về Đức Chúa Giêxu thì không dám nói công khai vì sợ; còn người nghĩ xấu cũng chẳng dám nói công khai vì không có bằng chứng xấu nào chống lại Ngài. “Đến giữa kỳ lễ” (14) tức ngày thứ tư hay thứ năm của tám ngày; hoặc là Đức Chúa Giêxu tới Giêrusalem vào lúc đó, hoặc là Ngài đến trước nhưng không lộ diện cho mọi người thấy. Giảng dạy là công việc của Chúa; không thấy Giăng ký thuật các bài giảng của Ngài cho đám đông, có lẽ vì Ngài luôn luôn giảng sứ điệp của Bài Giảng Trên Núi (Mathiơ 5–7), những lời dạy dỗ có một không hai khiến người Giu-đa vô cùng ngạc nhiên (15).

Giáo lý của Đức Chúa Giêxu dạy không phải từ ý tưởng loài người; cho nên, không nhờ học mà biết được. Nhưng “nếu ai sẵn lòng làm tho ý muốn Đức Chúa Trời, hẳn biết giáo lý Ta dạy là của Đức Chúa Trời hay của Ta” (16-17). Dấu hiệu để nhận biết là “Người tìm vinh hiển cho Đấng sai mình là Người chân chính, không có gì bất chính cả.” Trong khi đó người cầu vinh cho bản thân cứ tìm cách nói theo ý riêng, khoe khoang thành tích. Đức Chúa Giêxu không giảng kiểu đó,  lúc nào Ngài cũng nói điều tôn vinh Đức Chúa Cha (18). Người Do-thái có vinh dự là dân tộc duy nhất được Đức Chúa Trời ban cho luật pháp; nhưng chẳng người nào giữ luật pháp ấy cả. Nếu họ đã giữ thì sẽ hiểu việc làm điều thiện trong ngày Sa-bát là đúng. Trái lại, sự giả hình trong họ đòi giết người làm việc lành trong ngày Sa-bát, là chứng cớ họ chưa bao giờ giữ theo luật pháp (19).

Người nói rằng Đức Chúa Giêxu “bị quỷ ám” (20) thì, hoặc chối vì bị nói đúng tim đen, hoặc là những người ở xa đến không biết về những gì đã xảy ra tại Giêrusalem, nên ngây thơ tin rằng những người lãnh đạo tôn giáo chẳng bao giờ toan tính điều ác. Thay vì giận dữ trả đũa do bị nhục mạ là bị quỷ ám, Đức Chúa Giêxu nêu bằng chứng không thể chối cãi: “Ta đã làm một việc trong ngày Sa-bát, các ông đều ngạc nhiên … Môise truyền cho các ông giữ lễ cắt bì … các ông làm lễ ấy trong ngày Sa-bát. Nếu người ta phải chịu cắt bì vào ngày Sa-bát cho khỏi phạm luật Môi-se, tại sao Ta chữa cho cả thân thể một người được lành trong ngày Sa-bát, các ông lại giận Ta?” (21–23). Sự xét đoán theo bề ngoài thường là sai lầm; cho nên, phải tập “xét đoán theo lẽ công bằng” (24). Những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê thời ấy có bề ngoài rất đạo đức, nhưng bề trong thì rất thối nát. Họ thường bị Đức Chúa Giêxu lên án về việc ấy (Mathiơ 23:27–28).

Có lẽ những người Giêrusalem có thành kiến thù ghét Đức Chúa Giêxu nhiều nhất. Họ ở gần đền thờ, thường xuyên tiếp xúc với hàng giáo phẩm giả hình, nên họ là giới người bênh vực tôn giáo của mình nhiệt thành nhất. Lý do kế là người ở kinh kỳ vẫn khinh thường người sống ở các vùng khác. Thái độ và tình trạng tâm linh của những người nầy rất đúng với câu châm ngôn của người Mỹ “Càng ở gần nhà thờ thì càng xa Chúa.” Họ biết rõ ý định của giới lãnh đạo Do-thái-giáo nên rất ngạc nhiên: “Có phải đây là Người mà người ta đang tìm để giết không? Kìa, Người nói năng tự do mà không ai nói gì cả. Phải chăng … Người là Đấng Christ? … khi Đấng Christ đến, chẳng ai biết Ngài từ đâu; còn Người nầy, chúng ta biết rõ gốc gác” (25–27). Đây là lý luận nguỵ biện, vì họ biết từ xưa lời tiên tri nói Bết-lê-hem là nơi Đấng Christ sẽ sinh ra (Michê 5:2).

Đức Chúa Giêxu lớn tiếng tuyên bố điều mà họ không biết “Đấng sai Ta là Chân Thần, mà các ông chẳng biết Ngài. Ta biết Ngài, vì Ta đến từ Ngài, và chính Ngài đã sai Ta” (28–29). Lời tuyên bố ấy khiến họ càng căm tức muốn bắt Chúa, nhưng chẳng làm chi được “vì giờ của Ngài chưa đến” (30). Các phép lạ luôn luôn là bằng chứng đầy tính thuyết phục về thần tánh của Đấng làm phép lạ (31). Thủ đoạn của kẻ đuối lý là tìm cách bịt miệng và dập tắt dư luận (32). Đức Chúa Giêxu nói tới ba điều sẽ xảy ra: 1) Ngài chỉ còn ở thế gian một thời gian ngắn nữa, 2) Ngài sẽ về với Đấng đã sai Ngài (33), và 3) Họ sẽ tìm Ngài mà không gặp vì không thể đến nơi Ngài ở (34). Cứ mỗi lời Đức Chúa Giêxu phán lại làm cho người Do-thái bối rối, không hiểu nổi (35–36).

Phần quan trọng nhất của lời Đức Chúa Giêxu muốn rao truyền cho người Do-thái trong lần trở lại Giêrusalem nầy là, đời sống của người nào tiếp nhận Ngài sẽ được biến đổi do nhiều dòng sông nước hằng sống thực hiện trong lòng người tin: “Nếu người nào khát, hãy đến với Ta mà uống. Người nào tin Ta, từ trong lòng người ấy sẽ tuôn trào những dòng sông hằng sống, đúng như Kinh-thánh đã chép” (37–38). Trong chuyện tích Đức Chúa Giêxu nói chuyện với một phụ nữ Samari, Ngài cũng nói về nước Ngài ban cho: “Nước Ta cho sẽ thành một mạch nước trong lòng người ấy, tuôn trào ra cho đến cuộc sống vĩnh cửu” (Giăng 4:14). Đức Chúa Giêxu đã chờ tới ngày trọng đại nhất trong kỳ lễ để tuyên bố chân lý hạnh phúc của người nào chịu tiếp nhận Ngài.

Tiên tri Êsai chép: “Vì có những dòng nước trào lên trong hoang mạc, và các suối tuôn chảy nơi đồng hoang. Cát nóng sẽ biến thành ao hồ, đất khô hạn sẽ biến thành suối nước” và “Đức Giê-hô-va sẽ cứ đắt đưa ngươi, làm cho ngươi no lòng giữa nơi khô hạn lớn; làm vững mạnh các xương cốt ngươi; ngươi sẽ như vườn năng tưới, như suối nước chẳng hề khô cạn” (Ê-sai 35:6–7; 58:11). Tiên tri Ê-xê-chi-ên mô tả dòng nước chảy ra từ dưới ngưỡng cửa đền thờ trở thành dòng sông mênh mông, và nước chảy đến đâu thì mang sự sống đến đó (Êxêchiên 47:1–9).

Giăng giải thích: “Đó là Ngài nói về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận được” (39). Trong số những người nghe kẻ thì cho rằng Ngài là Đấng tiên tri, người khác tin Ngài đúng là Đấng Christ. Còn những người không tin thời ấy chỉ nại thành kiến về xứ Galilê để bác bỏ đức tin của người khác (40–44). Người vô tín thời nay cũng nại học thức dốt nát của mình để bác bỏ công việc quyền năng của Đức Thánh Linh trong đời sống con cái thật của Chúa. Đối với những người nầy, thì Đức Thánh Linh chỉ đủ sức giúp các giáo hữu thiếu lòng tin giữ sự trung thành với loại giáo hội bạc nhược theo kiểu ‘nín thở qua sông.’ Họ không bao giờ dám hi vọng quyền phép vinh quang do Đức Thánh Linh thực hiện có thể biểu hiện trước mắt họ.

Các viên chức được sai đi bắt Đức Chúa Giêxu, nhưng khi nghe lời Ngài dạy thì thấy không có cớ gì để bắt (45–46). Phái Pharisi nguỵ biện vì đuối lý “Có ai trong giới lãnh đạo và trong phái Pharisi tin theo Người đâu?” (48). Bấy giờ, ông Ni-cô-đem, người từng trò chuyện với Chúa vào một đêm nọ đã can đảm lên tiếng bênh vực Ngài: “Luật lệ của chúng ta có cho phép kết tội một người trước khi thẩm vấn và biết rõ việc người ấy làm, hay không?” (50–51). Một lần nữa, những người bị đuối lý phải dùng kiểu nguỵ biện hồ đồ. Họ cho rằng Đức Chúa Giêxu và những người nghe Ngài dạy là không biết luật pháp và phải bị nguyền rủa (49). Họ cũng đem thành kiến khinh thường người Ga-li-lê: “Ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu đi, sẽ không thấy một nhà tiên tri nào xuất thân từ Ga-li-lê cả! Rồi, ai trở về nhà nấy” (52–53). Đức Chúa Giêxu đã rao báo chân lý vĩnh cửu rằng, ai tin Ngài thì từ người ấy sự sống sẽ tuôn trào cho nhiều người.

PhucÂmGiang16.docx

Rev. Dr. CTB