Xuất Ai-cập, bài 09
Xuất Ai-cập 12:1–11
Những lời Đức Giê-hô-va phán dặn Môi-se, về việc chỉ dẫn cho dân Israel chuẩn bị lễ Vượt Qua và ra khỏi Ai-cập, phải xảy ra trước khi Ngài đổ tai hoạ thứ chín trên nước ấy; nhưng các lời đó được đặt ở phần nầy để người đọc dễ hiểu.
Bằng chứng là trong đoạn trước, Môi-se lên tiếng cảnh cáo vua Ai cập về tai họa chót sẽ diễn ra, sau khi ông ta đe dọa sẽ giết Môi-se (Xuất 11:4–8). Đồng thời, các tai họa Chúa đổ xuống Ai-cập phải là liên tiếp, không gián đoạn.
Cho nên, những mệnh lệnh của Chúa về việc thiết lập lịch mới, lễ Vượt Qua nhằm ngày 14 tháng Abib [trùng với tháng Ba dương lịch] (1–2), các thể lệ chuẩn bị những con chiên hoặc dê làm con vật hi sinh, bánh không men, và tất cả các lời dặn dò khác đều phải xảy ra vài ngày trước tai họa thứ chín, để dân Israel kịp chuẩn bị mọi việc (3–11).
Những năm trước đó như các dân tộc khác, dân Israel cũng bắt đầu năm mới vào tiết thu-phân của tháng Tisri sau kỳ thu hoạch, gặt hái và ép rượu xong (là tháng Chín dương lịch ngày nay).
Nhưng mệnh lệnh của Chúa là dân Israel phải kể tháng Abib là tháng Giêng, tức là bắt đầu một kỷ nguyên mới, kể từ khi họ được thoát khỏi kiếp nô lệ (2); vì thế, tháng Tisri là tháng Giêng trước kia, nay trở thành tháng Bảy của lịch tôn giáo Do-thái.
Chúa bảo Môi-se hãy tập hợp toàn thể hội chúng Israel để nói cho mọi người đều biết các sự chuẩn bị ra khỏi Ai-cập (3). Vào ngày mồng mười tháng Abib, tức là bốn ngày trước lễ Vượt Qua, mỗi gia trưởng người Israel phải bắt một con chiên đực hoặc dê đực tròn một năm tuổi, không tì vết gì (5), để làm con vật hi sinh cho lễ Vượt Qua.
Tất cả các chi tiết phải diễn ra trong lễ Vượt Qua đều có ý nghĩa rõ ràng khi đem so với công tác hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Giêxu Christ ở thời Tân-ước.
Trước hết, con thú sẽ bị hi sinh là một chiên con, máu của nó được bôi lên khung cửa trước của căn nhà, để thiên sứ huỷ diệt sẽ không vào giết các con đầu lòng.
Kinh thánh gọi Đức Chúa Giêxu là “Chiên Con lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Côrinhtô 5:7), ai nhờ cậy huyết của Ngài thì sẽ thoát khỏi cuộc phán xét và trừng phạt của Đức Chúa Trời.
Chiên con hay dê con đó phải đủ một năm tuổi, tức là đã đủ lớn, sung sức và không tì vết chi (5); Đức Chúa Giêxu phải chịu chết lúc Ngài được 33 tuổi, năm của người trưởng thành và sức lực sung mãn.
Ngài là Đấng vô tội, huyết Ngài đổ ra vì nhân loại “như huyết của chiên con không khuyết tật, không tì vết” (1Phierơ 1:19). Hơn nữa, viên tổng trấn La-mã, kẻ xử án Ngài, không tìm thấy trong Ngài có một tội lỗi nào (Giăng 19:4, 6).
Bốn ngày trước lễ Vượt Qua, chiên con phải được chuẩn bị và để dành sẵn. Đức Chúa Giêxu đã được định từ buổi sáng thế rằng Ngài phải bị giết vì tội lỗi nhân loại (Khải-huyền 13:8) để thành Cứu Chúa của thế gian theo lời hứa từ thiên đàng.
Đến ngày thứ mười bốn của tháng Abib, tất cả các gia trưởng của toàn thể hội chúng Israel, sẽ giết con vật vào buổi chiều (6). Sử gia Josephus nói rằng người ta giết con vật hi sinh giữa giờ thứ chín tới giờ thứ mười một để kịp quay con thú cho thật chín trước khi trời tối.
Đức Chúa Giêxu tắt hơi trên thập tự giá vào giờ thứ chín (Luca 23:44–45), và Ngài được chôn cất khi mặt trời vừa lặn (Giăng 19:42).
Gia trưởng phải tự tay giết con vật; không giống như sau nầy công việc đó là của thầy tế lễ, vì lúc ấy chưa có giới thầy tế lễ.
Phải có ít nhất mười người trong một gia đình mới được kể là đủ số người để ăn hết một con chiên lễ Vượt Qua. Theo sự nghiên cứu của các sử gia, thì phải có từ mười tới hai mươi người để đủ sức ăn hết một con chiên một tuổi.
Vì thế, những gia đình nào không có đủ mười người thì sẽ kết hợp với một hay hai gia đình ít người khác, hoặc những gia đình đông người sẽ san sẻ bớt vài người trong gia đình mình cho gia đình hàng xóm ít người; miễn là hai gia đình cộng lại không ít hơn mười người để ăn một con chiên, hoặc không nhiều hơn bốn mươi người cho hai con chiên (4).
Việc mời láng giềng cùng ăn thịt chiên con với gia đình mình là hình bóng tiên tri sau nầy tín đồ của Đức Chúa Giêxu sẽ mời người chưa tin Chúa đến tham dự vào Tin Mừng.
Sau khi lấy máu của con vật bôi lên hai thanh dọc và thanh ngang cửa ra vào của nhà nào ăn thịt chiên con ấy, “đêm đó họ sẽ ăn thịt quay trên lửa với bánh không men và rau đắng” (7-8). Họ không được ăn thịt chưa chín hay là thịt luộc mà phải quay trên lửa cả đầu, giò và bộ lòng (9).
Ý nghĩa của việc phải quay nguyên con chiên trên lửa chứ không được luộc, thì trước hết làm chín thịt nhanh bằng cách quay là phương tiện phổ biến và thuận tiện cho mọi người Israel; bởi vì nồi lớn để nấu nguyên một con chiên thì không phải ai cũng có. Hơn nữa, họ cũng không được phép chặt con thú thành từng miếng thịt nhỏ mà phải để nguyên con.
Vì thể, hình thức quay trên lửa là thích hợp hơn hết. Lửa tượng trưng cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Đấng Christ phải nhận lãnh cơn thịnh nộ ấy. Con chiên được quay nguyên để không một cái xương nào của nó bị gãy cả (Xuất 12:46; Giăng 19:36).
Việc thịt chiên con phải ăn với bánh không men tượng trưng cho việc người nào dựa vào sự hi sinh của chiên con để thoát khỏi sự trừng phạt, thì phải nhận sự hi sinh ấy với tính chất không thoả hiệp với tội lỗi. Bột có pha men nghĩa là không còn nguyên chất, sẽ bị hư hỏng; vì men là biểu tượng của sự mục nát, hư thối; cho nên, phải bị cất bỏ trong ơn cứu rỗi thánh thiện nầy.
Rau đắng dùng để nhắc lại cảnh đời nô lệ khiến đời sống đã bị nhiều đắng cay. Sự ghi nhớ ấy làm cho người đã được giải thoát thấy rằng ơn cứu độ là vô cùng ngọt ngào. Thịt chiên con quay ăn với rau đắng cũng dạy dỗ người Israel rằng đó không phải là bữa tiệc thoả mãn khẩu vị của những tôn giáo vẫn thường cúng tế bằng thịt thú vật cho các thứ thần linh giả dối của họ.
Vào thời đó, một số dân tộc ăn thịt nửa sống nửa chín tế lễ cho các tà thần của họ. Nhất là tế lễ cho Dionysus và Bacchus, thần rượu và nhậu nhẹt say sưa của các chuyện thần thoại (Tên của hai thần nầy được văn chương Hy-lạp nói rất lâu về sau. Thời ấy, nước Hy-lạp chưa hiện hữu).
Đức Giê hô-va không cho phép dân Israel bắt chước các dân tộc ngoại bang làm điều ô uế. Thịt chưa chín còn nhiều máu trong thịt, là điều sẽ bị luật pháp Chúa nghiêm cấm về sau. Bộ lòng của chiên con được đem ra rửa sạch rồi đặt lại vào bụng con thú trước khi quay.
Chúa cũng dặn dân Israel đừng để thứ gì của con chiên còn thừa đến sáng mai, “nếu còn lại thứ gì, hay thiêu đi” (10). Có một vài lý do cho việc nầy:
Người Israel có thể lấy xương của con chiên để dành làm các việc dị đoan, mê tín, hoặc làm các việc bất kính.
Nếu các xương còn lại không được thiêu hủy hết, thì sau khi dân Israel đi rồi, người Ai-cập có thể xúc phạm làm ô uế đến số xương chiên con còn để lại.
Giống như người Israel phải ăn hết con chiên, không chừa lại gì đến sáng ngày hôm sau, thì người tiếp nhận Đức Chúa Giêxu, là Chiên Con lễ Vượt Qua, chuộc tội cho mình, phải tiếp nhận Ngài hoàn toàn và ngay lập tức. Không ai có thể hôm nay chỉ nhận Ngài một phần nào đó rồi đợi bữa sau hay lúc khác sẽ nhận thêm.
“Các con phải ăn bữa ấy theo cách nầy: Lưng thắt lại, chân mang giày, tay cầm gậy, ăn hối hả. Đó sẽ là lễ Vượt Qua của Đức Giê-hô-va” (11). Cách ăn được dặn dò ở đây chỉ áp dụng cho lễ Vượt Qua đầu tiên.
Tất cả những điều họ phải làm trong khi ăn đều ngụ ý về sự khởi hành của dân Israel sẽ xảy ra bất cứ lúc nào trong đêm ấy. Áo ngoài của họ phải thắt lưng cho gọn gàng; họ thường không mang giày trong nhà, bây giờ phải mang giày sẵn sàng, gậy phải cầm trong tay và ăn hối hả, vì có thể bị gọi ra khỏi Ai-cập bất cứ giờ nào.
Con cái Chúa ngày nay cũng cần phải trang bị cho mình một thái độ sẵn sàng như thế; bởi vì không ai trong chúng ta biết mình sẽ được Chúa gọi đi vào lúc nào. Nghĩa là chúng ta sẵn sàng từ bỏ Ai-cập nơi thế gian nầy để về nước thiên đàng là quê hương thật của chúng ta.
Bữa ăn lễ Vượt Qua phải được cử hành một cách trang nghiêm là biểu tượng về nhiệm vụ của chúng ta ngày nay đối với Phúc-Âm của Đấng Christ. Người Israel không chỉ đứng nhìn vào chiên con đã hi sinh vì mạnh sống của họ, mà họ phải ăn hết con chiên ấy.
Chúng ta cũng phải lấy đức tin tiếp nhận Đức Chúa Giêxu cho riêng mình, tiếp nhận sức lực tâm linh và sự nuôi dưỡng từ Ngài như thức ăn bổ dưỡng cho linh hồn ta. Chúng ta cũng phải cùng mang ách với Ngài, vác thập tự giá của Ngài, để ngày sau sẽ cùng đội mão miện vinh quang với Ngài nữa. Mọi việc đó, ta phải làm hôm nay.
XuatAiCap09.docx
Rev. Dr. CTB