Phúc Âm Giăng, bài 17

Giăng 8:1–29

Trong khi ai cũng có nhà để về nghỉ đêm (7:53), thì Đức Chúa Giêxu lên núi Olive (1) hoặc là để nghỉ ngơi trong chòi lá của lễ Lều Tạm, hay cầu nguyện thâu đêm, hoặc vì không có ai mời Ngài tới ở nhà mình, hoặc Ngài khôn ngoan ra khỏi Giêrusalem để tránh xa nơi mà những kẻ thù ghét Ngài có thể lợi dụng bóng đêm để hãm hại, vv, thì không thấy Giăng nói đến lý do. Nhưng “Vừa rạng đông, Ngài đã trở lại đền thờ” (2). Dù hôm trước đó người Giu-đa tìm cách bắt bẻ từng lời Ngài nói, họ vẫn rủ nhau tới nghe Ngài dạy dỗ. Sức thu hút đám đông của Đức Chúa Giêxu vẫn mạnh mẽ, mặc dầu các ngày lễ đã qua rồi. Có 3 chi tiết đáng để ý: 1) Ngài khởi sự dạy dỗ lúc vừa rạng đông, có lẽ sau một đêm Ngài thức để cầu nguyện; 2) Ngài trở lại đền thờ, chẳng phải vì nơi đó thánh sạch, mà là nơi mọi người tụ tập trong tinh thần thờ phượng trang nghiêm; 3) Ngài ngồi xuống dạy dỗ trong tư thế của một người có thẩm quyền.

Mới ngày trước đó, những người Pharisi cáo buộc Đức Chúa Giêxu là kẻ lừa dối, hôm nay họ gọi Ngài là “Thầy” (4). Họ đem một phụ nữ bị bắt gặp phạm tội tà dâm đến để ép Ngài làm quan xử án (3), hầu cho họ có cớ cáo kiện Ngài (6): “Trong sách luật, Môise truyền cho chúng tôi phải ném đá một người đàn bà như thế. Còn Thầy nghĩ sao?” (5). Họ gọi Ngài bằng Thầy với hi vọng có thể gài bẫy Ngài, như thể giao cho Ngài toàn quyền phán xét; trong khi họ đã kết tội người ấy phải bị ném đá cho chết. Lời hỏi “Thầy nghĩ sao?” có ý là “nếu ông tự xưng ông là thầy giáo đến từ Đức Chúa Trời, ông có dám huỷ bỏ luật cũ, thiết lập luật mới chăng?” Nếu Đức Chúa Giêxu cũng đồng ý với lời kết án, họ sẽ bêu riếu Ngài là người nay nầy mai khác, vì trước đó Ngài vẫn giao du với phường thu thuế và đĩ điếm để cứu vớt họ; hoặc Ngài tự xưng là Đấng Mết-sai-a mà không nhân từ, thiếu lòng cứu độ, không biết giải phóng người bị cầm tù. Họ cũng có thể tố cáo với viên tổng trấn La-mã rằng Đức Chúa Giêxu đã lạm quyền xét xử, đồng tình với việc thi hành luật Giu-đa, tức là có âm mưu phản loạn chống lại quyền cai trị của người La-mã.

Nhưng nếu Đức Chúa Giêxu tha bổng, không kết án người phạm tội, là điều mà giới Pharisi tin rằng Ngài sẽ làm, thì họ sẽ cáo Ngài là kẻ thù của luật Môise, kẻ tìm cách làm đảo lộn trật tự xã hội, kẻ đến đến phá huỷ luật pháp và các nhà tiên tri. Họ cũng sẽ cáo rằng Ngài vì chuyên kết bạn với giới người tội lỗi, nên ưa thích, dung dưỡng, ưng thuận, và bảo vệ người phạm thứ tội ác như vậy. Như thế, không xứng đáng với tính cách thanh sạch của một tiên tri. – Cách Đức Chúa Giêxu phá cái bẫy của họ thật là độc đáo: “Nhưng Đức Chúa Giêxu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (6). Đây là chỗ duy nhất trong Kinh Tân-ước ký thuật Đức Chúa Giêxu viết. Không thể biết Ngài viết cái gì vì Giăng không ghi lại, nên xưa nay người ta đã đoán rất nhiều. Đa số đoán rằng Ngài viết ra các tội lỗi mà bọn người đang ép Ngài trả lời đã phạm. “Vì họ cứ hỏi mãi, Ngài nhìn lên, trả lời:’Trong các ông, ai vô tội, người đó hãy lấy đá ném người đàn bà trước tiên’” (7).

Ngài lại cúi xuống viết trên đất. Nghe lời ấy, họ bỏ đi, người trước kẻ sau, người lớn tuổi đi trước, để Ngài lại một mình. Còn người đàn bà vẫn đứng giữa nơi đó” (8–9). Đức Chúa Giêxu đã nêu gương về sự khôn ngoan không vội đưa ra lời đáp khi phải đối phó với trường hợp nan giải. Sự Ngài im lặng và viết xuống đất khiến những kẻ đứng chung quanh phải chú ý xem Ngài viết cái gì. Có lẽ họ thấy các tội họ đã phạm mà chưa ai biết bị lần lượt viết ra. Lời đáp của Đức Chúa Giêxu vô hiệu hoá cái bẫy. Ngài không phản đối luật Môise cũng chẳng biện hộ người phạm tội. Những người giăng bẫy lại bị chính cái bẫy ấy tóm lấy. Không một người sống nào được xem là vô tội trước mặt Đức Chúa Trời. Những kẻ lên án người phụ nữ tội nghiệp, có lẽ đã phạm chính tội ấy nhiều lần trong quá khứ. Vì không xứng đáng là người đầu tiên lấy đá ném người phụ nữ, nên tất cả những người có mặt, có lẽ đều là đàn ông, đã lần lượt bỏ đi.

Đức Chúa Giêxu nhìn lên, hỏi: ‘Chị kia, họ đi đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?’ Người đàn bà thưa: ‘Lạy Chúa, không ai cả!’ Đức Chúa Giêxu bảo: ‘Ta cũng không lên án chị đâu. Về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!” (10–11). Sự nhân từ và ơn tha thứ của Đức Chúa Giêxu vẫn bày tỏ ra Ngài mang thần tánh và tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong cách Ngài đối xử với những người biết mình có tội (Luca 7:37–38, 44–50). Và Ngài luôn ban cho chúng ta cơ hội: “Từ nay đừng phạm tội nữa,” trái ngược với tính khắt khe của người có tội nhưng không biết tha thứ.

Phần tiếp theo lại thấy đoàn người vây quanh nghe Đức Chúa Giêxu dạy dỗ. Ngài phán “Ta là Ánh sáng của thế giới, người nào theo Ta sẽ không đi trong bóng tối, nhưng có Ánh sáng của sự sống” (12). Lời tuyên bố nầy có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về bản chất soi sáng của Ngôi Lời đối với thế gian. Đức Chúa Giêxu Christ là mặc khải hình ảnh của Đức Chúa Trời vô hình, Đấng chứa đựng sự sáng (Đaniên 2:22), là Ánh sáng của mọi thứ ánh sáng, là Đấng khai sáng mọi dân tộc (Luca 2:31–32). Vì thế, lời tuyên bố “Ta là Ánh sáng của thế gian” nói về nhiệm vụ khai sáng của Ngài cho toàn thể loài người, không chỉ riêng cho người Giuđa. Kinh thánh báo trước Chúa Cứu Thế sẽ đến là “Mặt trời công nghĩa” của thế gian (Malachi 4:2). Chỉ cần ánh sáng của một mặt trời thì đủ cho người trần gian có thể thấy rõ mọi vật. Chỉ một mình Đức Chúa Giêxu Christ khai sáng là đủ, người ta không cần thêm gì nữa. Lời Đức Chúa Giêxu tự gọi mình là ánh sáng bày tỏ sự vinh diệu tột đỉnh trong chính Ngài và là nguồn sự sáng khai tâm mở trí cho người trần gian.

Tâm trí của người trần tục sẽ tăm tối biết bao nếu thiếu Đức Chúa Giêxu Christ, Đấng đem sự sáng khôn ngoan, hiểu biết đến cho nhân gian. Tin nhận Đức Chúa Giêxu không phải chỉ nhìn ngắm xem Ngài là đủ, mà phải theo ánh sáng của Ngài, tin cậy và đi theo sự chỉ dẫn soi sáng ấy. Vì thế, người nào theo Đức Chúa Giêxu sẽ “không đi trong bóng tối, nhưng có Ánh sáng của sự sống.” – Phái Pharisi vẫn bắt bẻ mọi lời nói của Đức Chúa Giêxu, cho rằng Ngài tự làm chứng về mình thì không đáng tin (13). Ngài không trả đũa dù Ngài có quyền ấy. Trước đây Giăng Baptist làm chứng Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời, nhưng nay bản chất của Ánh sáng là chứng cớ hiển lộ của Đấng làm nguồn sự sáng (14), đồng thời Đức Chúa Cha cũng làm chứng rằng Ngài là Ánh sáng (16,18). Đấng từ thiên đàng đến thì biết rõ nơi mình vốn ở khi trước và nơi mình sẽ tới. Không biết sự thật mà cứ xét đoán theo bề ngoài thì không khôn ngoan chút nào (15). Sự xét đoán của Đức Chúa Giêxu và Đức Chúa Cha bảo đảm là hoàn toàn chính xác (16–18).

Khi Đức Chúa Giêxu nói về Cha Ngài thì người Do-thái hiểu là Ngài nói về Đức Chúa Trời. Nhưng vì không chấp nhận lời Ngài tự xưng nên họ hoàn toàn không biết về Đức Chúa Cha (19). Đức Chúa Giêxu lại nói về sự ra đi của mình khiến người Do-thái càng bối rối (20–22). Người hạ giới chỉ thấy và quan tâm tới những gì họ thấy ở thế gian; họ sẽ chết trong tội lỗi họ vì không tin Đấng Đức Chúa Trời sai đến (23–24). Nghe Ngài nói từ thượng giới mà đến thì người Pharisi chột dạ: “Họ hỏi: ‘Vậy, Thầy là ai?’” (25). Lời đáp của Chúa là nhắc lại lời Ngài đã nói trước (7:28–29). Thành kiến và lòng cố chấp đã khiến cho những người Pharisi không hiểu Đức Chúa Giêxu đang nói về Đức Chúa Cha, mặc dù lời Ngài nói thật rõ ràng: “Ta có nhiều điều để nói và để xét đoán các ông, nhưng vì Đấng sai Ta là Chân lý, nên Ta chỉ cần truyền lại cho nhân thế những điều Ta nghe từ Ngài” (26–27).

Nói trước việc Ngài sẽ bị đóng đinh, Đức Chúa Giêxu nói: “Khi các ông treo Con Người lên, các ông sẽ biết Ta là Đấng Christ.” Rồi họ cũng sẽ biết Ngài “không tự ý làm việc gì, nhưng chỉ nói những điều Cha Ta đã dạy Ta” (28). Vì người Do-thái thời ấy chỉ được nhà cầm quyền La-mã cho phép xử tử bằng cách ném đá những người Do-thái nào vi phạm luật Môise, họ không được xử tử người phạm luật bằng hình phạt treo trên cây mộc hình hoặc đóng đinh trên thập tự giá. Do đó, họ không nghĩ đến việc đóng đinh Đức Chúa Giêxu trên cây thập tự, nên không hiểu ý Ngài nói gì khi Ngài tiết lộ sẽ bị treo lên. Họ vẫn chằm chằm muốn có cớ để ném đá Đức Chúa Giêxu.

Họ càng giận hơn khi Đức Chúa Giêxu thường xuyên giới thiệu về Đức Chúa Cha “Đấng sai Ta vẫn ở với Ta, không bỏ Ta một mình, vì Ta luôn luôn làm đẹp lòng Ngài” (29). Họ sẽ biết Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ sau khi Ngài phục sinh và thăng thiên, vì Đức Thánh Linh mà Ngài sẽ sai xuống làm chứng vai trò Chúa Cứu Thế của Ngài qua một Hội-thánh đầy quyền năng.

PhucAmGiang17.docx

Rev. Dr. CTB