Thư Côlôse, bài 05

Đề Phòng Sự Lừa Dối (2)

Côlôse 2:12–23

Nói tiếp về việc con cái Chúa đang ở trong Đức Chúa Giêxu đã chịu lễ cắt bì không phải do tay người ta thực hiện, nhưng do Đấng Christ đã dùng sự tái sinh lột bỏ bản chất tội lỗi của xác thịt trong chúng ta (11), Phaolô giải thích rằng việc đó xảy ra khi chúng ta “được chôn với Ngài ngay trong lễ báp-têm, và được sống lại với Ngài nhờ đức tin đặt vào năng quyền hành động của Đức Chúa Trời, Đấng đã khiến Đức Chúa Giêxu sống lại từ cõi chết”(12). Khi chúng ta lập quyết định đặt đức tin vào quyền năng hành động của Đức Chúa Trời để được đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ, thì qua biểu tượng lễ báp têm Ngài bảo đảm toàn thể sự hiệp thông với Đấng Christ sẽ xảy ra. Chúng ta biết tiến trình ấy xảy ra khi cảm nhận mình đã được tha tội “Trước kia anh em chết vì tội lỗi và vì xác thịt không được cắt bì, nay Đức Chúa Trời đã làm cho anh em đồng sống lại với Đấng Christ, vì tất cả tội lỗi chúng ta đã được tha thứ” (13).

Sự chết nói ở đây không phải là sự chết của thân thể, nhưng là sự chết tâm linh do phạm tội. Chết thân thể là khi hồn lìa khỏi xác; chết tâm linh là linh hồn bị tách rời khỏi Đức Chúa Trời và các ân huệ thiên thượng. Chết thân thể là thể xác mục rữa; chết tâm linh là linh hồn bị hủ bại và suy đồi. Như người chết thể xác không thể tự giúp mình bằng sức riêng, những người quen phạm tội cũng bất năng về đạo đức, dù có biết là xấu xa cũng không thể thoát ra khỏi thói quen tội lỗi. Tình trạng của những tấm lòng ô uế bị gọi là lòng chưa được cắt bì. Nhờ nghe đạo và tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời, chúng ta, những người đã chết trong tội lỗi, được làm cho sống lại bằng sự cất bỏ mặc cảm tội lỗi và phá huỷ quyền lực cùng sự cai trị của nó: “Vì tất cả tội lỗi của chúng ta đã được tha thứ.” Nhờ được tha thứ tội lỗi mà chúng ta được sống lại với Đấng Christ.

Để làm điều đó, bất cứ quyền lực nào chống nghịch chúng ta đều bị trừ diệt và huỷ bỏ. Phao-lô nói “Ngài huỷ bỏ tờ giấy nợ có các điều khoản bất lợi cho chúng ta, nghịch với chúng ta; Ngài loại bỏ nó, đem nó đóng đinh vào cây thập tự” (14). Các điều khoản bất lợi trong tờ giấy nợ ấy là sự trừng phạt tình trạng phạm tội của chúng ta, sự nguyền rủa của luật pháp chống lại chúng ta, đe doạ một sự huỷ diệt vĩnh viễn. Điều nầy được cất bỏ khi “Đấng Christ chuộc chúng ta ra khỏi sự rủa sả của luật pháp, Ngài trở nên Người bị nguyền rủa vì chúng ta” (Galati 3:13). Tất cả người nào ăn năn tội và tiếp nhận ơn cứu độ của Ngài, thì sự rủa sả đó bị đình chỉ và loại bỏ. Khi chúng ta nhớ lại cái chết đau thương của Đức Chúa Giêxu và nhìn thấy Ngài bị đóng đinh treo trên cây thập tự, chúng ta phải thấy tờ giấy nợ có các điều khoản nghịch lại chúng ta đã bị gỡ bỏ rồi.

Chẳng những sự nguyền rủa của luật pháp chống nghịch chúng ta, mà các quyền lực của thế giới tối tăm cũng chống nghịch chúng ta nữa. Nhưng Đức Chúa Giêxu đã vì chúng ta chiến thắng vinh quang trên các thế lực ma quỷ: “Ngài truất bỏ các chủ quyền và phó quyền, công khai bêu mặt chúng nó trong cuộc diễn hành chiến thắng của Ngài”(15). Đức Chúa Giêxu đã trả một giá cực cao để chuộc chúng ta ra khỏi sự trừng phạt công nghĩa của Đức Chúa Trời. Thế nhưng, đối với satan, tên đao phủ, thì Ngài giải thoát chúng ta khỏi tay hắn bằng quyền phép và thế thượng phong. Ngài “công khai bêu mặt chúng nó trong cuộc diễn hành chiến thắng của Ngài.” Ma quỷ và tất cả các chủ quyền cùng thế lực của âm phủ đã bị đánh bại và giải giới bởi sự chết của Đấng Cứu Chuộc. Cuộc diễn hành chiến thắng của Đấng đã chịu chết trên thập tự giá là để bêu mặt bại trận của chúng cho loài người và các thiên sứ cùng xem thấy và biết quyền năng của Ngài.

Mọi con cái Chúa đã được giải thoát rồi thì phải cẩn thận đừng để cho mình bị những người vẫn còn giữ luật pháp Do-thái-giáo xét đoán và dẫn dụ vào những điều kiêng cữ không cần thiết: “Đừng để ai xét đoán anh em về món ăn thức uống, về nghi lễ, ngày trăng mới, hay ngày sa-bát” (16). Các hình thức lễ nghi của giao ước cũ là hình bóng về Đấng Christ phải đến. Các lễ nghi đó tự chúng không có giá trị gì hết. Nay những hình thức lễ nghi đó đã bị đình chỉ, vì thực chất của các lễ nghi đó, là Đấng Christ, đã đến rồi, chúng ta không cần phải thực hiện chúng nữa (17). Nếu ai vẫn còn giữ các lễ nghi ấy, thì ngụ ý rằng Đấng Christ chưa đến, và Tin Mừng chưa bắt đầu.

Phaolô cũng cảnh giác tín hữu ở Côlôse cẩn thận về những người cổ suý sự thờ lạy các thiên sứ như những vị trung gian giữa loài người với Đức Chúa Trời, là những người nói rằng chúng ta không thể cầu nguyện trực tiếp với Đức Chúa Trời; như ngày nay vẫn còn có giáo hội dạy tín đồ nài xin các thánh cầu thay, cầu bầu cho mình, vì mình mang đầy tội lỗi không thể đến với Chúa: “Đừng để những người thích làm bộ khiêm tốn và những người thờ lạy thiên sứ, bảo là anh em không đáng được phần thưởng” (18a). Lối lý luận ấy chỉ thuần suy diễn theo ý riêng, không phải là sự mặc khải của Chúa: “Họ vẽ vời những điều họ cho là mình thấy, vô cớ lên mặt, vì họ suy nghĩ theo cách người đời” (18b). Những chỉ thị của bất cứ giáo hội nào trái ngược với các sự mặc khải của Kinh-thánh, dù của bất cứ nhân vật ở địa vị cao trọng nào truyền bảo do thấy thị tượng, cũng đều không có giá trị gì hết. Bởi vì Chúa không khải thị cho chỉ một người, mà cho nhiều người, phù hợp với chân lý Kinh-thánh, để xác nhận việc ấy đến từ Ngài (Công vụ 9:1–18).

Để giải đáp những thắc mắc mà những người đọc thư có thể nêu ra, vì họ là tín hữu của Hội  Thánh còn non trẻ, dễ bị bối rối khi thấy những người có vẻ rành rõi về Kinh thánh Cựu Ước lại bị lên án là sai lầm. Phaolô giải thích lý do tại sao có những người bị sa vào tình trạng như vậy là vì: “Họ không liên lạc với Đầu, là Đấng nuôi dưỡng và kết chặt tất cả các phần thân thể lại với nhau bởi các khớp và dây chằng, để thân thể được lớn lên nhờ sức tăng trưởng đến từ Đức Chúa Trời” (19). Đấng đã thiết lập Hội Thánh, là thân thể Ngài, làm Đầu, nuôi dưỡng và kết chặt nhiều thành phần của Hội Thánh lại với nhau trong một thân, đã mặc khải các huyền nhiệm về chương trình cứu chuộc của Ngài, thì chẳng bao giờ ban những khải tượng trái ngược nhau, chống lại sự hợp nhất của thân thể, và trái ngược với lời tuyên bố của chính Ngài: “Ta là đường đi, chân lý và nguồn sống. Nếu không qua Ta, không ai đến với Chúa Cha được” (Giăng 14:6).

Phaolô cảnh cáo những tín hữu của đạo nhưng đang tuân giữ luật pháp Môise: “Một khi anh em đã chết với Đấng Christ, được giải thoát khỏi các nguyên lý sơ đẳng của thế gian, sao anh em còn sống như người thế gian, còn giữ các điều cấm kỵ (như: ‘Chớ động đến, chớ nếm, chớ sờ,’ mà những vật bị cấm kỵ đó khi dùng là tiêu nát đi), theo những lệ luật và giáo lý của loài người” (20–22). Chết với Đấng Christ nghĩa là đã chết đối với sự tuân giữ luật pháp lễ nghi, thì tại sao còn vâng theo nó? Theo lễ nghi của luật pháp, thì tín đồ Do-thái-giáo không được sờ đến các món đã cúng cho thần tượng của ngoại giáo, vì sẽ bị lây ô uế; cũng không được nếm các loại thịt bị cấm, không được chạm đến xác người chết, vv. Sự áp dụng những cấm kỵ đó thường làm hư hỏng đức tin Cơ-đốc, vì chúng chỉ có giá trị theo các truyền thống và mệnh lệnh của loài người.

Các lệ luật, giáo lý đó–với những người thờ phượng theo ý mình, tỏ ra khiêm tốn, khổ hạnh –có vẻ khôn ngoan thật, nhưng không có giá trị kềm chế các dục vọng của xác thịt”(23). Việc pha trộn sự tuân giữ luật pháp Môise với Phúc-âm của Đấng Christ có vẻ rất khôn ngoan, vì hình như bảo đảm được sự cứu rỗi – theo tâm lý sai cái nầy thì trúng cái kia, đằng nào cũng được lợi. – Sự thật là hai đường lối đó chống nghịch nhau: Đấng Christ đã “đem thân mình tiêu trừ mối hận thù, bãi bỏ luật pháp dựa trên điều răn, lệ luật” (Êphêsô 2:15), thì Phúc-âm của đức tin không thể trộn lẫn sự tuân giữ điều răn lệ luật dựa trên nỗ lực của con người. Cơ-đốc-nhân đã được Đấng Christ giải thoát khỏi sự tuân giữ lễ nghi của luật pháp Môise, giải thoát khỏi cái ách chưa ai mang nổi.

Không ai trọn vẹn trong sự tuân giữ luật pháp lễ nghi, cho nên rất dễ vi phạm. Hơn nữa, việc đó mâu thuẫn với sự tự do của Phúc âm mang lại. Phaolô khuyên tín hữu ở Galati “Đấng Christ đã giải phóng chúng ta cho được tự do. Vậy hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (Galati 5:1). Sự áp đặt các lễ nghi đó là ý định vô hiệu hoá thẩm quyền của Đức Chúa Giêxu, Đấng làm Đầu Hội-thánh, vì muốn áp dụng điều mà chính Ngài đã bãi bỏ; vì thế, chỉ là vô dụng.

Colose05.docx

Rev. Dr. CTB