Phúc Âm Giăng, bài 23

Giăng 12:1–26

Đây là tuần lễ cuối cùng của Đức Chúa Giêxu trên đất trước khi Ngài chịu thương khó; và lễ Vượt-qua đang tới gần sau khi Ngài khiến La-xa-rơ sống lại từ cõi chết (1-2). Chuyện người đàn bà xức dầu thơm cho Đức Chúa Giêxu được chép ở cả 4 sách phúc âm (Mathiơ 26:6–13; Mác 14:3–9; Luca 7:36–50; Giăng 12:3–8). Luca và Giăng kể chuyện người ấy cũng dùng tóc mình lau chân Ngài. Hành động của người kính mến Đức Chúa Giêxu Christ đã được lưu truyền qua mọi thế hệ như lời Chúa phán: “Thật, Ta bảo các con, trên khắp thế giới, tại những nơi Tin Lành được truyền giảng, việc chị làm cũng sẽ được kể lại để tưởng nhớ chị” (Mác 14:9). Ở đây Giăng xác định người ấy là Mari, em của Laxarơ (3). Vài nhà thần học tin rằng Mari Mađơlen, người đã được Đức Chúa Giêxu cứu khỏi 7 quỷ dữ (Mác 16:9; Luca 8:2) với Mari nầy chỉ là một người. Dù là Mari nào, thì hành động nầy là sự bày tỏ lòng kính mến chân thật đối với Chúa. Mari sẵn lòng trút hết lên chân Chúa món quà quý báu nhất mà mình đã dành dụm bao năm.

Thời nào cũng có giới người tham tiền và giả hình (4–6). Đức Chúa Giêxu dù biết rõ Giuđa là tay trộm cắp mà Ngài vẫn giao cho giữ túi tiền do các nữ môn đồ của Ngài đóng góp (Luca 8:2–3), là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ về sự nhân từ của Ngài và những cơ hội mà Ngài luôn luôn tạo ra cho người có tội ăn năn. Những tên bất lương ở thời đại bây giờ cũng mượn danh nghĩa từ thiện hoặc tôn giáo để trục lợi; vậy hãy tìm hiểu cẩn thận trước khi đóng góp vào các quỹ cứu tế từ thiện. Hành động kính mến của Mari được Đức Chúa Giêxu chấp nhận (7). Ngài vạch trần tâm địa của Giuđa Íchcariốt rằng: Có rất nhiều cơ hội để bày tỏ lòng từ thiện, nhưng cơ hội để biểu lộ lòng kính mến Ngài, lúc Ngài đang ở cạnh bên, thì không có nhiều (8).

Vì Đức Chúa Giêxu đang là đề tài bàn tán của mọi người lúc bấy giờ (11:55–56), tin tức Ngài đi đến đâu cũng lan rất nhanh. Nhất là phép lạ gọi người chết sống lại cũng khiến vô số người tò mò tới xem La-xa-rơ nữa (9). Những người thù ghét Chúa định giết luôn cả La-xa-rơ để xoá bằng chứng phép lạ mà Ngài đã làm để giảm bớt sự thất bại của họ (10–11).

Sự kiện Đức Chúa Giêxu công khai vào thành Giêrusalem lần nầy được dân chúng tiếp đón trong huy hoàng (12–15) làm ứng nghiệm lời tiên tri về Ngài trong Cựu-ước (Xachari 9:9), và được ghi lại trong mọi sách Phúc-âm. Sự tiếp đón nầy do đoàn dân tự phát (13) vì trước đó không lâu họ đã chứng kiến Đức Chúa Giêxu gọi La-xa-rơ sống lại từ cõi chết (12:16–18); còn người Giu-đa ở xứ Galilê lên Giêrusalem lần nầy để dự lễ Vượt-qua cũng đã có ý muốn tôn Ngài lên làm Vua sau khi được Ngài làm phép lạ cho ăn bánh no nê (6:9–15). “Hô-sa-na” nghĩa là ‘Xin hãy cứu‘ (Thi-thiên 118:25), còn ‘Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến‘ thì trích ở (Thi-thiên 118:26). Ngày nay, khi các bài hát dùng chữ ‘Hô-sa-na’ để tung hô, thì có nghĩa là ‘hoan hô.’

Có nhiều việc xảy ra mà chúng ta không hiểu, nhưng về sau mới hiểu ý định khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong các việc trước đây chúng ta thắc mắc. Qua các phép lạ Đức Chúa Giêxu đã làm là hoá bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn ở xứ Ga-li-lê, rồi gọi La-xa-rơ từ cõi chết sống lại, và các phép lạ chữa lành tật bệnh, đều là những công tác chuẩn bị cho cuộc đi vào thành Giêrusalem lần nầy của Ngài trong vinh quang trước khi Ngài sẽ phải chịu bị đóng đinh trên thập tự giá để hoàn tất công tác cứu chuộc nhân loại. Nếu Đức Chúa Giêxu không làm những phép lạ kinh khủng ấy, thì người Giu-đa chẳng có lý do nào để tung hô, tiếp đón Ngài một cách đầy vinh dự như thế “Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!” Không danh hiệu nào của người ta được tôn trọng và vinh dự hơn danh xưng “Đấng nhân danh Chúa mà đến.” Các môn đồ của Chúa lúc ấy vẫn chưa hiểu và chưa nhớ lại những lời Kinh-thánh chép về Ngài được ứng nghiệm (16–18).

Thấy cuộc tiếp rước huy hoàng của nhân dân dành cho Đức Chúa Giêxu, phái Pha-ri-si càng thù ghét Ngài (19). Từ ngày Đức Chúa Giêxu thi hành thánh vụ, đây là chỗ đầu tiên Tân ước ghi chép chi tiết về người ngoại bang ngoài xứ thánh muốn được ra mắt Ngài (20–22). Muốn gặp nghĩa là muốn có cơ hội quen biết, trò chuyện riêng với Đức Chúa Giêxu. Những người Hy-lạp phải tới nhờ cậy Phi-líp là môn đồ của Chúa, để qua ông họ được tiếp xúc với Ngài. Ngày nay cũng vậy, nếu chúng ta chứng tỏ được cho người chung quanh thấy mình thật sự có nếp sống gần gũi với Chúa, thì nhờ sự quen biết thân mật với Chúa của chúng ta mà người chưa biết Chúa sẽ qua sự giới thiệu của chúng ta mà biết Ngài và nhận được ơn cứu độ của Ngài. Lời Đức Chúa Giêxu phán: “Giờ Con Người được hiển vinh đã đến” (23), có nghĩa là đã đến lúc không phải chỉ có dân Israel biết về Ngài, nhưng mọi dân ngoại cũng sẽ nhờ Ngài mà được cứu, để danh Đức Chúa Giêxu được tôn quý và vinh quang trên khắp trái đất.

Đức Chúa Giêxu dùng ví dụ hột lúa mì phải chết sau khi gieo xuống đất là nói về chính cái chết của Ngài: “Thật,Ta nói thật với các con, nếu hạt lúa mì kia không được gieo xuống đất và chết đi, nó là một hạt lẻ loi. Nhưng nếu chết đi, nó sinh ra nhiều hạt khác” (24). Những người Hy-lạp muốn được quen biết Đức Chúa Giêxu chắc không phải chỉ là quen biết, mà còn mong mỏi được nghe, được ích lợi chi đó từ một Đấng có thể làm nhiều phép lạ. Vì họ được nghe Đức Chúa Giêxu phán dạy những lời nầy và không hiểu vào lúc đó, nhưng sau nầy họ sẽ hiểu. Đấng bất tử đã phải tuân theo luật sự chết của trần gian để làm hột giống sống lại tươi tốt và lớn mạnh; cho nên Đấng Christ đã chịu chết để thu góp về cho mình nhiều tỉ linh hồn được cứu, và Ngài đã trở thành cái rễ của họ, giống như hột lúa mì sau khi chết đi thì mọc thành cây lúa mang vô số hột lúa mì mới, còn hột giống đã gieo trở thành rễ của cây lúa.

Lời dạy: “Ai quý chuộng mạng sống mình, sẽ mất nó” (25), có phần mâu thuẫn với cách hiểu của người đời; nhưng nó là thực tế của thiên đàng. Những người yêu mến sự sống thể xác và cố nắm giữ nó để thường là để thoả mãn những khát vọng của nhục thể. Thực tế ở đời cho thấy những người có lối sống trác táng thường chết trẻ, làm mất chính sự sống mà mình rất yêu quý, đồng thời mất luôn sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc vô bờ có thật kèm theo sự sống vĩnh cửu ấy trong thế giới tương lai. Người yêu sự sống thể xác và sẵn sàng chối bỏ đức tin vào Đấng đã cứu chuộc mình khi đứng trước sự đe doạ, thì cũng sẽ bị mất tất cả giống như giới người trước vậy. Nhưng “ai ghét bỏ tính mạng trong đời nầy, sẽ bảo toàn nó trong cuộc sống vĩnh cửu.” Nghĩa là ý thức được rằng sự hưởng thụ về giàu có của cải, danh vọng, khoái lạc xác thịt, cũng như sự trường thọ để hưởng những thứ đó, chỉ là tạm thời và không đem đến hạnh phúc.

Ai phục vụ Ta, phải theo Ta” (26). Người thời nay có các quan điểm khác nhau về sự phục vụ Chúa. Nhưng gương mẫu của Kinh-thánh về sự phục vụ là theo đúng nghĩa đen. Sứ đồ Phaolô đã nêu gương sáng về việc hết lòng phục vụ Chúa (2Côrinhtô 11:23–29). Đức Chúa Giêxu đã đi con đường hi-sinh, nên theo Chúa nghĩa là làm theo gương, phương pháp và sự chỉ dẫn của Ngài, làm mọi điều theo những gì Chúa dạy. Ngày nay nhiều người sáng chế và quảng bá các phương pháp truyền giáo khác với cách thức Đức Chúa Giêxu và những môn đồ Ngài thời Hội-thánh sơ lập đã làm, họ sáng chế phương pháp theo ý họ cho là giỏi và hiệu quả hơn Chúa. Người khác thì cứ đợi chờ Đức Thánh Linh thăm viếng làm cho Hội-thánh phấn hưng, hàng trăm ngàn người sẽ tràn tới nhà thờ tiếp nhận Chúa; Hội-thánh sẽ có một mùa gặt tưng bừng, chứ không cần chuẩn bị dạy dỗ cho tín hữu biết cách môn đồ hoá người mới tin gì hết.

Ta ở đâu, người phục vụ Ta cũng ở đó” Nếu Đức Chúa Giêxu ở thiên đàng thì ai theo Ngài cũng sẽ ở thiên đàng. Ngài dẫn đi nơi gian khổ, thì người nào muốn phục vụ Ngài cũng sẵn sàng chịu gian khổ. Sự vâng lời và sẵn sàng đi theo Chúa sẽ đem tới một lợi ích rất quý báu: Chúa biết chắc Ngài sẽ về nơi Ngài vốn ở khi trước, nên Ngài ban lời hứa vô cùng hạnh phúc: “Ai phục vụ Ta, sẽ được Chúa Cha quý trọng.” Không gì sung sướng và hãnh diện hơn được Đức Chúa Cha tôn trọng. Sự phục vụ Đức Chúa Giêxu Christ yêu quý của chúng ta chẳng bao giờ là vô ích cả.

PhucAmGiang23.docx

Rev. Dr. CTB