Friday, April 8th, 2016
Xuất Ai-Cập, bài 23
Xuất Ai-Cập 25:1–27:21
Trong các đoạn tiếp sau, Môi-se ghi lại những điều Đức Chúa Trời chỉ dẫn cho ông về Đền Thánh, mà Ngài muốn ông cùng với dân Israel thực hiện việc chế tác, trong dịp ông lên núi Si-na-i gặp mặt Ngài trong suốt bốn mươi ngày và bốn mươi đêm:
“Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: ‘Hãy bảo dân Israel dâng lễ vật cho Ta. Các con hãy nhận lễ vật của tất cả những ai thành tâm dâng hiến’” (1–2).
Mọi thứ vật liệu cần thiết để chế tác Đền Thánh đều được Đức Chúa Trời nói rõ cho Môi-se ghi nhớ (3–7). Từ các thứ quý kim, chỉ màu, vải gai mịn, lông dê, da chiên đực và da cá nược, gỗ si-tim, dầu thắp đèn, các thứ hương liệu quý, và các loại đá quý nữa. Điều đó chứng tỏ khi ra khỏi xứ Ai-cập, dân Israel có đem theo tất cả những thứ vật liệu ấy.
Đền Thánh để Đức Chúa Trời ngự giữa họ sẽ là một Đền Tạm (8); nhưng Đền Tạm nầy phải được chế tác đúng y như kiểu mẫu và các vật dụng trang trí mà Chúa đã chỉ dẫn cho Môi-se từng chi tiết (9).
Điểm nầy là điều quan trọng trong mối liên hệ giữa dân sự của Chúa với Ngài. Bởi vì tín hữu ngày nay thường tin rằng miễn có làm bổn phận chi đó là đủ, đâu cần phải làm chính xác như Kinh-thánh nói. Nhưng Đức Chúa Trời thì căn dặn Môi-se phải làm đúng như kiểu mẫu đã được chỉ dẫn.
Món quan trọng đầu tiên được chỉ dẫn là đóng một cái ‘Rương Giao Ước’ bằng gỗ si-tim, một loại cây rất rắn chắc mọc trong hoang mạc, kích thước chiều dài, chiều rộng và chiều cao đều nói rõ (10). Rương ấy phải bọc cả trong lẫn ngoài và chạy đường viền chung quanh đều bằng vàng ròng (11). Rương có khoen vàng và đòn bằng gỗ si-tim bọc vàng để khiêng (12-15).
Rương Giao Ước cũng gọi là Rương Bảng Chứng, vì dùng để đựng hai bảng đá có ghi Mười Điều Răn do ngón tay Đức Chúa Trời viết trên đó (16).
Rương kín năm phía, nhưng phía trên đậy bằng một nắp gọi là ‘Nắp Thi Ân’ bằng vàng ròng có hai chêrubim bằng vàng ròng dát mỏng gắn vào hai đầu nắp xoay mặt vào nhau, xoè cánh ra che phủ trên nắp (17–21).
Người đọc cần phải để ý chi tiết nầy; bởi vì Chúa cho biết rằng Ngài sẽ đến hiện diện trên nắp thi ân, giữa hai chêrubim để gặp Môi-se khi ông vào đó (22), và sau nầy các thầy tế lễ thượng phẩm được thấy sự hiện diện của Chúa trên nắp thi ân, dưới cánh che phủ của hai chêrubim, mỗi năm một lần.
Đòn khiêng cần phải để yên trong khoen vì rương chỉ di chuyển khi đoàn dân di chuyển; nó sẽ nằm yên trong nơi chí thánh, mà ai chạm đến rương (vì phải chạm khoen để xỏ đòn) thì sẽ mất mạng (15).
Bàn trưng bày bánh cung hiến đóng bằng gỗ si tim bọc vàng ròng cũng được dặn dò kỹ càng về kích thước và kiểu mẫu (23-25). Bàn cũng được gắn các khoen vàng ròng và đòn khiêng bằng gỗ si-tim bọc vàng (26–28).
Tất cả các khay, dĩa dâng hương và lọ, bát cho lễ dâng rượu và dầu, tức là lễ quán, đều phải làm bằng vàng ròng (29). Khi bàn đã đặt vào chỗ rồi thì phải luôn luôn có bánh cung hiến bày trên bàn (30).
Chân đèn trong đền thờ là một kiểu mẫu vô cùng độc đáo, hình dáng của chân đèn vừa thánh khiết, vừa trang nghiêm, mà rất gần gũi. Toàn thể chân đèn đều làm bằng vàng ròng. Kể cả ngọn của thân và sáu nhánh nứt ra hai bên của thân, thì chân đèn có bảy ngọn đèn (31–37).
Vì Chúa chỉ dẫn về hình dáng và cách thức làm chân đèn, cho nên xưa nay chỉ có Do-thái-giáo mới có đèn rất đặc biệt nầy.
Mọi thứ vật dụng trong nơi thánh và chí thánh của đền tạm đều phải làm bằng vàng ròng hay bọc vàng ròng; cho nên, kéo cắt tim đèn, khay đựng tàn cũng đều bằng vàng cả. Môi-se được dặn là phải làm theo đúng kiểu mẫu đã được chỉ dẫn trên núi (38–40).
Đền Thánh tạm thời là một công trình rất khéo léo. Nó được Đức Chúa Trời chỉ dẫn cách tạo hình theo kiểu có thể ráp lại và tháo ra; vì trên đường về đất hứa, dân Israel sẽ phải lang thang di chuyển trong hoang mạc nhiều năm, nên họ sẽ khiêng, chuyên chở theo họ Đền Thánh tạm ở bất cứ nơi nào họ tới.
Môi-se sẽ phải chỉ huy các thợ dệt “mười bức màn bằng vải gai mịn, màu xanh đỏ tía và đỏ thắm, có thêu các hình chêrubim cực xảo” (26:1). Cứ năm bức màn kết lại thành một bộ; hai bộ màn đó che chung quanh đền tạm (26:2–6).
Mái che trên đền tạm là mười một bức màn kết bằng lông dê, chiều rộng bằng các bức màn trước nhưng chiều dài thì dài hơn hai cu-bít (7–8). Sở dĩ phải làm mười một bức màn vì Môi se phải kết các bức màn nầy thành hai bộ: một bộ năm bức và một bộ sáu bức (9). Các bức màn ấy nối với nhau bởi các móc bằng đồng, để mái và các bức màn che quanh đền tạm móc dính với nhau (10–13).
Lớp mái che nầy chỉ mới là lớp dưới cùng hay mặt trong, phía trên có thêm hai lớp nữa, lớp giữa làm bằng da chiên đực nhuộm đỏ, lớp trên cùng thì bằng da cá nược để che mưa và bảo vệ hai lớp dưới lúc thời tiết thay đổi (14).
Mặc dù Đền Tạm làm bằng vải kết lại vây quanh, nhưng nó cũng có các tấm ván bằng gỗ si-tim bọc vàng có mộng để ghép lại với nhau làm thành vách đền tạm (15–17).
Vách phía nam gồm có hai mươi tấm ván, mỗi tấm dài mười cubits và rộng một cubit rưỡi; phía bắc cũng vậy (18–21). Phía tây thì có sáu tấm cộng với hai tấm cho hai góc phía sau của đền tạm (22–23). Mỗi tấm ván đều có mộng để đặt vào các lỗ đế đúc bằng bạc (19–25).
Những tấm ván làm vách đó đã được kết chặt với nhau ở mỗi phía bằng năm thanh ngang bằng gỗ si-tim bọc vàng xỏ vào các khoen vàng (26–29). Như vậy, phía trong của đền tạm có màu rực rỡ của vàng ròng.
Môi-se cũng phải làm một bức màn bằng sợi gai mịn màu xanh, đỏ tía, đỏ thắm, có thêu hình chêrubim cực xảo, rồi ông phải treo màn đó trên bốn trụ bằng gỗ si-tim bọc vàng, dựng trên bốn lỗ đế bằng bạc, các móc trụ đều bằng vàng.
Sau khi treo màn đó rồi thì đem Rương Giao Ước vô phía sau bức màn. Bức màn đó ngăn cách giữa Gian Thánh với Gian Chí Thánh. Nắp Thi Ân sẽ đặt trên Rương Giao Ước trong gian Chí Thánh. Tất cả đều phải làm giống y như kiểu mẫu Môi se đã được chỉ dẫn trên núi (30–34).
Bàn bày bánh cung hiến thì để ở vách phía bắc của gian thánh đối diện với chân đèn đặt ở vách phía nam (35).
Mặt trước của đền tạm ở phía đông thì không có vách gỗ, chỉ có một bức màn bằng chỉ xanh, chỉ đỏ tía và đỏ thắm, sợi gai mịn, thêu cực xảo, treo trên năm cây trụ gỗ si-tim bọc vàng dựng trên các lỗ đế bằng đồng (36-37).
Một bàn thờ khá lớn dùng cho tế lễ thiêu, hình vuông, bằng gỗ si-tim bọc đồng. Bốn góc bàn thờ có bốn cái sừng.
Tất cả các vật dụng sẽ dùng ở bàn thờ đều làm bằng đồng. Kim loại đồng là biểu tượng của sự phán xét. Vì bàn thờ được ghép lại bằng ván, rỗng bên trong; cho nên phải có một cái rá bằng lưới đồng treo bốn góc bằng các móc đồng ở khoảng giữa chiều cao phía trong lòng của bàn thờ (27:1–5).
Bàn thờ cũng có các khoen đồng ở hai bên bàn thờ để xỏ đòn khiêng bằng gỗ si-tim bọc đồng. Môi-se phải làm đúng theo kiểu mẫu đã được chỉ dẫn (27:6–8).
Bao bọc phía ngoài của Đền Tạm có một khu vực trống gọi là hành lang. Những tấm rèm vải dệt bằng sợi gai mịn bao chung quanh khu hành lang để làm giới hạn. Phía bắc và phía nam đều dài một trăm cubits. Phía tây rộng năm mươi cubits.
Hành lang khu phía đông tức là khoảng đất từ bàn thờ ra tới cổng thì chiều sâu là năm mươi cubits, và chiều rộng cũng năm mươi cubits. Hai bên cổng có các tấm rèm dài mười lăm cubits, mỗi bên có ba cây trụ và ba lỗ trụ để dựng rèm; để dựng rèm theo chiều dài mỗi bên của hành lang thì có hai mươi cây trụ và hai mươi lỗ trụ.
Phía tây, tức là mặt sau Đền Tạm có mười cây trụ và mười lỗ trụ. Tất cả các trụ đều có thanh, móc nối bằng bạc và đế trụ bằng đồng (27:9–19). Cổng vào của hành lang có rèm dài hai mươi cubits được đỡ bằng bốn cây trụ và bốn lỗ trụ.
Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se thu thập trong dân Israel “dầu nguyên chất ép từ trái olive để thắp đèn và giữ cho đèn luôn luôn thắp sáng” (27:20).
Ngài cũng truyền lệnh rằng sau khi hoàn thành Đền Tạm, chân đèn bảy ngọn đã được đặt trước bức màn ngăn cách gian thánh với gian chí thánh, “A-rôn và các con trai người sẽ gìn giữ cho ngọn đèn luôn sáng trước mặt Đức Giê-hô-va từ tối cho đến sáng. Đây sẽ là một luật đời đời cho các thế hệ con dân Israel” (27:21).
Nhưng sau khi đền thờ ở Giêrusalem bị phá huỷ vào năm 70 A.D. đến nay, người Do-thái chưa xây dựng lại đền thờ trên nền cũ như họ mong muốn, nên lệnh giữ cho đèn luôn sáng vẫn chưa làm được.
XuatAiCap23.docx
Rev. Dr. CTB