Xuất Ai-Cập, bài 05
Xuất Ai-cập Ký 4:1–31
Sau khi nghe Đức Chúa Trời cho biết trước rằng, các trưởng lão Israel sẽ vâng lời ông, Môi-se vẫn chưa dám chắc là toàn dân Israel sẽ tin lời ông nói.
Mặc dù điều ông ngần ngại rõ ràng trái ngược với lời phán của Đức Chúa Trời, Môi-se vẫn nói; vì bốn mươi năm trước ông đã bị dân Israel từ chối. Ông sợ dân Israel sẽ không tin rằng Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông.
Điều đó rất có thể xảy ra nếu Môi-se không có gì để chứng minh cho lời ông nói (1). Bởi vì hơn bốn trăm năm đã trôi qua mà Đức Chúa Trời chẳng hiện ra cho một người Israel nào thấy hết.
Sự thiếu các dấu hiệu siêu nhiên có thể khiến họ nghĩ rằng thời kỳ phép lạ đã qua rồi; cho nên, ai nói tới phép lạ, dấu kỳ mình được thấy, sẽ bị người ta không tin và cho là người nói dối.
Khi nghiên cứu Kinh-thánh và xem xét lịch sử Hội-thánh, người ta nhận thấy rằng các phép lạ thường xảy ra quanh những biến động siêu nhiên, mỗi khi Đức Chúa Trời muốn bày tỏ chương trình, ý muốn của Ngài cho người.
Ví dụ như các tiên tri được thấy những khải tượng đặc biệt và lời phán dặn của Ngài vào thời nước Giu-đa mạt vận và dân Giu-đa bị lưu đày. Rồi sau đó Ngài sai các thiên sứ hiện ra hay bay đến dạy dỗ tiên tri Daniel trước khi hết thời kỳ lưu đày của người Giu-đa.
Nhưng rồi các biến cố siêu nhiên bị dứt hẳn trong năm trăm năm, trước khi thiên sứ Gabriel được sai đến báo tin cho thầy tế lễ Xa-cha-ri về sự ra đời của Giăng Baptist (Lu-ca 1:11–20). Sự thiếu vắng các biến cố siêu nhiên trong một thời gian quá dài, đã khiến cho người Do-thái không còn dám tin rằng sẽ có sứ giả từ trời đến thình lình; cho nên, dù người ta nghi là Xa-cha-ri được thấy điều gì đó trong đền thờ, nhưng họ không nghĩ là có một thiên sứ đã hiện ra nói chuyện với ông.
Hội-thánh thời nay thường chưa hiểu bài học lịch sử nầy; không có bao nhiêu tín hữu tin vào phép lạ của Chúa vẫn còn trong Hội-thánh, vì đại đa số chưa từng được thấy những dấu kỳ, phép lạ siêu nhiên diễn ra trong Hội-thánh địa phương của họ. Lòng tự phụ của một số giáo phẩm đã khiến vô số tín hữu lên án hay vu khống những anh chị em mình một cách hết sức mù quáng.
Đức Chúa Trời biết sự lo ngại của Môi-se. Ngài hỏi: “Con đang cầm vật gì trong tay? Môi se thưa: ‘Một cây gậy.’ Chúa phán: ‘Hãy ném nó xuống đất đi.’ Ông ném gậy xuống đất và cây gậy biến thành một con rắn. Môi se chạy trốn con rắn. Nhưng Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: ‘Hãy đưa tay ra nắm lấy đuôi nó.’ Ông đưa tay ra bắt con rắn và nó lại biến thành cây gậy trong tay ông. Đức Giê-hô-va phán: ‘Việc nầy là để họ tin rằng Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ phụ họ, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp đã hiện ra với con’” (2–5).
Chúa không quở trách sự lo ngại của Môi-se. Ngài nhậm lời và ban một phép lạ.
Cây gậy ở thời ấy có thể là đoạn cây có móc cong ở một đầu của người chăn chiên, hoặc đoạn cây thẳng để chống đi và dùng làm vũ khí, hoặc là một cây trượng chạm khắc dấu hiệu đặc biệt của người chủ, chứng tỏ uy quyền lãnh đạo của người ấy.
Cho nên, hoặc là Môi-se vẫn còn giữ cây trượng uy quyền của ông lúc chạy trốn khỏi Ai-cập, hoặc là cây gậy móc chăn chiên vì đã làm công việc chăn bầy bốn mươi năm qua.
Con rắn là biểu tượng hoàng gia và quyền uy thần thánh ở trên vương miện của các vua Ai-cập. Cây gậy biến thành con rắn rồi lại thành cây gậy không phải để Môi-se phòng thân, mà là lời hứa và biểu hiệu chiến thắng các vua và thần tượng Ai-cập.
Dấu hiệu thứ nhì Chúa ban cho Môi se là bàn tay ngay lập tức bị phung rồi được lành lặn trở lại (6–7). Ngài lại phán: “Nếu họ không tin con mà cũng không nghe tiếng phán qua dấu lạ thứ nhất, thì sẽ tin dấu lạ thứ hai. Nhưng nếu họ chẳng tin cả hai dấu lạ ấy và cũng không vâng theo lời con, thì hãy lấy nước dưới sông mà đổ tràn trên đất khô; nước mà con đã lấy từ dưới sông đó sẽ biến thành máu trên mặt đất” (8–9).
Phép lạ về bị bệnh phung và chữa lành tức thời đều có nghĩa là dấu hiệu nguy hiểm cho người Israel nếu họ không nghe mệnh lệnh của Chúa, và sự giải cứu đến nếu họ chịu vâng lời. Bị nhiễm bệnh bất ngờ và được chữa lành tức khắc, là bằng chứng của sự can thiệp từ cõi thần thánh. Nước biến thành máu là sự bình an có thể trở thành tai họa.
Môi-se lại trình lên với Chúa về việc ông không có khả năng ăn nói trôi chảy, tức là không thể phát ngôn gãy gọn (10).
Làm người chăn bầy nơi hoang mạc lâu ngày, quen với sự vắng lặng và tâm trí quen suy tư, Môi-se thấy rõ ông chưa sẵn sàng cho một nhiệm vụ quá trọng đại; mà nhiệm vụ ấy lại đòi hỏi phải có tài ăn nói hùng biện.
Chúa trấn an Môi se rằng Ngài là Đấng tạo ra môi miệng loài người; hơn nữa, Ngài sẽ ở với miệng ông và dạy ông những lời phải nói (11–12). Môi se vẫn còn sợ, ông thưa: “Ôi lạy Chúa, xin Chúa sai người khác” (13).
Người ta có thể mơ tưởng những việc vĩ đại, nhưng khi đứng trước thực tế phải thực hiện, thì run sợ và nản chí.
Khi tác giả ghi “Đức Giê-hô-va nổi giận với Môi-se,” thì không phải là Ngài nổi cơn lôi đình, nhưng là không hài lòng khi Môi-se tự thấy không thích hợp với nhiệm vụ.
Tuy vậy, Chúa biết trước Môi-se sẽ thoái thác, nên trước đó Ngài đã gọi A-rôn tại xứ Ai-cập rằng: “Hãy vào trong hoang mạc để đón Môi-se” (27). Vì thế, khi Môi-se xin Chúa sai người khác, thì A-rôn đang trên đường đến hoang mạc để đón ông (14).
Do Chúa sai A-rôn, người có tài ăn nói, đến để giúp Môi-se, thì Môi se không còn nại được cớ nào để thoái thác nữa; vì ông chỉ cần nói lại cho A-rôn biết lời Chúa đã phán với mình, thì A-rôn sẽ là “người phát ngôn cho con trước dân chúng, là cái miệng cho con, còn con sẽ như là Đức Chúa Trời cho anh ta vậy” (15–16). Còn Môi-se phải cầm lấy cái gậy đã được quyền phép của Chúa chạm đến, để dùng làm các dấu lạ (17).
Môi-se phải về nhà xin phép Giê-trô (Jethro), có tên khác là Reuel, cha vợ mình, vì ông phải vắng mặt lâu ngày khi quay trở lại Ai-cập, đàn chiên phải có người khác chăn dắt (18). Và vì ông sẽ đem cả vợ và các con mình theo (20), sau khi được Chúa cho biết những kẻ tìm hại mạng sống ông đã chết hết rồi (19).
Việc lời Đức Chúa Trời đặt trong miệng Môi-se để nói với vua Ai-cập, được chép ở phần nầy (21–23), đều đã xảy ra tại bụi gai cháy không tàn, trước khi Môi-se về nhà xin phép cha vợ mình.
Các diễn tiến của việc Môi-se từ núi của Đức Chúa Trời dẫn đàn chiên về nhà Giê-trô và rước vợ con đi về Ai-cập, đều phải xảy ra sau khi đã gặp A-rôn đi vào hoang mạc để đón ông, bởi vì “A-rôn đi gặp Môi se trên núi của Đức Chúa Trời và hôn ông. Môi-se thuật lại cho A-rôn mọi lời Đức Giê-hô-va đã sai ông nói và mọi dấu lạ Ngài truyền ông làm” (27–28).
Ở hoang mạc Sinai vào thời ấy không có quán trọ theo cách hiểu thông thường bây giờ; có lẽ là một hang đá hoặc dưới bóng cây. “Đức Giê-hô-va hiện ra với Môi-se và tìm cách giết ông” (24).
Thái độ của Chúa đối với Môi-se ở chỗ nầy hoàn toàn trái ngược với sự thân thiện của Ngài ở bụi gai cháy. Hoặc là Môi-se thấy một thiên sứ tuốt gươm trần, hoặc ông đột nhiên mắc bệnh gần chết.
Môi se hiểu lý do, bất cứ người nam nào gia nhập cộng đồng Israel đều phải trải qua phép cắt bì trước đã. Môi-se sẽ là người được Chúa dùng để ban bố luật pháp cho dân Israel, nhưng lại chưa cắt bì cho hai con trai mình. Ông sẽ giữ một vai trò ngoại hạng, nên ông phải làm gương cho mọi người; bài học nhớ đời cho Môi-se và những ai muốn hầu việc Đức Chúa Trời.
Sê-phô-ra cắt dương bì cho con mình bằng dao đá lửa theo luật của các tổ phụ. Bà qùy dưới chân Môi-se và nói: “Thật, chàng là người chồng huyết cho tôi” (25–26); có nghĩa là sự ràng buộc hôn nhân giữa chúng ta bây giờ được ấn chứng bằng máu. Sê-phô-ra đã dùng huyết của con trai để chuộc chồng lại cho bà.
Nhờ thực hiện luật cắt bì, áp dụng giao ước giữa Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham và dòng dõi, Chúa đã tha mạng cho Môi-se.
Kinh thánh không thuật lại hành trình của A-rôn từ Sinai trở về Ai-cập, cũng không cho biết thời gian đi đường của Môi-se từ Ma-đi-an về tới vùng Gô-sen là bao lâu. Không ai biết A-rôn có đi theo Môi-se về nhà Giê-trô, rồi từ đó đi cùng với Môi-se về Ai-cập; hay là ông từ hoang mạc Sinai đi thẳng về nhà mình.
Nhưng sau khi về đến Ai-cập thì “Môi-se và A-rôn đi triệu tập tất cả các trưởng lão của dân Israel. A-rôn thuật lại tất cả những lời Đức Giê-hô-va đã phán với Môi-se, và làm những dấu lạ trước mặt dân chúng. Dân chúng tin. Khi nghe rằng Đức Giê-hô-va đã thăm viếng dân Israel cũng như thấy cảnh khổ đau của họ, thì họ cúi đầu thờ lạy” (29–31).
XuatAiCap05.docx
Rev. Dr. CTB