Phúc Âm Giăng, bài 13
Giăng 4:28–54
Cản trở lớn nhất khiến nhiều người không tìm được hạnh phúc vĩnh cửu là vì không chịu tìm hiểu niềm tin khác với tôn giáo truyền thống của gia đình mình. Họ cứ tìm cách chứng minh cho tôn giáo do tổ tiên truyền lại là nhất thiên hạ. Ví dụ người theo Phật-giáo ngày nay bám lấy giả thuyết tiến hóa của Darwin ở thế kỷ 18, và giả thuyết Big Bang của Einstein vào đầu thế kỷ 20, để cố chứng minh cho thuyết vô ngã do ông Thích Ca dạy từ 2500 năm trước. Tới nay họ vẫn không thể chứng minh thuyết ấy là đúng hoặc hợp lý. Họ cũng gán cho ông Thích Ca thành tích về Big Bang và tiến hóa. Thật ra thuyết vô ngã và thuyết tiến hóa lý luận trái ngược nhau. Thuyết tiến hóa cho rằng vạn vật trong vũ trụ tự nhiên mà có. Thuyết vô ngã cho rằng vạn vật đều là ảo ảnh, không có thật; nghĩa là nhằm mục đích bác bỏ sự kiện Đấng Tối Cao đã dựng nên không gian, thời gian và muôn loài vạn vật trong vũ trụ. Khi phải so sánh giữa các huyền thoại của phật giáo với các sự kiện lịch sử của đời sống ông Thích-ca, sự thật càng tê tái ê chề hơn nữa.
Ngược lại, thiếu phụ Samari, dù chẳng có học thức gì, vẫn nói lên được một niềm ước vọng rất đúng rằng: Khi Chúa Cứu Thế đến từ trời, Ngài sẽ chỉ dạy cho biết mọi điều về cõi trời. Bà đã nhận ra rằng tín ngưỡng do tổ tiên truyền lại thường không rõ ràng. Khi biết Đấng mà bà vẫn trông mong là Người mình đang trò chuyện, bà vội vàng chạy đi thông báo tin mừng cho mọi người trong làng. Cách phản ứng và hành vi phục thiện của thiếu phụ Samari có đời tư xấu hổ trong chuyện tích nầy là điều đáng suy gẫm. Thứ nhất là bà không giấu giếm, sẵn sàng nói ra sự không biết rõ của bà về truyền thống tín ngưỡng của tổ tiên truyền lại. Thứ hai là bà nhanh chóng đi thông báo cho người trong làng mình về Chúa Cứu Thế mà bà đã có diễm phúc được gặp. Dù bị người ta khinh bỉ, bà không có thái độ trả thù mà sẵn sàng rao tin mừng.
Phân đoạn ngắn nầy trình bày hai tình thái diễn ra song hành. Một là người đàn bà Samari tất tả chạy vào làng loan báo cho mọi người biết chuyện vừa xảy ra cho mình (28-29). Hai là cảnh Đức Chúa Giêxu trò chuyện với các môn đồ Ngài (31–38). Trong làng, thiếu phụ Samari tường thuật chuyện mình gặp Đấng Christ. Ở ngoài làng, Đức Chúa Giêxu dạy các môn đồ về vấn đề truyền giáo. Lời chứng của người đàn bà có hiệu quả đến nỗi cả làng đều chạy ra để gặp Đức Chúa Giêxu (30). Mặc dù các môn đồ của Đức Chúa Giêxu đã được nghe Ngài dạy dỗ nhiều lần, nhưng khi Chúa nói theo nghĩa bóng, thì họ cứ hiểu theo nghĩa đen. Đức Chúa Giêxu muốn dạy các môn đồ Ngài tập luyện hiểu biết sự việc trong linh giới để thực hiện chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời, là Thần Tối Cao trong cả linh giới lẫn thế giới vật chất.
Những câu tiếp theo chứng minh cho điểm nầy: “Ta có thức ăn mà các con không biết… Đức Chúa Giêxu dạy: Thức ăn của Ta là thi hành ý muốn của Đấng sai Ta, và hoàn thành công việc Ngài” (32,34). Đức Chúa Giêxu luôn luôn hướng người trò chuyện với mình đến Đức Chúa Cha. Ngài cũng nhắc họ nhớ rằng sự sống của loài người không phải chỉ được bảo tồn bởi thực phẩm, nhưng còn là bởi lời nói sáng tạo của Đức Chúa Trời: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh, nhưng nhờ mọi lời phán ra từ miệng Đức Chúa Trời.” (Phục Truyền 8:3). Chúa chỉ cho các môn đồ Ngài thấy họ thường nhìn mọi việc theo cách nhìn của thế giới vật chất: “Các con nói: ‘Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt’ phải không? Nhưng Ta bảo các con: Hãy nhìn lên, xem khắp cánh đồng! Lúa đã chín vàng sẵn chờ gặt hái” (35). Khi Chúa nói về mùa gặt thì các môn đồ nghĩ đến cánh đồng lúa mì. Chúa bảo họ cần mở mắt tâm linh để thấy cánh đồng chín sẵn cho mùa gặt là các linh hồn đang khao khát chân lý.
Con cái Chúa trong Hội-thánh thường thờ ơ trong bổn phận rao truyền tin mừng cho những người quanh mình. Lý do mà chúng ta thường nêu ra là có vẻ họ chưa sẵn sàng, hoặc lý luận về tâm lý nầy nọ để thấy rằng việc trễ nải nầy không phải là lỗi của mình. Theo cái nhìn của các môn đồ Đức Chúa Giêxu thì người Samari không đáng được nhận tin mừng, hoặc họ là giống lai tạp ô uế chưa thể nghe tin mừng thánh khiết từ nước trời. Tâm lý của các môn đồ Chúa cũng giống như vô số trong chúng ta ngày nay thường chờ đợi đến khi mọi việc phải được thông suốt. Chúa nói rằng lý luận ấy là không nhìn thấy thực tế. Khi Ngài bảo họ hãy ngước mắt lên và nhìn thấy đồng ruộng đã vàng sẵn cho mùa gặt, có lẽ họ nhìn ra chẳng thấy ruộng đồng ở đâu, chỉ thấy một đám đông người Samari đang từ thành Sikha tiến ra gặp Đức Chúa Giêxu.
Điều Đức Chúa Giêxu dạy bảo chúng ta là hành động đúng mới là đáng kể. Chúng ta có thể có nhiều thứ ý niệm tuyệt vời, nhưng nếu các ý niệm ấy không áp dụng gì được cho thực tế; hoặc ôm ấp một lý tưởng cao đẹp, nhưng chẳng có hành động nào để thực hiện lý tưởng ấy, thì chỉ là vô ích. Người đàn bà Samari có cuộc sống riêng tư đáng xấu hổ đã chẳng có một thuyết lý gì về bổn phận rao tin mừng của nước Chúa. Nhưng bà hơn hẳn các môn đồ của Chúa lúc ấy vẫn còn vô dụng. Bà không cần được đào tạo gì hết. Bà chỉ hành động bằng cách nói lại mọi điều mình đã thấy và nghe. Tại sao cả thành Sikha đều chạy ra tìm Chúa? Chính nhờ thái độ có tính thuyết phục của người đàn bà Samari ấy.
Đức Chúa Giêxu đã dùng ẩn dụ mùa gặt để nói về những linh hồn đang khát khao chân lý. Thật vậy, mọi tấm lòng của những người hướng thiện đều có khát vọng được biết sự thật về cõi thế giới sau khi chết. Họ được Chúa ví như lúa đã chín sẵn cho mùa gặt. Chúng ta phải tìm cách giới thiệu cho họ biết những sự thật về tin mừng mà từ khi sinh ra họ chưa biết rõ: Ấy là không người nào trên trần gian có thể tự cứu mình khỏi sự hủy diệt ngày sau. Và Đấng Tạo Hoá vì quá yêu thương loài người, đã sẵn lòng nhập thể làm một người để có thể chịu thay hình phạt mà mọi người phải chịu. Nếu người có lòng hướng thiện hiểu được chân lý ấy, họ mới có thể biết ơn và tiếp nhận Đấng đã sẵn lòng cứu vớt họ. Đức Chúa Giêxu muốn môn đồ Ngài hãy vận dụng cái nhìn của thiên đàng để thấy những người Samari đang chạy đến với Ngài chính là cánh đồng đã chín sẵn cho mùa gặt. Chúng ta cũng hãy tìm những người đang khát khao tìm được ơn cứu độ.
“Thợ gặt lãnh tiền công, và thu hoạch mùa màng cho cõi sống vĩnh cửu để người gieo kẻ gặt đều cùng nhau vui mừng” (36). Mọi người đã tiếp nhận Chúa đều phải trở thành thợ gặt; nghĩa là biết rao truyền tin mừng về ơn cứu độ cho những người mình quen biết và gần gũi. Nếu chịu rao báo tin mừng, thì rất nhiều người sẽ vượt khỏi sự chết mà vào sự sống vĩnh cửu đầy hạnh phúc. Thái độ của những người Samari ở Sikha rất đáng ngạc nhiên. Họ xác nhận là họ tin Chúa chẳng còn phải vì lời chứng của người đàn bà gặp Chúa đầu tiên, mà vì đã gặp và nghe Ngài giảng dạy (42). “Nghe Ngài giảng dạy, lại có thêm nhiều người tin Chúa” (41). Ngày nay cũng vậy, nếu ai đã nếm biết Chúa bằng cách nghe Ngài qua lời Kinh-Thánh, sẽ biết chắc Ngài là Chúa Cứu Thế.
Chuyện tích kế tiếp về phép lạ chữa bệnh nhấn mạnh đến lòng tin (43–54). Dù là “nhà tiên tri chẳng được quê hương mình tôn trọng,” người Galilê ra tiếp đón Chúa vì họ có “chứng kiến mọi việc Ngài làm tại Giêrusalem trong kỳ lễ” (44–45). Vì lòng tin, một viên chức đến nài nỉ xin Ngài xuống thành Capenaum chữa bệnh cho con ông đang chờ chết (46–47). Đức Chúa Giêxu nói ra sự thật là “Nếu không nhìn thấy phép lạ và những việc diệu kỳ, các ông sẽ chẳng tin” (48). Sự thật ấy ngày nay vẫn đúng. Chúng ta cần được Chúa ban cho quyền phép để truyền giáo có hiệu quả cho một thế gian đang tuyệt vọng. Người ta vẫn nghĩ rằng phải có sự tiếp xúc trực tiếp để quyền phép được thể hiện (49), nhưng Chúa bày tỏ cho người ấy biết quyền phép ở trong Lời Ngài phán (50).
Có lẽ viên chức nầy vừa tin, vừa hi vọng, vừa hoang mang trên đường về; cho tới khi các tôi tớ của ông từ nhà chạy tìm chủ để báo tin bệnh tình con trai ông đã thuyên giảm và sẽ sống. Hãy hình dung nỗi vui mừng của ông ta và những diễn biến trong tâm tư của ông về đức tin nơi Chúa: “Người cha nhận biết đúng vào giờ đó Đức Chúa Giêxu bảo ông:‘Con ông sống.’ Ông và cả nhà đều tin” (53). Trăm nghe không bằng một thấy. Chính chúng ta phải kinh nghiệm quyền phép của Chúa một cách thực tế, để mình có thể rao giảng về Ngài với lòng tin quyết.
PhucAmGiang13.docx
Rev. Dr. CTB