Phúc Âm Giăng, bài 25

Giăng 13:1–11

Mục sư A.A. Allen có lần phát biểu như sau: “Trước khi một người có thể bước đi như Đức Chúa Giêxu đã đi, nói như Ngài đã nói,… người đó phải bắt đầu suy nghĩ như Ngài đã suy nghĩ.” Đức Chúa Giêxu Christ đã dạy dỗ và để lại các gương sáng có một không hai trong lịch sử loài người. Trước khi có thể học gương phục vụ của Đức Chúa Giêxu, chúng ta phải tìm hiểu Ngài đã suy nghĩ như thế nào khi Ngài rửa chân cho các môn đồ của Ngài. Trước hết, “Ngài biết sắp đến giờ Ngài bỏ thế gian để về với Đức Chúa Cha” và “Ngài yêu thương những người thuộc về Ngài … cho đến cuối cùng” (1). Qua câu “Đức Chúa Giêxu biết rõ Chúa Cha đã trao mọi sự trong tay Ngài, biết Ngài từ Đức Chúa Trời đến, và sắp về với Đức Chúa Trời” (3), Ngài biết ba điều: 1. Cha đã trao hết mọi quyền bính cho Ngài, 2. Ngài từ Đức Chúa Trời đến, 3. Ngài sẽ về với Đức Chúa Trời. Giuđa Íchcariốt lại có ý định phản Chúa. Ý định ấy chỉ có thể đến từ quỷ (2).

1. Đức Chúa Giêxu biết Cha đã trao tất cả quyền phép trên trời dưới đất cho Ngài. Đức Chúa Giê-xu BIẾT chắc Cha đã đặt mọi sự trong tay mình, cho nên việc Ngài rửa chân cho người khác, là phận sự thấp kém nhất theo phong tục Dothái, cũng không làm Ngài trở nên thấp kém. Khi còn sống ở thế gian, Ngài có vẻ như rất nghèo, bị giáo quyền Do-thái giáo và người Giuđa săn đuổi như tội phạm. Nhưng sau hơn 2000 năm, ảnh hưởng của Ngài trên nhân gian thật là vĩ đại. Dù người ngoại đạo không ưa gì Ngài, họ đã phải công nhận rằng chẳng ai sánh được ảnh hưởng của Ngài trên nhân loại. Địa vị công dân thiên đàng của chúng ta trong Đức Chúa Giêxu Christ cũng phải bắt chước Chúa của mình. Chúng ta sẵn sàng phục vụ vì biết địa vị cao trọng của chúng ta. Hơn nữa Chúa dạy rằng hãy làm theo gương Ngài đã làm (13–17), và ai tiếp người phục vụ Ngài là đã tiếp Ngài (20).

2. Đức Chúa Giêxu Christ biết Ngài từ Đức Chúa Trời đến. Đời sống của Chúa trên đất là một đời chuyên-tâm hoàn thành thánh vụ, vì Ngài biết có Đức Chúa Cha hậu thuẫn. Được Cha sai đi nghĩa là có quyền phép của Cha theo sau. Chúng ta cũng có cùng một sự hậu thuẫn như vậy, vì chúng ta cũng được Đức Chúa Giê-xu sai đi ‘Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các ngươi thể ấy’ (Giăng 20:21). Mỗi tín hữu đều được Chúa giao cho một hay vài nhiệm vụ nào đó. Chúng ta nên an tâm thực hiện nhiệm vụ nào được Chúa giao cho mình, vì nếu chúng ta hoạt động bằng tinh thần vâng lời Đức Thánh Linh, thì quyền phép thiên đàng sẽ hậu thuẫn để chúng ta có thể làm những việc phi thường. Một người có vốn lớn sẽ dám đầu tư vào những việc lớn. Tín đồ thật của Chúa sẽ nắm chặt mục đích nào đáng làm hết sức mình, đáng để hi sinh, và đáng đầu tư trọn thì giờ và công sức. Thiếu khải tượng nầy, chúng ta sẽ bị suy đồi bởi lối sống ích kỷ.

Kinh-thánh chép rằng “Đâu thiếu sự mặc thị, dân sự bèn phóng tứ.” (Châm 29:18). Nếu ai thắc mắc: Tại sao tôi phải phục vụ anh em? Tại sao dâng hiến tiền bạc? Tại sao tình nguyện đi sớm về trễ? Thì chắc rằng người đó chưa nhận được sự khải thị từ Chúa để biết ý muốn Ngài. Chúng ta sẵn sàng làm mọi việc nầy khi có khải tượng rằng mình đang làm điều đẹp lòng Chúa: “Vua sẽ trả lời rằng: quả thật Ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em Ta, ấy là đã làm cho chính mình Ta vậy” (Mathiơ 25:40).

3. Đức Chúa Giêxu Christ biết nơi Ngài sẽ trở về là thiên đàng, nơi Ngài làm Đấng Chủ Tể cao hơn mọi quyền và mọi danh. Chúng ta đừng để những lo lắng của đời sống che khuất địa vị của mình và thực tế về nơi chúng ta sẽ đến sau khi qua khỏi đời nầy. Nơi đó có những gì và con dân thiên đàng sẽ được những gì? Sách Khải-huyền mô tả cảnh tượng vinh quang quanh Ngôi Đức Chúa Trời ở thiên đàng. Ở đó chẳng ai muốn tường trình rằng mình không làm nên tích sự gì lúc ở trần gian. Nhưng để có một bản tường trình tốt nhất thì phải hầu việc Chúa hết sức mình. Hãy biết rằng phần thưởng trên trời không dựa trên tầm cỡ công việc mình làm nhưng căn cứ trên thái độ phục vụ. “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi ơi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (1Côrinhtô 15:58). Phục vụ thì không khó, nhưng giữ tinh thần phục vụ lâu bền thì không phải dễ. Nếu người phục vụ biết mình sẽ chẳng được gì hết sau khi xong công tác, không bao lâu sẽ chán việc phục vụ. Nhưng chúng ta biết rõ địa vị của mình là: hiện nay đầy ơn phước và tương lai vinh quang vô cùng!

“… Đức Chúa Giêxu biết sắp đến giờ Ngài bỏ thế gian để về với Chúa Cha; Ngài đã yêu thương những người thuộc về Ngài ở thế gian, Ngài vẫn yêu họ cho đến cuối cùng.” Biết phải lìa thế gian có nghĩa là biết mình sẽ phải chịu nhục nhã, thương khó, đau đớn, sẽ gánh hết tội lỗi của cả thế gian, và sẽ bị giết chết. Nhưng lòng yêu thương là động lực thúc đẩy mọi hành động của Ngài. Đức Chúa Giêxu đã bày tỏ tình yêu thương vô cùng của Ngài dành cho các môn đồ mình bằng cách rửa chân cho họ. Yêu thương là chìa khóa dẫn tới mọi quyền phép thiên đàng. Nó vừa là động lực thúc đẩy chúng ta vui vẻ phục vụ Chúa và phục vụ người không đáng được phục vụ, vừa là ống dẫn cho mọi quyền phép thiên đàng tuôn tràn qua chúng ta. Đức Chúa Giê-xu Christ đã hứa “Nếu các con vâng giữ điều răn Ta, các con sẽ tiếp tục ở trong tình yêu Ta, cũng như Ta vâng giữ điều răn của Cha Ta và ở trong tình yêu Ngài” (Giăng 15:10).

Nhờ được ở luôn trong sự yêu thương của Đức Chúa Cha, nên Ngài thi hành quyền phép chi cũng được. Chúng ta cũng sẽ được như thế khi luôn được ở trong sự yêu thương Ngài. Và điều răn của Chúa là yêu thương người khác như đã được Chúa yêu. Nhưng làm sao tôi có thể thương nổi những con người xấu xa, gian ác, xảo quyệt, ích kỷ, bội bạc ấy để có thể phục vụ họ được? Không có Đức Thánh Linh hiện diện trong tôi, thì tôi không thể yêu thương tội nhân. Tình yêu của Chúa không phải là yêu thương tổng quát, nhưng là tình yêu cho từng cá nhân. Nếu Chúa phải chịu chết một lần nữa để cứu ai đó, chắc chắn Ngài sẵn lòng trả cái giá ấy một lần nữa. Nếu chúng ta biết bắt chước Đức Chúa Giêxu xem linh hồn của người mà mình sẽ phục vụ là quý báu, thì chúng ta có thể hăng hái phục vụ và không nao sờn.

Hành động rửa chân cho các môn đồ của Đức Chúa Giêxu là độc nhất vô nhị. Rửa chân cho khách là bổn phận của người nô lệ thấp kém nhất vào thời ấy. Chẳng những rửa mà còn lau chân môn đồ cho khô (4–5). Cổi áo ngoài không có nghĩa là ở trần vì còn một lớp áo trong (12). Simôn Phierơ không muốn Thầy rửa chân cho mình, nhưng Đức Chúa Giêxu trả lời: “Bây giờ con chưa hiểu việc Ta làm, nhưng rồi con sẽ hiểu” (6–7). Đức Chúa Giêxu dùng gương mẫu phục vụ trong vai trò thấp kém để dạy chúng ta về một thứ vũ khí vô địch, đó là chiếc khăn lau của lòng khiêm nhường. Kẻ thù của chúng ta trong linh giới không thể chống trả nổi loại vũ khí vô cùng lợi hại nầy. Đức Chúa Giêxu đã khiêm nhường hạ mình, nên Ngài được Đức Chúa Trời đưa lên tột đỉnh (Philíp 2:9–11). Ngài đã làm gương để mọi con dân Ngài làm theo và đánh bại kẻ thù của linh hồn.

Tuy Chúa đã nói, Phierơ vẫn không muốn Thầy hạ mình như vậy. Đức Chúa Giêxu phải giải thích: “Nếu Ta không rửa, con chẳng có phần gì với Ta cả” (8). Nghĩa là nếu học trò không vâng theo ý muốn của thầy trong chuyện nhỏ mọn, chứng tỏ mình khôn hơn thầy, thì không đáng được làm môn đồ của thầy. Một ý nghĩa nữa là: nếu con không để Ta rửa sạch linh hồn con khỏi sự ô nhiễm của tội lỗi, thì con không thể hiệp thông với Ta, chẳng nhận được lợi ích gì từ nơi Ta. Như vậy, ngày nay những ai có đời sống được Đấng Christ rửa sạch thì sẽ có phần với Ngài, thuộc về Ngài, là điều vô cùng cần thiết. Phierơ sợ mất phần nên muốn rửa cả chân tay lẫn đầu. Chúa nói rằng: “Ai đã tắm chỉ cần rửa chân là toàn thân sạch sẽ” (9–10). Tắm là việc tẩy sạch tâm linh lúc tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa, chỉ cần một lần là đủ. Rửa chân là làm sạch khỏi sự ô nhiễm của tội lỗi mà chúng ta vướng phải trong cuộc sống mỗi ngày, và phải làm nhiều lần trong đời.

“Các con đã được sạch” (11) [nhờ lời Ta dạy bảo (15:3)]. Nhưng thứ lòng phản bội Thầy như Giuđa Íchcariốt, thì chẳng khi nào được sạch, vì vậy “không phải tất cả đều sạch.”

PhucAmGiang25.docx

Rev. Dr. CTB