Phúc Âm Giăng, bài 18

Giăng 8:30–59

GraceTruth

Nhiều người tin Đức Chúa Giêxu sau khi nghe Ngài giảng dạy (30). Thời ấy có nhiều người tìm thầy học đạo, nhưng chỉ những ai vâng giữ lời dạy của thầy mới trở thành môn đồ thật của thầy mình: “Nếu các con tiếp tục ở trong đạo của Ta, các con mới thật là môn đồ Ta. Các con sẽ biết chân lý và chân lý sẽ giải phóng các con” (31–32). Đức Chúa Giêxu hứa hai đặc quyền cho những môn đồ thật của mình: 1) Được biết mọi sự thật cần thiết và ích lợi cho người môn đồ, sẽ xác quyết niềm tin và biết rõ sự chắc chắn của các chân lý ấy. Hiện nay có biết bao tín hữu chân thành nhưng biết rất mù mờ về giáo lý của đạo; 2) Được sự thật giải thoát cho tự do, chân lý mà Đức Chúa Giêxu đem đến sẽ “rao sự tự do cho kẻ phu tù, người bị cầm tù được ra khỏi ngục” (Êsai 61:1). Sự xưng công chính giải thoát tín hữu khỏi mặc cảm tội lỗi, vì tội lỗi cầm giữ chúng ta trong ngục tù của sợ hãi tuyệt vọng và sự phán xét của Đức Chúa Trời. Sự thánh hoá giải thoát chúng ta khỏi ách trói buộc của sự hư hỏng, tức là được hoàn toàn tự do; vì tình trạng hư hỏng kềm kẹp chúng ta vào ách nô lệ, không thể tham dự vào sự phục vụ Chúa.

Chân lý của Tin Mừng cũng giải thoát chúng ta khỏi cái ách của luật lệ nghi lễ, và gánh nặng của truyền thống. Nó giải thoát cho ta được tự do khỏi những kẻ thù trong linh giới, tự do thực hiện những nhiệm vụ của con cái Đức Chúa Trời. Sự hiểu biết và tin chân lý sẽ giải thoát ta khỏi các thành kiến, lỗi lầm và các quan điểm sai lạc; chúng ta cũng được giải thoát khỏi ách cai trị của thói mê đắm những khát vọng của xác thịt. Như vậy chân lý của Chúa giúp chúng ta được hoàn toàn tự do. Vì khi tâm trí của loài người đầu phục chân lý của Đấng Christ trong ánh sáng và quyền năng của chân lý ấy, sẽ được mở rộng vô cùng, được nâng cao lên khỏi các cảm xúc tầm thường của xác thịt. Tâm trí được tự do nhất là tâm trí được hướng dẫn bởi đức tin hoạt động trong cõi thiêng liêng, khác hẳn với tâm trí chỉ hoạt động trong cõi trần thế tầm thường.

Người Pharisi không hiểu rằng họ bị làm nô lệ cho tội lỗi và nhiều thứ luật nghi lễ do chính họ đặt ra. Họ tưởng rằng Đức Chúa Giêxu liệt họ vào giai cấp nô lệ của thời ấy; cho nên họ hăng hái xưng mình là dòng dõi Áp-ra-ham (33). Lời đáp của Đức Chúa Giêxu phô bày một sự thật quá phũ phàng: “Ai phạm tội là nô lệ của tội lỗi” (34). Bởi vì ai phạm tội triền miên chẳng khác nào đã bán mình cho thứ tội ấy làm chủ mình. Thời ấy, nô lệ chỉ được vào nhà khi được gọi làm công việc, xong việc thì phải ra ngoài. Con của chủ, cũng là chủ, mới được ở luôn trong nhà; vì là chủ, con có quyền phóng thích nô lệ cho được tự do (35-36). Đức Chúa Giêxu công nhận những người Pharisi nầy có vinh dự là dòng dõi Áp-ra-ham về phần xác. Nhưng nếu họ hãnh diện về vinh dự ấy, lại là người phạm lỗi, thì mức độ trầm trọng của tội ấy càng gia tăng; vì trong lòng họ không có chỗ cho Lời của Đức Chúa Trời (37-38).

Là con cháu Áp-ra-ham thì phải bắt chước đời sống của Áp-ra-ham đã sống, tức là sống bởi đức tin và vâng lời Đức Chúa Trời; trong khi đó họ cứ chực chờ bắt lỗi từng lời nói của Con Đức Trời. “Áp-ra-ham không hề làm như vậy!” Cho nên, hành vi của họ chứng tỏ rằng họ không phải là con cháu của Áp-ra-ham, mà là dòng dõi của một thứ cha khác (39-41). Hành vi ác độc của họ là tìm cách giết một Người cũng có xác thịt như họ, trong khi người ấy chẳng làm gì hại cho họ; họ tỏ ra vô ơn đối với Người cho họ biết sự thật, xem Người ấy là kẻ thù; họ xảo quyệt toan tính hành vi chống nghịch Đấng Đức Chúa Trời sai đến, tức là chống lại Đức Chúa Trời. Không phải chỉ là toan tính vì cơn giận nhất thời, nhưng miệt mài trong các âm mưu gian trá tội lỗi ấy.

Nếu là con cái thật của Đức Chúa Trời thì phải biết lòng yêu thương của Ngài và hiểu ý định tốt lành của Ngài qua Đấng Thiên Sai của Ngài (42). Đức Chúa Giêxu cho biết rằng nguyên nhân họ không chịu hiểu những điều Ngài nói “chỉ vì các ông không thể nghe lời Ta. Các ông là con của quỷ nên chỉ muốn làm những điều cha mình thích” (43–44a). Những người mang tâm tính độc ác do thừa hưởng từ truyền thống gian ác của cha ông mình, thì không thể hiểu lời nói của Đấng Nhân-lành từ Cha Thiện-hảo đến. Dòng dõi của các thế hệ gian xảo không hiểu nổi tại sao người đạo đức cư xử khác với họ hoàn toàn. Lời phán của Đức Chúa Giêxu về satan là tiết lộ rõ nhất từ thiên đàng về bản chất ác độc và dối trá của vị nầy (44). Vì cũng mang bản chất dối trá của satan, nên giới người Pharisi không thể tin lời nói thật của Đức Chúa Giêxu (45).

Không thể vạch tội hay chứng minh được Đức Chúa Giêxu có nói lời gì hay làm điều gì sai, người Pharisi vẫn không chịu tin lời Ngài và không chịu nghe lời Đức Chúa Trời, nên họ không thuộc về Đức Chúa Trời (46–47). Không có cách biện luận nào khác, người Giu-đa thường mắng người mình tranh luận là “người Samari, và bị quỷ ám” (48), tức là kẻ thù của dân tộc và tôn giáo họ. Đức Chúa Giêxu không trả lời về ‘người Samari,’ vì họ đã rõ Ngài là ai; nhưng Ngài phải trả lời cáo buộc ‘bị quỷ ám,‘ vì nhiệm vụ của Ngài là tôn kính Cha, không tìm vinh quang cho mình (49-50). Bọn Pharisi càng bối rối về câu nói “Nếu ai vâng giữ lời Ta, sẽ chẳng hề chết” (51–53); họ chưa hiểu gì về sự sống đời đời. Ai “tự tôn vinh thì chẳng có gì là vinh quang cả,” chỉ Đức Chúa Trời tôn vinh mới đáng kể (54). Đức Chúa Giêxu phải nói rõ ngưồn gốc của Ngài, nhưng họ vẫn chưa hiểu nổi việc Áp-ra-ham vui mừng thấy ngày Ngài đến thế gian (55–57).

Trong câu: “Thật, Ta nói thật với các ông: Trước khi có Ápraham, Ta Hằng Hữu” (58), Đức Chúa Giêxu nhắc lại danh xưng ‘Ta Là‘ (I AM WHO I AM) của Đức Chúa Trời [lúc Môise xin Ngài cho biết danh hiệu của Ngài, thì Ngài xưng Ngài là Đấng Hằng Hữu (Xuất Ai-cập 3:13–14)]. Chúng ta cần phải biết rõ ý nghĩa của danh xưng ‘Ta Là’: Trước mặt Đức Chúa Trời không có thời gian như thế giới vẫn có. Hằng hữu có nghĩa là không có khởi đầu cũng không có kết thúc. Đức Chúa Giêxu là trí tuệ, sự khôn ngoan và lời nói của Đức Chúa Trời, và là Đức Chúa Trời, cho nên Ngài hằng hữu. “Ta Là” có nghĩa Đức Chúa Trời luôn luôn hiện hữu. Ngài hiện hữu bên ngoài cõi thời gian và không gian mà Ngài đã sáng tạo. Loài người chúng ta chưa thể hiểu nổi thế nào là ở bên ngoài cõi không gian và thời gian, vì chúng ta đang hiện hữu ở bên trong cõi ấy. Khi về chỗ của Đấng Tạo Hoá, chúng ta sẽ biết. Người Giu-đa không thể bắt Đức Toàn Năng (59).

Danh xưng Đấng Ta Là nói về tích cách mầu nhiệm của bản thể Đức Chúa Trời trong cách Ngài đối xử với chúng ta, gọi là ân điển, ân sủng, hay ân huệ. Ân điển không phải là ơn phước hay ảnh hưởng nào mà chúng ta nhận được từ Chúa. Nó là một đức tính của Chúa chi phối cách Ngài đối xử với loài người. Có thể định nghĩa ‘ân điển‘ là “tình yêu và ân huệ vô điều kiện của Đức Chúa Trời.” Tinh tuý của ‘ân điển’ là sự ban cho vô điều kiện. Nếu chúng ta phải làm một việc chi đó, hoặc phải có một cảm nghĩ, một đức tính nào đó để xứng đáng được Chúa ban ơn, thì ơn ấy không còn là ‘ân điển.’ Bản chất của ‘ân điển’ là nó bị lôi cuốn đến nơi nào có nhu cầu để làm thoả mãn các nhu cầu; giống như nước chảy đến chỗ trũng vì trọng lực để làm đầy nơi đó. Nếu chúng ta nhìn nhận tình trạng tội lỗi cực độ của mình, lòng hoàn toàn đau đớn ngửa trông ơn thương xót của Đức Chúa Trời, thì ‘ân điển’ của Đức Chúa Trời sẽ tự động tràn đến những tấm lòng trống không đó. “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu …” (Êphêsô 2:8).

Danh xưng “Ta Là” của Chúa có nghĩa là Ngài sẵn lòng thoả mãn mọi nhu cầu của con dân Ngài. Chúng ta cần sự bình an phải không? Ngài phán: “Ta Là sự bình an (Jehovah Shalom) của con!” Cần các nhu cầu của đời sống? Ta Là Đấng chu cấp (Jehovah Jireh) cho con. Cần sự chữa bệnh? Ta Là Đấng chữa lành (Jehovah Rophe) cho con. Chúng ta cần bất cứ điều gì thì Ngài điều đó cho chúng ta, miễn là chúng ta đem tấm lòng trống không, được huyết của Đức Chúa Giê -xu tẩy sạch, đến với Ngài mà không cậy một chút công lao nào. Bởi vì Ngài đã đến thế gian làm người để có thể tuyên bố Ta Là Đấng Cứu Chuộc ngươi (Jehovah Shua=Giêxu), hầu cho ân điển của Đấng Ta Là cứ mãi mãi tuôn tràn đến nơi có nhu cầu của mọi con cái Ngài. Đức Chúa Giêxu LÀ Bánh hằng sống, Nguồn nước sự sống, Ánh sáng của thế gian, Đấng chăn chiên hiền lành, Đấng Cứu-chuộc, và vô số danh xưng nữa, vì Ngài là Chúa Hằng Hữu.

PhucAmGiang18.docx

Rev. Dr. CTB