Xuất Ai-Cập, bài 08

Xuất Ai-Cập 10:1 – 11:10

Nhiều khi các lần trì hoãn, theo ý muốn của Đức Chúa Trời, có khiến cho nhiều người hoang mang và mất kiên nhẫn. Và đôi khi mệnh lệnh của Chúa có vẻ như mâu thuẫn với việc Ngài làm.

Nhưng mỗi khi Chúa bày tỏ mục đích của Ngài trong các biến cố đó, thì mắt người ta mới mở ra để hiểu ý định đầy khôn sáng của Đức Chúa Trời.

Vì thế, mục đích Chúa bảo Môi-se đi gặp Pha-ra-ôn, mà Ngài đã làm cứng lòng vua ấy và quần thần, là để Ta bày tỏ các dấu lạ ra giữa họ, và để con thuật lại cho con cháu mình những việc Ta đã làm cho dân Ai-cập, cũng như các dấu lạ Ta đã thực hiện giữa họ như thế nào, nhờ đó các con biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va” (1–2).

Đúng vậy! Hơn bốn trăm năm trôi qua, người Israel chưa từng thấy một phép lạ nào, cũng chẳng nghe được lời phán nào từ Đức Chúa Trời của tổ phụ họ; bây giờ, họ cần có bằng chứng để tin Ngài.

Đối với Đức Chúa Trời, người nào kiêu căng, cứng lòng trước mệnh lệnh của Ngài, thì Ngài sẽ làm cho người ấy cứng lòng hơn để phải nhận chịu sự trừng phạt nặng nề hơn xứng với tội vô lễ và ngang ngược trước mặt Đấng Tối Cao.

Trường hợp vua Ai-cập của đời ấy là một ví dụ điển hình chứng minh cho luật nầy. Kể từ khi tai họa đầu tiên giáng xuống đất Ai-cập cho đến sáu tai họa tiếp theo, thì chúng diễn tiến theo sự gia tăng cường độ về mức khốn khổ và thiệt hại.

Từ họa thứ nhất tới họa thứ sáu, người Ai-cập chỉ phải đối phó với sự khó chịu và khốn khổ, chứ chưa bị thiệt hại về tài sản và sinh mạng. Nhưng tai họa thứ bảy, là trận mưa đá kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử Ai-cập, thì thiệt hại đã xảy ra cho người Ai-cập; và ông vua cứng cổ đầu bắt đầu tỏ vẻ khiêm nhường trước Vị Thần Linh đầy quyền năng của người Israel.

Cứ mỗi lần Môi-se ra mắt Pha-ra-ôn là ông vua nầy thấy có tai họa mới. Bởi vì Môi-se thông báo toàn là những điều chẳng lành cho xứ Ai-cập, rồi đòi hỏi cho dân nô lệ Hê-bơ-rơ ngưng công việc để đi sâu vào hoang mạc dâng tế lễ cho Đức Giê-hô-va của họ.

Có lẽ mỗi lần thấy Môi-se ra mắt, thì lòng ông ta khiếp đảm vì không biết tai họa sắp tới sẽ ra sao. Lúc sáu tai họa đầu diễn ra, thì Pha-ra-ôn còn có hai pháp sư đầu đảng là Gian-nét và Giam-be ở bên cạnh mình để chống trả Môi-se; nhưng qua tai họa thứ bảy mưa đá kinh khiếp, thì Pha-ra-ôn không còn dám nhờ cậy các pháp sư của mình nữa.

Khi Môi-se và A-rôn ra mắt nhà vua lần nầy, thì cũng vẫn phong cách cũ là truyền đạt lời của Đức Chúa Trời đòi Pha-ra-ôn buông tha dân sự của Ngài; và hứa hẹn tai họa mới sẽ nặng nề hơn. Không đợi Pha-ra-ôn trả lời, “Môi-se quay đi và rời khỏi Pha-ra-ôn” (3–6).

Bấy giờ, quần thần của Pha-ra-ôn đã thấy nhụt chí và ngán sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel quá rồi; nên họ khuyên vua: “Người nầy cứ là cái bẫy cho chúng ta cho đến bao giờ? Hãy cho dân ấy đi để chúng phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng! Bệ hạ chưa biết rằng Ai-cập đang bị nguy vong sao?” (7).

Lúc tai họa thứ ba đầy muỗi xảy ra thì các thuật sĩ đã nói: “Đây là ngón tay của Đức Chúa Trời” (8:19). Rồi khi nghe thông báo sẽ có mưa đá, các quan bề tôi của Pha-ra-ôn, những người “kính sợ lời Đức Giê-hô-va thì rút nô lệ và súc vật mình về nhà” (10:20).

Nhiều lần thấy lời của Môi-se được ứng nghiệm, lần nầy quần thần của Pha-ra-ôn sợ sệt hơn, vì họ tin những lời ngăm dọa của Đức Chúa Trời sẽ thành sự thật, hoa màu của họ sẽ bị tàn phá hết.

Pha-ra-ôn vội triệu tập Môi-se và A-rôn vào để điều đình. Ông ta chỉ cho phép đàn ông ra đi dâng tế lễ mà thôi, vì giữ vợ con họ ở lại Ai-cập thì họ sẽ chẳng đi luôn. Môi-se từ chối và đòi vua phải cho tất cả nam phụ lão ấu đều ra đi. Vua Ai-cập nổi giận thách thức Chúa, đuổi Môi se và A-rôn khỏi trước mặt mình (8–11).

Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: ‘Con hãy giơ tay trên Ai-cập để khiến châu chấu tràn lên xứ đó, cắn phá cây cỏ và mọi vật trên đất mà mưa đá còn chừa lại’” (12).

Môi-se làm theo lời Chúa truyền và Ngài “dẫn luồng gió đông thổi trên xứ ấy suốt cả ngày lẫn đêm hôm đó; sáng hôm sau, gió đông đem châu chấu đến. Châu chấu tràn lên khắp đất Ai-cập và đáp xuống toàn lãnh thổ. Châu chấu nhiều vô kể; trước kia chưa từng có và sau nầy cũng chẳng bao giờ có như vậy. Chúng bao phủ khắp mặt đất làm cho cả xứ đen kịt, cắn phá tất cả cây cỏ ngoài đồng và các thứ trái cây mà mưa đá còn chừa lại” (13–15).

Châu chấu hay cào cào không thể bay xa từ xứ nầy sang xứ khác; cho nên, chúng là một tai họa không ngừa trước được khi một luồng gió mạnh đem vô số châu chấu từ xa tới một địa phương nào đó. Trong trường hợp ở đây, thì đám châu chấu ấy sinh sôi nẩy nở ở phía Bắc của bán đảo A-rập. Nạn châu chấu hay cào cào đến đâu thì chúng cắn phá không chừa gì hết.

Từ điển Bách Khoa Anh Quốc có chép về ba tai họa châu chấu ở thế kỷ 16, 17: Năm 1527, một luồng gió mạnh đem vô số cào cào từ Thổ-nhĩ-kỳ sang tận Ba-lan làm cho xứ ấy điêu tàn; năm 1536 luồng gió mạnh từ Hắc Hải đem cào cào đến tàn phá Ukraina; và năm 1650 người ta thấy đàn cào cào như một đám mây lớn đáp xuống nước Nga rồi tràn qua Ba-lan với Lithuana.

Lần nầy vua Ai-cập biết sợ nạn cào cào. Ông ta vội vàng gọi Môi-se và A-rôn đến để tạ tội: “Ta đã phạm tội với Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi và với các ngươi nữa. Vậy bây giờ, xin tha tội cho ta, chỉ lần nầy thôi! Hãy cầu khẩn Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, ít ra Ngài cũng lấy đi khỏi ta cái tai họa chết người nầy” (16–17).

Môi-se chấp thuận lời khẩn cầu của Pha-ra-ôn, ông lui ra và cầu nguyện với Đức Chúa Trời, “Đức Giê-hô-va dẫn một luồng gió Tây rất mạnh đến cuốn châu chấu đi và đùa chúng xuống Biển Đỏ. Khắp lãnh thổ Ai-cập không còn một con châu chấu nào” (18–19).

Cào cào, châu chấu do gió đem đến thì cũng bị gió cuốn đi chỗ khác. Đức Chúa Trời dùng gió đông dẫn châu chấu đến bao phủ khắp đất Ai-cập; bây giờ bởi lời khấn nguyện của Môi-se, Ngài dùng gió tây đùa chúng ra khỏi xứ, và gió chỉ đưa chúng tới Hồng Hải rồi ngưng thổi. Không còn gió, châu chấu không bay được xa nên rơi xuống Hồng Hải và chết.

Vì vua Ai-cập lại cứng lòng, nuốt lời hứa, nên “Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: ‘Con hãy giơ tay lên trời để bóng tối bao trùm Ai-cập, thứ bóng tối như sờ được.’ Vậy, Môi-se giơ tay lên trời, bóng tối dày đặc bao trùm cả Ai-cập trong ba ngày. Trong ba ngày đó, người ta không nhìn thấy nhau, không ai rời khỏi chỗ mình được. Nhưng chỗ nào dân Israel ở thì có ánh sáng”(21–23).

Tai họa thứ chín nầy giống như hai tai họa thứ ba và thứ sáu là các tai họa không được thông báo trước. Trong tai họa bóng tối dày đặc nầy, chẳng những ánh sáng thiên nhiên bị che khuất hết mà ánh sáng các loại đèn dầu, nến hay đuốc cũng không thắp lên được, vì “trong ba ngày đó, người ta không nhìn thấy mặt nhau.” Nếu lửa không thắp lên được thì do độ ẩm ướt quá cao, và là “thứ bóng tối như sờ được.

Chín tai họa liên tiếp diễn ra khiến cho ông vua Ai-cập biết rằng ông ta phải đối phó với một vị Thần quá quyền năng; ông nhượng bộ cho toàn dân Israel được ra đi, nhưng thú vật thì phải bỏ lại (24). Môi-se từ chối, vì dân Israel cần đem theo thú vật làm sinh tế cho của lễ thiêu.

Điều đình không xong, Pha-ra-ôn điên tiết dọa: “‘Hãy lui đi cho khuất mắt ta! Hãy giữ mình, đừng bao giờ nhìn mặt ta nữa, vì ngày nào ngươi thấy mặt ta thì ngươi sẽ chết!Môi se nói: ‘Đúng như bệ hạ nói, tôi sẽ chẳng còn nhìn thấy mặt bệ hạ nữa đâu’” (25–28).

Sau khi nói như thế, Môi-se tiên báo tai họa thứ mười là tất cả các con đầu lòng của người Ai-cập lẫn súc vật sẽ bị chết vào lúc nửa đêm, khi Chúa tuần hành khắp xứ Ai-cập, trong khi Israel thì hoàn toàn bình yên (10:4–7).

Ông nói với Pha-ra-ôn: Tới lúc đó thì “quần thần của bệ hạ sẽ xuống gặp tôi, cúi mình trước mặt tôi và nói: ‘Ông và cả dân chúng theo ông hãy đi đi!’ Sau đó tôi sẽ ra đi”(10:8).

Vì Pha-ra-ôn chưa biết sợ Chúa mà còn đe dọa sẽ giết Môi-se, cho nên, “nói xong, Môi-se rời Pha-ra-ôn trong cơn nóng giận.

Đức Chúa Trời đã cho Môi-se biết trước rằng Ngài sẽ giáng cho Pha-ra-ôn và Ai cập một tai họa nữa. Họ sẽ đuổi sạch dân Israel ra khỏi xứ.

Nhưng khi ra đi, người Israel phải xin người Ai-cập mọi thứ vàng bạc châu báu. Họ sẽ cho hết để dân Israel mau ra khỏi xứ họ. Môi-se đã trở thành một nhân vật rất quan trọng dưới mắt người Ai-cập (10:1–3).

Lý do Chúa khiến Pha-ra-ôn cứng lòng là để Ngài gia tăng các dấu lạ trước mắt người Ai-cập, để họ biết Ngài (10:9–10).

XuatAiCap08.docx

Rev. Dr. CTB